Hình thức rèn luyện kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trong dạy học môn giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông
I/ Đặt vấn đề
Hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa là sự tiếp nối và thống nhất hữu cơ với hoạt động dạy học trong giờ chính khóa, hình thức này được tiến hành ngoài phòng học và giờ học nhưng vẫn thuộc vào chương trình môn học. Đặc trưng cơ bản của hình thức dạy học này là giúp học sinh thâm nhập thực tế cuộc sống bằng việc quan sát thực tiễn để rút ra những bài học cần thiết, củng cố tri thức, tăng thêm niềm tin vào kiến thức khoa học của bộ môn. Ngoài ra hình thức dạy học còn giúp học sinh biết rèn luyện các phẩm chất tư duy quan sát, tìm tòi, phân tích, so sánh, tổng hợp các dữ kiện và rút ra kết luận từ sự khái quát thực tế.
II/ Nội dung
1. Hình thức rèn luyện kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trong dạy học môn GDCD
Môn Giáo dục công dân (GDCD) ở trường Trung học phổ thông (THPT) là một môn học có hệ thống kiến thức liên quan đến nhiều lĩnh vực như triết học, đạo đức học, kinh tế chính trị học, chủ nghĩa xã hội khoa học, pháp luật, đường lối, quan điểm của Đảng, một số chính sách quan trọng của Nhà nước. Vì thế các kiến thức trong môn học luôn gắn bó mật thiết với thực tiễn cuộc sống. Nhiều nội dung bài học có liên quan trực tiếp đến tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá của địa phương và cả nước. Ngoài ra tri thức môn học còn chứa đựng những kiến thức rất phong phú về những vấn đề xã hội đang diễn ra trên toàn thế giới. Điều này một mặt đặt ra yêu cầu phải khai thác vốn sống, hiểu biết kiến thức xã hội của người học trong mỗi bài giảng, mặt khác quá trình dạy học giáo viên cần tạo điều kiện để học sinh được thực hành và vận dụng những hiểu biết của mình vào phân tích đánh giá các hiện tượng xã hội đã và đang diễn ra.
Hình thức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá trong dạy học môn GDCD cần được thực hiện thông qua các nội dung như: tham quan, học tập, nghiên cứu thực tế xã hội; tập hợp, sưu tầm, triển lãm và đánh giá những tư liệu dạy và học; thi tìm hiểu về các vấn đề mà xã hội đang quan tâm như: bảo vệ môi trường, chính sách dân số, việc làm, các văn bản pháp luật; tìm hiểu về các tệ nạn xã hội; vấn đề chấp hành pháp luật an toàn giao thông; tham gia diễn đàn, buổi hội nghị, buổi nói chuyện thời sự, chuyên đề có nội dung phù hợp với môn học.
2. Trình tự thực hiện hình thức hoạt động ngoài giờ chính khóa trong môn GDCD
a) Giáo viên
- Đưa ra chủ đề ngoại khóa cho người học;
- Chỉ ra mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ của chủ đề ngoại khóa;
- Đề xuất thời gian thực hiện ngoại khóa
- Yêu cầu người học nghiên cứu và làm bản báo cáo thu hoạch;
- Kết thúc thời gian ngoại khóa, yêu cầu học sinh nộp bản báo cáo thu hoạch.
b) Học sinh
- Tiếp nhận chủ đề ngoại khóa;
- Tìm hiểu nội dung về chủ đề ngoại khóa;
- Tiến hành viết bài báo cáo với nội dung: Chỉ rõ tác hại, phân tích nguyên nhân và đề xuất hướng giải quyết;
- Kết thúc thời gian ngoại khóa, nộp bản báo cáo cho giáo viên.
c) Cả giáo viên và học sinh
- Kết thúc thời gian ngoại khóa, giáo viên tiến hành thu bản báo cáo thu hoạch từ học sinh. Giáo viên chỉ định cá nhân đại diện nhóm lên thuyết trình bài báo cáo; học sinh tiến hành báo cáo bản thu hoạch của nhóm mình trước các thành viên trong nhóm, tập thể lớp học. Nhóm, lớp phản biện, bổ sung, đóng góp ý kiến vào bản báo cáo thu hoạch.
- Giáo viên góp ý, nhận xét, đánh giá và công bố kết quả sản phẩm của người học.
III/ Kết luận
Hình thức hoạt động ngoài giờ chính khóa được tổ chức không chỉ đơn thuần để hỗ trợ nội dung chương trình chính khóa mà còn nhằm mục đích rèn luyện các kỹ năng cơ bản, quan trọng giúp học sinh tự tin trong thuyết trình, làm việc theo nhóm, quản lí, xử lí tình huống, giải quyết vấn đề, giao tiếp và tạo ra các mối quan hệ tương tác khác. Qua đó người học sẽ trưởng thành hơn, biết vận dụng có hiệu quả hơn các kỹ năng của hình thức ngoại khóa vào trong học tập và thực tiễn cuộc sống./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Vũ Đình Bảy, Đặng Xuân Điều, Nguyễn Thành Minh (2010), Phương pháp dạy học môn GDCD ở trường trung học phổ thông, Nxb Giáo dục Việt Nam.
[2]. Bộ GD& ĐT, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các trường, khoa sư phạm với các trường Phổ thông và Mầm non trong công tác đào tạo, bối dưỡng giáo viên chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục sau năm 2015. Thái nguyên, 2013.
[3]. Đinh Văn Đức,- Dương Thúy Nga (2009), Phương pháp dạy học môn GDCD ở trường THPT, Nxb Đại học sư phạm.
Tin mới
- Trần Đức Thảo – ngôi sáo sáng của triết học Việt Nam thế kỷ XX - 22/04/2018 02:03
- Một số yêu cầu cơ bản trong dạy học môn giáo dục công dân cho học sinh trung học phổ thông - 13/04/2018 03:19
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho sinh viên trong các trường sư phạm là chuẩn bị nguồn lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - 19/12/2017 02:22
- Sử dụng tình huống có vấn đề trong dạy học môn Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam theo hướng tiếp cận năng lực - 18/12/2017 02:43
- Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lãnh đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong giai đoạn mới - 16/11/2017 01:15
Các tin khác
- Nghĩ về lòng vị tha của Phụ nữ Việt Nam - 17/10/2017 02:11
- Nội dung quyền được bảo đảm bí mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng - 19/09/2017 08:28
- Một vài suy nghĩ về cải cách giáo dục Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị - 12/09/2017 02:45
- Sử dụng phương pháp kiểm tra đánh giá theo năng lực đối với các môn khoa học Mác-Lênin ở khoa Lí luận chính trị, trường đại học Hà Tĩnh - 14/08/2017 08:16
- Chỉ số IQ và EQ - nền tảng thành công và hạnh phúc - 15/06/2017 09:21