Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Phát huy khả năng tự học của Sinh viên Lào Khoa Chính trị - Luật Trường Đại học Hà Tĩnh

Tác giả: ThS. Nguyễn Thị Hồng Ninh - Đăng ngày: .

Trong công tác đào tạo, phát huy tự học không những nâng cao ý thức trách nhiệm của người học, giúp họ trở thành chủ thể trong quá trình tìm tòi, lĩnh hội kiến thức mà còn giúp họ có sự phân tích đánh giá sâu sắc kiến thức dưới lăng kính cá nhân của bản thân mình. Điều đó giúp người học làm chủ kiến thức và vận dụng kiến thức lý luận vào thực tiễn một cách phù hợp, sáng tạo. Như vậy, tự học, tự nghiên cứu có vai trò hết sức quan trọng, quyết định phần lớn kết quả của quá trình đào tạo.

Để phát huy tối đa khả năng tự học, sinh viên Lào cần thực hiện các giải pháp sau:

 

Thứ nhất, phải xây dựng kế hoạch tự học, tự nghiên cứu một cách khoa học

- Lập kế hoạch cho tự học, tự nghiên cứu giúp người học chủ động hơn trong quá trình tự học. Việc xây dựng kế hoạch tự học bao gồm các bước:

- Căn cứ vào nội dung thời lượng môn học, căn cứ vào thời khóa biểu, lập nên một thời gian biểu chi tiết.

- Đề ra yêu cầu nội dung cụ thể cần phải đạt được cho mỗi buổi tự học.

- Tổng kết nội dung kiến thức thu được để trình bày trước lớp hay yêu cầu giảng viên giải đáp.      

 

 Thứ hai, phải lựa chọn cách thức tự học phù hợp với từng môn, với khả năng, sở trường của mình

Mỗi môn học, mỗi người có một cách học khác nhau. Khả năng của mỗi người là khác nhau. Dựa trên kế họach đã định, trên cơ sở gợi ý hướng dẫn của giảng viên, người học có thể có cách tiến hành hoạt động tự học cho riêng mình. Người học có thể đọc, phân tích nội dung bài học trong giáo trình hay mở rộng tham khảo tài liệu tùy vào mức độ khả năng nhận thức; phải trau dồi kĩ năng đọc, lọc và tra cứu thông tin phù hợp với nội dung chương trình. Người học có thể tiến hành quá trình tự học, tự nghiên cứu một cách độc lập, nhưng cũng có thể tự học tự nghiên cứu theo nhóm. Việc tổ chức thành nhóm học tập sẽ tạo thuận lợi cho học viên rất nhiều trong quá trình học tập, cả trong khi ôn bài hay tìm hiểu kiến thức mới. Cho ông ta nói "Học thầy không tày học bạn" chính là nói lên lợi ích của các nhóm học tập này. Làm việc theo nhóm sẽ tạo ra sự đoàn kết thống nhất trong học tập. Học viên có thể bổ sung hỗ trợ cho nhau, cùng nhau xây dựng nội dung kiến thức bài học để có sản phẩm tự học tự nghiên cứu hoàn chỉnh. Các thành viên của nhóm học tập không nên chênh lệch nhau quá về khả năng và trình độ.

Tuy nhiên, việc học nhóm không phải lúc nào cũng tốt nếu học viên không tập trung thống nhất vào mục tiêu học tập.

Người học cũng có thể tự học thông qua việc nhờ giảng viên tư vấn. Hiện nay, các phương tiện thông tin liên lạc đã trở nên thuận tiện và đa dạng, học viên có thể xin ý kiến, trực tiếp trao đổi với giảng viên, trao đổi bài với giảng viên qua thư điện tử...Hiện nay đã có nhiều học viên thực hiện tự học theo phương pháp này. Tuy nhiên, để tiến hành theo cách này học viên phải khắc phục tâm lí e dè, ngại hỏi, nhưng đồng thời cũng phải biết chắt lọc nội dung để trao đổi với giảng viên.

