Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

MỘT SỐ GIẢI PHÁP GÓP PHẦN NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG DẠY HỌC MÔN GIÁO DỤC CÔNG DÂN CHO HỌC SINH TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

Tác giả: ThS. Đào Thị Thúy - Đăng ngày: .

Giáo dục Công dân là môn học có vai trò hết sức quan trọng trong trường Trung học phổ thông, có nhiệm vụ góp phần đào tạo học sinh thành những người lao động mới, hình thành ở họ những phẩm chất tốt đẹp của người công dân tương lai. Vì vậy, để nâng cao chất lượng môn học, giáo viên phải không ngừng đổi mới về cách thức thiết kế giáo án, lựa chọn phương tiện, thiết bị dạy học phù hợp và luôn biết kết hợp các phương pháp dạy học truyền thống với phương pháp dạy học hiện đại một cách linh hoạt, có hiệu quả nhằm rèn luyện và phát triển kỹ năng cho học sinh, giúp các em biết vận dụng tri thức lí thuyết để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống.

  1. Đổi mới cách thiết kế bài giảng (soạn giáo án)

Giáo án là công cụ làm việc quan trọng trên lớp của giáo viên, là bản thiết kế chi tiết các công việc sẽ diễn ra giữa giáo viên và học sinh ở trên lớp trong thời gian một tiết học, giáo án cũng là văn bản thể hiện một cách cụ thể những điều suy nghĩ, những dự định của giáo viên khi chuẩn bị bài lên lớp [3]. Trước khi soạn giáo án, giáo viên cần chuẩn bị đầy đủ các phương tiện, thiết bị như sách giáo khoa, sách giáo viên, chuẩn kiến thức kỹ năng thái độ và các tài liệu tham khảo khác có nội dung liên quan đến bài học. Với xu thế dạy học tích cực hiện nay, việc soạn giáo án phải được tiến hành theo hướng đổi mới thay thế kiểu soạn giáo án truyền thống trước đây. Nếu giáo án truyền thống được triển khai các đề mục của bài học, lấy việc triển khai nội dung bài học làm trọng tâm, thể hiện rõ vai trò trung tâm của giáo viên với trách nhiệm chính là lo truyền đạt hết nội dung đã quy định trong chương trình và sách giáo khoa thì soạn giáo án theo hướng đổi mới là giáo án được thiết kế theo kiểu triển khai các hoạt động, lấy việc triển khai các hoạt động dạy – học cụ thể làm trung tâm. Trong giáo án đổi mới thể hiện rõ giáo viên là người tổ chức, chỉ đạo các hoạt động học tập còn học sinh tự tìm tòi nghiên cứu, khai thác tri thức một cách tích cực, chủ động và sáng tạo dưới sự hướng dẫn của giáo viên và sự hỗ trợ của các phương tiện dạy học hiện đạị. Với loại giáo án như vậy, mới tạo ra sự hứng thú, cuốn hút được học sinh vào các hoạt động học tập, qua đó các em có thể tự khám phá và chiếm lĩnh nội dung bài học bằng sự tích cực, chủ động, của chính mình.

  1. Kết hợp phương pháp truyền thống với phương pháp dạy học hiện trong dạy học môn GDCD

Phương pháp giảng dạy phổ thông phải phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo của học sinh; phù hợp với đặc điểm của từng lớp học, môn học; bồi dưỡng phương pháp tự học, khả năng làm việc theo nhóm; rèn luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tác động đến tình cảm, đem lại niềm vui, hứng thú học tập cho học sinh [6].

Việc lựa chọn, vận dụng và phối hợp các phương pháp dạy học phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như nội dung bài học, đối tượng học sinh, cơ sở vật chất của nhà trường, sở trường của giáo viên... Nhưng đối với môn GDCD, do đặc thù tri thức của môn học nếu chỉ vận dụng một vài phương pháp để thực hiện cho tiết giảng là rất khó thực hiện, vì sẽ khó phát huy được tính tích cực của học sinh, đồng thời cũng khó truyền tải hết các nội dung kiến thức đến người học, vì thế giáo viên cần nhận thức được rằng đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích cực hoá hoạt động nhận thức của học sinh không có nghĩa là gạt bỏ, loại trừ hay thay thế hoàn toàn các phương pháp dạy học truyền thống mà cần phải biết kế thừa và phát triển những mặt tích cực của phương pháp dạy học truyền thống như phương pháp thuyết trình, vấn đáp… Đồng thời phải vận dụng một cách sáng tạo, linh hoạt các phương pháp dạy học hiện đại như: thảo luận nhóm, phương pháp tình huống, đóng vai hoặc phương pháp động não để phát huy tính tích cực, chủ động của học sinh trong học tập.

