Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Xuất khẩu vài thiều sang Nhật Bản và bài học cho nông sản Hà Tĩnh

Tác giả: ThS.Đinh Tiên Hoàng - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

Trong tháng 6 vừa qua, những lô hàng Vải Thiều mang thương hiệu Việt Nam đến từ hai địa phương nổi tiếng là Lục Ngạn (Bắc Giang) và Thanh Hà (Hải Dương) lần đầu tiên lên đường tiến vào thị trường Nhật Bản. Đây là thông tin hết sức đáng mừng đối với ngành nông sản của nước ta nói chung, bởi lẽ với những gì quả Vải đã phải trải qua trong cả hàng chục năm nay, đây có thể sẽ là bài học để chúng ta mở đường cho nhiều loại nông sản khác và các thị trường khác. Chúng ta cần phải biết rằng Nhật Bản là quốc gia rất khó tính và khắt khe trong việc kiểm nghiệm chất lượng cũng như đánh giá tiêu chuẩn hàng hoá, đối với các loại hàng hoá thực phẩm lại càng được quan tâm đặc biệt, việc chinh phục được thị trường Nhật Bản sẽ mở ra thêm nhiều cơ hội cho các loại nông sản của chúng ta đi ra nhiều thị trường khác nhau, giảm thiểu sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.



1. Gian nan quả Vải Việt Nam


Vải Thiều Lục Ngạn và Thanh Hà đã ngon nổi tiếng ở Việt Nam cả hàng chục năm qua, sản lượng Vải những năm gần đây luôn đạt trên 100.000 tấn/năm. Ngon, nhiều, nhưng giá trị về lợi ích kinh tế không cao, giá Vải Thiều chỉ dao động từ 15 – 20.000 vnđ/kg, thị trường tiêu thụ Vải của chúng ta chủ yếu dựa vào Trung Quốc, do đó khi Trung Quốc được mùa hay có những biến động về chính trị, thay đổi cơ chế cửa khẩu hay dịch bệnh thì xuất khẩu gần như mắc kẹt, bên cạnh đó lượng tiêu thụ trong nước của chúng ta không nhiều, chỉ là một phần nhỏ trong tổng sản lượng lớn thu về trong cả nước.


Vào năm 2018, đoạn video clip một người đàn ông ở Lục Ngạn ném từng chùm Vải xuống sông vì được cho là bị tư thương ép giá xuống còn 3000 vnđ/kg. Tuy sau đó các cơ quan chức năng và đích thân người thực hiện hành vi đã lên tiếng đính chính không có chuyện Vải xuống giá còn 10.000vnđ/3kg như tin đồn lan trên mạng, nhưng hành vi đó vẫn khiến cho nhiều người có cái nhìn bi quan về quả Vải Việt Nam và thương cảm cho người nông dân trồng Vải.


Thế nhưng với 3 năm nỗ lực không mệt mỏi của cả ngành nông nghiệp, của các bên liên quan kể từ khi Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đề xuất với phía Nhật Bản cho phép xuất khẩu vải thiều sang thị trường này, đến nay điều đó đã thành hiện thực. Số lượng Vải Thiều qua Nhật Bản chỉ với số lượng vài tấn, rất nhỏ so với sản lượng mà người nông dân thu về hằng năm trên toàn quốc. Tuy nhiên việc chinh phục được thị trường khó tính như Nhật Bản sẽ mở ra nhiều hướng đi cho quả Vải. Thứ nhất, người trồng Vải sẽ phải chú ý để nâng cao chất lượng để đáp ứng được thị trường cao cấp nhằm thu về giá trị cao về mặt thương hiệu và lợi nhuận, phải định hướng đầu tư phân loại chất lượng sản phẩm ngay từ đầu để đầu tư tốt hơn; thứ hai, khi quả Vải Việt Nam được xuất sang Nhật Bản, đây sẽ là đòn bẩy để thứ quả phẩm này tiến đánh các thị trường khác, từ cao cấp đến thứ cấp và bình dân, giảm bớt sự lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc sẽ khiến cho việc sản xuất ổn định hơn khi đã có định hướng sẵn và không còn phải lo âu việc tìm đầu ra cho sản phẩm.


2. Bài học cho nông sản Hà Tĩnh
Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo, yếu kém thương mại dịch vụ, hạn chế về công nghiệp và chưa phát triển về du lịch, nhưng đổi lại thiên nhiên ưu đãi cho Hà Tĩnh có nhiều loại nông sản được nhiều người biết đến. Hồng Đông Lộ và Hồng Tiến, Bưởi Phúc Trạch, Cam Khe Mây, Cam Bù Hương Sơn, Cam Vũ Quang...là những mặt hàng nông sản tiêu biểu mà khi đến Hà Tĩnh ai cũng sẽ được giới thiệu. Thế nhưng thực sự mà nói tiếng vang đối với các loại nông sản này mới chỉ dừng lại ở mức “địa phương”, chỉ được một bộ phận người dân trên toàn quốc được thưởng thức “miễn phí” (được biếu, tặng) mới biết đến. Việc quảng bá thương hiệu cho nông sản Hà Tĩnh là rất kém, cả về quy mô lẫn hệ thống, điều này khiến cho người nông dân Hà Tĩnh thiệt thòi khi sản lượng hàng năm sản xuất ra lớn (Cam Khe Mây, Cam bù Hương Sơn, Cam Vũ Quang) nhưng giá trị kinh tế thu về thấp, hay không được người dân quan tâm phát triển để mang về giá trị kinh tế như chất lượng đã được khẳng định (Hồng Đông Lộ, Hồng Tiến, Bưởi Phúc Trạch).


Việc quả Vải Thiều Lục Ngạn và Thanh Hà chinh phục được thị trường Nhật Bản sẽ là bài học quý giá cho ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, các nhà quản lý và chuyên môn cần có những quyết sách để giúp người dân kết nối được với các thị trường cũng như làm công tác truyền thông, quảng bá thương hiệu các mặt hàng nông sản có giá trị trên đất Hà Tĩnh, bên cạnh đó tỉnh và các sở ban ngành cũng cần phải phối hợp để tạo ra một hành lang pháp lý, các chính sách hỗ trợ để cho nông sản Hà Tĩnh có cơ hội vươn xa, tạo cơ hội cho người nông dân phát triển được sản phẩm của mình.


Hy vọng một ngày không xa nào đó, người dân Hà Tĩnh sẽ được thấy nông sản của mình lên kệ tại các siêu thị Nhật Bản, các nước EU hay ít ra cũng tìm được các thị trường có tính kiểm định chất lượng ít khắt khe hơn, để người nông dân Hà Tĩnh có cuộc sống ổn định hơn, phát triển hơn là sẽ có cuộc sống no ấm, giàu có hơn. Việc này xem chừng không khó, vấn đề là chúng ta có chịu làm và quyết tâm làm một cách nghiêm túc hay không mà thôi.