Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng tính kỷ luật trong quân đội

Tác giả: Th.S Trần Thị Thúy - Đăng ngày: .

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khai sinh ra quân đội nhân dân Việt Nam. Lúc sinh thời, Bác luôn dày công chăm lo, rèn luyện và giáo dục quân nhân một cách toàn diện, trong đó Bác đặc biệt chú trọng đến tính kỷ luật. Tính kỷ luật trong quân đội đòi hỏi những người thực hiện nghĩa vụ quân sự đảm bảo tính tập trung, chính xác, tinh thần chấp hành triệt để vô điều kiện để thực hiện tốt nhất mệnh lệnh, chỉ thị của đơn vị, của tổ chức. Đảm bảo kỷ luật trong quân đội là sự tuân thủ nghiêm ngặt và chính xác Hiến pháp, pháp luật Nhà nước, điều lệnh, điều lệ, chế độ qui định của quân đội, mệnh lệnh, chỉ thị của cấp trên nhằm bảo đảm cho mọi hoạt động của quân đội, từng đơn vị trên mọi lĩnh vực được chỉ huy thống nhất, phát huy trí tuệ, tài năng của mọi quân nhân tạo thành sức mạnh quân đội để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ. Bản chất của kỷ luật quân đội xét đến cùng do bản chất của chế độ xã hội, bản chất nhà nước qui định, vì vậy kỷ luật quân đội mang bản chất Nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mang bản chất giai cấp, mang truyền thống tốt đẹp của một đội quân cách mạng.

V.I.Lênin đã từng nói về ý nghĩa của kỷ luật nhằm nâng cao năng lực chiến đấu của quân đội: “Nếu suy nghĩ đến cùng, do nguyên nhân sâu xa mà có được cái kỳ tích lịch sử là một nước suy yếu, bị kiệt quệ và lạc hậu lại chiến thắng được những nước hùng cường nhất thế giới, thì chúng ta thấy nguyên nhân đó là chế độ tập trung, kỷ luật và tinh thần hy sinh chưa từng có”1. Kế thừa một cách khoa học, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Leenin trong quá trình giáo dục, rèn luyện quân đội ta, Bác chỉ rõ: “Bộ đội không có kỷ luật, đánh giặc nhất định thua”2 hay “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm. Vì vậy, kỷ luật phải nghiêm minh”3.

Trong nội dung xây dựng kỷ luật quân đội, Người thường xuyên nhắc nhở cán bộ, chiến sĩ phải chăm lo xây dựng kỷ luật tự giác, nghiêm minh. Kỷ luật ấy phải xuất phát từ tính tự giác, tự nguyện của từng cá nhân và của cả tập thể. Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh: để quân đội có kỷ luật tự giác, nghiêm minh, trước hết phải lấy giáo dục thuyết phục làm chính, “quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và kỷ luật nghiêm”4. Muốn tính nghiêm minh của kỷ luật quân sự được phát huy triệt để, đòi hỏi phải phát huy dân chủ, đề cao kỷ luật, phải không ngừng giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức chính trị, phẩm chất đạo đức cách mạng,âng cao nnăng lực và phát triển nhân cách người quân nhân. Đạo đức cách mạng của người quân nhân được biểu hiện thông qua hành vi tích cực, rèn luyện và chấp hành kỷ luật; người có đạo đức cách mạng cũng là người có tính kỷ luật tự giác cao; kỷ luật tự giác là một phẩm chất cao đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa nói chung và người quân nhân cách mạng nói riêng. Do đó, người quân nhân chấp hành kỷ luật quân sự một cách tự giác, nghiêm minh cũng là tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

