Tư tưởng chính trị của Vôn - Te
Lịch sử Tây Âu thế kỷ XV-XVIII là giai đoạn tan rã của chế độ phong kiến với nền sản xuất nhỏ và các đạo luật trung cổ hà khắc, phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa trở thành một xu thế lịch sử không gì có thể ngăn cản nổi. Hoàn cảnh đó đã quy định nội dung của những tư tưởng chính trị thời kỳ này, làm cho nó không chỉ đơn thuần dừng lại ở việc tiếp thu và khôi phục các giá trị truyền thống mà còn phát triển với nhiều sắc thái riêng của một thời kỳ lịch sử. Nhiều nhà tư tưởng chính trị tiêu biểu xuất hiện trong đó có các nhà tư tưởng của trường phái triết học Khai sáng Pháp thế kỷ XVIII với những tên tuổi lớn như: Rútxô, Điđrô, Vônte... Trong phạm vi bài viết này xin đề cập về nội dung cơ bản trong học thuyết chính trị của Vônte - nhà triết học tiểu biểu Pháp thời kỳ Phục hưng.
Triết học Khai sáng Pháp thế kỉ XVIII là một giai đoạn phát triển quan trọng trong tiến trình phát triển tư tưởng triết học của Tây Âu và thế giới. Đại cách mạng tư sản Pháp năm 1789 như một sự kiện lịch sử trọng đại đánh dấu sự sụp đổ của chế độ phong kiến thối nát và thiết lập chế độ xã hội tư bản chủ nghĩa. Đó cũng là thời kì ghi nhận Tây Âu bắt đầu từ giã nền văn minh nông nghiệp và bước sang kỉ nguyên văn minh công nghiệp đưa lại sản xuất cao chưa từng có trong lịch sử.
Đặc điểm chung của các nhà triết học Khai sáng Pháp là:
1. Đều chấp nhận ánh sáng tự nhiên, phản đối việc triết học làm đầy tớ cho thần học. Triết học của họ là triết học thế tục.
2. Đều vứt bỏ siêu hình học. Trong lĩnh vực này phải kể đến công lao của Bâylơ (P. Bayle) và Lôckơ (J. Locke), của Vônte (F. M. Voltaire) và các nhà bách khoa toàn thư.
3. Về phương pháp, các nhà triết học Ánh sáng không còn chấp nhận toán học như là một mô hình duy nhất của khoa học mà quan tâm đến những quan sát và kinh nghiệm.
4. Từ những quan niệm trên, các nhà triết học ánh sáng đã có một quan niệm khác về con người. Trong khi tôn giáo đặt con người ở trên tất cả mọi loài động vật thì họ cho rằng "con người cũng có một thể xác động vật". Quan niệm con người tự nhiên của họ đã mở ra nhiều ngành khoa học nghiên cứu về con người trên cơ sở khoa học. Mặt khác, họ đã nghiên cứu về con người xã hội.
Những giá trị triết học Khai sáng Pháp thế kỉ XVIII là ngọn cờ lý luận của giai cấp tư sản trong thời kì bình minh đầy tính cách mạng của nó. Đó là sự kế tục và phát triển mới về chất các khuynh hướng bài trừ siêu hình học thế kỉ XVIII, cũng như đánh giá lại các giá trị triết học truyền thống. Nó bắt đầu từ sự phê phán một cách không thương tiếc các quan niệm cũ về thế giới con người. Giờ đây ‘Tôn giáo, quan niệm về tự nhiên, xã hội, tổ chức nhà nước,... tất cả đều được đem ra phê phán hết sức nghiêm khắc, tất cả đều ra tòa án của lý tính và biện hộ cho sự tồn tại của mình hoặc từ bỏ sự tồn tại của mình” [1]
Phrǎngxoa Mari aruê (Voltaire Francois Marie Arouet) 1694 - 1778, ngay từ nhỏ đặc biệt say mê những vấn đề văn học, kịch và triết học. Với tinh thần bảo vệ trào lưu tự do thịnh hành trong thanh niên Pháp lúc bấy giờ tư tưởng của ông có ảnh hưởng mạnh mẽ và có tác dụng thu hút, tập hợp đông đảo mọi tầng lớp tiến bộ trong xã hội, hướng họ tới cuộc đấu tranh nhằm lật đổ chế độ phong kiến.
