Một vài trao đổi về kỹ năng sử dụng tài liệu học tập đối với quá trình tự học của sinh viên
Trong điều kiện hiện nay khi các trường ĐH,CĐ đã chuyển sang hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ thì hoạt động tự học của sinh viên ngày càng quan trọng. Nếu các em nắm vững các kỹ năng học tập trong đó có kỹ năng sử dụng tài liệu học tập thì hoạt động tự học của các em sẽ trở nên dễ dàng hơn và hiệu quả hơn.
Tài liệu học tập là công cụ quan trọng để phục vụ cho quá trình dạy học, là nguồn tri thức đa dạng và phong phú giúp người học nắm chắc, đào sâu, mở rộng tri thức nhằm tăng vốn hiểu biết của bản thân. Tài liệu học tập được chia làm nhiều loại, bao gồm giáo trình, tài liệu tham khảo, sách tra cứu, tạp chí chuyên ngành, tài liệu điện tử…Việc sử dụng tài liệu học tập giữ một vị trí đáng kể trong việc nắm vững kiến thức nói chung và phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học nói riêng. Để sử dụng tài liệu học tập một cách hiệu quả, sinh viên cần nắm vững các kỹ năng sau:
1. Kỹ năng đọc các tài liệu học tập
Việc đọc các tài liệu học tập không đơn giản như đọc sách báo mang tính giải trí mà đó là đọc để nghiên cứu, phải tập trung cao độ, có tư duy phân tích và thái độ của bản thân để phục vụ cho quá trình học tập. Vì vậy, người học cần phải nắm vững các kỹ năng đọc tài liệu học tập.
Thứ nhất, xác định mục đích của việc đọc giáo trình, tài liệu tham khảo... Đọc để làm gì? Việc làm này, sẽ giúp người học định hướng được việc khai thác những vấn đề cần nằm trong sách.
Thứ hai, nắm vững phương pháp đọc: sau khi xác định mục đích đọc sách, người học có thể sử dụng nhiều cách đọc khác nhau: đọc lướt, đọc nhanh, đọc kỹ. Tuỳ theo nhiệm vụ học tập mà người học có thể lựa chọn một cách đọc nào đó hay phối hợp các cách đọc khác nhau một cách hợp lý để nội dung cần đọc được hiểu một cách sâu sắc, toàn diện:
Đọc lướt: có thể đọc toàn bộ quyển sách nhưng không nghiền ngẫm, tư duy kỹ càng. Với cách đọc này, người học có thể tìm hiểu một cách khái quát nội dung toàn bộ sách.
Đọc nhanh: sau khi sơ bộ tìm hiểu khái quát về nội dung sách, việc đọc sách thực sự bắt đầu. Đọc nhanh sẽ tập trung được sự chú ý và dễ dàng xác lập được mối liên hệ mật thiết giữa các giai đoạn. Điều đó, giúp chúng ta có thể nắm vững tài liệu tốt hơn, có được ấn tượng mạnh đối với những điều đã đọc.
Đọc kỹ: đối với mỗi cuốn sách, việc đọc một lần hay nhiều lần, nhanh hay chậm là tuỳ thuộc vào mục đích đọc. Nếu chỉ đọc với mục đích trích dẫn một số dẫn chứng thì có thể đọc một lần, còn với mục đích học tập, nghiên cứu để nắm vững toàn bộ nội dung sách hay những nội dung cơ bản thì phải đọc đi đọc lại nhiều lần, đọc có nghiền ngẫm, tư duy suy nghĩ.
Thứ ba, sử dụng các kỹ năng như phân tích, tổng hợp, khái quát hoá, so sánh…khi đọc để phát hiện ra các thuộc tính bản chất, những đặc điểm cơ bản, những nội dung chủ yếu, mấu chốt của vấn đề. Trên cơ sở đó, rút ra những kết luận, nhận xét, đánh giá, chính xác vấn đề cần đọc.
2. Kỹ năng ghi chép khi đọc tài liệu học tập.
Đây làmột kỹ năng cần thiết và quan trọng giúp người đọc có thể kiểm tra được mức độ lĩnh hội tài liệu của mình, tạo cơ sở để người đọc ghi nhớ kiến thức và giữ lại được tư liệu khi cần thiết. Người học có thể sử dụng một số hình thức ghi chép như: trích tài liệu để ghi lại nguyên văn, ghi nhận xét, lập đề cương khi đọc sách, viết sơ đồ, viết tóm tắt những nội dung cơ bản… Những hình thức ghi chép này giúp người học có thể ghi nhớ, tích luỹ tài liệu, rèn luyện kỹ năng viết nghiên cứu khoa học.
3. Kỹ năng hệ thống hoá, khái quát hoá tài liệu học tập
Đây là kỹ năng rất quan trọng giúp người học phát triển năng lực nhận thức của bản thân và dễ dàng nắm được tài liệu nghiên cứu một cách tổng quát, hệ thống toàn diện. Muốn vậy, người học phải đọc, nghiên cứu kỹ tài liệu, phải tư duy ở mức độ cao để tìm hiểu sâu sắc thì mới khái quát hoá, hệ thống hoá vấn đề dưới dạng dàn ý, đề cương cho phù hợp. Từ đó, giúp người học nắm được những vấn đề chung, bản chất nhất, có hệ thống và có thể giải quyết những vấn đề đặt ra mà không cần phải học thuộc lòng một khối lượng tri thức khổng lồ của môn học.
Không phải bất cứ sinh viên nào cũng có được kỹ năng nghiên cứu tài liệu nếu không có sự hỗ trợ của giáo viên. Giáo viên là người hướng dẫn cho sinh viên kỹ năng sử dụng tài liệu với tư cách là một phương pháp dạy học. Quá trình hướng dẫn sinh viên kỹ năng đọc giáo trình và tài liệu phải được thực hiện ngay trên lớp, thường xuyên và ngay trong những giờ học hàng ngày để hình thành thói quen đọc sách và thói quen làm việc với sách. Sự định hướng và theo dõi của giáo viên trong quá trình sử dụng tài liệu học tập sẽ giúp quá trình hoàn thiện các kỹ năng đọc; kỹ năng ghi chép; kỹ năng hệ thống hoá, khái quát hoá tài liệu học tập, giúp sinh viên phát huy hiệu quả tốt nhất đối với hoạt động tự học./.
Tin mới
- Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng tính kỷ luật trong quân đội - 02/12/2016 09:56
- Chức năng, giá trị của pháp luật nhìn dưới góc độ xã hội - 22/11/2016 15:22
- Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên - 07/11/2016 08:49
- Tôn sư trọng đạo – một truyền thống giáo dục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam - 31/10/2016 03:14
- Thay đổi phương pháp dạy học trong thời kỳ bùng nổ mạng Internet - 24/10/2016 05:23
Các tin khác
- Phụ nữ Đại học Hà Tĩnh chung tay giữ gìn và bảo vệ môi trường - 18/10/2016 13:31
- Giới hạn quyền tác giả theo quy định của pháp luật Việt Nam - 11/09/2016 03:20
- Mô hình công ty cổ phần theo pháp luật Trung Quốc - 18/06/2016 13:51
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam - 18/06/2016 11:50
- Vai trò của đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên - 18/06/2016 11:43