Trần Đức Thảo – ngôi sáo sáng của triết học Việt Nam thế kỷ XX
Trần Đức Thảo (1917-1993) là triết gia lỗi lạc của Triết học Việt Nam thế kỷ XX, người đã dành cả cuộc đời đầy gian truân cho triết học. Ông bảo vệ thành công luận văn thạc sĩ triết học khi mới 25 tuổi. Ông là người Việt Nam đầu tiên được nhận bằng Thạc sĩ triết học tại nước Pháp cũng như của thế giới. Ông để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ bao gồm gần 200 tác phẩm hầu hết bằng tiếng Pháp, tiếng Đức và một số bằng tiếng Việt với hàng ngàn trang sách. Có lẽ không có một nhà khoa học, triết học Việt Nam nào có khối lượng công trình khoa học đồ sộ như vậy. Cuộc đời, tư duy khoa học và phong cách làm việc của Trần Đức Thảo luôn là một tấm gương sáng cho mọi thế hệ nghiên cứu Triết học Việt Nam.
Năm vừa qua, Việt Nam kỷ niệm 100 năm ngày sinh của triết gia lỗi lạc Trần Đức Thảo (1917- 1993). Nói về Ông, xin được trích dẫn lời của một số nhà văn hóa lớn Việt Nam, GS.Trần Văn Giàu nói: “Việt Nam, nếu có một nhà triết học chuyên nghiệp thì đó chính là Trần Đức Thảo”. GS.Vũ Khiêu nói: “Việt Nam chỉ có một nhà Triết học duy nhất là giáo sư Trần Đức Thảo. Ông xứng đáng được người Việt Nam ngưỡng mộ và tôn vinh là một Triết gia ngang tầm với những nhà Triết học hàng đầu thế giới”[8].
Năm 1936, chàng trai quê Bắc Ninh của xứ Việt Nam thuộc địa - Trần Đức Thảo, do học rất xuất sắc đã được Phủ toàn quyền Đông Dương cấp học bổng sang Pháp học đã thi đậu vào trường Đại học sư phạm phố d’Ulm, một trường Đại học danh giá bậc nhất nước Pháp thời bấy giờ. Năm 1942, sau 6 năm học, lúc mới 25 tuổi, Trần Đức Thảo đã nhận bằng Thạc sĩ triết học, đồng thủ khoa với Jules Vuillemin, một người Pháp bản địa. Với luận án Phương pháp hiện tượng luận của Husserl, Ông là người Việt Nam đầu tiên được nhận bằng thạc sĩ Triết học tại nước Pháp cũng như của thế giới. Đây là mốc khởi đầu của hành trình đi vào con đường triết học đầy chông gai của triết gia lỗi lạc này.
Trong mốc khởi đầu, phải kể tới người thầy đã dẫn dắt Trần Đức Thảo tới và gắn bó với triết học là Jean Cavaillès (1903 – 1944), giáo sư triết học, toán học và chuyên ngành triết học của các khoa học của trường Đại học sư phạm phố d’Ulm. Khi Pháp bị Đức quốc xã chiếm đóng, giáo sư J.Cavaillès tham gia phong trào kháng chiến chống phát xít. Ông bị Gestapo bắt (28/8/1943) và bắn chết (17/2/1944). Lòng yêu nước, tinh thần hy sinh dũng cảm và lòng say mê khoa học của người thầy của mình là tấm gương sáng chói cho Trần Đức Thảo, hun đúc thêm tinh thần yêu nước, yêu người vốn có của triết gia trẻ tuổi này cho mãi mãi về sau.