Đối với quân nhân được rèn luyện và trưởng thành trong môi trường quân đội nhân dân Việt Nam, tính kỷ luật được xây dựng trên cơ sở ý chí, niềm tin cách mạng vững chắc, đó chính là sự giác ngộ cao cả về lý tưởng cách mạng, từ đó tạo thành nhu cầu bên trong để mọi người tự giác và chủ động chấp hành. Người quân nhân khi làm nhiệm vụ đã được giác ngộ cao về mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, về chức năng, nhiệm vụ và đã được giác ngộ cao cả về lý tưởng chiến đấu, về chức năng, nhiệm vụ và được giáo dục về điều lệnh kỷ luật quân đội. Sự giác ngộ của cán bộ, chiến sĩ không chỉ ở nhận thức, mà còn được chuyển hóa thành thái độ, hành vi ứng xử tự giác trong mọi lĩnh vực hoạt động và trong các mối quan hệ cấp trên, cấp dưới, giữa cán bộ với chiến sĩ, giữa chiến sĩ với chiến sĩ và giữa quân đội với nhân dân… Đó không chỉ là bản năng thuần túy mà là hành vi cao đẹp được xây dựng trên cơ sở giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và trách nhiệm cao đối với Tổ quốc và nhân dân.

Giáo dục ý thức tổ chức kỷ luật trong quân đội, Bác đặc biệt quan tâm đến sĩ quan, cán bộ chủ trì đơn vị. Người luôn đòi hỏi quân đội phải thực hiện công bằng, bình đẳng, dân chủ, không phân biệt cấp, chức trong rèn luyện và chấp hành kỷ luật, kiên quyết chống tệ quan liêu, thói mệnh lệnh hành chính, tự do vô kỷ luật, công thần, kiêu ngạo. Những biểu hiện cán bộ thiếu quan tâm sâu sát đến đời sống, sinh hoạt của chiến sĩ, khen thưởng, xử phạt thiếu công minh, chính xác, kịp thời, thích ai thì thưởng, ghét ai thì phạt, sử dụng những hình phạt thô bạo, xúc phạm đến nhân cách chiến sĩ… là hoàn toàn trái với tư tưởng nhân văn về kỷ luật quân sự của Hồ Chí Minh.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề kỷ luật quân sự là vấn đề quan trọng nhằm góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học của việc nâng cao tính tự giác của quân nhân nhằm xây dựng đơn vị có nề nếp, tránh tình trạng xử lý vi phạm kỷ luật vô nguyên tắc, không đúng mệnh lệnh của quân đội; khắc phục các hiện tượng quan liêu, hành chính mệnh lệnh gây mất đoàn kết trong quân đội. Quan điểm nhân văn nổi bật trong tư tưởng Hồ Chí Minh về kỷ luật quân sự do ảnh hưởng từ tính chất của một tổ chức quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Những nét đặc trưng nổi bật này được thể hiện sâu sắc ở sự đề cao yếu tố tự giác, nghiêm minh, sự tôn trọng phẩm chất, nhân cách, tình yêu thương con người, nâng đỡ dìu dắt con người, sự bình đẳng, tinh thần dân chủ trong giáo dục, rèn luyện, xây dựng ý thức kỷ luật, cũng như xử lý kỷ luật đối với cán bộ, chiến sỹ.

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng và rèn luyện kỷ luật quân sự, đòi hỏi mỗi quân nhân phải không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ, kiến thức về mọi mặt, đặc biệt là nâng cao bản lĩnh chính trị của quân nhân. Từ đó xây dựng lòng tin, trách nhiệm, tính tự giác cao trong tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu vươn lên của người quân nhân cách mạng, để tự hoàn thiện nhân cách “Bộ đội Cụ Hồ”./.

 

Tài liệu tham khảo

1. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 40, Nxb Tiến bộ, 1978, tr.279.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, H, 1996, tr.341.

3. Sđd, tập 6, tr.560

4. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H, 1995, tr 559, 560.

5. http://dvhnn.org.vn/bai-viet-Quan-triet-tu-tuong-nhan-van-Ho-Chi-Minh-ve-ky-luat-quan-su-trong-quan-ly,-giao-duc-va-ren-luyen-ky-luat-o-Truong-si-quan-Luc-quan-2-29-5463.html#.WDuWXVcejTY.gmai