Một số quy định mới trong luật xử lý vi phạm hành chính 2012
Ngày 20/6/2012 vừa qua, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 (sau đây gọi tắt là Luật năm 2012). So với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002 (đã được sửa đổi, bổ sung vào các năm 2007, 2008), Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 ra đời có rất nhiều quy định mới trong hình thức xử lý, thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính cũng như mức xử phạt tiền…
1. Phần quy định chung
Luật năm 2012 đã xác định những hành vi bị nghiêm cấm trong xử lý vi phạm hành chính (Điều 12), trong đó nhấn mạnh các hành vi nghiêm cấm đối với người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính như: giữ lại vụ vi phạm có dấu hiệu tội phạm để xử lý vi phạm hành chính; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, đòi, nhận tiền, tài sản của người vi phạm; dung túng, bao che, hạn chế quyền của người vi phạm hành chính khi xử phạt vi phạm hành chính hoặc áp dụng biện pháp xử lý hành chính; không xử phạt vi phạm hành chính, không áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính; xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính không kịp thời, không nghiêm minh, không đúng thẩm quyền, thủ tục, đối tượng quy định…
Tại Điều 17 quy định rõ trách nhiệm quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính:
- Chính phủ thống nhất quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong phạm vi cả nước.
- Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính
2. Về các hình thức xử phạt vi phạm hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả
So với Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Luật năm 2012 đã bổ sung thêm 02 hình thức xử phạt chính là:
- Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn; tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (Điều 21);
- Một số biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra như buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn; buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hoá, phương tiện, vật phẩm; buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (Điều 28).
3. Quy định về mức xử phạt tiền
Tại Điều 23 và Điều 24 Luật năm 2012 đã điều chỉnh khung phạt tiền, theo đó, mức phạt tối thiểu tăng từ 10 ngàn đồng lên 50 ngàn đồng, mức phạt tối đa tăng từ 500 triệu đồng lên 2 tỷ đồng. Mức phạt tối đa đến 2 tỷ đồng được quy định đối với 5 lĩnh vực là quản lý các vùng biển, đảo và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quản lý hạt nhân và chất phóng xạ, năng lượng nguyên tử; tiền tệ, kim loại quý, đá quý, ngân hàng, tín dụng; thăm dò, khai thác dầu khí và các loại khoáng sản khác; bảo vệ môi trường, đối tượng áp dụng xử phạt các tổ chức vi phạm trong những lĩnh vực này.
4. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính
Luật năm 2012 quy định các chức danh có thẩm quyền xử phạt được kế thừa trên cơ sở Pháp lệnh hiện hành (từ điều 38 đến điều 51) và có bổ sung thêm một số chức danh như Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh văn hóa, tư tưởng, Trưởng phòng An ninh thông tin; Người được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành… So với Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính hiện hành, Luật năm 2012 không quy định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính theo một mức phạt tiền cố định đối với mỗi chức danh xử phạt, mà quy định theo tỷ lệ phần trăm so với các mức phạt tối đa được quy định tại Điều 24.
5. Thủ tục xử phạt và thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Luật năm 2012 quy định các tình tiết phải xác minh khi xem xét ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính (Điều 59) và quyền giải trình của các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm trong trường hợp có thể bị áp dụng hình thức xử phạt tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề có thời hạn hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn hoặc áp dụng mức phạt tiền tối đa của khung tiền phạt từ 15.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng trở lên đối tổ chức (Điều 61). Đây là các quy định mới nhằm bảo đảm tính khách quan, dân chủ trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính, góp phần giảm thiểu việc khiếu nại trong quá trình xử phạt vi phạm hành chính. Tại Điều 72 quy định, cơ quan của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính có trách nhiệm công bố công khai về việc xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám bệnh, chữa bệnh; lao động; xây dựng; bảo hiểm xã hội; bảo hiểm y tế; bảo vệ môi trường; thuế; chứng khoán; sở hữu trí tuệ; đo lường; sản xuất, buôn bán hàng giả mà gây hậu quả lớn hoặc gây ảnh hưởng xấu về dư luận xã hội.
6. Các biện pháp xử lý hành chính.
- Về đối tượng áp dụng: Luật năm 2012 hạn chế áp dụng biện pháp đối với người chưa thành niên từ đủ 12 đến dưới 14 tuổi; bỏ đối tượng bán dâm có tính chất thường xuyên từ đủ 14 tuổi trở lên có nơi cư trú nhất định… Điều 90 bổ sung đối tượng áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn là người từ đủ 12 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS và người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện hành vi có dấu hiệu của một tội phạm nghiêm trọng do cố ý quy định tại BLHS.
- Về thẩm quyền quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính: Luật năm 2012 quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Toà án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp: đưa vào trường giáo dưỡng (Điều 91), đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc (Điều 93), đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (Điều 95).
7. Các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính
Tại Điều 119 quy định các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính. Trong trường hợp cần ngăn chặn kịp thời vi phạm hành chính hoặc để bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền có thể áp dụng các biện pháp sau đây theo thủ tục hành chính:
1. Tạm giữ người;
2. Áp giải người vi phạm;
3. Tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề;
4. Khám người;
5. Khám phương tiện vận tải, đồ vật;
6. Khám nơi cất giấu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính;
7. Quản lý người nước ngoài vi phạm pháp luật Việt Nam trong thời gian làm thủ tục trục xuất;
8. Giao cho gia đình, tổ chức quản lý người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong thời gian làm thủ tục áp dụng biện pháp xử lý hành chính;
9. Truy tìm đối tượng phải chấp hành quyết định đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc trong trường hợp bỏ trốn.
8. Quy định mới đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính
Luật năm 2012 cũng đã dành một phần riêng để quy định về chính sách xử lý đối với người chưa thành niên vi phạm hành chính, gồm các quy định chung về việc xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên (nguyên tắc xử lý; việc áp dụng các hình thức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả; việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn; đưa vào trường giáo dưỡng). Quy định về các biện pháp thay thế xử lý vi phạm hành chính đối với người chưa thành niên như biện pháp nhắc nhở (Điều 139), quản lý tại gia đình (Điều 140).
Tin mới
- Quan điểm của chủ nghĩa Mác về động lực sinh tồn, sự phát triển của con người và xã hội - 05/11/2014 03:31
- Ứng xử với thầy cô giáo - Nội dung quan trọng nhất trong văn hoá ứng xử của học sinh, sinh viên - 05/11/2014 03:27
- Một số nội dung cơ bản sửa đổi hiến pháp năm 1992 - 05/11/2014 03:24
- Vai trò của người mẹ trong giáo dục gia đình - 05/11/2014 01:36
- Tìm hiểu một số lý thuyết hiện đại về tạo việc làm - 05/11/2014 00:40
Các tin khác
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc - 05/11/2014 00:30
- Ấm tình keo sơn sinh viên Lào - Việt - 05/11/2014 00:25
- Liên chi đoàn Khoa Lý luận chính trị tổ chức sinh hoạt kỷ niệm 67 năm cách mạng tháng tám và quốc khánh 2/9 - 31/10/2014 08:13
- Khoa Lý luận Chính trị nghiệm thu Đề tài Nghiên cứu Khoa học Cấp khoa của giảng viên - 31/10/2014 08:05
- Tìm hiểu về phương pháp giảng dạy lí luận chính trị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - 31/10/2014 08:00