Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao nhân dân và giá trị đối với cách mạng Việt Nam

Tác giả: ThS. Trần Thị Thúy - Đăng ngày: .

Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà chính trị lỗi lạc, danh nhân văn hóa mà còn là nhà ngoại giao kiệt xuất. Tư tưởng đối ngoại và phong cách ngoại giao của Người là cơ sở quan trọng để Đảng và nhà nước ta thực hiện đường lối độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa trong giai đoạn hiện nay.

Hoạt động ngoại giao được hiểu trên hai bình diện, thứ nhất là ngoại giao của Đảng và nhà nước; thứ hai là ngoại giao nhân dân. Ngoại giao nhân dân là một khái niệm mở, thực chất có thể hiểu là công tác dân vận, vận động các đối tượng quần chúng nhân dân trong và ngoài nước đồng tình, ủng hộ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Hoạt động ngoại giao nhân dân có thể chủ động và linh hoạt đi đầu, đi trước ở những nước, những khu vực mà ngoại giao chính thức nhà nước chưa có điều kiện triển khai hoặc góp phần cũng cố, tăng cường tiếng nói với nhiều đối tượng rộng rãi mà ngoại giao nhà nước chưa có điều kiện thuận lợi để thực hiện. Nhận thức sâu sắc vai trò của ngoại giao nhân dân trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, Người cho rằng: “Ngoại giao không chỉ là việc riêng của các đại sứ quán, tổng lãnh sự quán là những cơ quan chuyên môn phụ trách, mà còn là các tổ chức khác như ngoại thương, văn hóa, thanh niên, phụ nữ, công đoàn cũng đều làm ngoại giao cả”1. Tư tưởng ngoại giao nhân dân của Hồ Chí Minh được hình thành ngay từ những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước và phát triển xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người đã góp phần tạo nên sự ủng hộ của các bạn bè yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, tạo ra môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

1. Cơ sở và quá trình hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao nhân dân

1.1. Cơ sở hình thành tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao nhân dân

 Thứ nhất, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc Việt Nam với những giá trị thiêng liêng và đẹp đẽ đều gắn liền với lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ tổ quốc. Xuất phát từ cơ sở đó, cha ông ta đã để lại những kinh nghiệm quý báu về ngoại giao. Đó là nền ngoại giao dựa trên lòng dân, sức dân, vì dân mang tư tưởng chính nghĩa và nhân đạo.

Thứ hai, tinh hoa văn hóa nhân loại. Hồ Chí Minh đã kế thừa và học hỏi nghệ thuật ngoại giao đặc sắc của các quốc gia trên thế giới ở phương đông cũng như ở phương tây. Đặc biệt, Người đã tiếp thu và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, kinh nghiệm hoạt động của các Đảng cộng sản, của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Thứ ba, thực tiễn chỉ đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam đã làm cho tư tưởng về ngoại giao nhân dân được hoàn thiện và sâu sắc. Ngay từ khi ra đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã ý thức sâu sắc về vai trò của một người công dân đối với đất nước qua cuộc hành trình năm châu bốn biển. Với phong thái bình dị và khiêm tốn, cầu thị và học hỏi, Người đã tạo được thiện cảm và niềm tin của bạn bè thế giới về một dân tộc yêu chuộng hòa bình và công lý. Các hoạt động ngoại giao mềm dẻo và linh hoạt phù hợp với từng đối tượng và hoàn cảnh nhưng bao giờ Người cũng theo tư tưởng nhất quán, “bất biến” là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, trên tinh thần lấy dân làm gốc ứng với “vạn biến” trong sách lược thực hiện.

Thứ tư, tư tưởng ngoại giao nhân dân được hình thành từ thực tiễn chỉ đạo thực tiễn cách mạng của Hồ Chí Minh. Có thể nói, cuộc đời của Hồ Chí Minh gắn liền với những thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt Nam, gắn liền với những đau thương mất mát lớn lao mà nhân dân ta phải ghánh chịu dưới sự đô hộ và dày xéo của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Cũng chính trong hoàn cảnh ấy, tư tưởng ngoại giao nhân dân đã hình thành và hoàn thiện tạo thành những tiếng chiêng gióng dã cổ vũ và khẳng định những thắng lợi vẻ vang của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam.