Trong triết học nói riêng và trong khoa học nói chung, chân lý đúng đắn được tìm ra không chỉ từ nghiên cứu tìm tòi mà còn bằng sự dũng cảm tự tin vào con đường mình đang đi, bẳng chính năng lực khoa học chuyên môn sâu của mình. Ngay sau 5,6 năm nhận bằng Thạc sỹ, vào những năm 1948, 1949, nhà triết học trẻ tuổi Trần Đức Thảo đã thể hiện bản lĩnh triết học của mình. Không ngại ngần mình còn trẻ tuổi, còn non nớt trong triết học, lại là người ngoại quốc ở xứ thuộc địa của Pháp quốc, Trần Đức Thảo đã có những “trận bút chiến”, những tranh luận khoa học để lại dấu ấn lịch sử không phai mờ cho các thế hệ triết học Việt Nam cũng như trong giới triết học Âu Mỹ
Dấu ấn thứ nhất, sau khi Alexandre Kojève xuất bản Giáo trình về Hiện tượng luận tinh thần lấy nòng cốt là các tư tưởng của Hegel, Trần Đức Thảo đã viết bài báo phê bình tác phẩm này với tiêu đề Hiện tượng luận tinh thần của Hegel và nội dung thực chất của nó. Trong bài phê bình, Trần Đức Thảo đã phân tích mặt tích cực, mặt hạn chế của Hegel cũng như trong Giáo trình của A.Kojève. Ngày 7/10/1948 A.Kojève đã chủ động viết thư cho Trần Đức Thảo. Trong thư ông bày tỏ cảm kích và tôn trọng các quan điểm của Trần Đức Thảo, ông khiêm tốn muốn nghe ý kiến phản hồi của nhà triết học trẻ tuổi. Ngày 30/10/1948, Trần Đức Thảo với sự đầy tự tin, viết thư phúc đáp lại A.Kojève. Trong thư ông mạnh dạn phân tích quan điểm của mình với A.Kojève là khác nhau. Trần Đức Thảo hiểu rất sâu sắc và trung thành với triết học duy lý (vào thời điểm đó), trong khi Kojève chỉ công nhận tự do và phủ định tất yếu, thì ông công nhận cả tự do lẫn tất yếu. Ông không ngại ngần đưa ra suy nghĩ của mình như là một sự phê phán về hướng đi của A.Kojève: “Tôi nghĩ một cách đơn giản rằng ông không đi đủ xa, và khi từ chối không suy đến cùng hệ quả duy vật của chủ nghĩa nhân bản vô thần, ông để chỗ cho chủ nghĩa nhân bản tôn giáo trở lại mà không nhận ra điều ấy”[6].
Dấu ấn thứ hai là các cuộc đối thoại kéo dài 5 buổi giữa Trần Đức Thảo và Jean-Paul Sartre1 trong thời gian 1949-1950. Lúc này, Trần Đức Thảo đã đoạn tuyệt với chủ nghĩa hiện sinh mà ngả hẳn theo chủ nghĩa Marx. Mặc dù còn rất trẻ, song tên tuổi và sự uyên bác triết học của ông đã được cả giới triết học Pháp lúc bấy giờ biết đến. Điều đó khiến J.Sartre, một cây triết học gạo cội của Pháp, đã phải mời Trần Đức Thảo như là một người đồng hàng cùng tranh luận những vấn đề hóc búa nhất về mối quan hệ giữa chủ nghĩa hiện sinh mà J.Sartre là môn đệ và chủ nghĩa Marx, cái đích mà Trần Đức Thảo đang hướng tới. Trong các buổi tranh luận, J.Sartre cố gắng chứng minh rằng, chủ nghĩa hiện sinh có thể cùng tồn tại song hành với chủ nghĩa Marx trên cùng một bình diện học thuyết. Sartre đánh giá thấp và thu hẹp vai trò của chủ nghĩa Marx, ông chỉ công nhận giá trị thực tế của nó về ý nghĩa chính trị và lịch sử xã hội. Trong đó, chủ nghĩa Marx có giá trị trong việc giải quyết các vấn đề xã hội, còn chủ nghĩa hiện sinh có giá trị triết học thuần túy.
Trong các buổi tranh luận, Trần Đức Thảo không tự ti trước nhà triết học bậc thầy của mình, đã cố gắng chỉ ra rằng, nhận định của J.Sartre là hoàn toàn không đúng. Sau 5 buổi tranh luận, Trần Đức Thảo và J.Sartre không tìm được tiếng nói chung.
