Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Quan điểm của chủ nghĩa Mác về động lực sinh tồn, sự phát triển của con người và xã hội

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Bích Hằng- Khoa LLCT - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

Mác đã nhiều lần khẳng định rằng, lịch sử xã hội là do con người làm ra, là hoạt động của những con người theo đuổi mục đích của bản thân mình. Như vậy, xã hội dù dưới hình thức nào đi chăng nữa cũng đều là sản phẩm của sự tác động qua lại giữa con người với con người.

Con người muốn sống, trước hết cần phải có ăn, có mặc, có chỗ ở. Tất cả những cái đó chỉ có được nhờ con người sản xuất ra được tư liệu sinh hoạt của mình bằng cách sử dụng công cụ có sẵn trong tự nhiên hoặc bằng chính những công cụ do tự mình chế tạo ra, tức là nhờ lao động sản xuất. Đối với các thế hệ tiếp sau, việc sản xuất ra của cải được thực hiện trên cơ sở những tư liệu sản xuất đã được các thế hệ khác nhau trước đó sáng tạo ra để lại, đồng thời tự mình bổ sung, tăng cường thêm những tư liệu sản xuất mới. Tuy nhiên, ngay từ khi con người mới bước vào lịch sử cho đến hiện tại con người luôn luôn được tự nhiên trợ giúp và phải dựa vào tự nhiên.

Con người không thể sống thiếu tự nhiên. Song, con người không thể trở thành người nếu thiếu lao động. Do vậy, lao động xét về mặt xã hội, như Ph.Ăngghen đã khẳng định, sáng tạo ra chính bản thân con người.

Tuy nhiên, con người cũng không thể tồn tại nếu không được đáp ứng các nhu cầu cơ bản. Chính lao động đã tạo ra các sản phẩm để thoả mãn những nhu cầu sống còn của con người và của cả loài người. Nói về vai trò của nhu cầu đối với việc thúc đẩy sản xuất xã hội, Mác khẳng định rằng, không có nhu cầu thì không có sản xuất, mặc dù chính sản xuất làm nảy sinh ra những nhu cầu khác nhau.

Sự xuất hiện thường xuyên những nhu cầu mới và việc thoả mãn các nhu cầu đó là một quá trình liên tục không bao giờ ngừng lại. Bởi vậy, nhu cầu không phải chỉ là động lực mạnh mẽ kích thích sự phát triển của riêng sản xuất, mà còn là động lực thúc đẩy toàn bộ sự hoạt động nói chung của con người. Nhu cầu, sau khi nảy sinh, trở thành động lực hết sức quan trọng thúc đẩy con người hành động nhằm tìm ra những phương tiện để thoả mãn nhu cầu. Một nhu cầu khi được thỏa mãn thì sẽ giảm dần vai trò động lực. Song, trong cuộc sống của con người và của xã hội khi một nhu cầu này được thoả mãn thì lại sẽ xuất hiện một nhu cầu mới khác. Sự xuất hiện và thoả mãn các nhu cầu, do vậy, cứ thế vận động liên tục không ngừng.

Cái để thoả mãn nhu cầu đó chính là lợi ích. Lợi ích gắn rất chặt với nhu cầu. Trước Mác, Hê-ghen đã từng khẳng định rằng, lợi ích thúc đẩy lịch sử các dân tộc và các cá nhân. V.I.Lênin cũng hoàn toàn tán thành quan điểm này. Còn chính Mác cũng đã nhấn mạnh rằng, “tất cả cái gì mà con người đấu tranh để giành lấy, đều dính liền với lợi ích của họ”[3, t.1, tr.109] và “chính lợi ích là cái liên kết các thành viên của xã hội thị dân với nhau” [3, t.2, tr.181]. Mọi cuộc đấu tranh giai cấp, xét đến cùng, cũng đều là vì lợi ích của các giai cấp khác nhau. Đấu tranh giai cấp, do vậy, cũng là một trong những động lực thúc đẩy lịch sử, thúc đẩy sự phát triển của các xã hội có giai cấp.

Nói tóm lại, cùng với nhu cầu, lợi ích là một trong những động lực hết sức quan trọng thúc đẩy con người hành động, qua đó thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, khi nói đến động lực thúc đẩy con người hành động và thúc đẩy xã hội phát triển, bên cạnh các động lực nhu cầu, lợi ích, mâu thuẫn trong xã hội, đấu tranh giai cấp, các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin còn nói đến nhiều động lực khác nữa, chẳng hạn, hoàn cảnh kinh tế của xã hội, phương thức sản xuất và trao đổi, sự phân công lao động, các cuộc cách mạng. Đặc biệt, các tác giả kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin đánh giá rất cao vai trò động lực trong sự phát triển xã hội của lực lượng sản xuất.

Sự phát triển của lực lượng sản xuất tự nó đã nói lên trình độ con người chiếm lĩnh tự nhiên và khả năng sử dụng các lực lượng tự nhiên của con người; nói lên trình độ phát triển của khoa học, kỹ thuật và công nghệ. Trong hoạt động sản xuất vật chất của mình, con người càng chiếm lĩnh được nhiều lực lượng vật chất bao nhiêu thì trình độ phát triển của xã hội càng cao bấy nhiêu. Chính C.Mác đãnhấn mạnh trong bộ Tư bản của ông rằng, những thời đại kinh tế khác nhau không phải ở chỗ chúng sản xuất ra cái gì, mà là ở chỗ chúng sản xuất ra cái đó bằng cách nào, với những tư liệu lao động nào. Đó cũng là lý do tại sao chủ nghĩa Mác coi sự phát triển của lực lượng sản xuất có vai trò quyết định, là động lực chủ yếu trong sự phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, khi nói về động lực phát triển của xã hội, không thể chỉ nói đến các động lực vật chất, mặc dù đó là những động lực cơ bản, mà không tính đến các động lực chính trị -tinh thần khác như văn hoá và các giá trị văn hoá, trình độ dân chủ mà một xã hội đạt được, truyền thống và chủ nghĩa yêu nước cùng hàng loạt các động lực khác. Sự phát triển của con người và của xã hội được đo bằng sự tiến bộ của xã hội và của từng cá nhân con người. Tiêu chuẩn của sự tiến bộ đó tập trung vào sự phát triển phong phú của bản chất con người cũng như sự phát triển toàn diện con người nhằm xoá bỏ chế độ bóc lột.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. C.Mác và Ph.Ăngghen (1993), Toàn tập, Tập 12, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

2. C.Mác và Ph.Ăngghen (1994), Toàn tập, Tập 20, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

3. C.Mác và Ph.Ăngghen(1995), Toàn tập, Tập 1,2,3, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

4. C.Mác và Ph.Ăngghen(2000), Toàn tập, Tập 42, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

5. Nguyễn Duy Quí (Trưởng ban biên soạn) (1999), Giáo trình triết học Mác-Lênin,Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.