Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

SINH VIÊN VÀ GIÁ TRỊ CỦA VIỆC SẴN SÀNG SỐNG TỰ LẬP

Tác giả: ThS. Trần Nguyên Hào - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Giới thiệu

Khi chính thức bước vào giảng đường đại học, ngoại trừ số ít các bạn ở các thành phố lớn có cơ hội vào học các trường gần nhà và vẫn tiếp tục sống như thời phổ thông là ăn cơm nhà, ngủ giường nhà đi học thì đại đa số các bạn còn lại bắt đầu chính thức bắt đầu cuộc sống xa nhà. Nếu bạn phải ở ký túc xá hay ở phòng trọ trong suốt quảng đời sinh viên, bạn cần phải chuẩn bị cho mình tâm thế sẵn sàng sống tự lập ngay trước khi nhập học và quyết tâm thực hiện các mục tiêu tự lập để thu nhận được nhiều giá trị cho sự trưởng thành và thành công trong tương lai.


Học đại học không chỉ là thay đổi môi trường học tập mà là thay đổi môi trường sống, ở đó bạn phải sống xa bố mẹ, người thân và thiếu thốn tình cảm.

 

Cảm giác đầu tiên trong những ngày đầu của quảng đời sinh viên sẽ là thèm những bữa ăn do mẹ nấu sau bao buổi trưa tan học, thèm sự ấm áp trong các buổi tối có đủ cả ba mẹ và anh chị em.

 

Sinh viên Khoa Chính trị - Luật luôn luôn đề cao tính tự lập trong cuộc sống

Sinh viên Khoa Chính trị- Luật luôn luôn đề cao tính tự lập trong cuộc sống

Bạn sẽ thấy nghẹn trong họng khi hồi tưởng lại điều đó nếu bạn đang ăn bát cơm trong căngtin hay ở quán cơm bụi bên đường mà những hạt cơm cứng ngắc, sần sật như khoai sượng hay nở bung như ngô được đắp lên trên bởi vài lát đậu phụng, một vài miếng thịt và rau với nước mắm chan sẵn.

 

Bạn sẽ thấy giấc ngủ quý giá đến nhường nào khi trong những đêm đầu tiên của cuộc đời sinh viên, bạn nằm trên giường tầng ký túc xá mà gần sáng vẫn không tài nào chợp mắt được vì đèn vẫn được ai đó bật lên, điện thoại ai đó vẫn vang lên các âm thanh của game và máy tính của ai đó vẫn đang phát ra các bản nhạc sôi động. Những lúc đó chắc bạn ước có bóng mẹ hoặc cha bạn đi vào và nhắc nhở bạn tắt đèn, tắt nhạc đi ngủ hoặc lặng lẽ tăt đèn, tắt máy tính cho bạn hay kéo chăn đắp cho bạn mặc dù bạn đang giả vở lên gường ngủ để ba mẹ khỏi phiền lòng.

 

Làm sinh viên là như vậy! Bạn phải dung hòa nhu cầu của nhiều người dù mình không thích, thậm chí dù nhu cầu của họ ảnh hưởng đến mình. Bạn phải học cách thích nghi như vẫn có thể ngủ say trong khi đèn điện của phòng tập thể còn mở, nhạc trong phòng vẫn được phát to và nhóm bạn khác vẫn đang đánh bài với sự huyên náo không hề nhỏ.

 

Sẵn sàng sống tự lập là bạn phải quên đi cảm giác nhớ nhà, nhớ cha mẹ và người thân. Là phải quên đi thói quen thích được quan tâm, vỗ về; quên đi những bữa ăn ngon đầm ấm thường xuyên được chuẩn bị bởi ba mẹ và anh chị. Là bạn phải tự tổ chức đời sống cho bản thân như tự thuê phòng hoặc tự sắp xếp đồ đạc, trang trí, mua sắm các vật dụng cần thiết.

 

Là bạn phải tự đi chợ, nấu ăn hoặc tự lựa chọn quán ăn, các món ăn phù hợp vừa đủ dinh dưỡng, đủ độ an toàn, phù hợp với sở thích của mình và cả túi tiền của mình nữa. Là bạn phải tự giặt là quần áo, tự tay khâu những mũi kim vào chiếc tất bị rách hay vào chiếc áo có đường sổ chỉ nho nhỏ. Là bạn phải tự quản lý tài chính cá nhân, tự cân đối việc thu chi để trang trải chi phí cho học học tập, cho sinh hoạt và vui chơi giải trí hàng ngày trong 4 đến 5 năm đầy biến động với nhiều sự phát sinh không lường trước được.

