Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Kinh nghiệm về pháp luật đầu tư của một số nước trên thế giới

Tác giả: ThS. Trần Thị Tú Anh - Đăng ngày: .

Đối với một nền kinh tế, hoạt động đầu tư có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nó không chỉ đóng vai trò trong quá trình tái sản xuất của xã hội mà còn tạo ra những cú hích cho sự phát triển của nền kinh tế ở những nước đang phát triển thoát khỏi nợ nần và nghèo đói, tạo ra sự phát triển của các nền kinh tế phát triển. Tùy thuộc vào nhu cầu quản lý, trình độ lập pháp và hệ thống pháp luật, các nước trên thế giới có những quy định khác nhau điều chỉnh hoạt động đầu tư.

Thứ nhất, về hình thức đầu tư và loại hình doanh nghiệp

Đối với hình thức đầu tư, việc phân loại thường dựa vào cách thức nhà đầu tư đưa tiền vào thị trường để thu lợi nhuận. Có ba hình thức đầu tư phổ biến là đầu tư sở hữu (ownership), đầu tư cho vay (lending) và đầu tư tiền - tương đương tiền (Cash – Cash Equivalents). Luật đầu tư của hầu hết các nước chỉ quy định về hình thức đầu tư sở hữu. Một số nước quy định hình thức đầu tư cho vay (Ví dụ tại Điều 8 Luật Khuyến khích đầu tư của Hàn Quốc) quy định về hình thức đầu tư bằng các khoản cho vay dài hạn. Trong hình thức đầu tư sở hữu có hai hình thức cụ thể thường được pháp luật của các nước quy định là đầu tư thành lập pháp nhân mới và đầu tư thông qua việc mua lại một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đã tồn tại.

Bên cạnh hình thức đầu tư, loại hình doanh nghiệp cũng được quy định trong Luật Đầu tư của nhiều nước. Việc phân loại các loại hình doanh nghiệp chủ yếu dựa vào phạm vi trách nhiệm của chủ sở hữu đối với các nghĩa vụ của công ty và mức độ tách bạch giữa sở hữu và điều hành quá trình trong quản lý và vận hành công ty. Có bốn loại hình doanh nghiệp phổ biến: Doanh nghiệp tư nhân (Sole proprietorships), Công ty hợp danh (Parnerships), Công ty cổ phần (Corporations) và Công ty Trách nhiệm hữu hạn (Limited Liability Company - LLC). Những loại hình doanh nghiệp này thường được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp các nước. Tuy vậy, Luật Đầu tư mỗi nước khác nhau lại có những giới hạn khác nhau đối với nhà đầu tư nước ngoài trong việc lựa chọn loại hình doanh nghiệp.

Thứ hai, về hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư

Về cơ bản các nước đều ban hành chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài (ĐTNN) phù hợp với chương trình phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu thu hút vốn ĐTNN trong từng thời kỳ của mình.

Chính sách ưu đãi đầu tư

Khuyến khích bằng thuế hoặc trợ cấp: đây là một trong những biện pháp phổ biến nhất được áp dụng trên thế giới cũng như trong khu vực. Các nước có thể ban hành các chính sách miễn, giảm các loại thuế (thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế chuyển lợi nhuận về nước) hoặc hỗ trợ một số chi phí như chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật kết nối với nhà máy của doanh nghiệp, chi phí vận hành (vận chuyển, điện, nước). Thái Lan có thể áp dụng giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp đối với lĩnh vực ưu đãi, bổ sung 25% khấu trừ chi phí xây dựng và lắp đặt cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp; khấu trừ hai lần chi phí vận chuyển, điện và nước hoặc miễn, giảm thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị.

Các chính sách bảo đảm đầu tư

Những biện pháp bảo đảm đầu tư đang áp dụng phổ biến ở một số nước bao gồm: Nhà nước không quốc hữu hóa các tài sản của Nhà đầu tư; Nhà nước không thực hiện những hoạt động cạnh tranh với hoạt động của nhà đầu tư; Nhà nước không độc quyền bán các sản phẩm tương tự như sản phẩm của nhà đầu tư; Nhà nước không buộc nhà đầu tư phải điều chỉnh giá bán các sản phẩm của mình; Nhà nước cho phép xuất khẩu sản phẩm vào bất kỳ thời điểm nào nhà đầu tư có yêu cầu;   Nhà nước không cho phép bất kỳ cơ quan nhà nước, tổ chức nhà nước hoặc doanh nghiệp nhà nước nào miễn thuế nhập khẩu bất kỳ loại sản phẩm nào đang được sản xuất bởi nhà đầu tư vào lãnh thổ nước sở tại. Cùng với việc tham gia ngày càng sâu hơn vào tiến trình tự do hóa đầu tư, phạm vi, mức độ của các cam kết bảo đảm đầu tư ở các nước đã dần dần trở nên tương đồng hơn. Những biện pháp bảo đảm đầu tư nói trên được áp dụng ở hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á.