1.2. Quá trình hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao nhân dân

Sự hình thành và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao trong đó có ngoại giao nhân dân gắn liền với những biến cố thăng trầm của lịch sử dân tộc Việt Nam và thế giới. Ngay từ những năm đầu của thế kỷ XX, trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã chú ý đến công tác đối ngoại nhân dân khi tiếp xúc với bạn bè ở những nơi Người sống và hoạt động. Ngày 18/6/1919, thay mặt những người Việt Nam yêu nước có mặt ở Pari, Người đã gửi bản Yêu sách của nhân dân An Nam gồm 8 điểm tới hội nghị Vécxây - Hội nghị của những nước đế quốc thắng trận trong Chiến tranh thế giới thứ thứ nhất, đã làm cho nhân dân thế giới biết rằng dân tộc Việt Nam đang bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột đến cùng cực. Khi trở thành Đảng viên cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã thay mặt nhân dân Đông Dương tuyên bố đoàn kết với giai cấp vô sản và các dân tộc bị áp bức trên thế giới, tạo nên mối quan hệ mật thiết giữa cách mạng thuộc địa và cách mạng vô sản ở chính quốc. Tư tưởng gắn bó và đoàn kết giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân Pháp hay Mỹ sau này là một tư tưởng đầy tiến bộ và nhân văn, thể hiện bản lĩnh của một dân tộc yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa.

Trong thời gian hoạt động ở Pháp với vai trò là người đảng viên cộng sản, Người đã tích cực tuyên truyền, vận động, tranh thủ sự ủng hộ của đông đảo các tầng lớp nhân về công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Việt Nam.

Cuối năm 1923, Người rời Pháp sang Liên Xô rồi tiếp đến là Trung Quốc, Người đã làm cho nhân dân những nơi này thấy được ở một nơi xa xôi của vùng Đông Nam - Châu Á, có một dân tộc nhỏ bé, lạc hậu nhưng kiên cường đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc để tìm độc lập, tự do cho dân tộc mình. Người đã thông qua Hội liên hiệp bị áp bức Á Đông (1925) để tập hợp và đoàn kết các lực lượng cách mạng ở Châu Á dưới hình thức một mặt trận chống đế quốc gồm những người yêu nước Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, Inđônêxia, Xiêm, Ấn Độ… một cuộc vận động khôn khéo nhằm mục tiêu giáo dục cách mạng cho công nhân và nông dân Việt Nam để họ đoàn kết thống nhất chống lại sự thống trị của thực dân Pháp ở Đông Dương. Trong tác phẩm Đường kách mệnh (1927), Nguyễn Ái Quốc đã xác định: “Cách mạng An Nam cũng là một bộ phận trong cách mạng thế giới. Ai làm cách mạng thế giới đều là đồng chí của nhân dân An Nam cả”2.

Đầu năm 1930, tại Hội nghị thành lập Đảng cộng sản Việt Nam, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng do Người soạn thảo đã khẳng định nhân dân Việt Nam đoàn kết với các dân tộc bị áp bức trên thế giới: “Trong khi tuyên truyền cái khẩu hiệu nước An Nam độc lập, phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới”3.

Ngay sau khi cách mạng tháng Tám thành công, nhằm gây sự chú ý và vận động dư luận công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trẻ tuổi, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp chỉ đạo thành lập hai tổ chức hữu nghị nhân dân đầu tiên là Hội Việt - Mỹ thân hữu (1945) và Hội Việt - Trung hữu hảo (1946). Trong “Lời kêu gọi kiều bào Việt Nam ở Pháp” (1945), Người căn dặn: “Đồng bào hãy làm cho thế giới văn minh và nhất là dân tộc Pháp nghe thấy tiếng nói của Tổ quốc. Các bạn hãy chiến đấu để phá tan những sự điêu toa của bọn thực dân Pháp đang tuyên truyền một cách bỉ ổi”4. Những tư tưởng đó mang ý nghĩa định hướng cho hoạt động ngoại giao nhân dân trong những chặng đường tiếp theo của cách mạng Việt Nam.

