Tư tưởng Hồ Chí Minh và đồng chí Cay xỏn Phôm vi hản về vai trò của Đảng Cộng sản ở các nước thuộc địa (Tham chiếu qua cách mạng Việt Nam và Lào)
Sự thống nhất về tư tưởng của lãnh tụ Hồ Chí Minh và đồng chí Cay xỏn Phôm vi hản về vai trò của Đảng Cộng sản ở các nước thuộc địa như Việt Nam và Lào, chính là cội nguồn cho sự đoàn kết giữa hai Đảng, hai dân tộc trên con đường thực hiện mục tiêu Độc lập-Tự do-Hạnh phúc cho dân tộc và nhân dân hai nước. Cội nguồn tư tưởng đó cần phải được giữ gìn và phát triển trong hiện tại và tương lai trong quan hệ hai nước.
Nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh và Cayxỏn Phômvihản về vai trò của Đảng Cộng sản ở các nước thuộc địa trên cơ sở tham chiếu với lịch sử Việt Nam và Lào, chúng tôi xuất phát từ hai góc độ sau đây:
- Từ lịch sử của hai Đảng
Nghiên cứu “Tư tưởng Hồ Chí Minh và Cayxỏn Phômvihản về vai trò của Đảng Cộng sản ở các nước thuộc địa Việt Nam và Lào”, chúng tôi thấy cần thiết phải bắt đầu từ việc đặt tư tưởng Hồ Chí Minh và Cay xỏn Phômvihản vào trong tiến trình lịch sử với mối quan hệ đặc biệt của sự hình thành, phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào.
Đặt vấn đề như vậy vì đặc điểm nổi bật của tiến trình lịch sử hình thành và phát triển của hai Đảng. Đó là tiến trình lịch sử Hồ Chí Minh tiến hành thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930, sau đó, theo yêu cầu của Quốc tế Cộng sản, tháng 10-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam đổi tên thành Đảng Cộng sản Đông Dương. Từ đây, phong trào cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương. Cho đến năm 1951, Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương đã quyết định tổ chức ở mỗi nước một Đảng đại diện cho giai cấp vô sản và dân tộc để lãnh đạo cách mạng cho phù hợp với hoàn cảnh thế giới và điều kiện lịch sử của mỗi nước.
Tiến trình trên chính là một nguồn cội lịch sử hàng đầu để chung đúc và tạo nên những quan điểm chung về vai trò của Đảng Cộng sản ở Việt Nam và Lào của hai lãnh tụ - Hồ Chí Minh và Cayxỏn Phômvihản- trong xây dựng Đảng Cộng sản ở mỗi nước để lãnh đạo công cuộc giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới vì sự nghiệp giải phóng toàn diện con người ở mỗi nước. Cội nguồn đó được minh chứng qua các hoạt động rất nỗ lực của Hồ Chí Minh trong những năm 1928 và 1929, khi Người từ Thái Lan sang Lào để phát triển cơ sở cách mạng và sau khi Người về nước (1941) đã từng bước xây dựng đội ngũ những người cộng sản ở Lào để những người cộng sản Lào trong đội ngũ Đảng Cộng sản Đông Dương thành công trong lãnh đạo Cách mạng năm 1945. Và sau đó, năm 1951, với tư cách là lãnh tụ của Đảng Cộng sản Đông Dương, thông qua Đại hội II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại chủ trương tổ chức ở mỗi nước một Đảng Cộng sản và đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã xác nhận những quan điểm của Hồ Chí Minh về vai trò của Đảng Cộng sản trong giải phóng dân tộc ở mỗi nước và đã thành công trong việc tổ chức đội ngũ tiên phong của giai cấp công nhân và dân tộc mang tên Đảng Nhân dân cách mạng Lào.
Tiến trình lịch sử trên cho thấy, nguồn cội sâu xa của tư tưởng về vai trò của Đảng Cộng sản trong lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc của hai lãnh tụ trong thời đại mới cũng như sự ra đời của hai Đảng, dù có tên gọi và sự hiện diện trong lãnh đạo cách mạng của mỗi Đảng ở từng nước ở những thời điểm lịch sử có khác nhau nhưng đều có một xuất phát điểm. Điểm xuất phát đó chính là tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Đảng Cộng sản trong cách mạng giải phóng các dân tộc thuộc địa được phát hiện từ những năm 20 của thế kỷ XX và sau này được kế tục, phát triển bởi đồng chí Cayxỏn Phômvihản, với tư cách là đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (1949), trong việc thành lập và trở thành người đứng đầu Đảng Nhân dân Cách mạng Lào vào năm 1955.
- Từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến tư tưởng Cayxỏn Phômvihản.
Có hai sự kiện lịch sử liên quan đến những quan điểm đầu tiên của Hồ Chí Minh về vai trò của Đảng Cộng sản trong công cuộc giải phóng dân tộc: Một là, đó là nhận thức được tính chất của thời đại mới sau Cách mạng Tháng Mười Nga, Hồ Chí Minh đã đứng trong hàng ngũ của những người cộng sản vào năm 1920 để thực hiện mục đích giành độc lập dân tộc và tự do cho con người Việt Nam; Hai là, chính trên cơ sở nhìn nhận được xu hướng phát triển của nhân loại trong thời đại mới, đặt cách mạng giải phóng dân tộc trong quỹ đạo của cách mạng vô sản, Người đã xác định cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa muốn thắng lợi triệt để phải đi theo con đường cách mạng vô sản.
Việc Hồ Chí Minh trở thành người cộng sản và sự định hướng của Người cho cách mạng giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa theo con đường cách mạng vô sản có ý nghĩa cực kỳ sâu sắc: giải phóng dân tộc, giành được độc lập mới chỉ là bước thứ nhất của nhiệm vụ giải phóng con người và nó mới chỉ là giải phóng về chính trị nhằm thoát khỏi ách đô hộ, áp bức của chủ nghĩa đế quốc, thực dân; phải tiến tới giải phóng triệt để cho con người trên phương diện xã hội bằng bước tiếp theo là xây dựng xã hội mới tạo ra các điều kiện để thực hiện sự giải phóng toàn diện cho con người bằng xây dựng xã hội mới - xã hội XHCN.
Với ý nghĩa to lớn đó, những sự kiện cơ bản trên chính là tiền đề về tư tưởng để Hồ Chí Minh xác định cách mạng giải phóng ở Việt Nam muốn thắng lợi triệt để với mục tiêu giải phóng hoàn toàn đối với con người, phải đi theo con đường cách mạng vô sản. Theo đó, mối quan hệ biện chứng mà Hồ Chí Minh chỉ ra là: công cuộc giải phóng dân tộc trong thời đại mới phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đồng thời cũng xác định những nét khái quát, nhưng đặc trưng nhất về vai trò của Đảng Cộng sản trong nhiệm vụ giải phóng con người ở các nước thuộc địa.
Chính vì vậy, sau khi tìm được con đường giải phóng dân tộc và xác định rõ vai trò của Đảng Cộng sản, thì những nỗ lực hàng đầu trong hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh là tiến hành cuộc vận động xây dựng Đảng Cộng sản ở các nước thuộc địa nói chung và đặc biệt là cho cách mạng Việt Nam nói riêng. Trong quá trình hoạt động đó, cũng như trong tiến trình xây dựng, phát triển Đảng sau khi thành lập, Người luôn nhấn mạnh tới sự cần thiết phải có Đảng Cộng sản để lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc và xây dựng xã hội mới, giải phóng toàn diện con người ở các nước thuộc địa.
Có thể thấy, những quan điểm đó của Hồ Chí Minh trong các bài giảng của Người tại các lớp chính trị đào tạo những chiến sĩ cách mạng đầu tiên của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên, từ năm 1925 đến năm 1927, mà sau đó được in thành sách Đường Cách mệnh (xuất bản năm 1927), xuất phát từ tình hình thực tế của nhân dân Việt Nam, Người đã bước đầu chỉ ra vai trò cụ thể của Đảng:
Một là, trước tình hình “tư bản và đế quốc chủ nghĩa nó lấy tôn giáo và văn hóa làm cho dân ngu, lấy phép luật buộc dân lại, lấy sức mạnh làm cho dân sợ, lấy phú quý làm cho dân tham. Nó làm cho dân nghe đến hai chữ cách mệnh thì sợ rùng mình”, nên vai trò hàng đầu của Đảng cách mệnh là “phải làm cho dân giác ngộ”(1).
Hai là, các cuộc bạo động của nhân dân ta Trung Kỳ kháng thuế, Hà thành đầu độc, Nam Kỳ phá khám; không có chủ nghĩa, không có kế hoạch, đến nỗi thất bại, nên phải có Đảng để “giảng giải lý luận và chủ nghĩa cho dân hiểu”(2).