  1. Sử dụng hiệu quả các phương tiện, thiết bị trong dạy học môn Giáo dục công dân

Để nâng cao chất lượng dạy học môn GDCD và phát huy tính tích cực của học sinh trong quá trình học tập, người giáo viên phải biết gắn việc đổi mới phương pháp dạy học với việc sử dụng có hiệu quả các phương tiện, thiết bị dạy học. Đó là các thiết bị, đồ dùng dạy học do giáo viên, học sinh tự làm hoặc là các phương tiện, thiết bị được nhà trường cung cấp. Đặc biệt khi sử dụng các phương tiện, thiết bị dạy học hiện đại như: các hình ảnh, âm thanh, các thước phim tư liệu chính là giáo viên đang giúp học sinh tiếp cận với những công nghệ thiết bị mới, qua việc nghe, nhìn học sinh có thể tự nhận xét, so sánh, suy nghĩ và rút ra những kiến thức cần thiết, từ đó nâng cao quá trình nhận thức và hứng thú hơn đối với môn học.        

  1. Gắn lí thuyết với thực tiễn, học đi đôi với hành luôn tạo sự hứng thú cho học sinh khi học môn Giáo dục công dân

       Để dạy học môn GDCD có hiệu quả cần gắn nội dung bài học với thực tiễn cuộc sống của học sinh, giáo viên cần tăng cường sử dụng các tình huống, các trường hợp điển hình, các hiện tượng thực tế, các vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội để phân tích, đối chiếu, minh hoạ cho bài giảng. Đồng thời cũng cần khuyến khích học sinh liên hệ, tự liên hệ; tiến hành điều tra, tìm hiểu, phân tích, đánh giá các sự kiện trong đời sống thực tiễn của lớp học, nhà trường, địa phương, đất nước… trong quá trình học tập, giáo viên phải luôn tạo cơ hội và hướng dẫn học sinh xây dựng và thực hiện các dự án nhỏ thông qua các bài tập về nhà, qua các tiết học ngoại khoá để giúp các em có cái nhìn khách quan hơn đối với môn học, rằng môn học không chỉ cung cấp những kiến thức lí thuyết mà môn học luôn gắn với thực tiễn sinh động của cuộc sống, để sau mỗi tiết học các em rút ra được ý nghĩa của bài học và biết tự hình thành kỹ năng sống cho bản thân, nhằm góp phần vào việc nâng cao ý thức, cải thiện môi trường sống ở trong lớp học, trong gia đình, nhà trường và ngoài xã hội./.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Nguyễn Văn Cường, Đổi mới phương pháp dạy học trung học phổ thông, Tài liệu dành cho dự án phát triển giáo dục THPT của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hà Nội, 2006.

            [2] Vũ Đình Bảy (chủ biên) Đặng Xuân Điều, Nguyễn Thành Minh, Phương pháp dạy học môn GDCD ở trường trung học phổ thông, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2010.

             [3]. Đinh Văn Đức- Dương Thuý Nga (đồng chủ biên) Nguyễn Như Hải - Đào Thị Hà- Vũ Thị Thanh Nga, Phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông, Nxb Đại học sư phạm, 2009.

[4]. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục công dân, Sách giáo viên lớp 10,11,12, Nxb Giáo dục Việt Nam, 2010.

[5]. Nguyễn Kỳ, Mô hình dạy học tích cực lấy người học làm trung tâm, Trường cán bộ quản lý giáo dục và đào tạo, Hà Nội, 1996.

 [6]. Luật Giáo dục (Sửa đổi, bổ sung năm 2009), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005.