Vận dụng quan điểm “dân thụ hưởng” trong giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên các khối không chuyên Đại học, Cao đẳng
Trong các học viện, trường đại học và cao đẳng ở Việt Nam, việc giảng dạy và bồi dưỡng lý luận chính trị được xem là hoạt động truyền bá, lĩnh hội, vận dụng sáng tạo tri thức từ những nguyên lý, lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam nhằm hình thành thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng, phương pháp luận và các phẩm chất chính trị, góp phần phát huy tính tích cực của sinh viên, học viên trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Các môn lý luận chính trị là những khoa học đặc biệt và đặc thù. Nó vừa mang tính khoa học, vừa mang tính Đảng. Việc nắm vững tinh thần và vận dụng các nội dung trong nghị quyết của các kỳ Đại hội Đảng là việc làm cần thiết. Sinh thời, Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên: “Lý luận mà không có liên hệ thực tiễn là lý luận suông[1]. Ngược lại, “Thực tiễn không có lý luận dẫn đường thì thành thực tiễn mù quáng”[2]. Theo Hồ Chí Minh, người ta học để hiểu biết, để làm việc, học để phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, học để làm người. Muốn vậy phải có thói quen đem lý luận liên hệ với thực tiễn, đem những lý luận đã tiếp thu được cùng với những kinh nghiệm đã tích lũy được trong đời sống hàng ngày mà áp dụng vào thực tế công việc. Vận quan điểm Đại hội XIII trong đó có quan điểm “dân thụ hưởng” vào dạy học các học phần lý luận chính trị một mặt, góp phần liên hệ, gắn kết, làm sáng tỏ và sâu sắc thêm những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với thực tiễn lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam về bản chất và con đường đi lên CNXH; mặt khác, từng bước góp phần đưa quan điểm Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng vào thực tiễn đời sống, vào hoạt động giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực và đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, gắn lý luận và thực tiễn. Qua đó góp phần làm cho người học hiểu và có niềm tin vào của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản và công cuộc xây dựng CNXH ở Việt Nam.
Hiện nay chương trình các môn lý luận chính trị trong các chương trình đào tạo của ngành không chuyên về lý luận chính trị sẽ bao gồm 11 tín chỉ: Triết học Mác - Lênin: 3 tín chỉ; Kinh tế chính trị Mác - Lênin: 2 tín chỉ; Chủ nghĩa xã hội khoa học: 2 tín chỉ; Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam: 2 tín chỉ; Tư tưởng Hồ Chí Minh: 2 tín chỉ. Việc vận dụng quan điểm mới của Đại hội XIII về dân thụ hưởng trong giảng dạy lý luận chính trị cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng ở một số điểm sau:
Một là, phải xuất phát từ nội dung, yêu cầu, mục tiêu của bài học để vận dụng. Nội dung vận dụng cần gắn với nội dung bài học. Có thể Vận dụng quan điểm “dân thụ hưởng” trong nhiều nội dung giảng dạy như các học phần CNXHKH, Lịch sử Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh. Cụ thể như, nội dung phần mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam trong chương 3 của học phần CNXHKH; Phần dân chủ xã hội chủ nghĩa và xây dựng dân chủ xã hội chủ nghĩa ở chương 4 của học phần CNXHKH…đặc biệt là trong học phần Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là nội dung mới và được bổ sung cùng với các nội dung khác, vì vậy việc vận dụng nội dung này cũng nằm trong sự liên hệ với các nội dung khác trong văn kiện.
Hai là, hình thức vận dụng cần đa dạng và linh hoạt. Giảng viên có thể liên hệ, vận dụng trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy hoặc định hướng, giới thiệu để sinh viên, học viên tự liên hệ, tìm hiểu; vận dụng trong quá trình tự học, thảo luận, ôn tập và trong làm bài thi, làm tiểu luận, khóa luận, kể cả làm đề tài nghiên cứu khoa học các cấp.
