Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Tìm hiểu tập quán văn hóa Hà Tĩnh và quan hệ đất đai

Tác giả: Th.S Đường Thế Anh - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

Sau gần 2 năm triển khai “Chương trình xây dựng nông thôn mới”, cả 235 xã trong toàn tỉnh Hà Tĩnh đã có những chuyển biến rõ nét, nhiều tiêu chí quan trọng đã đạt được.Thành công bước đầu của Hà Tĩnh là làm cho dân tin và cùng chung tay xây dựng nông thôn mới. Một phong trào đang được người dân hưởng ứng mạnh mẽ đó là phong trào “hiến đất để xây dựng nông thôn mới”. Từ góc độ lịch sử, tác giả tìm hiểu một vài nét về tập quán văn hóa và quan hệ đất đai ở Hà Tĩnh để hiểu thêm về quá trình sử dụng, quản lý đất đai trước đây.

Một trong những khía cạnh nổi bật của truyền thống văn hóa và cũng là lối sống đặc trưng của người Việt nói chung và người Hà Tĩnh nói riêng là sự gắn bó tự nhiên giữa cấu trúc nhà-làng-nước. Trước mọi biến cố của lịch sử, sự cố kết  và mối quan hệ này vẫn trường tồn. Sự tác động này chi phối rất sâu sắc đến quan hệ ruộng đất ở Hà Tĩnh trong lịch sử.

Đây là kiểu quan hệ ruộng đất chứa đựng một mặt đất đai thuộc Nhà nước tập quyền, nhưng mặt khác lại có một bộ phận ruộng đất giao cho làng xã sở hữu. Trong mối quan hệ song song đó, sở hữu của Nhà nước tập quyền chiếm ưu thế. Ruộng đất của làng sở hữu lại được phân chia như sau: một phần giành cho ruộng đất công của làng như: Ruộng học điền, ruộng chùa, ruộng chia cho các chức sắc trong làng….Phần lớn ruộng đất làng xã quản lý chia cho các hộ gia đình trong làng cày cấy. Vì vậy, sở hữu đất đai lâu dài cá thể hộ gia đình hầu như không có. Các hộ gia đình trên thực tế là các hộ sử dụng đất đai.

Trải qua một thời gian phát triển, khi qui mô của làng vượt quá giới hạn nhất định về số hộ, thì làng lại được lập ra một làng mới. Đi liền với quá trình lập làng mới là sự phân chia lại ruộng đất. Do đó, ruộng đất theo đó mà thu hẹp qui mô. Để mở rộng ruộng đất, các làng xã ở Hà Tĩnh đã tìm cách khai hoang lấn biển thành các vùng đất mới, nhìn chung việc khai hoang, lấn biển đó cũng không đưa lại những diện tích quá lớn nhưng có một điều khách quan là làm tăng thêm sự cố kết của các cộng đồng làng xã ở Hà Tĩnh. Từ tính tất yếu này đã không tạo điều kiện cho việc sở hữu tư nhân về ruộng đất ở Hà Tĩnh phát triển.

Chính kiểu quan hệ nhà-làng-nước trong quan hệ ruộng đất đã tạo ra sự cố kết tâm lý, xã hội, và đến lượt nó sẽ làm cho quan hệ tâm lý tập quán văn hóa thêm chặt chẽ.

Xét về góc độ lịch sử cụ thể thì quan hệ ruộng đất ở Hà Tĩnh chịu ảnh hưởng của cộng đồng làng xã đã có nhiều ưu điểm trong quá trình dựng nước và giữ nước của người Hà Tĩnh. Với ý nghĩa như vậy, nếu coi đây là một cách thức thực hiện lợi ích của các thành viên của xã hội trong quan hệ ruộng đất ngày nay nếu biết phát huy sẽ làm cho  Hà Tĩnh thu được những kết quả tích cực đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và quá trình xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Bên cạnh đó ruộng đất ở Hà Tĩnh cũng chịu sự chi phối bởi quan hệ huyết thống là nhân tố sẽ làm cho qui mô sử dụng đất đại ở Hà Tĩnh cho chiều hướng giảm dần theo lịch sử phát triển của dân số.

Truyền thống văn hóa “An cư lạc nghiệp” đã thấm đẫm vào tâm thức người Hà Tĩnh. Mỗi gia đình thế hệ trước luôn mong muốn và chủ động tạo lập cho con cái họ những diện tích đất nhất định để có thể ổn định cuộc sống. Đất đai thì hữu hạn trong khi đó dân số luôn gia tăng. Kết quả là qui mô ruộng đất các thành viên trong xã hội theo đó mà giảm dần. Vì thế mà vấn đề tích tụ ruộng đất trong nông nghiệp ở Hà Tĩnh cũng gặp không ít khó khăn.

Mặc dù, trong lịch sử Hà Tĩnh, có nhiều nhân tố có tính chất tấn công vào ruộng đất công để biến ruộng đất công thành ruộng đất tư, làm cho quan hệ đất đai biến đổi. Chẳng hạn, nhân danh người nắm quyền sở hữu, nhà nước quân chủ  sử dụng đất công để phân chia cho các quan lại có công tồn tại dưới hình thái lộc điền; những hộ nông dân giàu có mua lại ruộng đất của người nghèo làm tài sản riêng, bộ máy quản lý làng xã biến đất công thành đất riêng. Tuy nhiên, vì sự thừa nhận trên pháp lý quyền sở hữa đất đai là không phổ biến, hơn nữa, điều kiện tự nhiên văn hóa xã hội của Việt Nam đã không thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng tư nhân hóa đất đai. Có nhiều bằng chứng lịch sử cho thấy, mỗi khi ruộng đất  bị tập trung quá lớn vào trong tay một bộ phận nhỏ của xã hội, thì lập tức đại đa số dân chúng còn lại tiến hành đấu tranh để giành lại ruộng đất cho mình.

Bài học lịch sử cho thấy khi nào chính quyền các cấp biết chăm lo đến lợi ích của người nông dân, của những người cần ruộng đất thật sự thì chính quyền ấy hưng thịnh. Việc thực hiện lợi ích từ ruộng đất là quan hệ tác động sâu sắc đến các quan hệ khác của xã hội ở Hà Tĩnh.

Như vậy, quan hệ ruộng đất ở Hà Tĩnh về cơ bản vẫn chịu sự tác động của đặc điểm văn hóa, tập quán của người dân Hà Tĩnh. Những đặc điểm  này cần được nghiên cứu thấu đáo, từ đó đưa ra những biện pháp phù hợp để việc sử dụng, quản lý đất đai ở Hà Tĩnh đạt hiệu quả nhất.