Phân hoá chất lượng giáo dục ở Hà Tĩnh hiện nay
Xã hội Việt Nam đang ngày càng phát tiển, việc tiếp nhận được thành quả của công cuộc hội nhập đã giúp nước ta có những mối quan hệ tốt với các quốc gia trên thế giới, từ đó đất nước chúng ta tiếp nhận được những thành tựu khoa học công nghệ áp dụng để phát triển nền kinh tế nước nhà.
Hà Tĩnh là một tỉnh nghèo của Việt Nam, tuy nhiên trong vòng 10 năm đầu của thế kỷ 21, tỉnh Hà Tĩnh đã từng bước chuyển mình và có bước đột phá lớn trong kinh tế. Với sự hình thành và đưa vào hoạt động của khu kinh tế Vũng Áng, và đặc biệt là việc tiếp nhận sự đầu tư của tập đoàn VinGroup đã khiến cho bộ mặt Hà Tĩnh thay đổi, kèm theo đó là kinh tế có những bước phát triển đáng khen ngợi.
Với sự phát triển vượt bậc về kinh tế của cả nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng, các lĩnh vực khác trong đời sống xã hội của Hà Tĩnh cũng có những thay đổi rõ rệt, một trong số đó là lĩnh vực giáo dục. Trong vòng năm (05) năm từ 2015 đến 2020, một loạt các trường tư thục gắn mác chất lượng cao, hay trường quốc tế được thành lập và đi vào hoạt động ở Hà Tĩnh, trải dài từ thành phố Hà Tĩnh đến các huyện lỵ. Bên cạnh đó, các trung tâm ngoại ngữ cũng được thành lập với số lượng ngày một tăng, chi phí đầu tư cho giáo dục của người dân Hà Tĩnh đang có sự thay đổi một cách chóng mặt.
Việc người dân thay đổi tư duy về đầu tư cho giáo dục là một tín hiệu tốt, coi trọng giáo dục và bỏ tiền để sử dụng các dịch vụ giáo dục cho con em mình là một sự đầu tư thông minh và triển vọng hiệu quả cho tương lai. Ở thành phố Hà Tĩnh, không kể là con của người giàu hay con của cán bộ, viên chức mới được chú trọng quan tâm đến đầu tư theo học các trường chất lượng, gần như đa số các gia đình thuộc mọi tầng lớp trong xã hội đều cố gắng để con có thể theo học được trường có chất lượng đào tạo (theo quảng bá) tốt và tiềm năng nhất. Và gần như mọi gia đình đều chú trọng vào việc cho con học ngoại ngữ, ngay từ lúc bé.
Không chỉ ở thành phố Hà Tĩnh, ở các huyện việc đầu tư vào giáo dục cho con em cũng có những thay đổi rõ rệt, đặc biệt là ở lứa tuổi Mầm non và ở lĩnh vực học Ngoại ngữ, gần như ở tất cả các huyện đều có trường Mầm non tư thục và tất cả các huyện có các Trung tâm Ngoại ngữ.
Như đã nói ở trên, việc người dân Hà Tĩnh chú trọng vào việc đầu tư cho giáo dục là một tín hiệu tốt, tuy nhiên hiện tượng phân hoá khoảng cách giàu nghèo ở Hà Tĩnh vẫn còn tương đối lớn, điều này kéo theo điều kiện về nhu cầu cuộc sống của mỗi gia đình cũng khác nhau, từ đó sự đầu tư sử dụng các dịch vụ giáo dục cũng khác nhau. Hiện nay các dịch vụ giáo dục đa số vẫn chủ yếu tập trung ở thành phố Hà Tĩnh, do đó có một sự vênh về chất lượng giáo dục giữa thành phố và các huyện, thị xã. Các trường tư thục, các trung tâm ngoại ngữ nếu được thành lập ở các huyện cũng chỉ tập trung tại các thị trấn là trung tâm hành chính của địa phương đó. Việc tham gia vào dịch vụ giáo dục ở thành phố Hà Tĩnh, các thị trấn trung tâm của các huyện lỵ, các xã vùng ven, xác xã miền núi đang có sự vênh rất lớn. Điều này hẳn nhiên sẽ cho ra các kết quả giáo dục khác nhau cho cùng một lứa tuổi ở tại từng vùng như đã nêu ở trên.