Đầu những năm 50 của thế kỷ XX, khi Trung Quốc, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa đặt quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Bác Hồ và Đảng ta đã thành lập các tổ chức: Ủy ban hòa bình Việt Nam, Ủy ban Việt Nam đoàn kết với các với nhân dân Á - Phi - Mỹ Latinh, hội hữu nghị Việt - Xô và hội hữu nghị với các nước Đông Âu, Tây Âu nhằm gây dựng và thành lập phong trào ủng hộ Việt Nam chống thực dân Pháp. Hồ Chí Minh đã dùng mọi hình thức tuyên truyền cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, từ đó tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới. Với nhân dân lao động Pháp, người khẳng định rõ: “Chúng tôi không ghét không thù gì dân tộc Pháp. Trái lại chúng tôi kính phục cái dân tộc lớn lao ấy đã là kẻ đầu tiên truyền bá lý tưởng rộng rãi về tự do, bình đẳng và bác ái, và đã cống hiến rất nhiều cho văn hóa, cho khoa học và cho văn minh”.5  Còn đối với nhân dân lao động Mỹ, người tỏ rõ thái độ thân thiện và đề cao họ: Tôi hiểu nhân dân Mỹ rất trọng chính nghĩa… Nhân dân Việt Nam hiểu rõ rằng nhân dân Mỹ muốn sống hòa bình và hữu nghị với các dân tộc khác… Nhân dân Việt Nam không bao giờ lầm lẫn nhân dân Mỹ yêu chuộng công lý với những Chính phủ Mỹ đã phạm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam chúng tôi từ mười năm nay6. Bằng nhiều hành động thiết thực và hiệu quả, vận dụng nhiều mối quan hệ, nhiều phương tiện tuyên truyền, vận động khác nhau, Hồ Chí Minh đã tạo nên dư luận ủng hộ chiến tranh Việt Nam của đông đảo quần chúng nhân dân Mỹ kể vả binh lính, nghị sỹ và của nhiều tổ chức xã hội, quần chúng. Cuộc chiến tranh Việt Nam được báo chí Mỹ mô tả như một cuộc chiến tranh chưa từng có ở nước Mỹ cũng như chưa từng có trong lịch sử nhân loại và luôn được đăng tải trên tranh nhất của tờ New York Time. Chính Mỹ cũng không thể ngờ rằng, phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới đã tác động mạnh mẽ đến âm mưu bình định miền Nam, xóa sổ miền Bắc chủ nghĩa xã hội của nhà cầm quyền Mỹ ở Việt Nam. Vậy mà, ngay từ khi bước vào cuộc chiến tranh, chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Mặt trận số 1 chống đế quốc Mỹ là Việt Nam. Mặt trận số 2 ở ngay tại nước Mỹ”7. Kết hợp ngoại giao của Đảng, của nhà nước, của nhân dân ta ở hai miền Nam - Bắc và của cá nhân chủ tịch Hồ Chí Minh đã góp phần hình thành một mặt trận nhân dân thế giới tiến bộ ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa dành lại độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

2. Giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về ngoại giao nhân dân đối với cách mạng Việt Nam

            Trước hết, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về vai trò của quần chúng nhân dân trong lịch sử, Hồ Chí Minh luôn đề ra các chiến lược tập hợp và phát huy lực lượng quần chúng nhân dân. Từ rất sớm, Hồ Chí Minh đã quan tâm và coi nhân dân là một lực lượng quan trọng trên mặt trận đối ngoại của Đảng. Người cho rằng, đối ngoại là công việc chung của toàn Đảng, toàn dân cho nên mỗi người dân Việt Nam phải có trách nhiệm và vinh dự là đại diện cho dân tộc mình trước bạn bè thế giới. Ngoại giao nhân dân của nhân dân Việt Nam là phát huy sức mạnh đoàn kết của dân tộc Việt Nam và nhân dân tiến bộ trên toàn thế giới trong công cuộc chống lại kẻ thù chung vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội.

