Bối cảnh quốc tế tác động đến đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam 10 năm trước đổi mới (1975-1985)
Đối ngoại là những công việc, những quan hệ và những hoạt động giữa nước này với nước khác hoặc với một tổ chức quốc tế nào đó . Đường lối đối ngoại rất quan trọng nó có thể làm một nước tụt hậu về mọi mặt của một quốc gia vì không đưa ra đường lối đối ngoại hợp lý, không có sự hợp tác giữa các quốc gia, các khu vực trên thế giới và ngược lại nếu một quốc gia có đường lối đối ngoại hợp lý sẽ thúc đẩy được mọi mặt đời sống xã hội phát triển, hợp tác giao lưu quốc tế ngày càng sâu rộng thì quốc gia đó sẽ phát triển vượt bậc.
Đường lối đối ngoại của từng quốc gia được hoạch định dựa trên cơ sở tình hình phát triển của đất nước và bối cảnh quốc tế trong từng giai đoạn cụ thể. Đường lối đối ngoại của Đảng Cộng sản Việt Nam 10 năm trước đổi mới (1975-1985) cũng chịu sự tác động của bối cảnh quốc tế lúc bấy giờ.
Từ những năm 70 của thế kỷ XX, trong nội bộ hệ thống có sự thay đổi cơ bản. Tây Âu và Nhật Bản trở thành những trung tâm kinh tế mới cạnh tranh gay gắt với Mỹ. Từ năm 1970 đến năm 1977, xu thế chạy đua phát triển kinh tế đã dẫn đến cục diện hòa hoãn giữa các nước lớn, hòa hoãn Mỹ - Xô, Tây Âu - Liên Xô, Mỹ - Trung Quốc, Tây Âu, Nhật Bản với Trung Quốc nhưng quan hệ giữa Liên Xô và Trung Quốc ngày càng căng thẳng. Mỹ tăng cường quan hệ với Trung Quốc để chĩa mũi nhọn vào Liên Xô. Từ năm 1978, Mỹ thúc đẩy chạy đua vũ trang gây căng thẳng với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Chiến lược ngăn chặn chống Liên Xô là cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Mỹ.
Sau thắng lợi của cách mạng Việt Nam, Lào và Campuchia hệ thống xã hội chủ nghĩa được mở rộng, trở thành lực lượng quan trọng của hòa bình và cách mạng thế giới, mở ra thời kỳ “sau Việt Nam”. Hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiễn bộ xã hội đã trở thành xu thế của thời đại. Độc lập dân tộc đã trở thành một phong trào, là một trong những mũi tiến công chủ yếu vào chủ nghĩa đế quốc, trực tiếp quyết định sự tan rã của hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đề quốc. Từ năm 1976 đến năm 1981 đã có 21 nước giành được độc lập dân tộc. Mặt khác, Mỹ và hệ thống tư bản chủ nghĩa bị rơi vào khủng hoảng kinh tế. Ba trung tâm của hệ thống tư bản chủ nghĩa là Mỹ, Nhật Bản và Tây Âu đều bị lạm phát và suy thoái.
Sau thất bại về quân sự trong cuộc chiến tranh Việt Nam, Mỹ tiếp tục chống phá cách mạng Việt Nam bằng chiến lược “Diễn biến hòa bình”. Mỹ đã lợi dụng triệt để sự bất đồng trong hệ thống xã hội chủ nghĩa, tiến hành cấm vận, bao vây, cô lập hòng làm suy yếu Việt Nam, tạo ra dòng người Việt Nam di tản ra nước ngoài, phần lớn sang Mỹ. Mỹ ngăn cản Việt Nam gia nhập Liên Hợp Quốc, không chịu thực thực điều khoản 21 của Hiệp định Paris về trách nhiệm của Mỹ trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh do Mỹ gây ra ở Việt Nam, phong tỏa tài khoản liên quan đến Việt Nam ở nước ngoài, gây khó khăn cho việc phát triển kinh tế của Việt Nam. Cuối năm 1977 Quốc hội Mỹ thông qua luật cấm vận viện trợ cho Việt Nam. Đầu năm 1979, Mỹ vận động hầu hết các nước trong nghị viện châu Âu đình chỉ viện trợ kinh tế và siết chặt cấm vận đối với Việt Nam. Mỹ đã thông qua đội ngũ phản động trong ngụy quân ngụy, ngụy quyền cũ và bọn phàn động đội lốt tôn giáo ở miền Nam Việt Nam để hỗ trợ cho các hoạt động khiêu khích, phá hoại, tác động tâm lý gây bạo loạn phản cách mạng ở Việt Nam.
