Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Một số biện pháp phát triển kinh tế nông thôn ở nước ta

Tác giả: Th.S Phạm Huy Thông Khoa Lý luận chính tri - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG THÔN Ở NƯỚC TA

Có nhiều cách tiếp cận khác nhau về khái niệm kinh tế nông thôn (KTNT), nhưng dù hiểu thế nào thì KTNT vẫn là tổng thể các hoạt động diễn ra trên địa bàn nông thôn, có quan hệ chặt chẽ với nông nghiệp.

Theo Giáo trình kinh tế chính trị, KTNT là một phức hợp những nhân tố cấu thành của lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong nông - lâm - ngư nghiệp cùng với các ngành thủ công nghiệp truyền thống, các ngành tiểu thủ công nghiệp, công nghiệp chế biến và phục vụ nông nghiệp, các ngành thương nghiệp và dịch vụ… tất cả có quan hệ hữu cơ với nhau trong kinh tế vùng và lãnh thổ và trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

Hiện nay, dưới sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, của kinh tế tri thức cùng xu hướng toàn cầu hóa kinh tế ngày một rộng và sâu, kinh tế nông thôn trên thế giới nói chung, ở nước ta nói riêng chắc chắn sẽ có những bước phát triển mới. Để phát triển kinh tế nông thôn ở nước ta theo các tiêu chí đã đề ra cần phải thực hiện một số biện pháp sau:

Một là, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn. Đây là quá trình chuyển dịch cơ cấu KTNT theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị sản phẩm và lao động trong các ngành công nghiệp và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng sản phẩm và lao động nông nghiệp; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nông thôn, bảo vệ môi trường sinh thái; tổ chức lại sản xuất và xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp với xây dựng nông thôn dân chủ, công bằng, văn minh, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của cư dân ở nông thôn.

Hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn phát triển theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại hơn; các lĩnh vực hoạt động văn hóa, giáo dục, y tế cũng có sự biến đổi rõ nét về chất, các quan hệ xã hội được hoàn thiện, một lối sống công nghiệp văn minh được hình thành.

Hai là, phát triển kinh tế hàng hóa và kinh tế thị trường ở nông thôn. Nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ mô hình mang nặng tính tự cung, tự cấp truyền thống sang sản xuất hàng hóa, từ mô hình kinh tế mang nặng tính tự nhiên sang kinh tế hàng hóa và kinh tế thị trường, thậm chí còn phải đẩy nhanh quá trình này do áp lực của tiến trình mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế, của khu vực hóa và toàn cầu hóa kinh tế.

Do điểm xuất phát của KTNT nước ta thấp, nên không chỉ khâu sản xuất mà cả thị trường đều được tổ chức kém, bị chi phối bởi tiểu thương và phụ thuộc nhiều vào loại sản phẩm và khoảng cách từ nơi sản xuất đến thị trường; tính thương phẩm của hàng hóa quá kém, giao dịch chủ yếu là sản phẩm thô - dễ hư hỏng, chủ yếu là bán lẻ được cung cấp trực tiếp từ người sản xuất hoặc người thu gom (thường cũng chính là người sản xuất) với số lượng nhỏ,… tính cạnh tranh thấp, giá trị gia tăng ít. Vì thế, để phát triển các thị trường hiệu quả thì cần phải tạo ra các mối liên kết kinh doanh lâu dài giữa nông thôn và các chủ thể khác thông qua quan hệ hàng hóa - tiền tệ, trong một hệ thống có tổ chức để trao đổi sản phẩm từ sản xuất đến tiêu dùng với mục đích tăng giá trị và tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, sự phân phối công bằng cho những người tham gia là rất cần thiết để đảm bảo tính lâu bền của nó. Chính sự phối hợp tốt giữa họ giúp đạt hiệu quả kinh tế, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong điều kiện có thay đổi; tạo ra những liên kết theo chiều dọc và các hình thức hợp tác khác.

Ba là, phát triển môi trường và bảo vệ môi sinh. Phát triển KTNT phải trên cơ sở của sự bền vững, tức là phải nâng cao được mức sống của người dân trên cả khía cạnh kinh tế, xã hội lẫn môi trường. Chiếu theo đó, nông dân phải được đặt ở vị trí trung tâm, phải là người được hưởng lợi trước tiên từ những thành quả của quá trình phát triển KTNT. Còn xét riêng quá trình phát triển nông nghiệp bền vững (bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, trồng rừng, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản), yếu tố đầu tiên và căn bản là hàng nông sản phải đảm bảo những yêu cầu nhất định. Cụ thể:

* Chất lượng sản phẩm phải phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường mà trước hết là phải đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế (GAP, ISO.1.400, HCACCP) và vệ sinh an toàn thực phẩm. Đồng thời sản phẩm nông nghiệp phải đa dạng, có hàm lượng công nghệ cao.

* Giá cả nông sản phải hợp lý, có sức cạnh tranh trên thị trường toàn cầu; khối lượng nông sản phải có quy mô đủ lớn theo yêu cầu của thị trường, tức là theo yêu cầu của từng nhà phân phối, nhất là của nhà nhập khẩu nông sản từ Việt Nam; thời gian cung cứng nông sản phải luôn đảm bảo so với bản giao kèo đã ký với phía đối tác.

Bốn là, xóa bỏ sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn.Công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải theo mô hình nhiều trung tâm trên các vùng sinh thái tự nhiên và nhân văn; mỗi trung tâm lại có nhiều “vệ tinh” kết nối chặt chẽ với nhau về kinh tế - xã hội, văn hóa, lịch sử và sinh thái. Mô hình này cho phép tiến tới xóa bỏ sự cách biệt giữa thành thị và nông thôn - xét trên phương diện mức sống vật chất và tinh thần. Điều khác biệt chỉ còn là ở chỗ, mật độ dân số và các công trình xây dựng ở đô thị cao hơn nông thôn, còn môi trường sinh thái tự nhiên ở nông thôn tốt hơn thành thị; nông thôn có cảnh quan thiên nhiên thỏa mãn nhu cầu du lịch nông thôn của cư dân thành thị.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đăng Bằng (2002), Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn Bắc Trung Bộ theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Luận văn tiến sĩ kinh tế, Học viện Chính trí Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội.

2. Nguyễn Đăng Chất, Nguyễn Văn Hiền, Lê Hữu Phúc (1994), Về phát triển kinh tế nông thôn nước ta hiện nay, Nxb Nông nghiệp, Hà Nội.

3. Đặng Kim Sơn (2002), Một số vấn đề về phát triển nông nghiệp và nông thôn, Nxb Thống kê, Hà Nội.