 

Thứ ba, phải thể hiện kết quả tự học, tự nghiên cứu

Tự học là một nội dung của chương trình đào tạo, để hoạt động này được đánh giá chính xác thì người học phải thể hiện được kết quả tự học của mình.

Kết quả của tự học tự nghiên cứu của người học trước hết phải được thể hiện qua hồ sơ tự học. Hồ sơ tự học gồm: Chương trình môn học, giáo trình, tài liệu tham khảo hướng dẫn nghiên cứu của giảng viên, sổ ghi chép tích lũy kiến thức tự học, hay các tài liệu khác…Tùy vào những môn học cụ thể mà yêu cầu người học phải có sổ tích lũy kiến thức. Đối với những tài liệu bắt buộc giảng viên phải yêu cầu học viên phải có nhật kí đọc và ghi chép nội dung cụ thể.

Kết quả tự học, tự nghiên cứu còn được thể hiện thông qua sự diễn đạt của người học trên lớp. Để nâng cao chất lượng tự học tự nghiên cứu, người học  phải thể hiện được kết quả tự học tự nghiên cứu của mình. Người học phải trình bày nội dung mà mình tự nghiên cứu được trước lớp. Chỉ thông qua sự trao đổi đó, học viên mới có thể học hỏi lẫn nhau, cùng nhau giải quyết vấn đề. Giảng viên cũng nắm bắt được khả năng và kết quả tự học của mỗi học để có sự đánh giá chính xác.

 

Thứ tư, tự đánh giá kết quả tự học tự nghiên cứu

 Thực hiện tự đánh giá là một nội dung quan trọng để chuyển quá trình đạo tạo thành quá trình tự đào tạo. Nội dung tự đánh giá là người học phải biết rõ mình đã nắm được những nội dung kiến thức nào, mức độ nhận thức đạt đến đâu, còn những vấn đề gì chưa hiểu để đề xuất giảng viên giải đáp...  Việc tự đánh giá sẽ giúp người học làm chủ trong lĩnh hội tri thức. Chỉ khi đánh giá được kết quả tự học như thế nào, người học mới xác định đúng phương hướng hoàn thiện, mở rộng và bổ sung kiến thức.

Để phát huy khả năng tự học, người học phải thực hiện một cách đầy đủ các giải pháp trên. Tuy nhiên, giảng viên cũng không thể coi tự học có nghĩa là giao phó hoàn toàn tất cả chương trình, bài học cho người học. Tự học không có nghĩa là không cần thầy giáo. Ngược lại, càng yêu cầu người học tự học, người dạy càng phải khẳng định vai trò chủ đạo của mình.  Người dạy là người hướng dẫn quá trình tự học, là người thường xuyên kiểm tra, đánh giá quá trình tự học của người học, là cố vấn học tập, là người sẵn sàng giúp đỡ, giải đáp cho người học bất cứ khi nào các em cần để nâng cao chất lượng tự học.

Tóm lại, thực hiện các giải pháp trên giúp người học chủ động trong quá trình tìm tòi, khám khá và lĩnh hội kiến thức, đồng thời giúp người dạy theo dõi, đánh giá kết quả tự học của người học một cách có định tính, định lượng rõ ràng. Người học chủ động, làm chủ trong quá trình lĩnh hội kiến thức và người dạy định hướng hoàn thiện, nâng cao khả năng nhận thức của người học, góp phần to lớn trong việc nâng cao chất lượng công tác đào tạo của nhà trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Kỉ yếu hội thảo khoa học "Nâng cao chất lượng giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ở trường đại học Hà Tĩnh". Tháng 7- 2009. Khoa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh
  2. Vài suy nghĩ về vai trò mới của giảng viên đại học - Vũ Thế Dũng
  3. Trường Đại học Hà Tĩnh, Hướng dẫn phương pháp dạy và học theo học chế tín chỉ