Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Đánh giá thực hiện chương trình một số học phần thuộc chuyên ngành giáo dục chính trị đào tạo theo học chế tín chỉ

Tác giả: Th.S Đào Thị Thúy - Đăng ngày: .

Đào tạo theo học chế tín chỉ là một phương thức đào tạo tiên tiến đang được áp dụng trong các trường đại học của cả nước, phương thức đào tạo này xây dựng trên nền tảng tư tưởng hướng vào người học, coi người học là trung tâm của quá trình dạy – học. Bài viết nhằm mục đích đánh giá thực hiện chương trình và đưa ra một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của một số học phần thuộc chuyên ngành Giáo dục chính trị theo học chế tín chỉ.

  1. Mục tiêu, nội dung và thời lượng chương trình một số học phần thuộc chuyên ngành Giáo dục chính trị đào tạo theo học chế tín chỉ

1.1.  Mục tiêu chương trình

Mục tiêu chương trình đào tạo phù hợp với chức năng nhiệm vụ của nhà trường, đồng thời gắn với nhu cầu học tập của người học, nhu cầu nguồn nhân lực của thị trường lao động, phù hợp với trình độ đại học và ngành đào tạo, chương trình các môn học đều đảm bảo mục tiêu chuẩn đầu ra cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ và khả năng làm việc của người học sau khi tốt nghiệp. Nhìn chung các học phần được đào tạo cho chuyên ngành Giáo dục chính trị về cơ bản đáp ứng đúng quy định của Bộ giáo dục và đào tạo và của Luật giáo dục Việt Nam. [2]

  1. 2. Nội dung chương trình

Trong đào tạo theo học chế tín chỉ có những đặc tính quan trọng là: 1) tính liên thông: đảm bảo kết nối các môn học theo các phương pháp được thừa nhận trong phạm vi một hệ thống giáo dục; 2) tính chủ động: qua việc chọn lựa từng loại môn học và bố trí môn học, sinh viên chủ động xây dựng chương trình và kế hoạch học tập phù hợp với điều kiện của cá nhân; 3) tính khoa học: hệ thống tín chỉ gắn liền với việc phân chia các loại môn học theo lôgic khoa học; 4) tính thực tiễn, linh hoạt: định kì nhà trường có kế hoạch xây dựng mới, chỉnh sửa, bổ sung lại chương trình môn học theo điều kiện thực tế- môn học nào, phần nào cần thiết, hữu dụng thì giữ lại, môn học nào, phần nào lạc hậu, trùng lặp thì sửa đổi hoặc loại bỏ.[4]

Với những đặc tính quan trọng như vậy, phù hợp với xu hướng dạy học lấy người học làm trung tâm. Đào tạo theo học chế tín chỉ, chương trình đào tạo luôn mềm dẻo, có tính liên thông cao, bao gồm hai loại học phần: học phần bắt buộc và học phần tự chọn. Học phần bắt buộc là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức chính yếu, bắt buộc tất cả sinh viên phải tích lũy. Học phần tự chọn là học phần chứa đựng những nội dung kiến thức cần thiết, nhưng sinh viên được lựa chọn theo khả năng và sở trường của mình, nhưng trên cơ sở có sự định hướng của Ban cố vấn học tập.

Như vậy, nội dung chương trình các môn học đảm bảo được tính khoa học và tính hệ thống, tính khả thi, tính kế thừa, tính tích hợp, tính liên thông, tính thực tiễn, tính mềm dẻo và tính mở. Về cơ bản chương trình đáp ứng với mục tiêu đào tạo và yêu cầu thực tiễn nghề nghiệp, phù hợp với hệ thống đào tạo theo tín chỉ.

