Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Nâng cao nhận thức cho sinh viên về biến đổi khí hậu

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Bích Hằng - Đăng ngày: .

 

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang là một thách thức lớn đối với toàn nhân loại. Trong đó,Việt Nam là một nước đang và sẽ phải chịu tác động mạnh nhất của BĐKH và Hà Tĩnh không phải là ngoại lệ. Hà Tĩnh vốn dĩ là tỉnh có điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, thì hiện nay và trong tương lai sẽ là tỉnh chịu ảnh hưởng nhiều nhất của BĐKH. Biến đổi khí hậu sẽ là một thách thức, một trở ngại rất lớn cho công cuộc phát triển kinh tế -xã hội theo mô hình phát triển bền vững của Hà Tĩnh. Bài viết này sẽ cung cấp thêm một số thông tin về BĐKH cho đồng nghiệp, học sinh- sinh viên và những ai quan tâm để cùng nhau nâng cao nhận thức về BĐKH.


1.   Biến đổi khí hậu là hiện hữu và mức độ ngày càng gia tăng ở Hà Tĩnh

Yếu tố chính biểu hiện của BĐKH là: nhiệt độ, mưa, gió bão, lũ lụt, nước biển dâng. Các yếu tố kéo theo và là hệ lụy của BĐKH là: xâm nhập mặn,sạt lở đất, sạt lở bờ sông bờ biển, lũ quét, khô hạn xen kẽ. Tất cả sẽ tác động nghiêm trọng đến đời sống, sinh kế của người dân, rộng ra là tác động đến an ninh lương thực, xã hội, môi trường và phát triển bền vững . Tất cá các yếu tố này đều biểu hiện rõ nét ở Hà Tĩnh vào những thập kỷ cuối của thế kỷ XX và gia tăng mạnh mẽ trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI.

Theo nghiên cứu mới cập nhật từ dự án Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Tĩnh” (Integrated water resources management and urban development in relation to climate change in Ha Tinh province -IWMC) do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ trong giai đoạn 2015-2019 cho thấy:

Về nhiệt độ, trong 55 năm qua (1960 - 2015), nền nhiệt độ trung bình năm ở khu vực Hà Tĩnh có xu thế tăng trung bình từ 0,1÷0,2°C /thập kỷ. Mức độ gia tăng mạnh vào vài thập kỷ gần đây và vảo loại lớn trên các khu vực của nước ta. Nắng nóng gay gắt hơn và thời gian nắng nóng kéo dài hơn rất nhiều. Trước đây, nhiệt độ cao nhất ở Hà Tĩnh thường là 37-38 °C nhưng những năm gần đây tăng lên 40-41 °C thậm chí, có thời điểm lên tới 43°C trên nhiều khu vực như Hương Khê, Vụ Quang, Hương Sơn... Những vùng khô hạn do nắng nóng trước đây chỉ kéo dài khoảng 2-3 tháng, thì hiện nay mùa khô kéo dài 4-5 tháng, thậm chí còn kéo dài tới 6 tháng [1].

Trong tương lai theo tính toán các kịch bản BĐKH, vào giữa thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình năm của Hà Tĩnh có xu thế tăng trên phạm vi toàn tỉnh với mức tăng khoảng 2,0÷2,2°C. Đến cuối thế kỷ XXI, nhiệt độ trung bình của Hà Tĩnh tăng khoảng 3,5÷3,8°C. Với mức độ gia tăng như vậy, Hà Tĩnh sẽ nắng nóng khốc liệt hơn rất nhiều.

Về mưa lũ

Vào mùa mưa, lượng mưa và cường độ mưa ở Hà Tĩnh có xu hướng gia tăng trong các năm gần đây. Trước đây hiếm có trận mưa tới 400- 500mm, nhưng hiện nay xuất hiện rất nhiều. Mưa lớn gây ra các trận lũ lớn. Lũ lịch sử liên tiếp diễn xảy ra trong các năm 2010, 2013, 2015, 2016 gây ra ngập úng trên diện rộng ở tất cả các vùng của Hà Tĩnh. Cùng với việc xả lũ không theo quy trình của các hồ thủy điện, thủy lợi như Hố Hô, Kẻ Gỗ ...thiệt hại do ngập lũ là vô cùng lớn.

Trong tương lai, theo tính toán các kịch bản BĐKH, vào giữa thế kỷ XXI, lượng mưa ở Hà Tĩnh có xu thế tăng 8÷23%; 5÷17%; 1÷8%, mức tăng mưa ở các vùng phía Bắc nhanh hơn so với các vùng phía Nam. Đến cuối thế kỷ XXI, lượng mưa ở Hà Tĩnh có xu lên đến 40% cáo nhất là ở Hương Khê, Vụ Quang. Do tình hình mưa như vậy, các sông: Ngàn Sâu, Ngàn Phố, La, Gia Hội, Nhượng , Rào Trổ...thường xuyên có lũ lớn, gây ngập úng nhiều vùng.

Thành phố Hà Tĩnh là nơi chịu ảnh hưởng lớn nhất bởi ngập lũ.Theo kết quả tính toán của dự án IWMC nêu trên, diện tích khu vực ngập úng ở thành phố lên tới 47,4 km2 chiếm tới 84 % trên tổng số 56,2 km2 diện tích thành phố. Các mức ngập tập trung trong khoảng từ 0,5 m đến 2,5m. Tổng diện tích ngập tương ứng với độ sâu này là 221,3 km2 và 42,2 km2, chiếm tới 82 % và 88,8 %. Các vị trí thường xuyên bị ngập gồm các tuyến đường: Xô Viết Nghệ Tĩnh, Nguyễn Du, Lê Ninh, Hải Thượng Lãn Ông, Hà Huy Tập, Nguyễn Công Trứ, Lê Duẩn...[1].

         Về nước biển dâng, xâm nhập mặn

         Những năm qua vào mùa khô, tình hình mực nước biển dâng cao, lấn sâu vào đất liến đã thấy rất rõ trên các vùng cửa sông như: cửa Nhượng, cửa Sót, cửa Khẩu...khoảng cách lấn sâu tới 10 km. Theo khảo sát, hiện tượng nước biển dâng tại vùng ven biển Hà Tính cao hơn 10 năm trước từ 10-20 cm. Nước biển dâng cao, lấn sâu kéo theo xâm nhập mặn lấn sâu. Ở Trung Lương (Hồng Lĩnh), độ mặn ở mức 4,5-5,5%o, thậm chí đến 7-8%o, do đó, vụ hè thu không có nước ngọt để tưới.

Theo tính toán dự báo, mực nước biển trung bình ở Hà Tĩnh có thể tăng hơn 45 cm vào giữa thế kỷ XXI và 75 cm vào cuối thế kỷ XXI. Với mức độ tăng như vậy, diện tích các vùng ven biển Hà Tĩnh sẽ bị mất 143,9 km2. Với diện tích này, Hà Tĩnh đứng thứ tư trong cả nước, sau Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng và tỉnh Thừa Thiên Huế về diện tích bị ngập [2].

2. Nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho sinh viên và cộng đồng

Biến đổi khí hậu đang là hiện hữu và ảnh hưởng của nó là rất nghiêm trọng.

           Cần phải sớm cho sinh viên nhận thức rõ về BĐKH, để từ đó lan tỏa trong cộng động và biến thành hành động cụ thể cho việc thích ứng với BĐKH, theo tôi :

- Cần lồng gép chương trình, nội dung các môn học với nội dung của BĐKH một cách mềm dẻo, linh hoạt.

- Tổ chức các đợt thực tập, tham quan, dã ngoại nhằm cho sinh viên có trực quan về những biến động và tác động của BĐKH trong mùa mưa lũ, vùng cửa sông, ven biển.

- Tổ chức nhiều Xêminar, hội thảo, tọa đàm về BĐKH trong sinh viên.

- Nên cung cấp nhiều thông tin cho sinh viên qua các hình thức phát thanh, bảng tin..của trường trong mỗi đợt thiên tai, bão lốc xảy ra trong tỉnh.

- Tổ chức nhóm tình nguyện viên trong sinh viên là các tuyên truyền viên về BĐKH lan tỏa trong cộng đồng, tuyên truyền về BĐKH và thích ứng với BĐKH.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Dự án “Quản lý nguồn nước tổng hợp và phát triển đô thị trong mối liên hệ với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hà Tĩnh”(Integrated water resources management and urban development in relation to climate change in Ha Tinh province -IWMC) (2015-2019) do vương quốc Bỉ tài trợ.

[2]. Viện Khí tượng Thủy văn và BĐKH (IMHEN), 2014, Báo cáo về các kịch bản BĐKH.