Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Sử dụng tình huống có vấn đề trong dạy học môn Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam theo hướng tiếp cận năng lực

Tác giả: Th.S Trần Thị Thúy - Đăng ngày: .

Dạy học theo hướng phát triển năng lực đang trở thành xu thế phát triển của công tác dạy-học hiện nay trong hệ thống giáo dục Việt Nam nói chung và bộ môn Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng ở các trường cao đẳng, đại học.

1. Dạy học môn Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam theo hướng tiếp cận năng lực   

Thế kỷ XX là thế kỷ của một nền giáo dục tích cực, các nhà giáo dục đều nghiên cứu và mong muốn tìm đến con đường dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Những nghiên cứu về lý luận và thực tiễn trong những năm gần đây cho thấy, tiếp cận theo năng lực người học đang là xu thế của giáo dục thế giới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo nhân lực của các cơ sở đào tạo và yêu cầu của thị trường lao động.

Dạy học phát triển năng lực nhằm mục tiêu phát triển năng lực người học - được định hướng là kết quả đầu ra của quá trình dạy học, phát triển toàn diện phẩm chất nhân cách, chú trọng năng lực vận dụng kiến thức vào tình huống thực tiễn, chuẩn bị cho người học năng lực giải quyết các tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp, với vai trò là chủ thể của quá trình nhận thức. Giáo dục theo tiếp cận năng lực được hiểu như là quan điểm giáo dục dựa trên hai trụ cột: một là, xem năng lực của người học là mục tiêu đào tạo, là kết quả giáo dục; hai là, xem năng lực là nền tảng, là chỗ dựa của giáo dục, tức là giáo dục phải dựa vào năng lực người học, đặc biệt là kinh nghiệm nền tảng và trải nghiệm thường trực được huy động thuộc vùng phát triển gốc. Như thế, giáo dục tiếp cận năng lực có nghĩa là giáo dục tiếp cận đầu ra của năng lực hay cũng có thể hiểu, bản chất của chất lượng người học chính là kết quả đầu ra của năng lực người học. 

Phương pháp giảng dạy và học tập theo hướng tiếp cận năng lực hướng đến mục đích phát triển năng lực người học, thu hút sinh viên đến lớp, tạo sự hứng thú và say mê đối với môn học. Đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị nói chung và môn đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng là một yêu cầu cấp bách đối với các trường đại học hiện nay nhằm góp phần hiện thực hóa quan điểm, nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế 1.

Đường lối của Đảng trong gần 90 năm qua là sản phẩm của sức sáng tạo lý luận cách mạng, phản ánh trí tuệ và năng lực lãnh đạo của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, là kết quả của sự vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn cách mạng Việt Nam. Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam có quá trình phát triển liên tục, từ cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng cho đến nay.

Môn học Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam là một hệ thống lý luận về chiến lược và sách lược cách mạng, về những chủ trương, chính sách lớn của Đảng; về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp của cách mạng Việt Nam từ khi Đảng ra đời cho đến nay. Nội dung chủ yếu của môn học là cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản, có hệ thống về đường lối của Đảng qua các thời kỳ cách mạng, đặc biệt là đường lối trong thời kỳ đổi mới. Với một khối lượng kiến thức tương đối rộng, kiến thức của môn học vừa mang tính khái quát khoa học, tính tổng hợp, liên ngành, vừa gắn liền với thực tiễn đấu tranh cách mạng của Đảng, của dân tộc. Trong bài viết này, tác giả chỉ nêu lên một số suy nghĩ, trăn trở của bản thân dựa trên kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn công tác giảng dạy trong thời gian qua về việc sử dụng tình huống có vấn đề trong dạy học môn Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam theo hướng tiếp cận năng lực.

            2. Sử dụng tình huống có vấn đề trong dạy học môn Đường lối của Đảng cộng sản Việt Nam

            Tình huống có vấn đề là tình huống mà ở đó xuất hiện một vấn đề, vấn đề này vừa quen, vừa lạ đối với người học: “quen” vì nó có liên quan đến những kiến thức đã được học, “lạ” vì nó trông quen nhưng sinh viên khó có thể giải quyết được ngay tại thời điểm đó. Như vậy, tình huống có vấn đề chỉ nảy sinh khi có sự mâu thuẫn giữa cái đã biết và cái chưa biết; giữa lý luận và thực tiễn… buộc các em phải huy động kiến thức tích hợp, bao gồm cả tri thức khoa học và vốn sống của bản thân một cách độc lập và sáng tạo để đề xuất giả thuyết nhằm giải quyết vấn đề đặt ra. Tình huống đó có thể giải quyết ngay trong giờ lên lớp, cũng có thể cho sinh viên về nhà giải quyết dưới dạng bài thu hoạch hay tiểu luận…

Bất kỳ nội dung nào trong chương trình môn học, giáo viên cũng có thể đặt ra tình huống có vấn đề. Chẳng hạn, sau khi khái quát một quá trình lịch sử Đảng, giáo viên có thể nêu câu hỏi:

            - Vì sao nói, Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam? (Chương 1. Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam và cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng).

- Vì sao Đảng cộng sản Việt Nam quyết định đổi mới toàn diện đất nước? (Chương V. Đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa).