  1. 3. Thời lượng chương trình

Thời lượng chương trình các học phần: Những vấn đề thời đại, Chính trị học đại cương, Giáo dục gia đình,  Lịch sử các học thuyết chính trị, Lý luận phương pháp day học và thực hành bộ môn đều là 02 TC (tín chỉ), trong đó được phân chia thành các đơn vị giờ tín chỉ bao gồm 21 giờ lí thuyết, 9 giờ thảo luận và thi giữa kì, 60 giờ tự học; học phần Thực hành phương pháp giảng dạy GDCD ở trường THPT  (phần I) có 03 giờ tín chỉ, trong đó có 32 giờ lý thuyết, 13 thảo luận, thực hành và 90 giờ tự học ở nhà của sinh viên [1] .Về cơ bản thời lượng chương trình của các học phần đều đảm bảo được tính cân đối, hợp lí giữa lý thuyết và thảo luận, thực hành, giữa kiến thức đại cương và kiến thức chuyên ngành.

Trong chương trình khung đào tạo ngành Giáo dục chính trị, cả khối kiến thức đại cương và khối kiến thức chuyên ngành đều  được Tổ chuyên môn tiến hành làm chương trình chi tiết và xây dựng thành đề cương môn học. Trước khi đề cương được đưa vào giảng day, phải trải qua khâu kiểm tra, thẩm định nghiêm ngặt từ phía Ban giám hiệu nhà trường, vì thế các chương trình, đề cương môn học luôn xác định mục tiêu rõ ràng, cụ thể, cấu trúc hợp lí, được thiết kế một cách hệ thống, đáp ứng yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng, thái độ, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cả sinh viên và giảng viên. Sinh viên sẽ chủ động hơn trong việc tiếp cận và khai thác tri thức cũng như các tài liệu khác phục vụ công tác tự học tập, nghiên cứu để chiếm lĩnh tri thức. Giảng viên chủ động hơn trong việc sử dụng các phương pháp dạy học tích cực và thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá năng lực của người học một cách có hiệu quả. Hằng năm chương trình đào tạo luôn được Ban giám hiệu nhà Trường chỉ đạo bổ sung, điều chỉnh theo định kì dựa trên cơ sở tham khảo các chương trình của các trường đại học tiên tiến trong nước, các ý kiến phản hồi từ phía người học, người tốt nghiệp, các tổ chức khác nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực phát triển giáo dục của địa phương và cả nước.

Tuy nhiên một thực trạng hiện nay, chuyên ngành Giáo dục chính trị, tỷ lệ sinh viên Lào chiếm số lượng đông, ngôn ngữ là rào cản lớn nhất trong việc truyền thụ và tiếp nhận kiến thức. Để nâng cao chất lượng trong đào tạo theo tín chỉ cho sinh viên chuyên ngành của một số học phần nêu trên, theo chúng tôi cần thực hiện tốt một số giải pháp cụ thể sau.

  1. Một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của một số học phần đào tạo theo học chế tín chỉ

2.1. Về phía nhà Trường và Khoa

Một là, nâng cao nhận thức cho sinh viên về đào tạo theo hệ thống tín chỉ.

Hai là, tăng cường nguồn học liệu, nhất là các học liệu tham khảo để phục vụ nhu cầu học tập cho sinh viên và nghiên cứu của giảng viên.

Ba là, Sắp xếp các học phần cho phù hợp với các kì đào tạo.

Bốn là, học phần có 100% tiết thực hành, đánh giá và cho điểm trực tiếp thay cho thi học kì, để đánh giá khách quan sinh viên, mỗi lớp cần biên chế số lượng 30 đến 40 sinh viên.

Năm là, tăng thêm giờ cho công tác rèn luyện nghiệp vụ sư phạm thường xuyên.

2.2. Về phía giảng viên

Một là, Thực hiện nghiêm túc quy chế đào tạo, sử dụng linh hoạt các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tự học của sinh viên thông qua bài soạn theo yêu cầu của đề cương môn học.

