Thực trạng thực thi pháp luật về quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay
Tóm tắt
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phát triển mạnh mẽ, các quan hệ tiêu dùng được thiết lập ngày càng nhiều với những phương thức ngày càng đa dạng và phong phú, điển hình là các phương thức giao dịch thương mại điện tử thì những thông tin cá nhân của NTD ngày càng trở nên quan trọng đối với các cá nhân, tổ chức kinh doanh. Những chủ thể kinh doanh có được càng nhiều thông tin về NTD thì sẽ càng có nhiều lợi thế cạnh tranh so với các chủ thể khác và từ đó, mở rộng cơ hội để quảng cáo hàng hóa, dịch vụ, tiến tới giao kết hợp đồng với NTD. Chính bởi những lợi ích nói trên, nhiều chủ thể đã ngang nhiên mua bán, sử dụng thậm chí chiếm đoạt các thông tin cá nhân của NTD nhằm trục lợi một cách bất chính. Hành vi này không chỉ gây tổn thất về tài sản mà còn có khả năng xâm hại đến đời sống tinh thần của NTD.
Từ khóa: người tiêu dùng, tổ chức kinh doanh, thông tin cá nhân
I. Đặt vấn đề
Mặc dù hiện nay, quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của người NTD đã được ghi nhận trong rất nhiều văn bản QPPL khác nhau, bên cạnh đó, Nhà nước cùng các tổ chức xã hội cũng đã và đang tham gia rất tích cực vào hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD. Tuy nhiên, cho đến nay, qua thực tiễn thực thi pháp luật về quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD trên các lĩnh vực khác nhau đã chỉ ra rằng quyền năng quan trọng này của NTD đang bị xâm hại một cách rất nghiêm trọng.
II. Nội dung
1. Tình hình vi phạm pháp luật về quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD
Hiện nay, rất nhiều NTD có sử dụng dịch viễn thông, hay các mạng xã hội thường xuyên bị làm phiền bởi các cá nhân, tổ chức bán hàng, quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm mà không cần biết bản thân NTD có nhu cầu sử dụng hàng hóa, dịch vụ đó hay không. Theo Báo cáo khảo sát NTD do Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) chủ trì thực hiện vào năm 2016, khi được hỏi về việc NTD đã bị xâm phạm bởi những hành vi nào thì có 540 người trong số 3.000 NTD được hỏi (tương ứng 18%) trả lời họ đã bị quấy rối thông qua tiếp thị, quảng cáo trái ý muốn. Mặc dù, Luật bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010 tại Khoản 4 Điều 3 đã xác định những hành vi nói trên được coi là hành vi quấy rối NTD nhưng cho đến nay, rất nhiều chủ thể phớt lờ quy định này để giới thiệu về hàng hóa, dịch vụ hoặc đề nghị giao kết hợp đồng trái với ý muốn của NTD.
Ngày nay, nếu cần có thông tin của bất kỳ một loại đối tượng NTD nào, người mua có thể thông qua các website trực tuyến để “mua” thông tin mình muốn mà không cần phải bỏ ra nhiều thời gian, công sức hay tiền bạc để thu thập. Bằng việc có được một cách trái phép những thông tin của NTD, nhiều đối tượng đã dùng thủ thuật để đánh cắp những tài khoản này và chiếm đoạt tài sản, gây ra những xáo trộn trong đời sống của NTD.
2. Thực trạng về hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các tổ chức xã hội trong việc bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD
* Về hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền
Theo quy định hiện nay, hệ thống các cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi NTD đã được mở rộng đến cấp xã. Trong giai đoạn hiện nay, các cơ quan quản lý nhà nước đang phối hợp với các tổ chức trong và ngoài nước để thực hiện các biện pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD. Điển hình là việc phối hợp tiến hành khảo sát ý kiến, nhận thức của NTD trên cả nước; tổ chức các hội thảo với quy mô khác nhau về việc nâng cao chất lượng công tác bảo vệ quyền lợi NTD; xuất bản các bộ tài liệu giới thiệu luật bảo vệ quyền lợi NTD đến cho NTD; thường xuyên quan tâm đến hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD ở các cấp địa phương; ký kết hợp tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài triển khai nhiều giải pháp thiết thực để tăng cường kiến thức cơ bản về Luật đến các cơ quan quản lý, tổ chức, cá nhân; nâng cao năng lực tư vấn, hỗ trợ NTD thông qua chương trình đào tạo tại các nước phát triển như Nhật Bản, Đức…; ngoài ra, để giúp NTD có thêm kênh tư vấn, hỗ trợ khi có thắc mắc, khiếu nại về hàng hóa, dịch vụ Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã ra mắt tổng đài tư vấn miễn phí: 1800 6838 để tiếp nhận và xử lý các thắc mắc, khiếu nại của NTD…
* Về hoạt động của các tổ chức xã hội
Tại Khoản 1 Điều 5 Luật bảo vệ quyền lợi NTD năm 2010 đã khẳng định, Nhà nước luôn tạo điều kiện để các tổ chức xã hội (trong đó bao gồm cả các tổ chức chính trị - xã hội) chủ động tham gia vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thực tế, tại Việt Nam, hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng bởi các tổ chức xã hội chủ yếu do các Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phụ trách. Ở cấp trung ương, năm 1988, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ NTD - một tổ chức phi lợi nhuận có chức năng giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NTD đã được thành lập; ngoài ra, ở hầu hết các tỉnh thành hiện nay đều có Hội bảo vệ quyền lợi NTD tại địa phương. Một số Hội địa phương như tỉnh Kiên Giang, Bình Dương… đã phát triển hoạt động Hội đến cấp huyện và cấp xã.