Vẫn biết giáo dục là cả một quá trình chứ không phải một cuộc đua, không phải cái gì nhiều tiền cũng cho ra chất lượng tốt hơn. Nhưng rõ ràng việc được chú trọng vào giáo dục từ sớm, được đầu tư bài bản, những đứa trẻ đang thụ hưởng được những sự tiếp cận mới, vượt trội hơn, cũng từ đó mà cơ hội vươn cao, vươn xa cũng khác nhau, điều này tất thảy chúng ta đều không thể chối cãi được.
Nền giáo dục của Việt Nam của chúng ta hiện nay đang cố gắng để đảm bảo cho trẻ em được đến trường, để cho tất cả mọi trẻ em đều được học hết bậc phổ thông, tuy nhiên ở mỗi địa phương sự phát triển dịch vụ giáo dục đều thuận theo điều kiện kinh tế. Về mức độ đầu tư và cung ứng dịch vụ giáo dục, Hà Tĩnh không thể so sánh được với Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các thành phố lớn khác, điều đó đã khiến cho mức độ tiếp cận cơ hội của các thế hệ trẻ của Hà Tĩnh chậm hơn các thành phố nói trên một bậc. Và ngay trong các địa phương của tỉnh, sự đầu tư và tiếp cận dịch vụ giáo dục còn có sự phân hoá thì rõ ràng đây là một thiệt thòi rất lớn cho con em của các vùng huyện, vùng xã khó khăn.
Để hài hoà và tiến tới cân bằng được chất lượng giáo dục bằng cách tiếp cận các dịch vụ giáo dục ở Hà Tĩnh là một bài toán khó, tuy nhiên để đảm bảo sự công bằng và lợi ích lâu dài đòi hỏi người dân Hà Tĩnh và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần suy nghĩ nghiêm túc và sớm có các giải pháp để cải thiện tình hình nói trên. Có thể sẽ phải mất rất nhiều thời gian và tâm huyết, nhưng nếu thực trạng trên không sớm được cải thiện thì hạt nhân kinh tế của Hà Tĩnh có lẽ sẽ chủ yếu lĩnh vực cung ứng nhân lực cho hoạt động xuất khẩu lao động mà dần bị thua kém về kinh tế tri thức so với các địa phương khác trong cả nước, đặc biệt là với các thành phố lớn.
Tags: giáo dục Hà Tĩnh, dịch vụ giáo dục, Trường tư thục ở Hà Tĩnh, phân hoá chất lượng dịch vụ giáo dục ở Hà Tĩnh.
Tin mới
- Thực trạng thực thi pháp luật về quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay - 10/03/2021 07:59
- Kinh nghiệm về pháp luật đầu tư của một số nước trên thế giới - 20/02/2021 02:22
- Toàn cầu hóa và những vấn đề đặt ra đối với chủ nghĩa nhân văn - 20/02/2021 02:20
- Phát triển bền vững - quan điểm chỉ đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam - 12/01/2021 07:36
- Lịch sử quan hệ Việt Nam và Lào - cơ sở để bồi dưỡng truyền thống hữu nghị Việt – Lào cho Sinh viên Trường Đại Học Hà Tĩnh - 12/01/2021 07:34
Các tin khác
- Phát huy khả năng tự học của Sinh viên Lào Khoa Chính trị - Luật Trường Đại học Hà Tĩnh - 11/01/2021 01:16
- Phát triển đảng viên trẻ chi bộ nông thôn ở Hà Tĩnh - 13/12/2020 12:59
- Một số yếu tố cơ bản của nguyên tắc đảm bảo tính thực tiễn trong dạy học môn Giáo dục công dân ở Trường trung học phổ thông - 13/12/2020 12:01
- Phát triển kĩ năng sống cho sinh viên Trường Đại học Hà Tĩnh thông qua phong trào tình nguyện - 13/12/2020 11:58
- Một vài trao đổi về việc lựa chọn phương pháp tình huống trong tiết dạy học môn giáo dục công dân lớp 12 ở Trường Trung học phổ thông - 15/11/2020 09:54