Một số chính sách ưu đãi đầu tư đặc thù

Một là, chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Chính sách ưu đãi thuế TNDN ở các nước khá đa dạng. Các hình thức ưu đãi thường được áp dụng ở các nước bao gồm: ưu đãi về thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (với thuế suất thấp hơn thuế suất phổ thông), ưu đãi thuế đối với công nghiệp hỗ trợ, cho phép chuyển lỗ, miễn giảm thuế có thời hạn, giảm nghĩa vụ thuế (tax credits), cho phép khấu hao nhanh, hỗ trợ tái đầu tư... Các hình thức ưu đãi cụ thể như sau: Ưu đãi thuế TNDN đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; Miễn, giảm thuế có thời hạn; Chính sách giảm nghĩa vụ thuế; Ưu đãi thuế đối với đầu tư mở rộng.

Trung Quốc có chính sách ưu đãi về thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ và doanh nghiệp công nghệ cao mới, theo đó thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ là 20%. Thái Lan áp dụng chính sách ưu đãi về thuế suất đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa theo đó doanh nghiệp có thu nhập ròng chịu thuế đến 300.000 Baht được miễn thuế, doanh nghiệp có thu nhập ròng chịu thuế từ 300.001 đến 3.000.000 Baht được hưởng thuế suất 15%, doanh nghiệp có thu nhập ròng chịu thuế trên 3.000.000 Baht thì áp dụng thuế suất 20% (thuế suất phổ thông là 20%). Pháp áp dụng mức thuế 28% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với 75.000 Euro đầu tiên của thu nhập chịu thuế (thuế suất phổ thông là 33.33%). Từ năm 2019, mức thuế 28% áp dụng cho thu nhập trước thuế không quá 1 tỷ Euro. Từ năm 2020, mức thuế 20% áp dụng không phân biệt giá trị của thu nhập trước thuế.

Tương tự như các chính sách ưu đãi khác, chính sách miễn, giảm thuế có thời hạn của các nước cũng khá khác nhau. Ví dụ: Trung Quốc cũng cho phép: miễn thuế trong 1 năm đầu có lãi và giảm 50% số thuế phải nộp trong 2 năm tiếp theo đối với các ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, các liên doanh góp vốn cổ phần hoạt động tại các khu phát triển công nghệ mới và công nghệ cao, hoặc tại các đặc khu kinh tế có thời gian hoạt động từ 10 năm trở lên. Ở Thái Lan, số thuế được miễn trong thời kỳ ưu đãi không được vượt quá số vốn đầu tư của dự án được khuyến khích và thời gian ưu đãi không quá 8 năm.

Một số quốc gia bên cạnh chính sách miễn, giảm thuế suất còn thực hiện chính sách giảm trực tiếp nghĩa vụ thuế (số thuế phải nộp). Hàn Quốc nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư tăng sản lượng, phát triển công nghệ và nguồn nhân lực, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, Hàn Quốc áp dụng chính sách giảm nghĩa vụ thuế theo đó: giảm nghĩa vụ thuế được cấp cho các khoản đầu tư vào các cơ sở bảo vệ môi trường hoặc để cải thiện phúc lợi cho nhân viên, đầu tư vào các cơ sở an toàn và đầu tư vào các cơ sở R & D hoặc các cơ sở để tiết kiệm năng lượng được điều chỉnh lần lượt là 3%, 1% và 1% cho các tập đoàn lớn; 5%, 5% và 3%, tương ứng, cho MSLE; và 10%, 10% và 7%, tương ứng, cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Chính sách ưu đãi về thuế của Hàn Quốc được thay đổi theo thời kỳ, thông thường là 4-5 năm.

