Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Những hình thức và yêu cầu sư phạm khi sử dụng phương pháp thảo luận nhóm trong dạy học môn Giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông

Tác giả: ThS. Đào Thị Thúy - Đăng ngày: .

Thảo luận nhóm là một phương pháp dạy học tích cực đang được sử dụng rộng rãi và phổ biến ở các môn khoa học khác nhau, trong đó có môn Giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông, với phương pháp này lớp học được chia thành những nhóm nhỏ để bàn bạc, trao đổi, thảo luận và đưa ra ý kiến chung của nhómnhằm giải quyêt một vấn đề liên quan đến nội dung bài học dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Tuy nhiên để sử dụng phương pháp thảo luận nhóm đạt hiệu quả trong dạy học môn Giáo dục công dân, giáo viên cần thực hiện tốt các hình thức và những yêu cầu sư phạm sau:

 

1. Các hình thức thảo luận nhóm trong dạy học môn Giáo dục công dân

- Nhóm nhỏ thông thường

Giáo viên chia lớp học thành các nhóm nhỏ (3 đến 6 người) để thảo luận một vấn đề cụ thể của nội dung bài học và các nhóm phải  nhanh chóng đưa ra kết luận tập thể về các vấn đề đó. Hình thức này thường được sử dụng kết hợp với các phương tiện, kỹ thuật dạy học khác khi giảng dạy một bài hoặc một tiết học. Nội dung thảo luận của nhóm thông thường là các vấn đề có các câu hỏi nhỏ, ngắn gọn, nội dung súc tích, thời gian ít khoảng (5 đến 10 phút).

- Nhóm rì rầm

Giáo viên chia lớp học thành các nhóm “cực nhỏ” khoảng 2 đến 3 người (thường là ngồi cùng bàn) để dễ trao đổi với nhau và thống nhất trả lời một câu hỏi, giải quyết một vấn đề, nêu một ý tưởng, một thái độ...Để nhóm rì rầm có hiệu quả, giáo viên cần cung cấp đầy đủ, chính xác các dữ liệu, các gợi ý và nêu rõ yêu cầu đối với câu trả lời để các thành viên tập trung vào giải quyết. Việc chia lớp thành các nhóm nhỏ “nhóm rì rầm” là biện phảp khắc phục tâm lý ỉ lại của các thành viên khác, nhằm mục đích làm tăng hiệu quả của phương pháp thảo luận nhóm cũng như hiệu quả học tập của học sinh.

- Nhóm kim tự tháp

Đây là hình thức mở rộng của nhóm rì rầm. Sau khi thảo luận theo cặp 2 đến 3 người cùng bàn của nhóm rì rầm thì các cặp nhóm kết hợp thành một nhóm  có số lượng 4 đến 6 người để thống nhất phương án trả lời nhằm hoàn thiện vấn đề chung của nội dung bài học.

- Nhóm đồng tâm (nhóm bể cá)

Để thực hiện hình thức thảo luận nhóm theo hình thức nhóm đồng tâm, giáo viên chia lớp thành hai nhóm: nhóm thảo luận và nhóm quan sát, sau đó hoán vị cho nhau. Nhóm có số lượng từ 6 đến 10 người có nhiệm vụ thảo luận và trình bày vấn đề được giao, còn các thành viên khác trong lớp đóng vai trò là người quan sát và phản biện. Tiến hành thảo luận nhóm theo hình thức nhóm đồng tâm rất có hiệu quả đối với việc làm tăng ý thức trách nhiệm cá nhân trước và tạo cơ hội cho mọi người trình bày ý kiến của mình trước tập thể lớp.

- Nhóm khép kín và nhóm mở

Nhóm khép kín là các thành viên trong nhóm làm việc trong khoảng thời gian dài, thực hiện trọn vẹn một hoạt động học tập từ giai đoạn đầu cho đến giai đoạn kết thúc. Nhóm mở là các thành viên có thể tham gia một hoặc vài giai đoạn phù hợp với khả năng và sở thích của mình. Hình thức này mang lại cho người học có nhiều khả năng lựa chọn vấn đề phù hợp để cá nhân chủ động về thời gian, về năng lực và sở trường của mình.

Thông qua các hình thức thảo luận nhóm, kiến thức môn học của học sinh được củng cố, được đào sâu, mở rộng, bước đầu biết phân tích, phê phán, lập luận, dẫn chứng để bảo vệ ý kiến của mình trước tập thể. Qua thảo luận, giúp học sinh nói lên suy nghĩ, quan điểm của mình. Sự hiểu biết của họ có được phải trải qua một quá trình tìm tòi, nghiên cứu, kích thích được nhu cầu nhận thức, phát triển trí thông minh, hứng thú trong sáng tạo.

2. Những yêu cầu sư phạm khi thực hiện phương pháp thảo luận nhóm trong dạy học môn Giáo dục công dân

- Chia nhóm để tiến hành thảo luận

        Có nhiều cách chia nhóm: theo số điểm danh, theo tổ, theo giới tính, vị trí chỗ ngồi. Quy mô nhóm có thể lớn hoặc nhỏ tuỳ theo vấn đề thảo luận, tốt nhất nhóm có 4-6 người.

        - Nội dung và thời gian thảo luận

Nội dung thảo luận của các nhóm có thể giống hoặc khác nhau. Quy định rõ thời gian thảo luận và trình bày kết quả thảo luận của các nhóm. Mỗi nhóm sẽ cử một thành viên trong nhóm làm nhóm trưởng để điều khiển quá trình thảo luận và một thư kí để ghi lại  những điểm chính của cuộc thảo luận để trình bày trước lớp. Nhóm trưởng và thư kí phải được luân phiên nhau.

Kết quả thảo luận có thể trình bày dưới nhiều hình thức: nói, viết, thay mặt nhóm trình bày, mỗi người trình bày một đoạn nối tiếp nhau.

Trong thời gian học sinh thảo luận theo nhóm nhỏ, giáo viên quan sát lắng nghe ý kiến, giúp đỡ, gợi ý cho học sinh nếu cần thiết.

Như vậy, Thảo luận nhóm là một phương pháp dạy học sử dụng trí tuệ tập thể của học sinh cùng đi tìm chân lí, là một trong những xu hướng đổi mới phương pháp dạy học hiện nay. Tuy nhiên mỗi hình thức của phương pháp thảo luận nhóm đều có những đặc điểm và ưu thế nổi trội của mình. Do vậy tuỳ thuộc vào tính chất, nội dung bài học cũng như các điều kiện dạy và học khác nhau mà giáo viên có thể lựa chọn cho mình những hình thức thảo luận nhóm phù hợp nhằm mang lại hiệu quả cao trong quá trình dạy học./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

       1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giáo dục công dân 11, sách giáo viên,  Nxb giáo dục, 2011.

       2. Vũ Đình Bảy (Chủ biên) Đặng Xuân Điều, Nguyễn Thành Minh, Phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân ở Trường trung học phổ thông, Nxb giáo dục Việt Nam, 2010.

       3. Đinh Văn Đức – Dương Thị Thuý Nga (Đồng chủ biên) Phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân ở Trường trung học phổ thông, Nxb Đại học sư phạm, 2009.

       4. Trần Bá Hoành, Đổi mới phương pháp dạy học, chương trình và sách giáo khoa, Nxb Đại học sư phạm, 2007.

       5. Trần Duy Hưng (1998) Quy trình thảo luận nhóm trong dạy học hướng vào người học, Tạp chí nghiên cứu  Giáo dục số 10.