Sau Chiến tranh Việt Nam, Việt Nam và Campuchia xuất hiện nhiều mâu thuẫn. Tranh chấp và xung đột biên giới xẩy ra liên tục trong các năm 1977 và 1978, nhưng cuộc xung đột thực ra đã bắt đầu ngay sau khi Sài Gòn thất thủ. Ngày 17 tháng 2 năm 1979 Trung Quốc đưa quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới giữa hai nước.
Trước bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp đặt ra cho Đảng và Nhà nước Việt Nam nhu cầu bức thiết về đối ngoại là: tạo dựng môi trường hòa bình bên ngoài thuận lợi để giữ vững ổn định và xây dựng đất nước, từng bước chủ động tích cực phá thế bao vây, cấm vận của Mỹ và các thế lực thù địch; phấn đấu bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Trung Quốc; mở rộng quan hệ ngoại giao hợp tác với các nước trong khu vực Đông – Nam Á, góp phần giải quyết từng bước tình hình Campuchia bằng một giải pháp chính trị, duy trì quan hệ hợp tác với Liên Xô và Đông Âu.
Đại hội lần thứ IV của Đảng (12-1976) xác định nhiệm vụ đối ngoại: “ra sức tranh thủ những điều kiện quốc tế thuận lợi để nhanh chóng hàn gắn những vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa, khoa học, kỹ thuật, củng cố quốc phòng, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội ở nước ta”. Trong quan hệ với các nước, Đại hội IV chủ trương củng cố và tăng cường tình đoàn kết chiến đấu và quan hệ hợp tác với tất cả các nước xã hội chủ nghĩa; bảo vệ và phát triển mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Campuchia; sẵn sàng, thiết lập phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trong khu vực; thiết lập và mở rộng quan hệ bình thường giữa Việt Nam với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, bình đẳng và cùng có lợi.
Đại hội lần thứ V của Đảng (3/1982) xác định: Công tác đối ngoại phải trở thành một mặt trận chủ động, tích cực trong đấu tranh nhằm làm thất bại chính sách của các thế lực hiếu chiến mưu toan chống phá cách mạng nước ta. Đại hội tiếp tục nhấn mạnh đoàn kết và hợp tác toàn diện với Liên Xô là nguyên tắc, là chiến lược và luôn luôn là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam; xác định quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào – Campuchia có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của ba dân tộc; kêu gọi các nước ASEAN hãy cùng các nước Đông Dương đối thoại và thương lượng để giải quyết các trở ngại, nhằm xây dựng Đông Nam Á thành khu vực hoà bình và ổn định; chủ chương khôi phục quan hệ bình thường với Trung Quốc trên cơ sở các nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình; chủ trương thiết lập và mở rộng quan hệ bình thường về mặt nhà nước, về kinh tế, văn hoá, khoa học, kỹ thuật với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị.
Do tác động của bối cảnh quốc tế và tình hình trong nước, ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam giai đoạn 1975 - 1985 là xây dựng quan hệ hợp tác toàn diện với Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa; cũng cố và tăng cường đoàn kết hợp tác với Lào và Campuchia; mở rộng quan hệ hữu nghị với các nước không liên kết và các nước đang phát triển; đấu tranh với sự bao vây cấm vận của các thế lực thù địch.
Tài liệu tham khảo:
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1976.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V. Tập I. Nxb Sự thật, Hà Nội, 1982.
4. TS. Vũ Quang Vinh: Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo hoạt động đối ngoại (1986 – 2000). Nxb Thanh niên, Hà Nội, 2001.
Tin mới
- Mô hình công ty cổ phần theo pháp luật Trung Quốc - 18/06/2016 13:51
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam - 18/06/2016 11:50
- Vai trò của đào tạo lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên - 18/06/2016 11:43
- Sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao nhân dân và giá trị đối với cách mạng Việt Nam - 17/05/2016 15:55
- Sự hy sinh thầm lặng của những người con Hà Tĩnh trong hai cuộc kháng chiến cứu nước - 24/04/2016 14:07
Các tin khác
- Những hình thức và yêu cầu sư phạm khi sử dụng phương pháp thảo luận nhóm trong dạy học môn Giáo dục công dân ở trường Trung học phổ thông - 15/04/2016 12:13
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về "thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân" - một nội dung cơ bản trong các nguyên tắc xây dựng nhà nước của Hiến pháp Việt Nam năm 1946 - 23/03/2016 03:23
- Một vài cảm nhận về cách thức dạy và học ở môi trường Đại học - 23/03/2016 03:13
- Thời cơ và thách thức đối với thanh niên hiện nay - 11/03/2016 13:28
- Sự cần thiết của kỹ năng giao tiếp đối với sinh viên các ngành khoa học xã hội nhân văn - 20/02/2016 13:13