Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên thông qua giảng dạy môn học tư tưởng Hồ Chí Minh

Tác giả: ThS. Trần Nguyên Hào - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Tin tức - Sự kiện

Giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên là một trong những vấn đề quan trọng trong mục tiêu giáo dục cho bậc cao đẳng, đại học ở nước ta từ trước đến nay. Để thực hiện điều này, Bộ giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các trường Cao đẳng, Đại học thực hiện  nhiều nội dung, với nhiều hình thức thông qua chương trình, giáo trình giảng dạy, học tập; thông qua vai trò của tổ chức Đảng, Đoàn thanh niên và Hội sinh viên trong nhà trường; thông qua việc phối hợp  với gia đình sinh viên và toàn xã hội, trong đó có vai trò của môn học tư tưởng Hồ Chí Minh.

1. Vai trò của bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh với việc giáo dục đạo đức cho sinh viên.

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa môn tư tưởng Hồ Chí Minh vào giảng dạy ở các trường Cao đẳng, Đại học đã làm hoàn chỉnh hệ thống các môn lý luận chính trị, góp phần khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh là tài sản vô giá của toàn Đảng, toàn dân ta, cùng với chủ nghĩa Mác- Lênin là nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của Đảng; nâng cao nhận thức chính trị và lý tưởng cách mạng cho sinh viên. Đặc biệt, bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh còn có một vị trí quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống mới văn minh, lành mạnh cho sinh viên, vị trí này các bộ môn khác không thể thay thế được. Điều này xuất phát từ mấy lẽ sau đây:

Thứ nhất, Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ cách mạng, nhà tư tưởng quan tâm hàng đầu đến vấn đề đạo đức. Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng lâu dài và gian khổ của mình, Người luôn quan tâm đến vấn đề giáo dục đạo đức và lý tưởng cách mạng cho mọi người, nhất là cán bộ đảng viên và thế hệ trẻ. Người luôn coi đạo đức cách mạng là gốc, là nền tảng của người cách mạng. Người dạy: “ Làm cách mạng để cải tạo xã hội cũ thành xã hội mới là một sự nghiệp rất vẻ vang, nhưng nó cũng là một nhiệm vụ rất nặng nề, một cuộc đấu tranh rất phức tạp, lâu dài, gian khổ. Sức có mạnh mới gánh được được nặng và đi được xa. Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang”. Người còn căn dặn: “Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho đoàn viên và thanh niên, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”.

Những vấn đề về đạo đức được Hồ Chí Minh xem xét một cách toàn diện, sâu sắc, hình thành một hệ thống lý luận về đạo đức từ vị trí, vai trò của đạo đức, đến các chuẩn mực đạo đức cơ bản và các nguyên tắc để xây dựng đạo đức. Hồ Chí Minh là nhà đạo đức học vĩ đại, khai sinh ra một nền đạo đức mới là đạo đức cách mạng, ý nghĩa khoa học và nhân văn từ tư tưởng và tấm gương đạo đức của Người là rất lớn.

Thứ hai, Hồ Chí Minh là một tấm gương mẫu mực, sáng ngời về đạo đức cách mạng, không chỉ thể hiện ở lý tưởng cách mạng suốt đời Người theo đuổi là cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, một lòng một dạ tận tuỵ phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc mà còn thể hiện nhất quán, rõ nét trong phong cách làm việc, sinh hoạt, giao tiếp, nếp sống hàng ngày của Người. Tấm gương đạo đức Bác Hồ có sức cuốn hút lớn, có sức cảm hoá lan toả tới tất cả mọi người, kể cả kẻ thù của dân tộc. Bản thân tấm gương đó có ý nghĩa giáo dục sâu sắc, đúng như Bác đã viết: “Nói chung thì các dân tộc phương Đông đều giàu tình cảm, và đối với họ làm một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.

Thứ ba, Hồ Chí Minh là người gần gũi với các thế hệ người Việt Nam, “Người là Cha, là Bác, là Anh” trong mỗi gia đình Việt Nam. Dù Người đã từ biệt thế giới này gần 40 năm nhưng hình ảnh của Người vẫn sống mãi một cách thân thương trong tâm thức của mỗi người. Khi nói về cuộc đời và đạo đức Hồ Chí Minh, chúng ta không hề thấy sự xa lạ. Đó là một thuận lợi của việc giáo dục đaọ đức.

Thứ tư, Cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng phát động và cùng với nó là cuộc thi kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong những năm qua đã thực sự tạo ra được những hiệu quả thiết thực trong việc tuyên truyền, giáo dục và nâng cao đạo đức cách mạng, làm cho mọi người càng thêm tôn kính, biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, thôi thức mọi người sống và làm theo tấm gương đạo đức của Người. Cuộc vận động và cuộc thi trên đã được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mọi cấp, mọi ngành, trong đó có ngành giáo dục nhiệt tình, hưởng ứng, thực hiện và tham gia. Trong các trường Cao đẳng, Đại học, bộ môn tư tưởng Hồ góp phần to lớn trong việc đưa lại hiệu quả cho cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong sinh viên.

Qua những vấn đề trên, chúng ta có thể kết luận rằng: Giáo dục tư tưởng đạo đức và tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những nội dung cơ bản của bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường Cao đẳng, Đại học, góp phần rất lớn vào việc giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên.

