Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Phát triển bền vững - quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam

Tác giả: ThS Nguyễn Thị Hà - Đăng ngày: .

Trong “Chiến lược bảo tồn thế giới” do Liên minh Quốc tế Bảo tồn Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên đề cập tới vào năm 1980, nội dung phát triển bền vững được nhấn mạnh là tính bền vững của sự phát triển sinh thái. Năm 1987, trong báo cáo Brundland của Ủy ban Môi trường và Phát triển thế giới (WCED) phát triển bền vững được hiểu không chỉ là sự phát triển kinh tế mà còn phải tôn trọng nhu cầu tất yếu của xã hội và sự tác động đến môi trường sinh thái. Cho đến nay, quan niệm về phát triển bền vững có được sự thống nhất chung và là mục tiêu thiên niên kỷ trên bình diện quốc tế.

Ở Việt Nam, khái niệm “phát triển bền vững” được triển khai nghiên cứu vào khoảng cuối thập kỷ 80 - đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX. Ngày nay, phát triển bền vững đã trở thành mục tiêu chiến lược quan trọng, là một trong những nội dung cơ bản để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, đồng thời cũng là mục tiêu quan trọng hàng đầu mà nền kinh tế Việt Nam hướng tới.  Phát triển bền vững được định nghĩa có tính tổng quát, nêu bật những yêu cầu và mục tiêu trọng yếu nhất của phát triển bền vững, phù hợp với điều kiện và tình hình Việt Nam: "Phát triển bền vững là phát triển đáp ứng được nhu cầu của thế hệ hiện tại mà không làm tổn hại đến khả năng đáp ứng nhu cầu đó của các thế hệ tương lai trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo đảm tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường” (mục 4, Điều 3, Luật Bảo vệ môi trường của Việt Nam)[8].

Ngay từ cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ XX, quan điểm phát triển bền vững của Việt Nam được xác định rõ nét trong Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội 1991 – 2000 (được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng cộng sản Việt Nam thông qua). Theo đó chủ trương: “Tăng trưởng kinh tế phải gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hóa, bảo vệ môi trường. Lấy phân phối theo lao động làm hình thức chính, khuyến khích làm giàu đi đôi với giảm số người nghèo, nâng cao phúc lợi xã hội phù hợp với trình độ phát triển kinh tế, thực hiện nam nữ bình đẳng, tạo cơ hội cho mọi người đều được cống hiến và được hưởng thành quả của sự phát triển”; “Bảo vệ và sử dụng hợp lý các tài nguyên, cải thiện môi trường, ngăn chặn tình trạng hủy hoại đang diễn ra nghiêm trọng, chống xu hướng chạy theo tốc độ tăng trưởng và lợi ích trước mắt, gây hại cho môi trường”[2].

Đại hội VIII tiếp tục khẳng định: “Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ, công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, bảo vệ môi trường”[2]. Phát triển bền vững được đề cập tới tại Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 25-6-1998 Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước, gắn với nội dung bảo vệ môi trường: “Bảo vệ môi trường là một nội dung cơ bản không thể tách rời trong đường lối. chủ trương và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các cấp, các ngành, là cơ sở quan trọng bảo đảm phát triển bền vững, thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH đất nước”. Trong các văn kiện đại hội IX, X, XI, XII của Đảng, quan điểm phát triển bền vững được chú trọng và nhấn mạnh nhiều lần trên các góc độ tiếp cận.

Tại Đại hội IX Đảng ta đã đưa ra những quan điểm có tính chất định hướng cho sự phát triển bền vững đất nước. Đến Đại hội X, Đảng Cộng sản Việt Nam đã khẳng định: “phấn đấu tăng trưởng kinh tế với nhịp độ nhanh, chất lượng cao và bền vững hơn, gắn với phát triển con người; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục…, giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người; bảo vệ và sử dụng có hiệu quả tài nguyên quốc gia, cải thiện môi trường tự nhiên; hoàn chỉnh luật pháp, tăng cường quản lý nhà nước về bảo vệ và cải thiện môi trường tự nhiên”[4]. Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2001 – 2010 là: “Phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội và bảo vệ môi trường”[3]. Đây lần đầu tiên ba yếu tố phát triển cơ bản, có mối liên hệ khăng khít với nhau: “tăng trưởng kinh tế - thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội - bảo vệ môi trường”, được Đảng ta đề cập một cách cụ thể, rõ ràng và trở thành quan điểm chính thức của Đảng. Có thể nói rằng, đây cũng là cơ sở lý luận để ngày 17-8-2004 Chính phủ ban hành “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam” (còn gọi là chương trình nghị sự 21).

