Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho sinh viên trong các trường sư phạm là chuẩn bị nguồn lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục

Tác giả: Th.S Nguyễn Thị Hà - Đăng ngày: .

 

Toàn cầu hóa đặt ra cho giáo dục nhiệm vụ đào tạo những công dân toàn cầu có kỹ năng, năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong một thế giới luôn thay đổi. Yêu cầu này thực sự đã làm cho vai trò của người giáo viên có nhiều thay đổi: từ chỗ là người truyền thụ kiến thức sang tổ chức học tập; Phải tự chịu trách nhiệm cao hơn trong việc lựa chọn nội dung dạy học, yêu cầu coi trọng việc cá biệt hóa học tập, yêu cầu sử dụng rộng rãi hơn những phương tiện dạy học hiện đại, thay đổi cấu trúc trong mối quan hệ hợp tác với các lực lượng giáo dục khác (giáo viên cùng trường và quan hệ với học sinh, cha mẹ học sinh….). Do đó, các giáo viên trong trường phổ thông đảm nhận nhiều chức năng khác trước và phải có năng lực nhận biết đặc điểm của từng học sinh trong tập thể học sinh ngày càng đa dạng, giúp các em xây dựng những lộ trình khác nhau để tiến tới thành công. Từ những sự thay đổi về vai trò, vị trí của người học và người dạy trong nhà trường hiện đại, quá trình đào tạo giáo viên bên cạnh việc đòi hỏi trang bị những kiến thức chuyên môn cần chú trọng rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp (năng lực sư phạm) tạo khả năng đáp ứng linh hoạt và hiệu quả trước những yêu cầu mới.

   Có nhiều định nghĩa khác nhau về kỹ năng, song tất cả đều thừa nhận rằng kỹ năng là một quá trình tâm lý phức hợp gồm kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm, nghệ thuật cũng như thái độ của chủ thể đối với đối tượng trong quá trình hoạt động. Kỹ năng được hình thành khi con người áp dụng kiến thức vào thực tiễn và nó có được do quá trình lặp đi lặp lại của một hoặc một nhóm hành động nhất định. Theo nghĩa hẹp, kỹ năng được hiểu là những thao tác, hành động cụ thể của con người trong một nghề cụ thể. Tuy nhiên, trong hoạt động nghề nghiệp, con người cần phải có tri thức, kinh nghiệm cần thiết tương ứng với hoạt động, có khả năng tập trung chú ý, tư duy, tưởng tượng...  theo mục đích một cách có hiệu quả. Theo đó, kỹ năng nghề được hiểu theo nghĩa rộng là khả năng (năng lực) thực hiện hoạt động nghề nghiệp của con người trong một thời gian thích hợp, với các điều kiện nhất định, dựa vào sự tích hợp nhuần nhuyễn các kiến thức, kỹ năng, thái độ. Với cách tiếp cận “năng lực thực hiện” trong đào tạo, các nhà sư phạm nhấn mạnh đến việc dạy học tích hợp kiến thức, kỹ năng, thái độ và năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm để người học có thể vận dụng vào việc thực hiện từng công việc cụ thể của một nghề. Phát triển kỹ năng nghề nghiệp là quá trình hình thành, nâng cao khả năng thực hiện công việc nghề nghiệp của con người, tức là hướng tới đầu ra (người học sau quá trình đào tạo), đòi hỏi quá trình đào tạo phải lấy người học làm trung tâm.

Theo Giáo sư Phạm Minh Hạc, năng lực sư phạm là tổ hợp những đặc điểm tâm lí của nhân cách nhằm đáp ứng các yêu cầu của hoạt động sư phạm và quyết định sự thành công của hoạt động ấy. Năng lực sư phạm là một năng lực chuyên biệt đặc trưng của nghề dạy học, có mối quan hệ chặt chẽ giữa hệ thống các kĩ năng cơ bản và năng lực thực hiện của giáo viên. Nó bao gồm hệ thống các kĩ năng tương ứng với 2 dạng hoạt động: dạy học và giáo dục. Năng lực dạy học bao gồm: năng lực chuẩn bị được viết ra dưới dạng bản kế hoạch giảng dạy cụ thể, (như chọn lựa tài liệu tham khảo, xác định mục tiêu bài giảng; các yêu cầu về kiến thức, kĩ năng, thái độ, năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm; các phương pháp, hình thức giảng dạy và thiết bị tương ứng; dự kiến các khả năng xảy ra và các phương án xử lí); Năng lực thực hiện được thể hiện trong quá trình thực hành giảng dạy và giáo dục, gồm các kĩ năng: ổn định lớp, kiểm tra bài cũ, định hướng nội dung mới, luyện tập kĩ năng, phát triển kiến thức, kiểm tra và khuyến khích học sinh…

Quá trình thể hiện năng lực thực hiện có 6 yếu tố cần quan tâm, gồm: Năng lực sử dụng ngôn ngữ (nói, viết), năng lực sử dụng thiết bị và phương tiện dạy học, năng lực hoạt động xã hội trong và ngoài trường (để thiết lập các quan hệ dạy học có hiệu quả và tác động giáo dục đến người học), năng lực đánh giá, năng lực tổ chức các hoạt động giáo dục (năng lực thiết kế mục tiêu, kế hoạch  hoạt động giáo dục; khả năng thuyết phục người học; khả năng hiểu biết đặc điểm học sinh và lập các phương án giáo dục; năng lực phối hợp với các lực lượng giáo dục (trong và ngoài nhà trường) và năng lực tổ chức (năng lực phối hợp các hoạt động dạy học và giáo dục giữa thầy và trò, giữa các trò với nhau, giữa các giáo viên với nhau trong các hoạt động giảng; Năng lực nắm vững các bước tổ chức các hoạt động dạy học và giáo dục; Năng lực tập hợp và phối hợp nguồn lực  để giải quyết các vấn đề của học tập và cuộc sống). Trong xã hội hiện đại ngày nay cần phải nhấn mạnh các yếu tố như: năng lực quan hệ cộng đồng, năng lực hoạt động với tư cách là một chuyên gia giáo dục, năng lực phát triển môi trường xung quanh...