Thứ hai, các hoạt động đối ngoại nhân dân diễn ra phong phú, đa dạng và linh hoạt. Với Hồ Chí Minh, công tác ngoại giao có nội dung đặc biệt phong phú, có sức thuyết phục mạnh mẽ, làm rõ chính nghĩa, chống phi nghĩa, vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác, đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau… Với đối tượng nào, Người cũng thể hiện một phong cách ngoại giao tự nhiên, tình cảm, không khô cứng lễ nghi nhưng mềm dẻo và linh hoạt. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh, các hoạt động đối ngoại nhân dân hướng tới mục tiêu tăng cường hiểu biết giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, mở rộng mối quan hệ bạn bè, tạo nền tảng cho đối ngoại Đảng và đối ngoại nhà nước nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với các hình thức hoạt động đa dạng như tuyên truyền qua các phương tiện truyền thông, hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế, viết báo, viết sách, hội thảo khoa học, hợp tác, trao đổi khoa học-kỹ thuật… công tác đối ngoại nhân dân luôn mở rộng đến các cá nhân, các tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức quần chúng kể cả các tổ chức phi chính phủ. Ngoài ra, các hoạt động tham dự hội nghị quốc tế, thăm quan học hỏi và giao lưu với các nước cũng nhằm tôn vinh vẻ đẹp đất nước và con người Việt Nam trước bè bạn năm châu.

Thứ ba, kết hợp ngoại giao của Đảng với ngoại giao nhà nước và ngoại giao nhân dân tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện thắng lợi mục tiêu đối ngoại trong từng giai đoạn. Trong thời kỳ Đảng lãnh đạo đấu tranh giành chính quyền, công tác đối ngoại của Đảng và công tác đối ngoại nhân dân luôn được kết hợp chặt chẽ với nhau. Người luôn chú ý vận dụng đối ngoại nhân dân để gây dựng phong trào, tuyên truyền cho cách mạng, hỗ trợ cho công tác đối ngoại của Đảng. Để phát huy sức mạnh tổng hợp của công tác đối ngoại, chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn nhất quán thực hiện thống nhất sự lãnh đạo của Đảng và công tác quản lý của nhà nước về đối ngoại nhân dân. Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về đối ngoại nhân dân trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta luôn xác định công tác này có ý nghĩa chiến lược cần được cũng cố và phát triển trong cách thời kỳ cách mạng.

Thứ tư, Hồ Chí Minh luôn chăm lo xây dựng, vun đắp cho tình hữu nghị, hợp tác và đoàn kết với phương châm “bốn phương vô sản đều là anh em”. Tư tưởng ngoại giao nhân dân của Hồ Chí Minh được thể hiện trong các mối quan hệ với các nước trên thế giới, đặc biệt là các nước láng giềng, các nước xã hội chủ nghĩa anh em. Người đặc biệt quan tâm đến việc góp phần xây dựng khối đoàn kết trong phong trào cộng sản quốc tế “trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý, có tình”. Vào những năm 1960, trước sự bất đồng, chia rẽ giữa các nước xã hội chủ nghĩa, trên quan điểm độc lập “có lý, có tình”, vì lợi ích của cách mạng thế giới và lợi ích của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã có những đóng góp tích cực nhằm góp phần củng cố sự đoàn kết thống nhất của phong trào cộng sản quốc tế. Người cũng đã nhận thức sâu sắc sự cần thiết phải tăng cường quan hệ hữu nghị đoàn kết với các nước làng giềng, nhất là các quốc gia thuộc bán đảo Đông Dương trên cơ sở quyền tự quyết của các dân tộc không chỉ bằng các hoạt động đối ngoại mà cả ngoại giao nhân dân.

Tư tưởng ngoại giao nhân dân của Hồ Chí Minh là một hệ thống những quan điểm cách mạng và khoa học phù hợp với khát vọng và lý tưởng yêu chuộng hòa bình, công lý và tự do của dân tộc Việt Nam. Trải qua mọi giai đoạn cách mạng, những tư tưởng thấm đẫm tính nhân văn ấy sẽ tiếp tục cùng toàn Đảng, toàn dân ta tiếp tục thực hiện nhiệm vụ “giữ gìn môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển đất nước; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trển thế giới”.8

            Tài liệu tham khảo   

1. Nguyễn Dy Niên - Tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Nxb Chính trị quốc gia, H, 2002, tr.169.

2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb CTQG, H.1995, t.2, tr.117

3. Đảng cộng sản Việt Nam, văn kiện Đảng toàn tập, Nxb CTQG, H,2002, T.2, tr.4-5)

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, T.4, tr.101.

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, T.11,tr.104.

6. Sđd, tr.328,281.

7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2011, T15, tr.149.

8. Đường lối đối ngoại Đại hội XI và những phát triển quan trọng trong tư duy đối ngoại của Đảng ta,http://www.mofahcm.gov.vn/vi/mofa/ cs_doingoai/ nr 070523093001/ns110520170239).