Hai là, giảng viên có nhiệm vụ bồi dưỡng phương pháp và kỹ năng tự học ngay trên lớp thông qua việc tạo điều kiện cho sinh viên bộc lộ khả năng diễn đạt, phân tích, tổng hợp, khái quát vấn đề, hướng dẫn cho sinh viên phương pháp đọc sách, truy cập tài liệu, tóm tắt nội dung liên quan đến học phần mình giảng dạy.

Ba là, trong rèn luyện nghiệp vụ sư phạm cần tổ chức cho sinh viên thực hành nhiều hơn. Khi học đến một phương pháp dạy học cụ thể, giảng viên cho sinh viên vận dụng phương pháp đó vào giảng dạy một đơn vị kiến thức trong chương trình GDCD Trung học phổ thông, nhằm mục đích gắn lí thuyết với thực tiễn, học đi đôi với hành.

2.3. Về phía sinh viên

Một là, sinh viên cần nhận thức được đào tạo theo học chế tín chỉ là một hướng đi đúng đắn của nhà trường, đã tạo điều kiện cho sinh viên năng động hơn và có khả năng thích ứng hơn trước những biến đổi nhanh chóng của cuộc sống xã hội hiện đại, giúp các em phát huy được năng lực, sở trường trong việc lựa chọn các môn học.

Hai là, sinh viên phải biết tận dụng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, về không gian và thời gian để phát huy tối đa vai trò chủ thể trong hoạt động học tập, nghiên cứu của mình.

Ba là, sinh viên phải thực hiện đầy đủ, chính xác quy chế học tập và rèn luyện, đổi mới phương pháp học, xây dựng phương pháp tự kiểm tra, đánh giá phù hợp, xây dựng mục tiêu và kế hoạch học tập cá nhân.

Bốn là, để đạt kết quả cao trong học tập, mỗi sinh viên cần phải tích cực, chủ động xây dựng cho mình một kế hoạch học tập thích hợp nhằm phát huy cao độ năng lực, tích lũy kiến thức cho bản thân, đáp ứng tốt yêu cầu sự nghiệp hội nhập và đảm nhận tốt nhiệm vụ công tác sau khi tốt nghiệp.

  1. Kết luận

Đào tạo theo học chế tín chỉ là một phương thức đào tạo mềm dẻo có tính liên thông cao đã tạo điều kiện cho người học thể hiện tính chủ động trong quá trình tiếp cận với môn học, tăng cường tính chủ động tự học, tự nghiên cứu cũng như chủ động về mặt thời gian và kế hoạch học tập. Vì vậy, qua đánh giá việc thực hiện chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ của một số học phần chuyên ngành Giáo dục chính trị như đã trình bày ở trên, cho thấy chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ hiện nay cơ bản vẫn đảm bảo tính phù hợp cả về mục tiêu, nội dung và thời lượng. Tuy nhiên để nâng cao chất lượng trong đào tạo cần phải thực hiện một cách đồng bộ từ phía nhà trường, Khoa, phía giảng viên và cả sinh viên./.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 [1] Đại học Hà Tĩnh (2013), Chương trình chi tiết và đề cương các học phần: Những vấn đề thời đại, Chính trị học đại cương, Giáo dục gia đình, Lịch sử các học thuyết chính trị, Lý luận PPDH và thực hành bộ môn, Thực hành phương pháp dạy học GDCD ở trường THPT  (phần I và II),

[2] Đại học Hà Tĩnh (2013), Chương trình khung ngành đào tạo Giáo dục chính trị, trình độ Đại học (Ban hành theo Quyết định số 1180/QĐ-TĐHHT ngày 23 tháng 7 năm 2013 của Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Tĩnh, áp dụng cho khóa tuyển sinh từ năm 2012).

 [3] Lê Quang Sơn (2010), “Những vấn đề của quản lí đào tạo theo học chế tín chỉ ở trường đại học sư phạm”, Tạp chí khoa học và Công nghệ, Đại học Đà Nẵng, số 6 (41)/2010.