Tại Đại hội XI, quan điểm phát triển bền vững được thể hiện xuyên suốt trong văn kiện của Đảng, từ Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 cho đến Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Quan điểm đầu tiên trong năm quan điểm về phát triển nêu trong Chiến lược lần này chính là quan điểm ''Phát triển nhanh gắn liền với phát triển bền vững, phát triển bền vững là yêu cầu xuyên suốt trong Chiến lược''[6].  Bài học kinh nghiệm thứ hai được rút ra ở đây cũng đã chỉ rõ: ''Đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển” [5,]. Một lần nữa khẳng định nhận thức nhất quán của Đảng về phát triển bền vững, cũng như mối liên hệ mật thiết giữa phát triển nhanh và phát triển bền vững: “Phát triển bền vững là cơ sở để phát triển nhanh, phát triiển nhanh để tạo nguồn lực cho phát triển bền vững. Phát triển nhanh và bền vững phải luôn gắn chặt với nhau trong quy hoạch, kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế - xã hội” [3].  

Đến Đại hội XII,  phát triển bền vững được mở rộng, sâu sắc hơn, thấm sâu vào các lĩnh vực của đời sống xã hội. Ngay tiêu đề mục II của Báo cáo chính trị  đã khẳng định “Phát triển nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[7]. Đảng ta đã xác định mục tiêu đến năm 2020 đảm bảo phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô: “bảo đảm sự hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hoá, phát triển con người, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển xã hội bền vững”[7]. Đây là phương hướng phát triển phù hợp với “Chương trình nghị sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc trong 15 năm tới”(2016 - 2030) được khóa họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 70 (ngày 25-9-2015) thông qua. Chương trình gồm có 17 mục tiêu phát triển bền vững (SDG), 169 chỉ tiêu cụ thể với lộ trình thực hiện tới năm 2030. Điều này không những nói lên thái độ dứt khoát trong lựa chọn mô hình phát triển bền vững nền kinh tế - xã  hội của đất nước cho thập niên tới, mà còn cho thấy nhận thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam về tầm quan trọng của vấn đề với tư cách là quan điểm chỉ đạo quan trọng và nhất quán trong đường lối của Đảng.

Với điểm xuất phát thấp, nguy cơ tụt hậu về kinh tế của Việt Nam so với các nước đặt ra đòi hỏi bức thiết là phải rút ngắn khoảng cách, phải tăng trưởng nhanh. Mặt khác, mô hình chế độ xã hội với 8 đặc trưng, trong đó đặc trưng bao trùm là “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh'' [1] đòi hỏi trong từng chặng, mỗi giai đoạn phát triển phải gắn kết chặt chẽ nội dung “phát triển nhanh” và  “phát triển bền vững”. Mô hình tăng trưởng “từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững”[3]; ''Đặc biệt coi trọng chất lượng, hiệu quả và tính bền vững của sự phát triển, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giải quyết hài hoà mối quan hệ giữa tốc độ và chất lượng tăng trưởng” [5].Việc xác định mô hình tăng trưởng theo hướng này vừa bao hàm cả chiều rộng và chiều sâu, tốc độ và chất lượng của mô hình tăng trưởng. Về phạm vi, mô hình này thể hiện sự gắn kết hài hoà giữa “nhanh” và “bền vững” trên nhiều lĩnh vực rộng lớn, đan xen nhau cả về kinh tế, chính tri, văn hoá, xã hội và an ninh - quốc phòng. Định hướng phát triển bền vững (gồm mục tiêu, nguyên tắc…) đã được Việt Nam lồng ghép trong Chiến lược phát triển Kinh tế - xã hội theo các thời kì, giai đoạn cụ thể. Đây vừa là mô hình tăng trưởng xuyên suốt  thời kỳ quá độ với nhiều cấp độ khác nhau, giai đoạn trước là tiền đề của giai đoạn sau, tạo thành một chỉnh thể thống nhất  có cơ sở khoa học và thực tiễn, có tính kế thừa.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. ĐCSVN -Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (1986-2016), Nxb CTQG, H. 2015
  2. ĐCSVN - Văn kiện Đảng Toàn tập, Tập 47, Nxb CTQG, H. 2006
  3. ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H.2001
  4. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H. 2007
  5. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H. 2011.
  6. ĐCSVN - Văn kiện Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, 2013
  7. ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H. 2016
  8. Luật bảo vệ môi trường, Nxb Tư pháp - 2015
  9. Nguyễn Quang Thái và Ngô Thắng Lợi (2007), Phát triển bền vững ở Việt Nam: Thành tựu, cơ hội, thách thức và triển vọng, Nxb Lao động - xã hội, Hà Nội, 2007
  10. Tham luận tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG – 2011
  11. Trần Ngọc Ngoạn (2007), “Một số vấn đề lý thuyết và kinh nghiệm quốc tế trong phát triển bền vững nông thôn”, Tạp chí Nghiên cứu Phát triển bền vững, N2-2007
  12. Vũ Văn Hiển (2014), Phát triển bền vững ở Việt Nam, Tạp chí cộng sản (Communist Review), số tháng 1-2014
  13. http://www.agenda21.monre.gov.vn/Default.aspx?tabid=231
  14. http://www.tapchicongsan.org.vn
  15. http://vea.gov.vn/vn
  16. http://www.vnep.org.vn/