Quan điểm của Đảng ta về xây dựng nông thôn mới
Nông thôn là nơi sinh sống của một bộ phận dân cư chủ yếu làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Nước ta hiện nay vẫn là một nước nông nghiệp với hơn 70% dân cư đang sống ở nông thôn. Phát triển nông nghiệp nông thôn đã, đang và sẽ còn là mối quan tâm hàng đầu, có vai trò quyết định đối với việc ổn định kinh tế xã hội đất nước. Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng xác định mục tiêu xây dựng nông thôn mới là: “Xây dựng nông thôn mới ngày càng giàu đẹp, dân chủ, công bằng, văn minh, có cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển ngày càng hiện đại”
Quán triệt Nghị quyết Đại hội X, Hội nghị Trung Ương lần thứ bảy (khóa X) ra Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 5 tháng 8 năm 2008 đã nêu một cách toàn diện quan điểm của Đảng ta về xây dựng nông thôn mới. Nghị quyết khẳng định nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò to lớn, có vị trí quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Chính vì vậy các vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Nông nghiệp, nông thôn nước ta còn là khu vực giàu tiềm năng cần khai thác một cách có hiệu quả. Phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân phải dựa trên cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp với điều kiện của từng vùng, từng lĩnh vực, để giải phóng và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn không phải chỉ là nhiệm vụ của nông dân, ở khu vực nông thôn mà là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Xây dựng nông thôn mới là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại ở nông thôn; xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ, đô thị theo quy hoạch; Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố liên minh công nhân - nông dân - trí thức vững mạnh; Không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn, hài hoà giữa các vùng, tạo sự chuyển biến nhanh hơn ở các vùng còn nhiều khó khăn; nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và đủ bản lĩnh chính trị, đóng vai trò làm chủ nông thôn mới.
Nghị quyết 26/NQTW ngày 28/05/2008 đã nêu một cách tổng quát về mục tiêu, nhiệm vụ cũng như phương thức tiến hành quá trình xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn hiện nay, phù hợp với điều kiện thực tiễn phát triển của đất nước. Quan điểm đó của Đảng là sự kế thừa và phát huy những bài học kinh nghiệm lịch sử về phát huy sức mạnh toàn dân, huy động mọi nguồn lực để tạo ra sức mạnh tổng hợp xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện đường lối của Đảng, ngày 28/10/2008, Chính phủ đã ra Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP ban hành một chương trình hành động của Chính phủ về xây dựng nông nghiệp, nông dân và nông thôn, thống nhất nhận thức, hành động về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Nội dung chính của Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là: xây dựng, tổ chức cuộc sống của dân cư nông thôn theo hướng văn minh, hiện đại, giữ gìn bản sắc văn hóa và môi trường sinh thái gắn với phát triển đô thị, thị trấn, thị tứ.
Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới là chương trình mang tính tổng hợp, sâu, rộng, có nội dung toàn diện; bao gồm tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, chính trị, an ninh - quốc phòng. Mục tiêu chung của chương trình được Đảng ta xác định là: xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.
Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kì quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) Đảng ta khẳng định xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ quan trọng trong định hướng phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng đã nêu rõ phương hướng, nhiệm vụ của xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 là: Tiếp tục triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn, giữ gìn và phát huy nét văn hóa bản sắc của nông thôn Việt Nam.
Thực hiện đường lối của Đảng, trong thời gian qua, phong trào xây dựng nông thôn mới đã diễn ra sôi nổi ở khắp các địa phương trên cả nước, thu hút sự tham gia của cả cộng đồng, phát huy được sức mạnh của cả xã hội. Quá trình xây dựng nông thôn mới đã đạt được thành tựu khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản đảm bảo, tạo sự thuận lợi trong giao lưu buôn bán và phát triển sản xuât; Kinh tế nông thôn chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập và đời sống vật chất tinh thần cho người dân; Hệ thống chính trị ở nông thôn được củng cố và tăng cường; Dân chủ cơ sở được phát huy; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Vị thế của giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao. Những thành tựu đó đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, tạo cơ sở vững chắc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Tuy nhiên, quá trình xây dựng nông thôn mới còn bộc lộ nhiều khó khăn hạn chế, nhất là về công tác quy hoạch. Quy hoạch nông thôn mới là một vấn đề mới, liên quan đến nhiều lĩnh vực và phải mang tính chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế về năng lực, nên trong quá trình triển khai còn nhiều lúng túng. Bên cạnh đó chúng ta còn gặp khó khăn về huy động nguồn vốn cho xây dựng nông thôn mới. Đời sống của người dân nông thôn còn nhiều khó khăn. Mặt khác, trong nhận thức nhiều người còn cho rằng xây dựng nông thôn mới là dự án do nhà nước đầu tư xây dựng nên còn có tâm lí trông chờ, ỷ lại. Chính vì vậy trong thời gian tới bên cạnh việc đào tạo nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, chúng ta cần phải đẩy mạnh công tác giáo dục tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, để mọi người dân đều nhận thức rằng: "Xây dựng nông thôn mới là công việc thường xuyên của mỗi người, mỗi nhà, mỗi thôn xóm và từng địa phương; tất cả cùng chung sức dưới sự lãnh đạo của Đảng..." nhằm thực hiện thành công xây dựng nông thôn mới.
Xây dựng nông thôn mới được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong giai đoạn hiện nay ở nước ta, chính vì vậy nó phải có hệ thống lí luận soi đường. Quan điểm của Đảng ta về xây dựng nông thôn mới là sự vận dụng sáng tạo lí luận của Chủ nghĩa Mác Lênin vào thực tiễn ở nước ta trong giai đoạn hiện nay, hướng đến thực hiện mục tiêu cách mạng xã hội chủ nghĩa, từng bước xóa bỏ sự khác biệt giữa thành thị và nông thôn, giữa lao động chân tay và lao động trí óc, để đi đến kết quả cuối cùng là giai cấp công nhân, nông dân và trí thức sẽ trở thành những người lao động của xã hội cộng sản chủ nghĩa.
Thực tiễn cũng cho thấy, những xã hội tiến bộ bao giờ cũng chú ý tới việc thu hẹp khoảng cách sự phát triển giữa thành thị và nông thôn, phát triển lực lượng sản xuất, quan hệ sản xuất và quan hệ xã hội, cải thiện điều kiện sinh hoạt ở nông thôn, làm cho thành thị và nông thôn xích lại gần nhau. Chính vì vậy, bên cạnh phải đẩy mạnh công tác nghiên cứu lí luận, tổng kết thực tiễn quá trình xây dựng nông thôn mới, chúng ta cần học tập kinh nghiệm của các nước trên thế giới và trong khu vực về phát triển nông thôn tiên tiến hiện đại, để xây dựng hoàn thiện hệ thống các quan điểm lí luận về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn làm cơ sở khoa học cho thực tiễn. Xây dựng nông thôn nước ta trở nên văn minh, tiên tiến hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc văn hóa và nét đẹp truyền thống của nông thôn Việt Nam.
Tài liệu tham khảo:
1. Nghị quyết số 26-NQ/TW "Về nông nghiệp, nông dân và nông thôn" (cpv.org.vn)
2. Xây dựng nông thôn mới ở Hà Tĩnh, kết quả bước đầu và những khó khăn cần tháo gỡ. (hatinh.gov.vn)
3. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. NXB Chính trị Quốc gia. HN 2006
4. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. NXB Chính trị Quốc gia. HN 2011
Tin mới
- Liên chi đoàn khoa Lý Luận chính trị tổ chức sinh hoạt truyền thống - 05/11/2014 07:35
- Giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên thông qua giảng dạy môn học tư tưởng Hồ Chí Minh - 05/11/2014 07:31
- Cảm xúc về nghề giáo - 05/11/2014 07:07
- Khoa Lý luận chính trị tổ chức sinh hoạt truyền thống mừng Đảng mừng xuân và thi nghiệp vụ sư phạm - 05/11/2014 07:03
- Tìm hiểu tập quán văn hóa Hà Tĩnh và quan hệ đất đai - 05/11/2014 06:58
Các tin khác
- Ngày 22 tháng 12 - ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, ngày hội quốc phòng toàn dân - 05/11/2014 03:52
- Lý thuyết “bàn tay vô hình và hữu hình” với bài toàn giải quyết nợ xấu hiện nay - 05/11/2014 03:38
- Quan điểm của chủ nghĩa Mác về động lực sinh tồn, sự phát triển của con người và xã hội - 05/11/2014 03:31
- Ứng xử với thầy cô giáo - Nội dung quan trọng nhất trong văn hoá ứng xử của học sinh, sinh viên - 05/11/2014 03:27
- Một số nội dung cơ bản sửa đổi hiến pháp năm 1992 - 05/11/2014 03:24