Voltaire vốn nổi danh làmột nhà văn học, tác giả, bình luận gia, nhà thần luận và triết gia luôn phấn đấu phát huy quyền làm người, bảo vệ quyền tự do cá nhân, tự do tôn giáo và quyền được phán xử công minh, nên trong các tác phẩm của ông không khó để tìm ra tư tưởng tiến bộ này. Không những thế, ông còn nghiên cứu về khoa học tự nhiên (ông rất tin vào học thuyết Newton), khi đọc các tác phẩm của ông, ta thường thu nạp được rất nhiều kiến thức, nhưng dưới một dạng thức rất dễ hiểu, hóm hỉnh. Voltaire hay nói bỡn nhưng rất nhạy bén khi phê bình hay tranh luận.
Cuốn sách "Những bức thư triết học nổi tiếng” (1734) của ông đả kích sự chuyên quyền của giáo hội, chính sách ngu dân và những tục lệ phong kiến lạc hậu. Cuốn sách bị giáo hội thiêu hủy và tác giả phải trốn ra nước ngoài để khỏi bị đàn áp.
Thế giới quan triết học của Vônte chia làm hai thời kỳ. Trong thời kỳ đầu (những năm 30-40 của thế kỷ XVIII), Vônte đứng trên lập trường tự nhiên thần luận, coi các quan điểm bài siêu hình học của Lốccơ, Baye là một thành tựu to lớn của triết học cận đại. Ông tích cực đấu tranh để triết học Lốccơ được thừa nhận trong giới triết học Pháp.
Bảo vệ các quan niệm duy vật, duy cảm, Vônte khẳng định mọi quá trình nhận thức đều bắt đầu từ cảm tính, vì vậy, các quan niệm duy tâm thừa nhận tồn tại các tư tưởng bẩm sinh là hoàn toàn giả dối. Linh hồn con người là khả năng cảm nhận và suy nghĩ thể xác của con người.
Dựa vào các hạn chế của khoa học thời đó trong việc lý giải các vấn đề bản chất nguồn gốc của động vật, Vônte khẳng định, để giải quyết các vấn đề đó, cần phải có “bàn tay” của Thượng đế. Thượng đế là đấng tối cao quy các quy luật phát triển của sự vật.
Thời kỳ thứ hai trong sự phát triển thế giới quan của Vônte bắt đầu từ sau những năm 40 của thế kỷ XVIII. Mặc dù vẫn đứng trên lập trường tự nhiên thần luận như thời kỳ đầu, nhưng ông khẳng định sự vận động là đặc tính của bản thân vật chất chứ không phải được đưa tù bên ngoài vào. Vận động cũng tồn tại vĩnh viễn như bản thân vật chất vậy.
Về chính trị, Vônte tuy chống lại sự độc đoán của chính quyền chuyên chế, nhưng lại không muốn lật đổ chế độ quân chủ, xóa bỏ chế độ tư hữu mà chủ trương thực hiện nền “chuyên chế sáng suốt”, đặt hy vọng vào những vị vua sáng suốt thấm nhuần triết học.
Đối với nhân dân, một mặt ông bảo vệ tích cực những người bị áp bức, những nạn nhân của sự chuyên quyền, độc đoán nhưng mặt khác ông lại kinh thị nhân dân, không đồng ý bạo động.
Ông đả kích kịch liệt giáo hội Thiên chúa giáo, đòi tự do tín ngưỡng, nhưng ông lại cho rằng tôn giáo “vẫn có ích” đối với tầng lớp bình dân và tuyên bố: Nếu không có Thượng đế thì phải tạo ra Thượng đế”.
