Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Nghĩ về lòng vị tha của Phụ nữ Việt Nam

Tác giả: Th.S Trần Thị Mai Hương - Đăng ngày: .

Công cuộc đổi mới đất nước đã tạo ra sự chuyển mình mạnh mẽ về mọi mặt đời sống xã hội, đời sống nhân dân được nâng cao rõ rệt. "Trong thành tựu chung của đất nước, có sự đóng góp tích cực của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam. Là một lực lượng xã hội đông đảo, phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mình trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, thích ứng với sự hội nhập và phát triển theo xu hướng chung của nhân loại" (Hà Thị Khiết).

            Người phụ nữ là nguồn cảm hứng vô tận của các sáng tạo nghệ thuật, là linh hồn của những ánh thi ca, là điểm tựa cho mọi trái tim đàn ông và con trẻ. Họ vừa là người lao động vừa là người vợ, người mẹ và đặc biệt là người thầy đầu tiên của con người- hình thành và phát triển nhân cách của các thế hệ công dân tương lai. Lòng yêu nước, đức hy sinh, trí thông minh, cần cù, sáng tạo, chịu thương, chịu khó, nhân hậu, thuỷ chung, vị tha … là những đức tính quý báu được hun đúc qua các thế hệ đã thể hiện phẩm giá và tiêu biểu cho nhân cách con người Việt Nam. Trong những đức tính ấy, lòng vị tha được ví như ánh sáng êm dịu của tâm hồn - "Bên cạnh ánh sáng lung linh của các vì sao còn có ánh sáng êm dịu và huyền bí của tâm hồn người phụ nữ" (Victor Hugo).

            Theo từ điển Hán Việt, người có lòng vị tha là người có tinh thần chăm lo một cách vô tư đến lợi ích của người khác, có thể vì người khác mà hy sinh lợi ích của cá nhân mình. Trái nghĩa với vị tha là sự nhỏ nhen, ích kỷ. Tấm lòng vị tha của người phụ nữ không chỉ bó kẹp trong phạm vi gia đình, dòng họ mà còn mở rộng ra cộng đồng xã hội, dân tộc, quốc tế. Người có lòng vị tha có thiên hướng là giúp đỡ những người khác mà không đòi hỏi bất cứ một lợi ích nào cho bản thân, hoặc cư xử đúng mực có đi có lại; hay dành cho những người thân sự tha thứ khi bị họ lừa dối hoặc phản bội. Lòng vị tha là một trong những cách đối xử mang tính người khó xác định nhất.

            Trong kho tàng văn hoá nhân loại, có một câu phương ngôn được nhiều người truyền tụng: Phụ nữ- đó là người nhen lên và canh giữ bếp lửa gia đình. Nếu như ngày nay, không còn ai nghi ngờ về tầm quan trọng của gia đình đối với con người, đối với xã hội, đối với đất nước thì có lẽ cũng không còn ai nghi ngờ về tầm quan trọng và vai trò của người phụ nữ trong đời sống của mỗi gia đình. Điều đó cho thấy, họ chính là người giữ phần hồn của gia đình. Lòng vị tha góp phần làm giàu có đời sống tinh thần, giúp người phụ nữ hoàn thiện vẻ đẹp tâm hồn.

Trong cuộc sống, con người luôn phải đối mặt với tự nhiên, xã hội và với ngay bản thân con người. Trong ba yếu tố ấy, có thể nói sự đối mặt với ngay chính bản thân mình là cuộc đấu tranh căng thẳng liên hồi nhất. Mặc dù vậy, con người dù ở trong trạng thái, hoàn cảnh nào củng phải làm chủ bản thân, phải nghiêm khắc với bản thân mình nhưng lại biết tha thứ cho lỗi lầm của người khác, hy sinh cho lợi ích của người khác. Đối với người vợ, lòng vị tha có lúc là liều thuốc thần dược níu kéo những người chồng qua những phút giây lầm lỡ, sa ngã trở về với mái ấm gia đình; là liều thuốc màu nhiệm xoa dịu và hàn gắn vết thương lòng làm cho cuộc sống tươi vui và tràn đầy ý nghĩa: "Chồng dận thì vợ bớt lời- Miệng cười hớn hở rằng: anh dận gì?" (Ca dao Việt Nam).

            Khi tạo hoá tạo ra người phụ nữ là tạo ra đức tính vị tha bởi phụ nữ gắn liền với chức năng sinh đẻ duy trì nòi giống. Người phụ nữ phải mang nặng, đẻ đau- đó là một cuộc hành trình gian lao, vất vả. Rồi cảnh nuôi con thơ thức khuya dậy sớm, lo cho con từng bữa ăn, giấc ngủ. Những hôm trái gió trở trời, con đau con ốm, người mẹ quên ăn, quên ngủ ở bên cạnh con, gầy rộc cả người… Tình cảm tự nhiên đó thật giản dị, ấm ấp góp phần tạo nên quan điểm về “Nguyên lý mẹ” trong nền văn hoá Việt Nam.