Ba là, sử dụng phương pháp, hình thức, phong cách dân chủ trong dạy học lý luận chính trị nhằm tạo tâm thế chủ động cho sinh viên, tạo điều kiện để sinh viên tích cực bày tỏ quan điểm, thái độ, chia sẻ thông tin, hiểu biết, kinh nghiệm để giải quyết các nội dung của bài học. Ở đây cũng cần chú ý, giảng viên phải luôn là người tổ chức, dẫn dắt, định hướng, uốn nắn, phê phán những nhận thức lệch lạc, hành vi sai trái nếu có của sinh viên
Để công tác vận dụng nghị quyết Đại hội Đảng XIII trong giảng dạy lý luận chính trị có thể có hiệu quả , cần một số giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục đổi mới chương trình, nội dung và phương pháp giảng dạy các môn lý luận chính trị; đảm bảo cập nhật Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và các chiến lược, nghị quyết có liên quan. Trong đó, cần xây dựng mục tiêu dạy và học môn lý luận chính trị phải bám sát chủ trương, chiến lược của Đảng và Nhà nước, xây dựng và phát triển đất nước định hướng theo con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, đồng thời gắn học tập lý luận với mục tiêu chính trị của các trường đại học, học viện, cao đẳng.
Tiếp tục đổi mới căn bản chương trình, nội dung, phương pháp giáo dục lý luận chính trị theo phương châm khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại, “lấy người học là trung tâm”, góp phần làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, quan điểm của Đảng giữ vai trò chủ đạo trong đời sống xã hội. Phương pháp giảng dạy và học tập phải sinh động, linh hoạt, gắn với thực tiễn và phù hợp với từng chuyên ngành đào tạo. Kết hợp áp dụng các phương pháp truyền thống và hiện đại, lý luận gắn liền với thực tiễn, trực tiếp và trực tuyến trong giảng dạy, đặc biệt trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid 19 còn diễn biến phức tạp như hiện nay.
Thứ hai, Bên cạnh việc truyền đạt tri thức khoa học Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng viên cần nắm vững các vấn đề hiện thực. Đặc biệt, cần nhận diện những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch thực hiện “Diễn biến hòa bình” và những biểu hiện “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trên lĩnh vực tư tưởng - văn hóa; định hướng, giúp đỡ sinh viên rèn luyện ý thức, kỹ năng “bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch”.
Thứ ba, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực toàn diện và uy tín của đội ngũ giảng viên lý luận chính trị. Phẩm chất chính trị và năng lực chuyên môn của đội ngũ giảng viên lý luận là nhân tố quyết định chất lượng giáo dục lý luận chính trị ở các trường đại học. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Mỗi một giảng viên lý luận chính trị phải thực sự là một tấm gương mẫu mực cả trong giảng dạy cũng như trong cuộc sống; có tri thức vững vàng trên cơ sở lập trường, quan điểm, phương pháp luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; chủ động và gương mẫu học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và luôn cập nhật các quan điểm, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Từ đó có sự nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn để vận dụng các nội dung mới của thực tiễn vào giảng dạy.
[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 496.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 497
Tin mới
- THANH NIÊN VIỆT NAM XUNG KÍCH TRÊN MẶT TRẬN BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG - 09/09/2022 14:14
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945- Biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam - 16/08/2022 09:54
- Vai trò của nhà trường trong ngăn chặn bạo hành trẻ em tại gia đình - 11/07/2022 03:58
- 65 NĂM BÁC HỒ VỀ THĂM HÀ TĨNH (15/6/1957-15/6/2022) - 12/06/2022 07:59
- ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO TRONG BỐI CẢNH CUỘC CÁCH MẠNG 4.0 - 07/05/2022 04:51
Các tin khác
- SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM - NHÂN TỐ CỐT YẾU TẠO NÊN THẮNG LỢI TRONG ĐỔI MỚI KINH TẾ - 10/02/2022 02:06
- Quan điểm “dân thụ hưởng” – một trong những điểm mới trong văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII - 09/02/2022 02:42
- ĐẢNG BỘ TỈNH HÀ TĨNH LÃNH ĐẠO QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI - 16/01/2022 23:14
- NỘI DUNG PHONG CÁCH LÀM VIỆC HỒ CHÍ MINH - 16/01/2022 23:11
- NỘI DUNG PHONG CÁCH LÀM VIỆC HỒ CHÍ MINH - 16/01/2022 23:11