Theo ông, giới tự nhiên có được là do Thượng đế sáng tạo. Sự tồn tại của Thượng đế là cần thiết đối với cuộc sống con người. Thượng đế vừa là dây cương, vừa là niềm an ủi đối với con người Thiếu Thượng đế, con người sẽ vô vọng và rơi vào cảnh hoạn nạn.
Ở đây cho ta thấy nghịch lý trong quan niệm của Vônte về Thượng đế. Đó là đấng tối cao, đồng thời, đó lại chỉ là sự tưởng tượng của con người.
Nhìn chung, cũng như Lốccơ, thế giới quan của Vônte không nhất quán, giao động giữa lập trường duy vật và duy tâm.
Những tư tưởng của ông về các vấn đề: thống nhất hệ thống pháp luật, quan niệm tiến bộ về luật hình sự, tư hữu trong sản xuất, vai trò của các tầng lớp nhân dân, phản đối việc triết học làm đầy tớ cho thần học... giúp chúng ta có thêm cơ sở lý luận để hiểu thêm về bối cảnh xã hội Tây âu lúc bấy giờ. Từ đó để hiểu sâu sắc, đúng đắn hơn về chủ nghĩa Mác-Lênin, giúp ta có thêm những cơ sở lịch sử cần thiết để giải quyết các vấn đề trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước như: đề ra chính sách tôn giáo hợp lý, giải quyết các vấn đề về mối quan hệ giữa khoa học kỹ thuật và khoa học nhân văn, các vấn đề về dân chủ và tự do cá nhân con người...
Mặc dù tồn tại cách chúng ta nhiều thế kỷ, nhưng những vấn đề trong tư tưởng triết học của Vônte cũng như các nhà triết học Tâu Âu thời kỳ Phục hưng và cận đại vẫn chưa mất tính thời sự của nó. C.Mác nhận xét, “Một dân tộc chỉ đứng ngang tầm thời đại khi có một nền tảng triết học vững chắc”. Vì vậy, nghiên cứu các di sản của triết học thời kỳ này giúp ta hiểu được tiến trình phát triển của tư tưởng nhân loại, có thêm nhiều cơ sở để khẳng định tính đúng đắn, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin,
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà nội, 1995, t.19
2. Giáo trình Lịch sử các học thuyết chính trị. PGS.TS Đoàn Minh Duệ
3. Tập bài giảng Chính trị học. Nxb Lý luận chính trị, Hà Nội, 2001
4. Lịch sử triết học. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà nội, 1998.
Tin mới
- Tri ân Thầy Cô nhân ngày nhà giáo Việt Nam! - 07/11/2014 00:27
- Liên Chi Đoàn Khoa Lý luận chính trị tổ chức sinh hoạt truyền thống - Đêm hội tri ân thầy cô - 07/11/2014 00:23
- Sự cần thiết xây dựng đạo đức mới cho phụ nữ Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường hiện nay - 07/11/2014 00:10
- Giảng viên khoa Lý luận chính trị tham gia lớp tập huấn chuyên môn đầu năm học - 06/11/2014 01:32
- Dấu ấn sinh viên tình nguyện - 06/11/2014 01:22
Các tin khác
- Một vài suy nghĩ về quan niệm hạnh phúc của Các Mác - 06/11/2014 00:57
- 10 sự kiện nổi bật của Trường Đại học Hà Tĩnh trong năm 2012 (2) - 05/11/2014 09:16
- Cảm xúc chia tay - 05/11/2014 09:03
- Chi bộ khoa Lý luận chính trị tổ chức Hội nghị sơ kết thực hiện Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ khóa I về “Nâng cao chất lượng đào tạo” - 05/11/2014 08:58
- Liên chi đoàn Khoa Lý luận Chính trị tổ chức sinh hoạt chủ điểm “ Thanh niên với Bác Hồ - Bác Hồ với Thanh niên” - 05/11/2014 08:05