            Trong chế độ phong kiến Việt Nam có một người phụ nữ đã làm chính cung hoàng hậu hai triều, đó là hoàng hậu Dương Vân Nga. Người phụ nữ ấy đã làm một việc hiếm thấy là dâng cơ đồ nhà chồng (Nhà Đinh) cho Thập đạo tướng quân Lê Hoàn- một vị tướng tài giỏi để cứu nguy cho giang sơn xã tắc. Lịch sử đã phán xét bà, người cho rằng bà có công, kẻ cho rằng bà có tội nhưng chưa có ai dám phủ nhận công lao to lớn của Lê Hoàn trong việc đánh tan quân xâm lược Tống, phát triển đất nước. Dương Vân Nga lúc đó là người đứng đầu triều chính nhưng bà vẫn là một người phụ nữ. Bao nhiêu ngày đêm trằn trọc suy nghĩ, vò xé trái tim bà khi phải lựa chọn một bên là gia đình, một bên là giang sơn xã tắc. Vượt lên những lời thị phi cay nghiệt, người phụ nữ ấy đã nghĩ đến nhân dân trăm họ lầm than trước nạn ngoại xâm. Với tấm lòng vị tha cao cả đó, bà luôn sống mãi trong tiềm thức nhân dân Việt Nam.

            Lòng vị tha của người phụ nữ còn được biểu hiện ở lòng yêu thương con người. Nơi nào thiếu sự yêu thương, nơi đó sẽ là nơi dung dưỡng cho cái ác; ở đâu thiếu những tấm lòng, những vòng tay thân ái thì ở đó, con người sẽ trở nên chai cứng, hành xử với nhau lạnh lùng, thô lỗ. Tình yêu thương của người phụ nữ chính là lòng nhân ái, độ lượng, biết chia sẻ vui buồn với mọi người, sẵn sàng giúp đỡ và cảm thông  với những người có hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn với tinh thần tương thân tương ái "lá lành đùm lá rách". Nếu như hoa đào tô điểm thêm vẻ đẹp của mùa xuân thì lòng yêu thương con người tô điểm thêm vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ. Vẻ đẹp ấy không tạo ra từ khối óc mà nó là sự lay động trong tâm hồn con người.

            Đối với người phụ nữ, công danh và thành đạt của chồng con luôn được đặt lên hàng đầu và có khi còn là động lực cao cả để họ hi sinh bản thân mình. Chính vì vậy, lòng vị tha cũng chính là đức hi sinh, là sự chia sẻ, nhường nhịn. Vì hạnh phúc gia đình, tương lai của con cái, người phụ nữ dám hi sinh thời gian, lao động, tiền bạc, cơ hội thăng tiến và cả nhan sắc của mình.  Vì tấm áo mới cho con ngày mai kịp mặc khai trường, người mẹ có thể thức thâu đêm. Bước chân mẹ bước nhanh hơn, xa hơn trên hè phố để bán xong ghánh chè cho con đủ tiền học phí ngày mai… Trên mọi nẻo đường tổ quốc, biết bao người mẹ đã phải vất vả, khó khăn trong cuộc mưu sinh. Người biết hi sinh phần lớn phải chịu thiệt thòi, nhưng bù lại tâm hồn họ luôn sáng trong, thanh thản và luôn được mọi người quý trọng, yêu thương. Tuy nhiên, biết hi sinh là rất đáng quý nhưng sẽ đáng quý hơn nếu người phụ nữ biết sống cho mình, biết thỏa mãn nhu cầu thiết yếu cho mình. Sẽ thật đáng phê phán nếu người phụ nữ xuề xòa, cẩu thả, quên đi bản thân mình.

            Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII kêu gọi các tầng lớp phụ nữ Việt Nam phát huy tinh thần yêu nước, chung sức, chung lòng, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nắm bắt thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vì sự tiến bộ, hạnh phúc và bình đẳng của phụ nữ. Trong chế độ cũ, người phụ nữ tự thu mình trong cuộc sống gia đình nên dễ nẩy sinh tư tưởng chỉ chăm lo vun vén hạnh phúc gia đình. Trong giai đoạn hiện nay, những tư tưởng tư tưởng vị kỷ, cá nhân đó là đáng bị phê phán. Hạnh phúc của cá nhân, của gia đình phải được xây dựng da trên hạnh phúc của xã hội. Chính vì vậy, mỗi cá nhân phải biết quan tâm, chăm lo đến lợi ích của xã hội và cộng đồng. Người phụ nữ hiện đại ngoài biết quan tâm đến lợi ích của gia đình còn phải biết quan tâm đến lợi ích của đồng nghiệp, của cơ quan, của xã hội. Họ vừa biết chăm sóc, giáo dục con cái thành những người công dân có ích cho xã hội, lại vừa biết giữ gìn tình yêu, hạnh phúc gia đình; thành đạt trong việc học tập, rèn luyện đồng thời cũng phấn đấu trưởng thành trong công tác xã hội.

            Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đòi hỏi con người phải chuyển mình, nhanh chóng nắm bắt thời cuộc để thực hiện những mơ ước, hoài bão đặt ra. Tuy vậy, những phẩm chất truyền thống của người phụ nữ Việt Nam trong đó có lòng vị tha vẫn luôn toả sáng, giúp người phụ nữ vẹn toàn công tác xã hội, công tác gia đình, làm tròn thiên chức người vợ, người mẹ, xứng đáng với danh hiệu “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, phát huy truyền thống anh hùng được đúc kết trong tám chữ vàng mà Bác Hồ dành tặng: "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang".