Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong xử lý điểm nóng chính trị-xã hội hiện hay
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong xử lý điểm nóng chính trị-xã hội hiện hay có vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa và ngăn chặn không để điểm nóng phát sinh; xử lý khi điểm nóng xảy ra; khắc phục hậu quả sau khi điểm nóng đã được dập tắt và ổn định tình hình để điểm nóng không tái phát.
Từ khóa: Công tác dân vận, điểm nóng chính trị-xã hội
- Đặt vấn đề
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cùng với xu thế hội nhập quốc tế đã đặt ra nhiều vấn đề mới tác động đến tư tưởng, tình cảm, đời sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Sự phân hóa giàu nghèo, phân tầng xã hội, cùng với tệ quan liêu, tham nhũng, xa dân, xâm phạm quyền làm chủ của nhân dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng … đã và đang làm cho các điểm nóng chính trị - xã hội (CT-XH) xuất hiện và lan rộng trên phạm vi cả nước không chỉ gây ảnh hưởng để an ninh quốc gia mà còn đe dọa đến sự tồn vong của chế độ Chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã và đang kiên trì xây dựng.
Ngay từ những ngày đầu cách mạng, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định công tác vận động quần chúng là một nhiệm vụ chiến lược, có ý nghĩa quyết định sự thành bại của cách mạng. Với việc xử lý điểm nóng CT-XH hiện nay, tư tưởng Hồ Chí Minh về CTDV càng có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc.
- Một số vấn đề lý luận
2.1. Tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận
2.1.1.Công tác dân vận là gì
Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về nhà nước dân chủ, Hồ Chí Minh khẳng định, nước ta là nước dân chủ, nghĩa là một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Trong nhà nước ấy, lực lượng của nhân dân rất lớn mạnh, rất quan trọng và để phát huy sức mạnh ấy, Đảng và chính phủ phải chú ý công tác vận động quần chúng, “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công” [1; tr.234].
Hồ Chí Minh giải thích, CTDV là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Ðoàn thể đã giao cho [1;tr.232]. CTDV không phải là việc riêng của một người hay của một tổ chức, một cơ quan, đơn vị nào đó mà là trách nhiệm của tất cả cán bộ Đảng, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, tổ chức kể cả hội viên của các tổ chức nhân dân.
2.1.2. Phương thức của công tác dân vận
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ 4 bước quan trọng, nhất thiết phải làm trong CTDV đó là:
Giải thích cho dân hiểu, dân biết
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ bước đầu tiên phải làm trong CTDV đó là phải tìm mọi cách tuyên truyền, giải thích cho mỗi người dân hiểu rõ ràng: việc đó có lợi cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được. Muốn vậy, người làm CTDV phải luôn “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” [2;tr.699]. Người căn dặn, người cán bộ nói chung, cán bộ làm CTDV nói riêng cần phải chú ý hoàn cảnh lịch sử của đất nước, của địa phương cũng như của từng người dân để có phương pháp vận động phù hợp.
Việc gì cũng phải bàn bạc với dân
Việc bàn bạc với dân là yêu cầu không thể thiếu trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo của mỗi tổ chức đảng, của cán bộ, đảng viên để phát huy kinh nghiệm, trí tuệ và lòng nhiệt thành cách mạng trong dân. Người đã thẳng thắng phê bình những cán bộ mắc bệnh quan liêu xa dân, kiêu ngạo, không cầu thị tiếp thu ý kiến đóng góp tâm huyết, chân thành, có trách nhiệm của nhân dân “kết quả làm cho dân chúng nghi ngờ, uất ức, bất mãn” [4;tr. 334]. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện các điểm nóng CT-XH trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Người cũng nhấn mạnh rằng, chú trọng bàn bạc, học hỏi quần chúng nhưng tuyệt đối không được theo đuôi quần chúng, người cán bộ phải có lập trường, chính kiến riêng của mình.
Theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc khuyến khích dân
Mặc dù bận trăm công nghìn việc nhưng Người không quên trực tiếp viết thư khen ngợi, động viên, khuyến khích những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong học tập, lao động, sản xuất, chiến đấu và đề nghị có mục “gương người tốt, việc tốt” trên báo để động viên mọi người noi theo. Người thường nói, một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền và cả cuộc đời Người chính là tấm gương sáng và mẫu mực về người cán bộ là “công bộc của dân”. Người rất quan tâm đến việc xây dựng những điển hình tốt, những tấm gương tốt nhưng trước những khuyết điểm, sai phạm của cán bộ, đảng viên, Người luôn nghiêm khắc phê bình và kiên quyết trách phạt.
Cùng dân rút kinh nghiệm, phê bình và khen thưởng
Đây là công đoạn cuối cùng của CTDV và cũng là giai đoạn thể hiện rõ nhất quyền làm chủ, quyền được tham gia công việc của nhân dân để phát huy những việc làm tốt; sửa chữa, khắc phục những việc làm chưa tốt. Đảng bao gồm những người ưu tú nhưng trong Đảng không tránh khỏi những khuyết điểm, điều quan trọng nhất của việc nghiêm túc tự phê bình và phê bình là để cái thiện trong mỗi người “nảy nở như hoa mùa xuân”, để cái xấu không bao giờ bị tái phạm.
Trong giai đoạn hiện nay, trước những diễn biến phức tạp, bất ổn và khó lường của tình hình CT-XH trong nước và thế giới châm ngòi cho những điểm nóng CT-XH âm ỉ và bùng phát khắp nơi, CTDV vừa mang tính chiến lược vừa mang tính cấp thiết đối với công cuộc đổi mới đất nước, kiên trì giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa.
2.2 Điểm nóng chính trị-xã hội
“Điểm nóng” được nói đến khi chỉ một khoảng thời gian và không gian nào đó, sự vận động của xã hội diễn ra trong trạng thái không bình thường và sắp xảy ra sự biến đổi khác thường. Trạng thái bất thường tạo ra “điểm nóng” thường là những xung đột xã hội không được xử lý kịp thời, dứt điểm hoặc xử lý sai. Lúc này, sự chống đối của đám đông dân chúng đã trực tiếp hướng thẳng vào quyền lực nhà nước, đe dọa sự bền vững của chế độ. Trong những năm gần đây, một số điển hình về điểm nóng CT-XH là những khiếu kiện liên quan đến những vấn đề hết sức nhạy cảm như vấn đề tôn giáo, dân tộc, nhân quyền, chính sách người có công với cách mạng, vấn đề đất đai… “Điểm nóng CT-XH là điểm nóng xã hội diễn ra trong lĩnh vực CT-XH khi mà sự chống đối của đám đông quần chúng, của lực lượng đối lập đã hướng trực tiếp vào những người nắm quyền lực chính trị, cơ quan quyền lực và thể chế, chính sách của chính quyền Nhà nước” [5;tr.486].
- Công tác dân vận trong xử lý điểm nóng chính trị-xã hội hiện nay
3.1. Công tác dân vận với việc phòng ngừa và ngăn chặn điểm nóng chính trị-xã hội
Công tác phòng ngừa và ngăn chặn điểm nóng CT-XH phát sinh cần phải bắt đầu từ việc giải thích cho dân biết, dân hiểu đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Đi sâu, đi sát vào đời sống nhân dân trước hết phải nắm được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, thấy được những nguy cơ tiềm ẩn xẩy ra điểm nóng để kịp thời có giải pháp ngăn chặn.
Một trong những biểu hiện ban đầu tạo nên điểm nóng CT-XH là tình trạng khiếu kiện vượt cấp, khiếu kiện kéo dài mà ngoài nguyên nhân trình độ hiểu biết pháp luật còn nhiều hạn chế của người dân thì nguyên nhân còn lại là do những yếu kém, tiêu cực của chính quyền địa phương. Do đó, để ngăn chặn điểm nóng CT-XH xẩy ra, CTDV phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật, tạo các diễn đàn trao đổi, thảo luận trong các tổ chức quần chúng về những nội dung: chống tự phát, quá khích dẫn đến manh động, chống việc lợi dụng dân chủ, nhân quyền, lợi dụng việc đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí để có những hoạt động trái pháp luật, v.v.. Bên cạnh đó, việc tăng cường đối thoại, trả lời, giải đáp thắc mắc cần được tiến hành công khai, dân chủ, thuận lợi để người dân tự giác thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ của mình.
