Tổng Bí thư Trần Phú - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất
Tổng Bí thư Trần Phú - Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất
ThS. Đường Thế Anh
Kỷ niệm 121 năm ngày sinh của Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng là dịp để Đảng bộ và nhân dân Hà Tĩnh ôn lại truyền thống cách mạng hào hùng, kiên trưng, bất khuất mà đồng chí Trần Phú người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh đã cống hiến trọn đời mình cho Đảng, cho nhân dân. Đồng chí Trần Phú đã để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ và nhân dân một tấm gương sáng ngời về trí tuệ, đạo đức và bản lĩnh kiên cường của người cộng sản kiên trung mẫu mực.
Từ người thanh niên yêu nước đến với lý tưởng cách mạng của Đảng.
Đồng chí Trần Phú sinh ngày 1/5/1904, tại xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng. Đồng chí Trần Phú là con thú 7 trong gia đình có 8 anh chị em: bó là nhà nho Trần Văn Phổ, mẹ là bà Hoàng Thị Cát. Quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú bắt đầu từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường tại Huế. Năm 1922, thi đỗ đầu kỳ thi Thành Chung ở trường Quốc học Huế, đồng chí Trần Phú được bổ nhiệm vào dạy tạiTrường tiểu học Cao Xuân Dục, thành phố Vinh. Thành Vinh những năm đầu của thế kỷ XX phong trào cách mạng phát triển mạnh, được tiếp xúc với phong trào của giai cấp công nhân, giác ngộ tinh thần cách mạng từ sớm. Thầy giáo trẻ Trần Phú đã thôi nghề dạy học, dấn thân cho phong trào cách mạng mà thực tiễn dân tộc đang đòi hỏi. Năm 1925 đồng chí Trần Phú đã có những những hoạt động sôi nổi trong Hội Hưng Nam, Tân Việt cách mạng Đảng và Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Ở Quảng Châu (Trung Quốc), đồng chí Trần Phú đã găp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc.
Từ đây người thanh niên yêu nước đồng chí Trần Phú đã chọn lý tưởng cộng sản làm mục tiêu của đời mình và cống hiến cho lý tưởng ấy đến hơi thở cuối cùng.
Người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất
Trải qua những năm tháng bôn ba ở nước ngoài vừa hoạt động vừa học tập, đầu tháng 11/1929, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Phương Đông, nhận Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, đồng chí bắt đầu hành trình về nước hoạt động. Tháng 7/1930 đồng chí được bổ sung vào Ban Chấp ủy lâm thời và được giao nhiệm vụ dự thảo Luận cương chính trị của Đảng. Trong quá trình soạn thảo, để nắm vững tình hình thực tiễn cách mạng, đồng chí luôn tranh thủ ý kiến của các đồng chí trong Ban Chấp ủy; trực tiếp đóng vai “thầy đồ”, “nhà buôn”, sống cuộc đời thợ mỏ, thợ nề, thợ nhà máy xi măng… để thâm nhập, nghiên cứu, khảo sát thực tế tình hình phong trào cách mạng của công nhân, nông dân và hoạt động của các chi bộ cộng sản ở nhà máy, hầm mỏ… tại Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Hòn Gai, Thái Bình. Sau khi khảo sát tình hình thực tế và trao đổi với các đồng chí trong Ban Chấp ủy, đồng chí đã chấp bút Luận cương chính trị của Đảng ngay trong tầng hầm ngôi nhà của một quan chức thực dân Pháp ở phố Giăng Xôle (nay là số nhà 90, phố Thợ Nhuộm, Hà Nội).
Tháng 10/1930, tại Hồng Kông (Trung Quốc) Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thảo luận và nhất trí thông qua Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú dự thảo. Luận cương chính trị khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong suốt quá trình cách mạng: “Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cách mạng ở Đông Dương là cần có sự lãnh đạo của một Đảng Cộng sản có đường lối chính trị đúng đắn, có kỷ luật tập trung, liên hệ mật thiết với quần chúng và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc”.
Luận cương chính trị do đồng chí Trần Phú khởi thảo là đã làm rõ mục đích, nhiệm vụ, bước đi, động lực cách mạng, vai trò lãnh đạo của giai cấp vô sản và Đảng của giai cấp vô sản, tầm quan trọng của sức mạnh đoàn kết quốc tế đối với cách mạng Việt Nam.
Cũng tại Hội nghị này, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng. Đồng thời, sau khi cân nhắc tình hình nhiều mặt, Trung ương Đảng quyết định đóng trụ sở trên địa bàn Sài Gòn - Gia Định, do đó Ban Thường vụ Trung ương Đảng gồm 3 người đều về Sài Gòn hoạt động. Sự kiện này làm tăng thêm sức mạnh lãnh đạo của Đảng đối với Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí đã trực tiếp chủ trì nhiều hội nghị quan trọng như Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tháng 12/1930, Hội nghị Thường vụ Trung ương Đảng tháng 1/1931, Hội nghị Xứ ủy Nam kỳ, Hội nghị Công vận Đông Dương và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ hai tại Sài Gòn tháng 3/1931. Đồng chí cũng đã chấp bút hàng loạt các văn kiện quan trọng như Thông cáo, Chỉ thị, Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Ban Thường vụ Trung ương góp phần đưa phong trào cách mạng Đông Dương phát triển lên một tầm cao mới.