Quá trình đào tạo giáo viên ngày nay đòi hỏi phải dựa trên yêu cầu phát triển năng lực nghề nghiệp (năng lực sư phạm) để có thể thực hiện các hoạt động giáo dục một cách hiệu quả nhất trong môi trường công tác thực tế. Đó là quá trình phải chuẩn bị về mặt tâm lý cho một sự thay đổi cơ bản về vai trò của người học, giáo dục người học nhận thức việc chuyển đổi vị trí, vai trò của người học sang người dạy, từ việc chỉ chịu trách nhiệm với việc học của mình sang người chịu trách nhiệm về việc học của nhiều học sinh. Giáo dục phát triển năng lực người học là phải hướng dẫn người học cách học, đưa học sinh vào thế giới hiện thực thông qua các hoạt động học tập. Theo đó, cần chú trọng hình thành, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp bằng những việc làm cụ thể, qua thực hành thường xuyên mới hình thành và phát huy được vị trí trung tâm của người học.

Đội ngũ giáo viên là yếu tố hàng đầu quyết định chất lượng giáo dục, giáo viên được coi như yếu tố then chốt của cải cách, đổi mới giáo dục. Thực hiện đào tạo theo hướng nâng cao năng lực nghề nghiệp nghiệp là quá trình hình thành, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, được xem là khâu đột phá, trọng tâm của công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đặc biệt là giáo dục phổ thông. 

Tóm lại, Giáo viên là những người trực tiếp giảng dạy, giáo dục, hướng dẫn và truyền thụ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho học sinh. Trong đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đội ngũ giáo viên là lực lượng nòng cốt thực hiện, được xem như yếu tố hàng đầu quyết định thành bại công cuộc đổi mới toàn diện, căn bản này. Bởi vậy, xây dựng được đội ngũ giáo viên có đủ phẩm chất và năng lực sẽ là yếu tố then chốt quyết định sự thành công của công cuộc cải cách và đổi mới giáo dục. Điều này đặt ra nhiệm vụ cấp bách cho các trường sư phạm trong việc đổi mới công tác đào tạo đội ngũ giáo viên kế cận. Mặc dù việc đổi mới đào tạo trong trường sư phạm phải được thực hiện ở trên tất cả các nội dung song với đặc thù của đào tạo ngành sư phạm là dạy nghề, truyền nghề nên việc đổi mời đào tạo trong nhà trường cần theo hướng coi trọng quá trình hình thành rèn luyện năng lực nghề nghiệp một cách thường xuyên. Rèn nghề là một trong những biện pháp quan trọng trong phát triển năng lực nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm. Việc tăng thời lượng chương trình thực hành rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, bố trí hợp lý chương trình thực hành cùng với các trải nghiệm thực tế nghề nghiệp trong quá trình đào tạo chắc chắn sẽ đào tạo được đội ngũ giáo viên tương lai đáp ứng yêu cầu hoạt động nghề nghiệp, đáp ứng yêu cầu đổi mới, phù hợp với sự biến đổi của thời đại./.

Tài liệu tham khảo

[1]. Nguyễn Minh Đường, Phan Văn Kha, (2006), Đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiêp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.

[2]. Hoàng Thị Hạnh,  Kỹ năng cơ bản của sinh viên trong thực tập sư phạm, NXBGD 2016.

[3]. Lê Văn Hồng, Lê Ngọc Lan, Nguyễn Văn Thàng, (2001), Tâm lý học lứa tuổi và Tâm lý học sư phạm, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.

[4]. Vũ Xuân Hùng, (2011), Dạy học hiện đại và nâng cao năng lực dạy học cho giáo viên, Nxb Lao động Xã hội, Hà Nội.

[5]. Đặng Thành Hưng, (2016), “Vai trò của kỹ năng trong sự phát triển con người”, Tạp chí Khoa học dạy nghề, số 31, tháng 4/2016.

[6]. Bùi Hiền, Nguyễn Văn Giao, Nguyễn Hữu Quỳnh, Vũ Văn Tảo, (2001), Từ điển giáo dục học, Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.

[7]. Lê Thị Bích Ngọc, (2012) Rèn luyện kỹ năng chủ nhiệm lớp cho sinh viên ngành sư phạm trường Đại học Hà Tĩnh.

[8]. GS.TS Nguyễn Quang Uẩn, (2008), Giáo trình tâm lý học đại cương, NXB Đại học Sư phạm.

[9]. Một số trang web:  http://ioer.edu.vn; https://baomoi.comhttps://123doc.org; http://khoagiaoduc.vinhuni.edu.vn.