Trước âm mưu “diễn biến hoà bình” nhằm chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta, CTDV có vai trò quan trọng trong việc phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh vạch trần âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng. Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về vấn đề dân tộc, tôn giáo và chính sách đại đoàn kết dân tộc… để dân biết, dân hiểu, để dân đề cao cảnh giác và tích cực tham gia đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu chống phá của các thế lực thù địch.
3.2. Công tác dân vận với việc tham gia xử lý điểm nóng chính trị-xã hội khi điểm nóng xảy ra
Việc phòng ngừa và ngăn chặn điểm nóng CT-XH xảy ra là yêu cầu có tính chiến lược mang lại hiệu quả cao hơn việc để điểm nóng nổ ra rồi mới xử lý. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc phòng ngừa và ngăn chặn cũng được thực hiện một cách triệt để. Trong trường hợp điểm nóng xảy ra, cần phải tập trung toàn bộ lực lượng để kịp thời xử lý, nhanh chóng ổn định tình hình. Trong quá trình này, cần thiết phải có sự tham gia chủ động và tích cực của CTDV.
Trước hết, CTDV tham gia vào việc nắm bắt tình hình, xác định nguyên nhân, phân tích mâu thuẫn trong các điểm nóng để giúp cho cấp ủy, chính quyền lựa chọn lực lượng, hình thức, biện pháp xử lý phù hợp. Do tính chất nhạy cảm của điểm nóng, lực lượng tham gia xử lý không chỉ có cán bộ chuyên trách mà có thể lựa chọn những người có uy tín trong cộng đồng hoặc có lợi thế nhất định trực tiếp đứng ra đối thoại với dân, cam kết điều tra xử lý vi phạm, bồi thường thiệt hại cho dân,v.v.. Trước những luồng thông tin gây bất lợi cho chủ thể trong việc tập trung dập tắt điểm nóng gây sự hoang mang, dao động trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, CTDV có nhiệm vụ làm chủ và định hướng các thông tin, giữ vững sự ổn định tư tưởng, dập tắt sự xuyên tạc của các thế lực thù địch về điểm nóng.
3.3. Công tác dân vận với việc khắc phục hậu quả sau khi điểm nóng chính trị-xã hội đã được dập tắt
Sau khi dập tắt điểm nóng CT-XH, CTDV cần phải làm cho nhân dân thấy được bản chất, âm mưu, thủ đoạn của những đối tượng phản động. Đồng thời, phát hiện những kẻ đồng phạm, những hiện tượng phản động trá hình đang ẩn náu dưới vỏ bọc “chính nghĩa” để có các biện pháp xử lý cứng rắn kịp thời.
Bình thường hóa đời sống xã hội lúc này là một nhiệm vụ khó khăn nhưng rất cần thiết mà CTDV cần tham mưu và thực hiện hiệu quả. Cần tham mưu cho cấp ủy và chính quyền địa phương từng bước đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường; bên cạnh đó, cần khắc phục những thiệt hại về người và của phải một cách thấu tình đạt lý; phù hợp với luật pháp, truyền thống đạo lý của dân tộc Việt Nam.