            Tình huống có vấn đề có thể được nêu lên khi phân tích khái quát về một giai đoạn lịch sử Đảng, chẳng hạn:

- Vì sao tình thế cách mạng Việt Nam lúc bấy giờ được ví như “ngàn cân treo sợi tóc”? (Chương III. Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược 1945-1975).

- Vì sao chủ tịch Hồ Chí Minh lại dùng 2 lần từ “nhân nhượng” trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (19/12/1946)? (Chương III. Đường lối kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược 1945-1975).

            Tình huống có vấn đề có thể được đưa ra khi nêu lên một sự kiện lịch sử Đảng. Ví dụ:

- Vì sao Xô Viết Nghệ-Tĩnh trở thành đỉnh cao của cao trào cách mạng 1930-1931? (Chương II. Đường lối đấu tranh giành chính quyền 1930-1931).

- Vì sao Hội nghị BCHTW Đảng lần thứ 8 (5/1941) được xem là hội nghị hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng? (Chương II. Đường lối đấu tranh giành chính quyền 1930-1945).

            Tình huống có vấn đề cũng có thể được đưa ra khi phân tích nội dung đường lối, chủ trương của Đảng trong tiến trình cách mạng. Chẳng hạn:

- Vì sao đại hội lần thứ III của Đảng (9/1960) xác định: Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn mới có hai nhiệm vụ chiến lược? (Chương IV. Đường lối công nghiệp hóa);

- Vì sao đến đại hội VI, Đảng ta nâng các vấn đề xã hội lên tầm chính sách xã hội? (Chương VII. Đường lối xây dựng, phát triển nền văn hóa và giải quyết các vấn đề xã hội).

- Suy nghĩ của bản thân về bước phát triển phương châm của Đại hội VII: “Việt Nam muốn là bạn với các nước trong cộng đồng thế giới phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển” đến đại hội IX thành “Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”? (Chương VIII. Đường lối đối ngoại).

            Như vậy, việc đưa ra tình huống có vấn đề không chỉ dừng lại ở việc đặt câu hỏi và đưa ra bài tập thông thường, mà phải đặt vấn đề, xây dựng tình huống để gợi mở tư duy cho người học, tạo sự mâu thuẫn giữa kiến thức và kinh nghiệm đã có với những kiến thức mới mà họ đang tìm hiểu. Phương pháp sử dụng tình hống có vấn đề có thể đảm bảo cao nhất sự phát triển khả năng tư duy của sinh viên, đặc biệt là tư duy biện chứng, sáng tạo, đảm bảo cho sinh viên nắm vững tri thức, kỹ năng, kỹ xảo, hình thành tư duy khoa học. Tiếp xúc thường xuyên với phương pháp này sẽ giúp sinh viên làm quen với các phương pháp khoa học, tạo niềm say mê và hứng thú trong học tập. Trong dạy học môn Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam, việc lựa chọn và vận dụng tình huống có vấn đề là rất cần thiết, tuy nhiên, để vận dụng phương pháp này một cách nhuần nhuyễn và đạt hiệu quả cao là việc làm không dễ, đòi hỏi sự nỗ lực lớn của cả người dạy và người học.

Khi nêu tình huống có vấn đề trong dạy học môn Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam, giảng viên cần lưu ý những điểm sau:

            1/ Tình huống nêu lên phải phù hợp và có tác động tích cực, hiệu quả đến việc khai thác nội dung bài học.

            2/ Tình huống phải phù hợp với đặc điểm và trình độ của sinh viên.

            3/ Tình huống phải bao hàm những kiến thức đã có và những kiến thức mới, chú ý cập nhật những kiến thức mới tạo sự hứng thú, kích thích sự động não của người học. Cách nêu tình huống phải đảm bảo cái mới theo phương châm: “vấn đề mới của những sự kiện không mới”, suy nghĩ mới về những điều không mới”.

            4/ Ngoài ra, vai trò của giảng viên có ảnh hưởng rất lớn đến việc khơi dậy và phát huy ngọn lửa đam mê học tập của sinh viên. Giáo viên phân tích, liên hệ và chỉ ra những điểm tích cực trong mỗi phương án giải quyết vấn đề không chỉ có vai trò động viên, cỗ vũ tinh thần học tập của người học mà còn tạo không khí vui vẻ, thoải mái trong lớp học.

            Sử dụng tình huống có vấn đề trong dạy học môn Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam sẽ hình thành và phát triển bền vững kỹ năng giải quyết vấn đề . Đây là một việc làm rất vần thiết và có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc hướng đến mục đích tiếp cận năng lực cho người học. Qua đó, người học có thể nhận thức đúng đắn, chính xác, chân thực những kiến thức cơ bản, có hệ thống về môn học, từ đó có thể tự bồi dưỡng thêm thế giới quan cộng sản, phương pháp luận cách mạng, khoa học đúng đắn cho bản thân để có những suy nghĩ và hành động đúng đắn, hữu ích cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Tài liệu tham khảo

[1]. Đảng cộng sản Việt Nam, Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04-11-2013 Hội nghị Trung ương 8 khóa XI Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

[2]. Bộ giáo dục và đào tạo, Giáo trình Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2015.