Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Sự hy sinh thầm lặng của những người con Hà Tĩnh trong hai cuộc kháng chiến cứu nước

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Bích Hằng - Đăng ngày: .

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, nhiều con em Hà Tĩnh đã cống hiến tuổi xuân, xương máu và hy sinh oanh liệt được ghi danh là những người anh hùng dân tộc như Phan Đình Giót (quê ở Cẩm Xuyên), như 10 cô gái ở ngã ba Đồng Lộc nhỏ bé mà lẫm liệt đã trở thành biểu tượng về lòng yêu nước, dũng cảm của thanh niên Việt Nam. Song, cũng có rất nhiều những tấm gương hy sinh thầm lặng hầu như ít người biết đến, chỉ có những người đồng đội chứng kiến hay được ghi lại trong những tư liệu hiếm hoi đang lặng lẽ trôi theo dòng thời gian. Với lòng xúc động, khâm phục và tự hào, tôi xin kể ra đây hai  trong số những người con ưu tú của Hà Tĩnh đã hy sinh anh dũng là liệt sỹ Lê Thiệu Huy - thần đồng Đông Dương, tham mưu trưởng tài ba của Liên quân Việt - Lào, người đã lấy thân mình bảo vệ Hoàng Thân Xu-pha-nu-vông và liệt sỹ Nguyễn Quang Trí-người lính trẻ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng trong chiến trường Cam Lộ, Quảng Trị khốc liệt.

           Lê Thiệu Huy sinh ngày 06/03/1921 tại làng Lạc Thiện (nay là xã Trung Lễ), huyện Đức Thọ, trong một gia đình và dòng họ trí thức yêu nước; cha là Giáo sư Lê Thước, một nhà sư phạm nổi tiếng; mẹ là bà Phan Thị Đích thuộc dòng họ Phan Đình Phùng. Năm 10 tuổi, Lê Thiệu Huy theo cha ra Hà Nội học, anh là học sinh xuất sắc của trường trung học An-Be-Xa-Rô. Năm 17 tuổi, anh là thủ khoa kỳ thi học sinh giỏi môn toán của học sinh Trung học phổthông các xứ thuộc địa thuộc Pháp. Năm 1942, Lê Thiệu Huy là sinh viên xuất sắc Đại học Khoa học, chỉ trong vòng 2 năm đã tốt nghiệp cả bằng Toán đại cương và Vật lý đại cương. Giáo sư Brachet, nhà toán học gốc Do Thái dạy môn Toán ở trường này đã kinh ngạc thốt lên: “Tôi chưa bao giờ thấy một sinh viên nào xuất chúng như Lê Thiệu Huy và có lẽ cũng ít kẻ tài ba như vậy”[1]. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, dạy môn Cơ lý thuyết ở trường tự hào nhận xét: “Tôi có hai người học trò đều quê ở Đức Thọ, một là Lê Văn Thiêm, hai là Lê Thiệu Huy học giỏi ít có trò nào sánh kịp”[1]. Thời đón gười ta đã gọi Lê Thiệu Huy là thần đồng Đông Dương.

            Cách mạng tháng Tám bùng nổ, Lê Thiệu Huy cùng bạn bè  gia nhập hàng ngũ thanh niên kháng chiến. Cuối tháng 11/1945, Lê Thiệu Huy  giữ cương vị Tham mưu trưởng Liên quân Việt - Lào cùng kề vai sát cánh chiến đấu với Bộ tư lệnh Phathet Lào do Hoàng thân Xu-pha-nu-vông đứng đầu. Anh là người chỉ huy tài ba và dũng cảm. Ngày 21/3/1946 quân Pháp huy động lực lượng quyết chiếm Thakhet. Tham mưu trưởng Lê Thiệu Huy cùng Hoàng Thân và Liên quân Việt - Lào chiến đấu kiên cường, dũng cảm. Máy bay và lính bộ binh  Pháp rượt đuổi bắn vào thuyền quân ta dữ dội. Trong giây phút nguy cấp, Lê Thiệu Huy đã lấy thân mình bảo vệ Hoàng Thân Xu-pha-nu-vông và anh đã hy sinh trong vòng tay thương tiếc của Hoàng Thân và đồng đội, khi đó anh vừa tròn 25 tuổi.

