Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC CHẤT LƯỢNG CAO TRONG BỐI CẢNH CUỘC CÁCH MẠNG 4.0

Tác giả: TS. Đậu Thị Hồng - Đăng ngày: .

Phát triển nguồn nhân lực có trình độ, chất lượng cao đã được xác định là một trong ba đột phá chiến lược quan trọng hàng đầu của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế tri thức và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như hiện nay. Trước những yêu cầu mới đó, vai trò của giáo dục đại học là rất quan trọng. 

Nguồn nhân lực là nguồn lực con người, nguồn lực đó được xem xét ở hai khía cạnh. Trước hết, với ý nghĩa là nguồn gốc, là nơi phát sinh ra nguồn lực. Nguồn nhân lực nằm ngay trong bản thân con người, đó cũng là sự khác nhau cơ bản giữa nguồn lực con người và các nguồn lực khác. Thứ hai, nguồn nhân lực được hiểu là tổng thể nguồn lực của từng cá nhân con người. Với tư cách là một nguồn lực của quá trình phát triển, Nguồn nhân lực là nguồn lực con người có khả năng sáng tạo ra của cải vật chất và tinh thần cho xã hội được biểu hiện ra là số lượng và chất lượng nhất định tại một thời điểm nhất định. Liên Hiệp Quốc cho rằng nguồn lực con người là tất cả những kiến thức kỹ năng và năng lực con người có quan hệ tới sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Ngày nay, nguồn nhân lực còn bao hàm khía cạnh về số lượng, không chỉ những người trong độ tuổi mà cả những người ngoài độ tuổi lao động [Trần Xuân Cầu và Mai Quốc Chánh,  2009]. Nguồn nhân lực là tổng hòa các yếu tố về thể chất, trí tuệ, trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng, đạo đức; trình độ chuyên môn, kỹ thuật; kỹ năng, kinh nghiệm, đang và sẵn sàng th1am gia vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia.

Nguồn nhân lực chất lượng cao là là bộ phận ưu việt nhất của nguồn nhân lực, kết tinh những gì tinh túy nhất, chất lượng nhất của nguồn nhân lực. Đây là bộ phận lao động có phẩm chất thái độ đúng; có sức khỏe; có trình độ học vấn có trình độ chuyên môn cao hoặc có kỹ năng lao động giỏi tương ứng với một nghề nghiệp cụ thể; có năng lực sáng tạo; biết vận dụng những tri thức, kỹ năng đã được đào tạo vào trong quá trình lao động sản xuất; nhằm đem lại năng suất và hiệu quả cao.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển với các nội dung liên quan đến việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và các điều khiển mềm thông qua các máy tính và mạng máy tính để liên kết hầu hết các lĩnh vực liên quan đến đời sống con người, như kinh tế, ngân hàng, xây dựng, nông nghiệp, giao thông, giáo dục, giải trí, thiết bị gia dụng, công nghệ thông tin truyền thông, v.v.. Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang gây chú ý với những ứng dụng đã và đang hình thành mang tính đột phá trong các lĩnh vực như trí tuệ nhân tạo, rô bốt, Internet vạn vật, xe tự lái, công nghệ in 3D, và công nghệ nano thúc đẩy mạnh mẽ kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức, bởi nguồn lực phát triển quan trọng nhất của nó là nhân lực có năng lực sáng tạo công nghệ. Theo đó, quốc gia nào sở hữu nhiều tri thức, nhân lực chất lượng cao sẽ giành ưu thế cạnh tranh toàn cầu. Các nước đang phát triển có cơ hội rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển nếu  biết  tiếp cận  nhanh  cuộc  Cách  mạng công nghiệp 4.0 nhưng có thể sẽ đối mặt với nguy cơ tụt hậu xa hơn nếu không tận dụng tốt những lợi thế và cơ hội từ cuộc cách mạng này.

Thực tiễn đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong các cơ sở giáo dục đại học