Tuy không có sự đánh giá đúng sai trong tranh luận giữa Trần Đức Thảo và J.Sartre của giới triết học lúc đó, nhưng theo S.Beauvoir, nữ triết gia và là vợ của Sartre đã viết trong hồi ký của mình rằng, phần đúng thường thiên về Trần Đức Thảo.
Trong buổi toạ đàm về Trần Đức Thảo tại trung tâm văn hoá Pháp- L'Espace, Hà Nội, 11/2010 do tạp chí Les Lettres Françaises nổi tiếng tổ chức, GS. Triết học Jean-François Poirier chủ tọa buổi tọa đàm có nói: “Trong triết học, không có thầy, cũng không có trò, chỉ có sự đối thoại. Đó là lời nói của một hiền triết”[7].
Những năm tháng ở Pháp ông tham gia tích cực vào phong trào chống đế quốc Pháp ủng hộ Việt Minh. Ông là chủ tịch Hội Việt kiều yêu nước tại Pháp. Năm 1951 theo lời kêu gọi của Bác Hồ, Ông bỏ Paris hoa lệ về chiến khu Việt Bắc tham gia kháng chiến chống Pháp, phục vụ Chính phủ và Trung ương Đảng, ông là Thư ký của Tổng Bí thư Trường Chinh.
Năm 1955, Ông là Giáo sư Triết học và là Phó Giám đốc Đại học Sư phạm Văn khoa, Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội). Với các bài giảng về Triết học uyên bác và dường như là mới lạ đối với sinh viên thời đó, mỗi khi có giờ giảng của ông, có tới 4-5 trăm sinh viên các trường Đại học Sư phạm, Tổng hợp và các trường Đại học khác ở Hà Nội náo nức tới nghe.
Năm 1957-1958, Ông bị quy tội dính líu đến phong trào Nhân văn Giai phẩm khi công bố hai bài báo có bàn đến một số vấn đề về tự do, dân chủ. Sau vụ Nhân văn Giai phẩm, ông bị mất chức Phó Giám đốc trường ĐHSP Hà Nội và chức Trưởng khoa Lịch sử chung cho cả ĐHSP và ĐHTH Hà Nội, Trần Ðức Thảo bị cấm giảng dạy, phải dịch thuật lặt vặt để sống, phải bán dần bán mòn những bộ từ điển để ăn. Ông bị cắt đứt mọi liên hệ với thế giới bên ngoài, bị cô lập ngay giữa đồng bào của mình. Phải chia tay với vợ của mình, không con cái, Ông sống thui thủi trong căn phòng 12 m2 tồi tàn ở khu tập thể Kim Liên với bếp dầu và bột mì luộc, hai ngày nấu ăn một lần. Đây là giai đoạn cơ cực nhất trong cuộc đời Ông.
Nhưng chính trong thời gian vô cùng gian khó, cơ cực này, Ông đã viết rất nhiều các tác phẩm khoa học triết học để đời. Giáo sư Trần Đức Thảo để lại khối lượng tác phẩm đồ sộ bao gồm gần 200 tác phẩm hầu hết bằng tiếng Pháp, tiếng Đức (được xuất bản ở Pháp, Đức, Mỹ) và một số bằng tiếng Việt với 2 vạn 6 ngàn trang sách. Có lẽ không có một nhà khoa học, triết học Việt Nam nào có khối lượng công trình khoa học đồ sộ như vậy. Để đọc và hiểu những gì Trần Đức Thảo viết, phải tích lũy được những tri thức nhất định cần thiết, phải thông thạo tiếng Pháp hoặc tiếng Đức, am hiểu về môi trường xã hội và môi trường khoa học, hiểu biết nhiều môn khoa học khác nhau. Điều đó, trong giới khoa học ở Việt Nam hiện nay không phải ai cũng đạt được đòi hỏi như vậy. Đa phần viết, phân tích nhiều về Ông lại là những nhà khoa học triết học Âu Mỹ.
