Cảm xúc về nghề giáo
“Nếu được lựa chọn lại, bạn có chọn nghề sư phạm hay không”? Không phải đầu tiên tôi được nghe câu hỏi này, ngược lại nó đã rất quen thuộc với tôi, thậm chí đôi lần tôi cũng tự hỏi chính mình rằng: Nếu được chọn lại, tôi có chọn nghề sư phạm hay không?
Cuộc đời ai cũng có những ước mơ để mà cố gắng, phấn đấu theo đuổi ước mơ ấy. Và tôi cũng vậy! Ước mơ của tôi được hình thành và lớn lên trong những lần chơi trò chơi cùng lũ bạn xóm tôi thưở xa lắc, xa lơ. Ngày ấy, lũ trẻ bọn tôi dăm bảy đứa thường tụ tập với nhau và chơi trò thầy cô giáo. Thuở ấy bọn tôi chơi trò oẳn tù tì và người nào thắng được nhiều lần thì được làm cô giáo còn lại những người thua phải làm học trò. Cô giáo trong mắt của những đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên là một người oai phong và quan trọng lắm; là người thể hiện sự hiểu biết vượt trội và và có khả năng dẫn dắt, chỉ bảo. Thế nên, ai cũng muốn được làm cô, ai cũng thích làm cô. Và có duyên chăng khi trong những lần chơi trò chơi tập làm thầy cô giáo tôi thường được làm cô nhiều hơn là làm học trò. Cứ thế tuổi thơ của tôi trôi đi trong vai trò của một người cô giáo của nhóm bạn cùng xóm. Giấc mơ trở thành một cô giáo nhen nhóm trong tâm hồn tôi tự đó, giấc mơ đó bay cao cùng cánh diều bọn tôi thường thả trong những buổi chiều chăn trâu nơi cánh đồng lúa quê hương, giấc mơ ấy nồng nàn trong những câu ca bọn tôi thường ngân nga trong ca khúc ngày đầu tiên đi học, giấc mơ ấy len lỏi vào trong giấc ngủ của tôi hằng đêm.
Khi đã là học sinh THCS rồi đến học sinh THPT và cho đến cả bây giờ ở cái tuổi mà tôi bắt đầu biết nhìn nhận, đánh giá về mọi thứ tôi càng trân trọng hơn cái ước mơ của mình. Tôi biết nghề giáo có vai trò như thế nào đối với sự tồn tại và phát triển của xã hội. Đó là nghề giữ vai trò quyết định trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nghề giáo giúp đào tạo nên những con người vừa có đức, vừa có tài để cống hiến cho gia đình và xã hội. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng khẳng định: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong các nghề sáng tạo. Các thầy cô giáo không những dạy chữ mà còn dạy người, họ cứ như cây thông trên sườn núi, cây quế giữa rừng sâu thầm lặng toả hương dâng hiến trí tuệ, sức lực cho đời. Nghề dạy học là một nghề cao quý bởi lẽ những người giáo viên họ không chỉ truyền thụ cho học sinh những kiến thức cần thiết cho cuộc sống mà còn dạy học sinh thành người, làm thế nào để trở thành người có phẩm chất đạo đức tốt, dạy cho học sinh làm những điều hay lẽ phải, hướng các em tới giá trị của Chân - Thiện - Mỹ. Và mỗi người giáo viên như con ong chăm chỉ ngày đêm bên trang giáo án cuộc đời, như những người lái đò thầm lặng chở khách qua sông, họ âm thầm cống hiến, âm thầm tỏa hương, không ồn ào, phô trương như Bác Hồ đã từng nói:"Người thầy giáo tốt là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những người anh hùng vô danh”. Người giáo viên là là nhân tố quyết định chất lượng của một nền giáo dục, năng lực và đạo đức nghề nghiệp của họ góp phần to lớn vào sự hưng thịnh của một quốc gia. Nhận thức được điều đó Đảng và nhà nước ta rất coi trọng giáo dục, xem giáo dục là quốc sách hàng đầu. Còn đối với mỗi thế hệ học trò, thầy cô là người cha, người mẹ, người anh, người chị, là tấm gương sáng để họ noi theo. Trong số chúng ta, có ai là không mang theo bên mình những kỉ niệm sâu sắc với những người thầy, người cô của mình. Với tôi, thầy cô chính là người cha, người mẹ, là người chắp cánh để ước mơ trở thành cô giáo của tôi luôn cháy bỏng. Kính trọng thầy cô và yêu nghề giáo nên tôi rất tâm đắc câu nói của một nhà hiền triết- thi hào Tago: "Giáo dục một người đàn ông thì được một con người, giáo dục một người đàn bà thì được một gia đình, giáo dục một người thầy thì được một thế hệ".
Tôi đã khao khát trở thành một nhà giáo, với tôi hai từ “nhà giáo” vô cùng thiêng liêng, cao quý. Mỗi một người thầy, người cô, mỗi một môn học đều góp phần thắp lửa cho tình yêu nghề sư phạm của tôi. Đó là lí do vì sao tôi chọn thi vào sư phạm. Và tình yêu ấy thực sự thăng hoa, vỡ òa khi lần đầu tiên tôi được nghe học trò gọi mình là “cô ơi!” trong kì thực tập sư phạm lần 1. Tự hào, hạnh phúc, xúc động là những dư âm còn mãi trong tôi về khoảnh khắc ấy.
Tất cả những lý do đó đã giúp tôi trả lời cho bản thân mình rằng nếu được lựa chọn lại, không chút do dự tôi vẫn chọn nghề giáo làm cái nghiệp suốt cuộc đời mình. Còn hôm nay, khi tôi đang theo học ngành sư phạm, tôi sẽ quyết tâm học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm, rèn luyện phẩm chất đạo đức đặc biệt là các chuẩn mực đạo đức nhà giáo, để không lâu nữa, khi ra trường, tôi sẽ vững vàng trong vai trò của một người giáo viên nhân dân, góp phần đào tạo nên những nhân cách phát triển toàn diện xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước, giáo dục truyền thống tôn sư trọng đạo và truyền ngọn lửa tình yêu đối với ngành sư phạm cho các thế hệ học sinh.
Tin mới
- Những cống hiến vĩ đại của Các Mác cho nhân loại - 05/11/2014 07:54
- Vai trò của Tổ chức đoàn trong việc nâng cao kỹ năng sống cho thanh niên - 05/11/2014 07:50
- Tôi yêu mảnh đất và con người Hà Tĩnh - 05/11/2014 07:48
- Liên chi đoàn khoa Lý Luận chính trị tổ chức sinh hoạt truyền thống - 05/11/2014 07:35
- Giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên thông qua giảng dạy môn học tư tưởng Hồ Chí Minh - 05/11/2014 07:31
Các tin khác
- Khoa Lý luận chính trị tổ chức sinh hoạt truyền thống mừng Đảng mừng xuân và thi nghiệp vụ sư phạm - 05/11/2014 07:03
- Tìm hiểu tập quán văn hóa Hà Tĩnh và quan hệ đất đai - 05/11/2014 06:58
- Quan điểm của Đảng ta về xây dựng nông thôn mới - 05/11/2014 04:08
- Ngày 22 tháng 12 - ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam, ngày hội quốc phòng toàn dân - 05/11/2014 03:52
- Lý thuyết “bàn tay vô hình và hữu hình” với bài toàn giải quyết nợ xấu hiện nay - 05/11/2014 03:38