Trường đại học đóng vai trò then chốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, là cái nôi của các hoạt động nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo. Cách mạng 4.0 tác động tới hoạt động và định hướng của hệ thống đào tạo đại học. Thực tế các trường Đại học đã có những đổi mới và chuyển biến mạnh mẽ để phù hợp với bối cảnh mới đặc biệt là những vấn đề đặt ra trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao dưới ảnh hưởng của cách mạng 4.0. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về giáo dục đại học từng bước hoàn thiện là hành lang pháp lý cho giáo dục đại học phát triển, phù hợp với chủ trương, định hướng đổi mới của Đảng. Đặc biệt, có nhiều chính sách mới đã được hoạch định và thực thi như việc đẩy mạnh tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học. Tính đến cuối tháng 2-2021, cả nước đã có 153 cơ sở GDĐH và 9 trường cao đẳng sư phạm đạt tiêu chuẩn kiểm định theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng GDĐH của Việt Nam, chiếm khoảng 64% tổng số các trường đại học, học viện trong cả nước. Có 7 trường đại học được công nhận bởi tổ chức đánh giá/kiểm định quốc tế (HCERES, AUN-QA). Về kiểm định chương trình đào tạo, có 174 chương trình đào tạo của 48 cơ sở GDĐH được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn trong nước và 208 chương trình đào tạo của 36 trường đại học, học viện được đánh giá và công nhận theo tiêu chuẩn khu vực và quốc tế.. Bên cạnh hoạt động kiểm định, xếp hạng đại học là hoạt động được Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học Việt Nam đặc biệt coi trọng trong những năm qua. Năm 2018, lần đầu tiên trong lịch sử giáo dục đại học Việt Nam, hai đại học quốc gia có tên trong danh sách xếp hạng 1000 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng QS. Năm 2021 Tổ chức xếp hạng Quacquarelli Symonds - Anh (QS AUR) công bố kết quả của Bảng xếp hạng đại học châu Á, Việt Nam góp mặt 11 cơ sở giáo dục đại học, ĐH Quốc gia Hà Nội tiếp tục cho thấy vị thế quốc tế, uy tín học thuật khi có năm thứ hai liên tiếp nằm trong top 100 về Uy tín học thuật (xếp hạng 98 trong QS AUR 2022 - tăng 1 bậc so với kỳ xếp hạng trước). Đó là kết quả từ sự bứt phá vươn lên của giáo dục đại học Việt Nam trong quá trình hội nhập với sự phát triển của giáo dục đại học quốc tế. Đây cũng là tín hiệu khẳng định được những biến chuyển tích cực của giáo dục đại học trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chất lượng đội ngũ tăng lên từng bước, từng năm theo chuẩn quốc tế. Nếu như trước đây, giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ không yêu cầu bắt buộc có công bố quốc tế, nay, với quy chế mới về tiêu chuẩn chức danh, bắt buộc yêu cầu giáo sư, phó giáo sư, các nghiên cứu sinh khi bảo vệ luận án đều phải có công bố quốc tế. Đặc biệt, liên quan đến việc đào tạo nhân lực chất lượng cao, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường đại học tích cực triển khai các chương trình đào tạo tài năng, tiên tiến, chất lượng cao để đào tạo để bổ sung vào nguồn nhân lực hàng năm của đất nước. Tham gia các chương trình này là những giảng viên ưu tú của Việt Nam và một số giảng viên nước ngoài nhằm phát triển, quốc tế hóa chương trình đào tạo, đáp ứng nguồn nhân lực toàn cầu. Bên cạnh đó, Việt Nam đã cử hàng nghìn học sinh, sinh viên ưu tú đi học đại học, thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài theo cả mô hình học bổng của Nhà nước, các tổ chức và hợp tác với các nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới và du học tự túc.

Đối với giáo dục đại học trong nước, giáo dục đại học Việt Nam đang tích cực chuyển đổi số và có sự chuyển dịch cơ cấu ngành nghề nhanh, phù hợp với xu thế phát triển cũng như những cơ hội và thách thức đặt ra cho giáo dục và nguồn nhân lực trong bối cách mạng công nghiệp 4.0. Những ngành tự động hóa, công nghệ thông tin, khoa học máy tính, công nghệ phần mềm, an toàn thông tin, trí tuệ nhân tạo, quản lý hệ thống thông tin, công nghệ nano, vật liệu và kết cấu tiên tiến... trở thành những ngành mũi nhọn ở một số trường đại học như Đại học FPT, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Bách Khoa TPHCM... Điều này chứng minh rằng giáo dục đại học của Việt Nam đang đi đúng hướng, bắt nhịp được với xu thế của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh mới.

Bên cạnh đó, một số hạn chế nhìn từ góc độ đào tạo nguồn nhân lực ở Việt Nam như sinh viên Việt Nam ra trường còn thiếu hụt kỹ năng cần thiết cho thị trường lao động, sự kết nối giữa thị trường lao động và cơ sở giáo dục đại học còn chưa thật sự chặt chẽ và vẫn còn nhiều khoảng trống dẫn tới nguồn nhân lực chất lượng cao chưa được đáp ứng như kỳ vọng. TheoTổng cục Thống kê cho biết, năm 2020, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ ở mức 23,6%; trên 60% việc làm thuộc khu vực nông nghiệp và phi chính thức với năng suất lao động thấp. Kỷ luật lao động của người Việt Nam nhìn chung vẫn còn kém, thiếu các kỹ năng mềm, thiếu khả năng hợp tác và gánh chịu rủi do, ngại phát huy sáng kiến và chia sẻ kinh nghiệm. Mặt khác, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thí điểm tự chủ đại học ảnh hưởng tới định hướng chiến lược cũng như cách thức quản trị của các cơ sở giáo dục đại học. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để thực hiện chiến lược phát triển giáo dục đặc biệt là giáo dục đại học đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao đòi hỏi Nhà nước, các cấp quản lý, các trường Đại học phải tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp. Một trong những biện pháp có tính tiên quyết là phải phát triển đồng bộ hệ thống giáo dục đại học trên cơ sở quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam. Muốn có các quyết sạch quy hoạch giáo dục đại học phù hợp trong bối cảnh mới cần thực hiện tốt công việc dự báo nhu cầu nhân lực tại các địa phương và các lĩnh vực ngành, nghề, gắn chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ngoài ra cần có các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn để xây dựng hệ thống giáo dục đại học khai phóng, nhân văn, hòa nhập tạo ra cơ hội học tập suốt đời cho mọi người. Mặt khác, cũng cần một sự phân loại, đầu tư trọng điểm ngành, khu vực để ứng dụng thành tựu cũng như đáp ứng yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0