Ba là, “Dân vì không hiểu tình thế trong thế giới, không biết so sánh, không có mưu chước, chớ nên làm thì lại làm, khi nên làm lại không làm”. Vì vậy, phải Đảng “phải bày sách lược cho dân”(3).
Bốn là, “Dân thường chia rẽ phái này bọn kia, như dân ta người Nam thì nghi người Trung, người Trung thì khinh người Bắc, nên sức yếu đi, như đũa mỗi chiếc mỗi nơi”.
Vậy nên sức cách mệnh phải tập trung, muốn tập trung phải có đảng cách mệnh”(4).
Hồ Chí Minh chỉ rõ vai trò trọng yếu của Đảng là:
1) “trong thì vận động và tổ chức dân chúng”
2) “ngoài thì liên lạc với các dân tộc bị áp bức và giai cấp vô sản mọi nơi”(5).
Điều đặc biệt là, Hồ Chí Minh xác định vai trò của Đảng như “người cầm lái”, người cầm lái có vững thì thuyền mới chạy”(6).
Trong“Sách lược vắn tắt của Đảng”do Hồ Chí Minh soạn thảo và được thông qua tại Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930, Người xác định vai trò “Đảng là đội tiên phong của vô sản giai cấp” nên trong công cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc, Đảng phải(7): (1) Thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng; (2) Phải làm cho các đoàn thể thợ thuyền và dân cày (công hội, hợp tác xã) khỏi quyền lực và ảnh hưởng của bọn tư bản quốc gia; (3) Phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản tri thức, trung nông, thanh niên Tân việt...để kéo họ đi vào phe giai cấp vô sản; (4) Trong khi liên lạc với các giai cấp... phải đồng tuyên truyền và thực hành liên lạc với bị áp bức dân tộc và vô sản giai cấp thế giới, nhất là giai cấp vô sản Pháp.
Năm 1953, trong sách Chính trị thường thức, Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Có Đảng lãnh đạo, cách mạng và kháng chiến mới thắng lợi, kiến quốc mới thành công. Vì sao?”. Người đã giải thích: “Kinh nghiệm thế giới và trong nước chứng tỏ rằng: những cuộc đấu tranh tự phát của nhân dân, thường không có mục đích rõ ràng, kế hoạch đầy đủ, tổ chức chắc chắn. Vì vậy mà lực lượng rời rạc, nơi này lên thì nơi khác xẹp. Kết quả là thất bại. Muốn thắng lợi, thì cách mạng phải có đảng lãnh đạo”(8). Do vậy, vai trò của Đảng được Người chỉ ra một cách tổng quát là:
“Đảng phải làm cho quần chúng giác ngộ vì đâu mà họ bị áp bức bóc lột; phải dạy cho quần chúng hiểu các quy luật phát triển của xã hội, để họ nhận rõ vì mục đích gì mà đấu tranh; chỉ rõ con đường giải phóng cho quần chúng, cổ động cho quần chúng kiên quyết cách mạng; làm cho quần chúng tin chắc cách mạng nhất định thắng lợi.
Trên một khía cạnh khác, Người giải thích rõ rằng:
1)“Cách mạng là cuộc đấu tranh rất phức tạp. Muốn khỏi đi lạc phương hướng, quần chúng phải có Đảng lãnh đạo để nhận rõ tình hình, đường lối và định phương châm cho đúng.
2) Cách mạng là cuộc đấu tranh rất gian khổ. Lực lượng kẻ địch rất mạnh. Muốn thắng lợi thì quần chúng phảitổ chức rất chặt chẽ; chí khí phải kiên quyết. Vì vậy, phải có Đảng để tổ chức và giáo dục nhân dân thành một đội quân thật mạnh, để đánh đổ kẻ địch, giành lấy chính quyền”(9).
Người còn xác định, “Cách mạng thắng lợi rồi, quần chúng vẫn cần có đảng lãnh đạo, vì:
- Dù nhân dân đã nắm chính quyền, nhưng giai cấp đấu tranh trong nước và mưu mô của đế quốc xâm lược vẫn còn.
- Vì phải xây dựng kinh tế, quốc phòng, văn hóa, xã hội cho nên Đảng vẫn phải tổ chức, lãnh đạo và giáo dục quần chúng, để đưa nhân dân lao động đến thắng lợi hoàn toàn”(10).