 2. Nội dung giáo dục đạo đức cho sinh viên qua môn tư tưởng Hồ Chí Minh.

Theo suy nghĩ bước đầu của tôi, giáo dục đạo đức qua bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh cần tập trung vào 2 nội dung chính sau:

Một là, giáo dục lẽ sống cách mạng cho sinh viên qua tư tưởng và cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh.

Chúng ta biết rằng lẽ sống là một phạm trù cơ bản của đạo đức học. Lẽ sống sẽ quyết định mục đích cuộc sống, động lực của sự phấn đấu, đồng thời cũng quyết định toàn bộ tình cảm cũng như hành vi đạo đức của mỗi người. Cuộc đời Hồ Chí Minh vô cùng đẹp đẽ và cao thượng vì Người có một lẽ sống cao đẹp và phấn đấu cho lẽ sống đó suốt cả cuộc đời. Lẽ sống đó là đấu tranh cho độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Người kiên định lẽ sống đó từ khi ra đi tìm đường cứu nước cho đến khi giã biệt thế giới này. Vì lẽ sống đó, Người đã chấp nhận mọi khó khăn gian khổ, “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”.

Ngày nay, nước ta đã được độc lập, tự do, hoà bình, thống nhất nhưng vẫn là một trong những nước nghèo, có nguy cơ tụt hậu, lạc hậu xa hơn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới; đời sống của đa số người dân vẫn khó khăn, gian khổ; các tệ nạn, tiêu cực xã hội vẫn tồn tại và phát sinh, chưa được khắc phục triệt để...Trong tình hình đó thì sinh viên - thanh niên trí thức phải suy nghĩ và hành động như thế nào để góp phần thực hiện lẽ sống của Bác Hồ, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, làm cho nước Việt Nam phát triển để có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác hằng mong muốn?

Vấn đề lẽ sống có thể được đề cập đến trong tất cả các bài giảng (các chương) của chương trình giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh, có thể coi đây là trục cốt lõi trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên qua môn học này.

Hai là, giáo dục đạo đức cho sinh viên thông qua nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức trong Chương 8 của chương trình và giáo trình môn tư tưởng Hồ Chí Minh và liên hệ tới việc Bác Hồ đã thực hiện các chuẩn mực đạo đức cách mạng như thế nào trong hoạt động cách mạng và trong đời công cũng như đời tư  của mình.

Khi trình bày tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh đối với sinh viên, chúng ta sẽ gặp hai vấn đề tương đối phức tạp đòi hỏi giáo viên phải có sự nghiên cứu kỹ càng và lý giải rõ ràng, đúng đắn, đó là:

- Những chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh có mối quan hệ thế nào với nền kinh tế thị trường, quá trình hội nhập quốc tế hiện nay ở nước ta? Những chuẩn mực đạo đức đó có mâu thuẫn với nền kinh tế thị trường và xu hướng hội nhập, toàn cầu hoá không hay được tiếp tục phát triển trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và chủ trương chủ động hội nhập mà không đánh mất bản sắc riêng của dân tộc, hoà nhập mà không hoà tan?

- Nguyên nhân của việc suy thoái phẩm chất đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và những tệ nan, tiêu cực trong xã hội nước ta hiện nay.

Về phương pháp giáo dục đạo đức thông qua môn học tư tưởng Hồ Chí Minh, theo suy nghĩ của tôi, ngoài việc lồng ghép vào nội dung bài giảng, giảng viên cần đưa ra các chủ đề về đạo đức vào các giờ Xêmina và hướng dẫn, gợi ý, dẫn dắt sinh viên thể hiện các quan điểm, nhận thức và thái độ về đạo đức, lẽ sống của mình. Giảng viên cần ra những bài kiểm tra, bài thi mở, tạo điều kiện cho sinh viên trình bày những suy nghĩ, ý kiến cá nhân của mình, liên hệ giữa lý luận và thực tiễn.

Như vậy, bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong việc giáo dục đạo đức cho sinh viên, là bộ môn có nội dung sát với nội dung giáo dục đạo đức nói chung ở các trường Cao đẳng, Đại học, đồng thời việc nghiên cứu, học tập môn tư tưởng Hồ Chí Minh là một trong những nội dung quan trọng của cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh do Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng phát động trong toàn Đảng, toàn dân ta. Nếu giảng viên trực tiếp giảng dạy bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh chú ý đúng mức đến vấn đề này thì tin chắc rằng sẽ tạo ra hiệu quả thiết thực trong việc giáo dục đạo đức, định hướng lý tưởng, lẽ sống cao đẹp cho sinh viên trong thế kỷ mới và mãi mãi về sau.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo:  Giáo trình Tư tưởng Hồ Chí Minh. Nxb CTQG, Hà Nội, 2010.

2. Học viện CTQG Hồ Chí Minh - Lớp bồi dưỡng giảng viên Tư tưởng Hồ Chí Minh khóa I: Kỷ yếu Hội thảo “Tư tưởng Hồ Chí Minh và việc giảng dạy Tư tưởng Hồ Chí Minh trong nhà trường”, Hà Nội, 2000.

3. Trường Đại học Hà Tĩnh: Đề cương môn học Tư tưởng Hồ Chớ Minh