Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Lý thuyết “bàn tay vô hình và hữu hình” với bài toàn giải quyết nợ xấu hiện nay

Tác giả: Tác giả ThS. Phạm Huy Thông - Đăng ngày: .

Lý thuyết “bàn tay vô hình và hữu hình”

Bàn tay vô hình” là một phép ẩn dụ, một tư tưởng kinh tế do nhà kinh tế học Adam Smith đưa ra vào năm 1776. Ông cho rằng “Bàn tay vô hình” có nghĩa là: trong nền kinh tế thị trường, các cá nhân tham gia muốn tối đa hóa lợi nhuận cho mình. Ai cũng muốn thế cho nên vô hình chung đã thúc đẩy sự phát triển và củng cố lợi ích cho cả cộng đồng.

Theo Adam Smith, chính quyền mỗi quốc gia không cần can thiệp vào cá nhân và doanh nghiệp, cứ để nó tự do hoạt động kinh doanh; ông kết luận: “Sự giàu có của mỗi quốc gia đạt được không phải do những quy định chặt chẽ của Nhà nước, mà do bởi tự do kinh doanh”. Còn “Bàn tay hữu hình” là sự can thiệp và điều tiết thị trường của Nhà nước thông qua các cơ chế, chính sách và công cụ điều hành kinh tế vĩ mô, như chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, chính sách ngoại thương, chính sách thu nhập. Quá trình điều tiết nền kinh tế của mọi quốc gia đều được vận hành bằng cả hai bàn tay “hữu hình” và “vô hình”.

Nợ xấu đang…rất xấu

Bất cứ một cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính nào cũng dẫn đến hậu quả nợ xấu tăng cao, tạo thành gánh nặng, nhiều khi làm tan vỡ tất cả mọi biện pháp khôi phục sự phát triển kinh tế. Tại thời điểm này, nền kinh tế chúng ta, nợ xấu đã trở thành một thách thức lớn cần phải nhanh chóng giải quyết.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ xấu bao gồm ba bộ phận: nợ xấu của Chính phủ (nợ công), nợ xấu của hệ thống ngân hàng và nợ xấu của số lớn các doanh nghiệp, đặc biệt là của các doanh nghiệp nắm vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Trong bài viết này chỉ đề cập đến nợ xấu của hệ thống ngân hàng và nợ xấu của số lớn các doanh nghiệp.

Theo các báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu của hệ thống ngân hàng là 8,6%, khoảng 202.000 tỉ đồng. Nhưng nếu quan niệm nợ xấu là các món nợ vay của hệ thống tín dụng và không có khả năng trả trên thực tế, trong tương lai gần, các chuyên gia kinh tế ước tính cỡ trên 700.000 tỉ, trong đó nợ của khối bất động sản gần 300.000 tỉ đồng. Hầu hết các tài sản thế chấp cho các khoản vay này đều thấp hơn giá trị vay, hoặc là tài sản ảo, hoặc không thể bán để thu hồi vốn.

Trong khi nợ xấu của các doanh nghiệp chủ chốt và toàn hệ thống doanh nghiệp khiến hàng trăm nghìn các doanh nghiệp phải rời khỏi thị trường, kéo theo hệ lụy là hàng loạt các khoản nợ chằng chịt không thu hồi được. Đây là các khoản nợ dây chuyền, vòng vo rất khó phân định, nhưng đều bắt nguồn từ các thị trường đang bị đóng băng như bất động sản, thủy sản…Theo nguồn tin của Vnexpress, dư nợ cho vay bất động sản đang chôn vốn khoảng 1 triệu tỉ đồng và đây chính là hàng hóa tồn kho lớn nhất, gây trì trệ cho hoạt động của nhiều ngành sản xuất khác.

Những khoản nợ này đẩy nhanh sự phá sản các doanh nghiệp, làm chùn chân nhiều kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh. Đây cũng là một trong những lý do làm chậm tốc độ tăng tín dụng cho tới thời điểm này khi 9 tháng mới nhúc nhích được 2,35% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nợ xấu, đặc biệt của ngân hàng cần phải giải quyết nhanh chóng, càng để chậm trễ sẽ càng gây ra những hậu quả lớn. Chẳng hạn, việc giải quyết nợ xấu chậm sẽ dẫn đến tình trạng các bảng cân đối kế toán của các ngân hàng vẫn chiếm tỷ lệ nợ xấu cao, đồng nghĩa với việc ngân hàng sẽ không thể cho vay làm các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn để tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh; Khi nợ xấu càng kéo dài thì các tài sản cầm cố tại ngân hàng sẽ ngày càng bị hao mòn, hư hỏng, giá trị và giá trị sử dụng sẽ mất dần. Mặt khác, nếu nợ xấu không được xử lý nhanh thì hệ số tín nhiệm của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, gây ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đầu tư.