Như thế, cùng với việc xác định vai trò lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc của Đảng Cộng sản trong thời đại mới, của “người cầm lái” con thuyền cách mạng ở thuộc địa, trên ý nghĩa với tính chất “là tổ chức cao nhất của giai cấp cần lao và đại diện cho lợi ích của dân tộc”(11), Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ những vai trò cụ thể của Đảng trong hai nội dung chủ yếu: xây dựng đường lối chiến lược, sách lược, phương pháp cách mạng; trong tổ chức và giáo dục nhân dân; trong liên hệ với cách mạng thế giới.
Tất cả những quan điểm của Hồ Chí Minh trên đây về vai trò lãnh đạo và những vai trò cụ thể của Đảng Cộng sản ở các nước thuộc địa được đồng chí Cayxỏn Phômvihản kế tục, phát triển trong thực tiễn cách mạng Lào. Sự kế tục, phát triển đó được thực hiện một cách sáng tạo mà đồng chí Cayxỏn Phômvihản luôn coi tư tưởng Hồ Chí Minh không chỉ là “ngọn đuốc soi đường”, để “dẫn đường, chỉ lối”(12) mà còn là những “chỉ dẫn” của Người cho cách mạng Lào, như cách nói rất kính trọng của đồng chí Cay xỏn Phômvihản đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thực hiện chỉ dẫn của đồng chí (Hồ Chí Minh), trước tình hình hết sức gay go, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Lào đã ra sức vận động cách mạng, đưa lại kết quả là lãnh đạo nhân dân Lào đứng lên làm cách mạng Tháng Tám, cướp chính quyền thắng lợi, tiếp đó trong cuộc đấu tranh cứu nước của Lào, đồng chí Hồ Chí Minh đã luôn luôn giúp đỡ nhiệt tình”(13).
Đồng chí Cayxỏn Phômvihản khẳng định: “Khi cuộc kháng chiến của nhân dân ba nước Đông Dương lớn mạnh, cách mạng ba nước đã trưởng thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh với tầm nhìn xa trông rộng, tư tưởng chỉ đạo sáng suốt đã đề nghị Đại hội II của Đảng Cộng sản Đông Dương (tháng 2-1951) quyết định thành lập từng Đảng ở mỗi nước. Quyết định lịch sử hết sức đúng đắn đó đã phát huy cao độ tinh thần độc lập tự chủ và ý thức trách nhiệm của những người cách mạng ở mỗi nước đối với vận mệnh của dân tộc mình và thúc đẩy cuộc đấu tranh cứu nước của 3 nước Đông Dương phát triển vượt bậc”(14).
Đồng chí khẳng định: “Bác Hồ luôn giáo dục chúng tôi phải nắm vững sự nghiệp cách mạng Lào là của nhân dân Lào, phải đi vào dân, đi xuống cơ sở, bám chắc lấy dân, lấy việc giáo dục tổ chức nhân dân làm cách mạng là mục tiêu phấn đấu để hoàn thành nhiệm vụ cách mạng; chăm lo đoàn kết nhân dân các bộ tộc Lào”; nhắc nhở nhân dân ba nước Việt Nam - Lào -Campuchia phải đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau và sự “chỉ bảo chúng tôi nắm vững chiến lược, có sách lược đấu tranh sáng tạo”(15)...
Trong Điếu văn tại lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đặc biệt nhấn mạnh tới tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Đảng Cộng sản đối với cách mạng Lào. Đồng chí viết: “Thực hiện lời chỉ dẫn của đồng chí (Hồ Chí Minh), trước tình hình hết sức gay go, Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương ở Lào đã ra sức vận dộng cách mạng, đưa lại kết quả là lãnh đạo nhân dân lào đứng lên làm cách mạng Tháng Tám”(16) và “Cuối năm 1950, căn cứ vào sự lớn mạnh của cách mạng Lào, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ dẫn cho chúng ta là phải tổ chức một Đảng Mác-Lênin chân chính của Lào để lãnh đạo cách mạng lào. Đảng phải có sự đoàn kết thống nhất về tư tưởng và hành động phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc vô điều kiện, tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc tập thể, có kỷ luật sắt và tự giác. Đảng phải có đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức cách mạng và có đầy đủ khả năng, cán bộ phải là đầy tớ của dân. Thực hiện nguyên tắc trên đây chúng ta đã thành lập Đảng Nhân dân cách mạng Lào đạt được thắng lợi ngày càng to lớn, đội ngũ cán bộ của Đảng ta ngày càng phát triển và được tôi luyện trong lò lửa đấu tranh ác liệt. Chúng ta sẽ ra sức phát triển củng cố Đảng và đội ngũ của Đảng ngày càng vững mạnh, nhất là ra sức bảo vệ và tăng cường đoàn kết nội bộ thật chặt chẽ hơn nữa để Đảng ta đủ khả năng làm tròn sứ mệnh lịch sử mà Tổ quốc và giai cấp đã giao phó”(17).