3. Nhận thức của NTD về quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân khi tham gia vào các quan hệ tiêu dùng
Trong Báo cáo khảo sát NTD năm 2016 do Cục quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) chủ trì, khi khảo sát trên 3.000 NTD thì có 70.5% số người tham gia khảo sát biết đến các quyền cơ bản của NTD.
Ngày nay, phần lớn NTD đã có những nhận thức nhất định về quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân. Tuy nhiên, trong quan hệ tiêu dùng, khi được cá nhân, tổ chức kinh doanh yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, NTD thường chủ quan cung cấp những thông tin theo mẫu được yêu cầu mà không để ý đến mục đích sử dụng thông tin của chủ thể kinh doanh. Bên cạnh đó, trong thời đại bùng nổ mạng xã hội, việc chia sẻ các thông tin cá nhân một cách rộng rãi trên các tài khoản mạng xã hội như Facebook, Twitter, Instagram… cũng là một trong những nguy cơ làm mất tính an toàn thông tin cá nhân của NTD.
Bên cạnh đó, một thực tế hiện nay làm giảm hiệu quả của công tác bảo vệ quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của NTD đó là việc NTD e ngại khiếu nại những hành vi xâm phạm đến quyền của mình. Thực tế cho thấy, NTD Việt Nam không có những phản ứng quyết liệt trước những hành vi vi phạm quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của mình.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cục quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương (2016), Báo cáo kết quả khảo sát người tiêu dùng.
2. Đại học Luật Hà Nội (2014), Giáo trình Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội.
3. Hà Thị Thanh (2013), “Pháp luật bảo vệ thông tin cá nhân người tiêu dùng ở Việt Nam”, luận văn thạc sỹ, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh.
4. Ủy ban thường vụ Quốc hội (2010), Báo cáo số 372/BC-UBTVQH12 giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tin mới
- RÈN LUYỆN ĐẠO ĐỨC CÁCH MẠNG GÓP PHẦN XÂY DỰNG CHI BỘ CƠ SỞ ĐẢNG Ở HÀ TĨNH TRONG SẠCH, VỮNG MẠNH - 16/11/2021 10:16
- PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG VẺ VANG CỦA PHỤ NỮ HÀ TĨNH TRONG PHONG TRÀO XÔ VIẾT NGHỆ TĨNH VÀO VIỆC XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN PHONG TRÀO PHỤ NỮ HIỆN NAY - 03/09/2021 14:18
- THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM DƯỚI ÁNH SÁNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẠI ĐOÀN KẾT DÂN TỘC - 17/08/2021 15:00
- Hội đồng Khoa học Khoa Chính trị - Luật họp xét đề tài Sáng kiến kinh nghiệm năm học 2020 - 2021 - 03/07/2021 08:00
- Chủ tịch Hồ Chí Minh với cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên - 15/05/2021 14:57
Các tin khác
- Kinh nghiệm về pháp luật đầu tư của một số nước trên thế giới - 20/02/2021 02:22
- Toàn cầu hóa và những vấn đề đặt ra đối với chủ nghĩa nhân văn - 20/02/2021 02:20
- Phát triển bền vững - quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam - 12/01/2021 07:36
- Lịch sử quan hệ Việt Nam và Lào - cơ sở để bồi dưỡng truyền thống hữu nghị Việt – Lào cho Sinh viên Trường Đại Học Hà Tĩnh - 12/01/2021 07:34
- Phân hoá chất lượng giáo dục ở Hà Tĩnh hiện nay - 11/01/2021 01:18