Linh hoạt kết hợp “bàn tay vô hình và hữu hình”

Tuy nhiên, hiện nay đang có hai luồng ý kiến khác nhau về giải quyết nợ xấu. Một số ý kiến cho rằng, nguyên nhân của nợ xấu bắt nguồn từ hoạt động không hiệu quả của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp. Do vậy, trước hết, ngân hàng và doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm và giải quyết. Không thể lấy ngân sách của Nhà nước, vốn là tiền thuế của dân để giải cứu tình trạng nợ xấu hiện nay.

Nếu hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp không thể tự cứu mình thì nên để thị trường, tức “bàn tay vô hình” tự giải quyết nợ xấu. Ngân hàng hoặc doanh nghiệp nào không chịu được “nhiệt thị trường” thì buộc phải phá sản. Tuy nhiên, các nguồn lực tài chính trong nước đã không còn dồi dào như trước đây, bởi phần lớn các doanh nghiệp và nhà đầu tư đang ở trong tình trạng nợ nần do sử dụng đòn bẩy tài chính ở mức cao. Chính vì thế ưu tiên của họ là giảm nợ chứ không phải mua nợ.

Mặt khác, nếu bán nợ xấu với giá quá thấp thì đồng nghĩa với việc nhiều doanh nghiệp sẽ rơi vào tình trạng phá sản, còn các ngân hàng nếu không phá sản sẽ rơi vào tình trạng thua lỗ. Chưa kể tới việc tài sản của ngân hàng và doanh nghiệp có thể sẽ rơi vào nhà đầu tư nước ngoài.

Hơn nữa, phần lớn các khoản nợ xấu có tài sản thế chấp là bất động sản, nên cả ngân hàng và doanh nghiệp đều không muốn bán nợ xấu với mức chiết khấu lớn, họ vẫn hy vọng có thể bán được tài sản thế chấp ở mức giá cao hơn. Còn với nhiều doanh nghiệp, việc bán tài sản thế chấp với mức giá thấp sẽ khiến họ bị mất trắng số tài sản này do vậy sẽ dẫn đến những tranh chấp về pháp lý, đồng thời tiêu tốn nhiều tiền của và thời gian.

Trong bối cảnh đó thì sự can thiệp của Nhà nước, tức “bàn tay hữu hình” vào giải quyết nợ xấu là cần thiết. Đây chính là biện pháp mà Chính phủ Mỹ từng sử dụng để giải cứu hai “đại gia” tài chính là Tập đoàn bảo hiểm AIG và ngân hàng lớn nhất thế giới Citigroup, với số tiền bảo lãnh lên tới hàng trăm tỉ USD. Tuy nhiên, ngân sách của Việt Nam không đủ lớn để làm theo “kiểu Mỹ”.

Do vậy, trước mắt, Chính phủ cần tiếp tục triển khai có hiệu quả các giải pháp, như ơ cấu lại nợ, giãn nợ, bán nợ xấu có tài sản bảo đảm; xử lý nợ bằng nguồn dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng và xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ; chuyển nợ thành vốn góp, cổ phần của tổ chức cho vay; mua bán nợ... Nhưng về lâu dài, cần phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, có sự tham gia, phối hợp chặt chẽ của ngành ngân hàng và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, hệ thống ngân hàng cần hợp tác chặt chẽ với Chính phủ để triển khai các giải pháp khác mang tính chiến lược, bao gồm xử lý dứt điểm các ngân hàng yếu kém; khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án xử lý nợ xấu, minh bạch hoá và triển khai đồng bộ các giải pháp xử lý nợ xấu; tăng cường thanh tra, giám sát hệ thống ngân hàng, tiếp tục chỉ đạo xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng.

Chỉ khi giải quyết tốt những khoản nợ xấu khổng lồ của hệ thống ngân hàng, tín dụng, khôi phục lại hoạt động lành mạnh của hệ thống tín dụng thì mới giải quyết tận gốc các khoản nợ vòng vo giữa các doanh nghiệp hiện nay, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu giảm nợ xấu xuống còn 3-4% cuối năm 2015.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Báo cáo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 và thứ 3 tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII.

2. Bất động sản: “Tảng băng” 1 triệu tỉ đồng, nld.com.vn

3. Bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XIII.

4. Tác phẩm Bàn về tài sản quốc gia của Adam Smith, Nxb Sự thật, Hà Nội.

5. Kinh tế học của Paul Anthony Samuelson, Nxb Thống kê, Hà Nội.

6. Đề án tái cấu trúc khu vực DNNN của Bộ Tài chính năm 2012.

7. “Ngân hàng phải tự giải quyết nợ xấu của mình”, vneconomy.vn.

8. Wikipedia.