Cần phải thấy rõ sự sáng tạo của tư tưởng Cayxỏn Phômvihản trong việc xác định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, cũng như những vai trò cụ thể trong nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng ở một nước chậm phát triển như ở Lào mà sự hình thành và phát triển của giai cấp công nhân ở đây chậm hơn các nước thuộc địa khác cũng như ở Việt Nam. Sự sáng tạo đó thể hiện trong tiến trình thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Trên cơ sở đội ngũ những người cộng sản trong Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương Lào, đồng chí Cayxỏn Phômvihản đã bắt đầu lãnh đạo xây dựng lực lượng vũ trang yêu nước (1948) và tiến hành vận động xây dựng mặt trận đoàn kết dân tộc ở Lào (1950). Từ đó, trên cơ sở lực lượng chính trị của khối đại đoàn kết nhân dân các bộ tộc Lào, với việc lựa chọn những chiến sĩ tiên phong của giai cấp vô sản và nhân dân các bộ tộc Lào, đồng chí Cay xỏn Phôm vi hản lãnh đạo tiến tới tổ chức thành Đảng Nhân dân cách mạng Lào (1955). Đó là sự phát triển sáng tạo của đồng chí Cay xỏn Phôm vi hản đối với việc vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của Đảng trong tiến trình thành lập Đảng Cộng sản ở Lào.
_________________
(1), (2), (3), (4), (5), (6) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.2, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.288, 288, 288 -289, 289, 289.
(7) Xem Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.3
(8), (9), (10), (11) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 273-274, 273, 274, 275.
(12), (14), (15) Phát biểu của đồng chí Cayxỏn Phômvihản tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh. In trong sách: Đảng Nhân dân Cách mạng Lào- Đảng Cộng sản Việt Nam: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 1930-2007 (Hồi ký), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tập II, tr. 3, 4, 4- 5.
(13) Điếu văn của đồng chí Cayxỏn Phômvihản trong buổi lẽ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh (Sầm Nưa, ngày 5-9-1969). In trong sách:Đảng Nhân dân Cách mạng Lào- Đảng Cộng sản Việt Nam: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 1930-2007 (Hồi ký), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tập II, tr. 7 .
(16), (17) Điếu văn của đồng chí Cay xỏn Phôm vi hản trong buổi lẽ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh (Sầm Nưa, ngày 5-9-1969). In trong sách:Đảng Nhân dân Cách mạng Lào- Đảng Cộng sản Việt Nam: Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam 1930-2007 (Hồi ký), Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012, tập II, tr.9, 11.
PGS, TS Phạm Hồng Chương
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Tin mới
- Quan điểm về khái niệm người tiêu dùng theo cách tiếp cận của một số hệ thống pháp luật trên thế giới - 17/11/2018 14:21
- Bàn về luận điểm “Tri thức có tính chất lấy không bao giờ hết” của A.Toffler trong tác phẩm Thăng trầm quyền lực - 21/10/2018 02:08
- Nâng cao nhận thức cho sinh viên về biến đổi khí hậu - 18/10/2018 08:48
- Đánh giá thực hiện chương trình một số học phần thuộc chuyên ngành giáo dục chính trị đào tạo theo học chế tín chỉ - 17/09/2018 02:04
- Một số nội dung mới của dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi - 16/09/2018 16:14
Các tin khác
- Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Sự kiện vĩ đại trong lịch sử dân tộc Việt Nam - 13/08/2018 15:03
- Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận trong xử lý điểm nóng chính trị-xã hội hiện hay - 20/07/2018 02:45
- Phát triển bền vững - Quan điểm chỉ đạo xuyên suốt thời kỳ đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam - 17/06/2018 09:19
- Tìm hiểu mối liên hệ giữa tư duy lôgíc và ngôn ngữ - 17/06/2018 09:03
- Tư tưởng Các Mác mãi ngời sáng - 07/05/2018 07:45