Đánh giá dự thảo Luận cương, sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Trong bản cương lĩnh cách mạng tư sản dân quyền năm 1930, Đảng ta đã nêu rõ nhiệm vụ chống đế quốc, chống phong kiến, thực hiện độc lập dân tộc, người cày có ruộng. Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình. Còn đảng phái của các giai cấp khác thì hoặc bị phá sản, hoặc bị cô lập. Do đó, quyền lãnh đạo của Đảng ta - Đảng của giai cấp công nhân - không ngừng củng cố và tăng cường”.
Ngày 19/4/1931, đồng chí Trần Phú bị thực dân Pháp bắt. Kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, tra tấn dã man nhưng không thể làm lung lay chí khí người chiến sỹ cộng sản. Trong ngục tù, người chiến sỹ ấy tiếp tục tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, nêu cao tấm gương sáng trong đấu tranh; luôn căn dặn đồng chí, đồng đội giữ vững tinh thần chiến đấu, đặt niềm tin sắt son vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng.
Ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú hy sinh khi vừa tròn 27 tuổi với câu nói bất hủ “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Đó là chí khí, cốt cách, lòng kiên trung của người cộng sản và là tấm gương sáng ngời để vượt qua muôn vàn thử thách, khó khăn đến với lý tưởng cách mạng của những người cộng sản.
Những đóng góp sáng tạo cho thực tiễn cách mạng Việt Nam
Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương (10/1930) đã thống nhất chuyển trụ sở Trung ương Đảng về Sài Gòn. Trong bối cảnh khủng bố trắng của kẻ thù thì đây là một quyết định đầy dũng cảm của Trung ương Đảng, mà đồng chí Trần Phú là người lãnh đạo cao nhất. Nhằm hoạt động một cách hiệu quả các đồng chí đã chấp nhận đối diện với hiểm nguy để hoàn thành nhiệm vụ mà cách mạng giao phó.
Tại Sài Gòn, Trung ương đã xây dựng nhiều địa điểm để các đồng chí lãnh đạo sống và làm việc, các địa điểm hội họp cũng như nhà in của Trung ương. Không những vậy, thực tiễn cách mạng sinh động của Sài Gòn nói riêng và Nam Kỳ nói chung cũng là một hiện thực khách quan góp phần quan trọng giúp Trung ương Đảng có thể tổng kết kinh nghiệm và xây dựng nên những văn kiện, nghị quyết chỉ đạo kịp thời cho phong trào cách mạng và hoạch định đường lối cách mạng cho cả nước.
Với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trần Phú trực tiếp điều hành công việc của Ban Thường vụ Trung ương Đảng tại Sài Gòn được hơn 5 tháng. Đây là một khoảng thời gian ngắn ngủi, song đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú đã cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng những năm 1930 - 1931 vừa giải quyết được một khối lượng công việc khó có thể tưởng tượng được của Đảng về lý luận. Và cũng chính tại Sài Gòn, Trung ương Đảng mà đồng chí Trần Phú là người lãnh đạo cao nhất đã triệu tập Hội nghị toàn thể lần thứ 2 vào tháng 3/1931, Hội nghị đã đánh giá sự phát triển của phong trào cách mạng trên cả nước, nêu rõ vai trò lãnh đạo của Đảng và đã nêu lên những vấn đề cần phải chú trọng trong công tác xây dựng Đảng. Nghị quyết của Hội nghị đã đánh dấu một bước tiến quan trọng của Đảng ta về tư tưởng, chính trị cũng như củng cố về mặt tổ chức, xây dựng lực lượng, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của Đảng cũng như của cách mạng Việt Nam. Nghị quyết đã thổi một làn gió mới đầy sinh khí vào phong trào cách mạng của thành phố Sài Gòn nói riêng và cả nước nói chung.
Tại Hội nghị Trung ương đã đưa ra chủ trương thành lập tổ chức Đoàn Thành niên Cộng sản. Tại Hội nghị lần thứ nhất vào tháng 10/1930, vấn đề thành lập tổ chức Đoàn TNCS được đặt ra như một yêu cầu tất yếu của cách mạng Việt Nam, cần có một tổ chức tập hợp thanh niên, rèn luyện họ thông qua trường học Cộng sản để trở thành nguồn bổ sung những chiến sĩ kiên trung cho cách mạng Việt Nam. Đến Hội nghị lần thứ hai vào tháng 3/1931, Trung ương quyết định thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương.
Tổng bí thư đầu tiên của Đảng hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ đã để lại tấm gương tận trung với nước, tận hiếu với dân, cống hiến trọn đời mìn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và giải phóng giai cấp với ý chí, niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng cộng sản, vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
Các tin khác
- ĐỔI MỚI SÁNG TẠO VỀ NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC TỔ CHỨC CÂU LẠC BỘ TIẾNG VIỆT CHO SINH VIÊN LÀO TẠI KHOA CHÍNH TRỊ - LUẬT - 03/05/2025 04:01
- KHOA CHÍNH TRỊ - LUẬT TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI NGHỊ SINH VIÊN NGHIÊN CỨU KHOA HỌC NĂM HỌC 2024 - 2025 - 03/05/2025 03:47
- NGƯỜI VIỆT TRẺ TRONG KỶ NGUYÊN VƯƠN MÌNH - THÁCH THỨC VÀ CƠ HỘI - 08/04/2025 08:54
- SINH HOẠT CHI BỘ CHÍNH TRỊ - LUẬT, THÁNG 4 /2025 - 08/04/2025 08:21
- Thông tin tuyển sinh ngành Luật, hệ đại học chính quy 2025 - 21/03/2025 08:04