Năm 1992, khi sức khỏe của Ông đã quá yếu, Ông được phép sang Pháp chữa bệnh với lý do nghiên cứu khoa học. Không lâu sau đó, Ông mất vào ngày 24/4/1993 tại Paris. Di hài của Ông được gia đình và bạn bè đưa về Hà Nội, an táng tại nghĩa trang Văn Điển như những người bình dân bình thường.
Sau thời kỳ đổi mới, khi mà thế giới đã ca ngợi, tôn vinh Ông từ rất lâu thì Việt Nam mới nhắc đến tên Ông, nhắc đến và tổng hợp lại những công trình để đời của Ông. Cụ thể, tác phẩm Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức được truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh (năm 2000). Song lớn lao hơn cả là tên tuổi Ông, cống hiến của Ông đã được cả giới triết học thế giới tôn vinh và tiếp sau là Việt Nam cho dù là khá muộn.
Cuộc đời và sự nghiệp của Trần Đức Thảo chính là như vậy. Con người, tư duy khoa học và phong cách làm việc của ông không chỉ là ngôi sao sáng cho triết học Việt Nam mà còn đóng góp cho triết học thế giới đương đại.
Chú thích
1. Jean-Paul Sartre (1905 -1980 là nhà triết học hiện sinh người Pháp, nòng cốt trong hệ thống triết học của chủ nghĩa hiện sinh, có ảnh hưởng lớn trong nền triết học Pháp thế kỷ 20 và chủ nghĩa Marx. Năm 1964 J.Satre được trao giải Nobel Văn học nhưng ông từ chối - theo Wikipedia.
Tài liệu tham khảo
1. G. Canguilhem, Life and death of Jean Cavaillès, Paris, Allia, 1996.
2. Trần Đức Thảo, Hiện tượng học và chủ nghĩa duy vật biện chứng, Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2004.
3. Trần Đức Thảo, Lịch sử tư tưởng trước Marx, Nxb. Khoa học Xã hội, 1995.
4. Trần Đức Thảo, Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức, Nxb. Văn hoá Thông tin, 1996.
5. Trần Đức Thảo, Hồi ký, HCM, 1989, Nguồn: http://viet-studies.info]
6. Thư trao đổi giữa Alexandre Kojève và Trần Đức Thảo, Genève, No 2,1990,tr.131-137.
7. Báo Sài Gòn tiếp thị ngày 18/11/2000.
8. Nguyễn Thị Bích Hằng, 2017, Tính khoa học liên ngành trong “Tìm cội nguồn của ngôn ngữ và ý thức”, Báo cáo tại Hội nghị Khoa học Quốc tế: Trần ĐứcTh ảo và Triết học ở Việt Nam nửa sau thế kỷ XX , Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tổ chức ngày 22,23/9/2017.
Tin mới
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam - 13/08/2018 15:03
- Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong xử lý điểm nóng chính trị-xã hội hiện hay - 20/07/2018 02:45
- Phát triển bền vững - Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt thời kỳ đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam - 17/06/2018 09:19
- Tìm hiểu mối liên hệ giữa tư duy lôgíc và ngôn ngữ - 17/06/2018 09:03
- Tư tưởng Các Mác mãi ngời sáng - 07/05/2018 07:45
Các tin khác
- Một số yêu cầu cơ bản trong dạy học môn giáo dục công dân cho học sinh trung học phổ thông - 13/04/2018 03:19
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực nghề nghiệp cho sinh viên trong các trường sư phạm là chuẩn bị nguồn lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục - 19/12/2017 02:22
- Sử dụng tình huống có vấn đề trong dạy học môn Đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam theo hướng tiếp cận năng lực - 18/12/2017 02:43
- Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lãnh đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ tư pháp trong giai đoạn mới - 16/11/2017 01:15
- Hình thức rèn luyện kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa trong dạy học môn giáo dục công dân ở trường trung học phổ thông - 06/11/2017 01:22