Chính sách thuế TNDN của Malaysia có quy định về ưu đãi thuế đối với doanh nghiệp mở rộng, hiện đại hóa hoặc tự động hóa hoạt động sản xuất kinh doanh hiện tại, theo đó, doanh nghiệp thuộc các trường hợp này được hưởng hỗ trợ tái đầu tư (Re-investment Allowance) tương đương 60% chi phí đầu tư. Phạm vi hỗ trợ tái đầu tư áp dụng cho cả các doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp (Hợp tác xã nông nghiệp, công ty, hiệp hội) thực hiện mở rộng, hiện đại hóa hoặc đa dạng hóa cây trồng và/hoặc dự án nông nghiệp. Nhằm khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mở rộng, Singapore cho phép doanh nghiệp được hưởng mức thuế suất thấp hơn 5% (so với mức thuế suất phổ thông 17%) trong thời gian 10 năm và có thể được gia hạn thêm 5 năm đối với thu nhập từ đầu tư mở rộng, căn cứ vào các điều kiện như: tạo ra giá trị gia tăng cao, mở rộng quy mô, mua sắm máy móc và thiết bị hiện đại. Philippines có chính sách ưu đãi thuế trong thời gian 3 năm đối với dự án mở rộng và làm tăng sản lượng thực tế.

Thứ ba, về mô hình tổ chức, quản lý hoạt động đầu tư

Trừ Việt Nam và Trung Quốc là những nước thành lập cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư ở các cấp khác nhau để thực hiện chức năng thẩm định, cấp Giấy phép đầu tư, xem xét áp dụng ưu đãi đầu tư và quản lý hoạt động ĐTNN, hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á đều thành lập cơ quan phụ trách về đầu tư ở cấp Trung ương (và có thể có văn phòng đại diện tại địa phương) với nhiệm vụ chủ yếu là xem xét, rà soát, cấp chứng nhận đầu tư (nếu có), xem xét, cấp chứng nhận ưu đãi cho nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư.

Thứ năm, về thủ tục đầu tư

Thủ tục đầu tư tại các nước khác nhau có thể chia làm hai nhóm:

- Nhóm 1: các nước cấp Giấy phép đầu tư hoặc các hình thức chấp thuận đầu tư. Việt Nam (Giấy chứng nhận đầu tư) và Trung Quốc (Chấp thuận đầu tư), Thái Lan (Giấy phép kinh doanh nước ngoài), Malaysia (Giấy phép sản xuất), Philippines (Phê chuẩn của Ban đầu tư). Đối với nhóm này, Nhà đầu tư nước ngoài khi tiến hành đầu tư phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý về đầu tư nước ngoài trước khi hoặc đồng thời với việc thành lập doanh nghiệp để triển khai hoạt động. Đối với trường hợp Malaysia và Philippines, sau khi thành lập doanh nghiệp, trong một số trường hợp Nhà đầu tư phải làm các thủ tục lần lượt là cấp Giấy phép sản xuất hoặc Phê chuẩn của Ban đầu tư.

- Nhóm 2: không áp dụng thủ tục riêng đối với nhà đầu tư nước ngoài. Nhóm này bao gồm các nước còn lại là Hoa Kỳ, Canada, Australia và Indonesia. Ở các nước này hệ thống quy định về đầu tư xác định rõ điều kiện mà nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư nước ngoài nói riêng phải đáp ứng khi thực hiện đầu tư vào một lĩnh vực, sản xuất một sản phẩm hoặc trên một địa bàn xác định. Nếu nhà đầu tư đáp ứng được các điều kiện đó thì tiến hành đăng ký thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn, mua cổ phần vào các doanh nghiệp đang hiện hữu để thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình. Có một số nước có thể yêu cầu nhà đầu tư thông báo về việc tiến hành đầu tư trong một số trường hợp nhất định (Canada).

Trong quá trình phát triển, các nước đều không ngừng nghiên cứu hoàn thiện cơ sở luật pháp về đầu tư phù hợp với hoàn cảnh trong từng giai đoạn phát triển. Kinh nghiệm nước ngoài cho thấy, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, cần thiết phải có một hệ thống văn bản pháp lý đủ mạnh để quản lý họat động đầu tư một cách toàn diện và hiệu quả. Việc Việt Nam tham gia Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với phạm vi, mức độ cam kết cao hơn về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư, thương mại cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách, trong đó có Luật Đầu tư nhằm bảo đảm thực hiện cam kết hội nhập.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Báo cáo số 7873/BC-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư ngày 25 tháng 10 năm 2019, Báo cáo nghiên cứu pháp luật đầu tư một số nước trên thế giới.

[2] Dự thảo sửa đổi Luật đầu tư năm 2014

[3] Quốc hội, Luật đầu tư năm 2014

[4] Nguyễn Phương Thảo, Kinh nghiệm quản lý đầu tư công của một số quốc gia trên thế giới, Trang thông tin điện tử tổng hợp Ban nội chính Trung ương.