Năm 1951, trong  bức thư gửi GS Lê Thước, Hoàng Thân Xu-pha-nu-vông đãbày tỏ niềm tiếc thương, xúc động và cảm phục về Liệt sỹ Lê Thiệu Huy: “Anh Lê Thiệu Huy, người con yêu quý nhất của Ngài mất đi, không những gia quyến mất đi một người con yêu dấu mà nước Việt Nam và nhân dân Lào mất đi một người chiến sỹ đầy tinh thần hy sinh vì công lý. Tinh thần hy sinh cao cả đó đã nhắc nhở cho thanh niên Lào, cho nhân dân Lào luôn luôn bền bỉ chiến đấu để diệt đế quốc xâm lăng và giành độc lập thực sự cho đất nước”[1].

Ngày 30/01/2011, mãi sau 65 năm, Chủ tịch nước ký quyết định  truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho Liệt sỹ Lê Thiệu Huy. Tuy hơi muộn màng, song trước đó, sự hy sinh thầm lặng của anh đã được đồng đội chứng kiến và xác nhận là hành động anh hùng. Đó mới là sự đánh giá cao cả và đúng đắn nhất.

Mùa Thu năm 1968, tại, trong một trận giao tranh không cân sức với lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ, gần hết một tiểu đội Quân giải phóng đã hy sinh. Người lính trẻ Nguyễn Quang Trí sau khi bắn cháy một xe tăng Mỹ và bắn hạ nhiều lính Mỹ ngã xuống. Anh là người cuối cùng của tiểu đội ngã xuống một cách oai hùng nhưng thầm lặng, khi đó anh mới 18 tuổi. Cho đến nay, gần 50 năm kể từ ngày anh hy sinh, gia đình vẫn chưa tìm được hài cốt của anh để đưa về đất mẹ quê hương Đức Thọ - Hà Tĩnh. Nhưng, linh hồn của anh, tinh thần của anh còn lưu lại trong bức thư gửi cha mẹ đúng 10 ngày trước khi anh hy sinh. Kỷ vật linh thiêng này là những trang giấy đã hoen ố, trên đó lànhững dòng tâm sự đẫm nước mắt nhưng rất bi tráng. Trong thư, anh viết: “Con đã cứng rắn chống chọi với quân thù nhưng con chưa trả công nuôi nấng của cậu mẹ (là cách gọi bố mẹ ở gia đình gốc Hà Nội) được thì phải xa cậu mẹ các em lên đường làm công tác lịch sử nhất của dân tộc Việt Nam và cũng là vinh dự nhất của lứa tuổi thanh xuân của chúng con. Dù có đổ máu hoặc phải hy sinh đi chăng nữa vẫn cam lòng để nhân dân ta được sống tự do, độc lập chứ không để làm nô lệ cho giặc Mỹ”[3].

Nguyễn Quang Trí mãi mãi ra đi. Dù anh không thể trở về quê hương Hà Tĩnh để trả công nuôi dưỡng của cha mẹ như anh đã tâm niệm nhưng sự ra đi của anh là niềm tự hào của cha mẹ, người thân và quê hương. Anh cùng với rất nhiều thanh niên khác đã hy sinh, hy sinh một cách thầm lặng để đất nước được tự do, độc lập. Dù anh chưa được phong tặng anh hùng hay bất cứ một huân huy chương nào khác nhưng anh là người anh hùng trong lòng người dân Hà Tĩnh và cả dân tộc Việt Nam.

Hai tấm gương anh dũng trên dù được ít người biết đến nhưng sự hy sinh của các anh đều quá đỗi lớn lao và đáng được lưu danh sử vàng của dân tộc. Các anh là những tấm gương sáng ngời về tinh thần cống hiến, hy sinh quên mình vì sự nghiệp đấu tranh cho độc lập, tự do của đất nước; trong đó sự hy sinh của liệt sỹ Lê Thiệu Huy còn thể hiện tinh thần quốc tế vô sản trong sáng cho tình hữu nghị Việt - Lào đồng chí - anh em.

Tài liệu tham khảo

            1. Báo Dân trí Điện tử ngày 26/3/2015

            2. Báo Thanh niên điện tử ngày 25-3-2015

            3. Bức thư của liệt sĩ Nguyễn Quang Trí lưu trữ tại bảo tàng Hà Tĩnh

            4. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh, Tập 1(1930-1954), Nxb Chính trị Quốc gia Hà Nội, năm 2004.

            5. Trang thông tin bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh (đặt tại Thành phố Vinh, Nghệ An).