3.4. Công tác dân vận với việc ổn định tình hình để điểm nóng chính trị-xã hội không tái phát
Dập tắt được điểm nóng mới chỉ là thành công bước đầu, còn mục tiêu quan trọng là ổn định tình hình, ổn định tư tưởng cán bộ và nhân dân để không hình thành nhân tố bất mãn mới có thể gây mất ổn định CT-XH. Nhiệm vụ của CTDV ở đây là tổng kết những vấn đề gây nên những tư tưởng bức xúc, tiêu cực dẫn đến mâu thuẫn, xung đột tạo thành điểm nóng; những ưu điểm, hạn chế của CTDV trong việc phòng ngừa, ngăn chặn điểm nóng; những ưu điểm, hạn chế về việc thực hiện CTDV trong quá trình xử lý điểm nóng của các lực lượng tham gia xử lý điểm nóng, v.v.. Cần chú ý đến việc phát hiện những vấn đề cần giải quyết, kể cả cơ chế, chính sách, luật pháp, công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ… đã tác động gây tư tưởng tiêu cực, bức xúc, bất mãn trong nhân dân. Từ đó, tham mưu cho cấp uỷ Đảng, chính quyền chỉ đạo khắc phục những sơ hở, hạn chế nhằm ổn định tình hình CT-XH một cách bền vững.
Sau khi điểm nóng được dập tắt, nhiệm vụ quan trọng nhằm ổn định tư tưởng trong nhân dân lúc này là phải thông báo, giải trình về kết quả điều tra, thanh tra sai phạm và hình thức kiểm điểm, kỷ luật đối với những cán bộ, đảng viên sai phạm; chỉ rõ những đối tượng lợi dụng kích động nhân dân và hình thức xử lý của chính quyền; đưa thông tin phân tích vạch trần âm mưu của kẻ xấu cho quần chúng biết, định hướng dư luận, định hướng tư tưởng trong xã hội; thông báo về những tổn thất, thiệt hại do điểm nóng gây ra, v.v.. Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng và củng cố niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước nói chung, vào cấp ủy Đảng và chính quyền nói riêng.
- Kết luận
Trước tính chất phức tạp và diễn biến khó lường của điểm nóng CT-XH trong thời gian gần đây, việc xử lý điểm nóng cần có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị trong đó người dân có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về CTDV trong xử lý điểm nóng CT-XH sẽ khơi dậy và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc - nhân tố cơ bản để giành thắng lợi trong công cuộc đấu tranh xây dựng và bảo vệ đất nước hiện nay.
- Tài liệu tham khảo
[1]. Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội. (Tác phẩm “Dân vận” lần đầu tiên đăng trên báo Sự thật, số 120, ngày 15/10/1949).
[2]. Hồ Chí Minh (2000), Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[3] Hồ Chí Minh (2011), Toàn tập, Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội.
[4]. Hồ Chí Minh (1951), Sửa đổi lối làm việc, Nxb Sự Thật, tái bản lần thứ 5.
[5]. Phan Xuân Sơn (2010), Các chuyên đề bài giảng chính trị học dành cho cao học chuyên chính trị học, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội.
Tin mới
- Nâng cao nhận thức cho sinh viên về biến đổi khí hậu - 18/10/2018 08:48
- Đánh giá thực hiện chương trình một số học phần thuộc chuyên ngành giáo dục chính trị đào tạo theo học chế tín chỉ - 17/09/2018 02:04
- Một số nội dung mới của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi - 16/09/2018 16:14
- Tư tưởng Hồ Chí Minh và đồng chí Cay xỏn Phôm vi hản về vai trò của Đảng Cộng sản ở các nước thuộc địa (Tham chiếu qua cách mạng Việt Nam và Lào) - 19/08/2018 15:40
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam - 13/08/2018 15:03
Các tin khác
- Phát triển bền vững - Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt thời kỳ đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam - 17/06/2018 09:19
- Tìm hiểu mối liên hệ giữa tư duy lôgíc và ngôn ngữ - 17/06/2018 09:03
- Tư tưởng Các Mác mãi ngời sáng - 07/05/2018 07:45
- Trần Đức Thảo – ngôi sáo sáng của triết học Việt Nam thế kỷ XX - 22/04/2018 02:03
- Một số yêu cầu cơ bản trong dạy học môn giáo dục công dân cho học sinh trung học phổ thông - 13/04/2018 03:19