 

Sẵn sàng cuộc sống tự lập là bạn phải trở nên chín chắn để tự giải quyết các vấn đề nẩy sinh trong nhiều mối quan hệ, trong đó có nhiều vấn đề phức tạp chứa đựng cả những mâu thuẫn, xung đột. Bạn phải tự mình tư vấn cho mình, tự mình đưa ra quyết định và nhanh chóng rút ra cho mình những bài học, những kinh nghiệm quý báu sau những ứng xử phù hợp và không phù hợp, tích cực và không tích cực...

 

Sống tự lập đối với những bạn sinh viên nghèo, có hoàn cảnh khó khăn là trong một vài tuần đầu tiên nhập học, các bạn phải tự đi tìm kiếm việc làm thêm cuối tuần, làm bán thời gian như gia sư, bán hàng cho các cửa hiệu, quán cà phê hay làm xe ôm...để đóng học phí và trang trải các chi phí của cuộc sống sinh viên cứ liên tục phát sinh, trong khi giá cả nhiều khi leo thang không ngờ tới.

 

Làm thêm không phải chỉ là việc làm bắt buộc, bất đắc dĩ của những sinh viên có gia đình khó khăn về tài chính để có thể tiếp tục học tập bình thường hay chia sẻ phần tài chính với bố mẹ đầu tư cho việc học của mình mà là cơ hội quý giá, bất cứ sinh viên nào cũng nên trải nghiệm để học được nhiều điều có ý nghĩa, giúp mình phát triển bản thân trong trường đời đầy biến động.

 

Làm thêm sẽ giúp các bạn hình thành ý thức, thái độ sống tự lập, sống có trách nhiệm với bố mẹ, với cộng đồng, xã hội và phát triển các kỹ năng mềm, trong đó đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, ứng xử, kỹ năng lắng nghe, kỹ năng kiềm chế cảm xúc, kỹ năng tự giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng lập kế hoạch, kỹ năng quản lý thời gian và công việc hiệu quả...

 

Làm thêm giúp bạn biết quý trọng giá trị sức lao động, quý trọng đồng tiền được làm ra từ mồ hôi, nước mắt hay đôi khi cả từ sự nghẹn ngào, uất ức để từ đó biết yêu thương bố mẹ hơn, biết thấu hiểu, cảm thông hơn với những người lao động, các mảnh đời éo le, bần hàn, cơ cực.

 

Làm thêm đưa lại cho bạn cảm giác tự hào của người trưởng thành biết tự lực, tự cường vượt lên hoàn cảnh và niềm tin sẽ tự mình gây dựng sự nghiệp, thiết kế cuộc đời của mình trong tương lai..

 

Sẵn sàng sống tự lập là dù bạn không phải đi làm thêm, không đi làm thêm nhưng bạn biết tiết kiệm hay chi tiêu hợp lý nguồn tài chính mà cha mẹ bạn cung cấp cho bạn hàng tháng dù vừa đủ hay rủng rỉnh.

 

Bạn phải hiểu rằng với văn hóa Việt Nam, trong suy nghĩ, nhận thức của mọi người, việc bố mẹ cung cấp tiền để nuôi con ăn học lên đại học và việc con tiêu tiền của bố mẹ trong quá trình học mà là việc hiển nhiên nhưng với văn hóa phương Tây thì không phải như vậy. Ở đại đa số các nước phương Tây, sinh viên được cha mẹ nuôi ăn học đại học đều nhận thức rằng họ đang vay tiền bố mẹ đi học và vì thế tất nhiên sau này ra trường phải hoàn trả lại bố mẹ bằng nhiều hình thức.

 

Tại nhiều nước phát triển tiến bộ, đã có quỹ của nhà nước cho đại đa số sinh viên vay để đi học nên dù là cha mẹ giàu có, thậm chí là tỷ phú thì sinh viên vẫn phải vay tiền nhà nước để đi học. Số tiền đóng học phí và sinh hoạt tại các trường đại học có uy tín và có danh tiếng rất lớn, vì vậy khi ra trường đi làm, sinh viên phải trích tiền lương để trả khoản vay trong một khoảng thời gian rất dài lên tới 10, 20 năm. Nếu thất nghiệp, không có tiền trả khoản vay khi học tập, cựu sinh viên ở các nước này có thể phải đi lính, làm công ích cho nhà nước để “gán nợ”.

 

So sánh như thế để thấy rằng các bạn sinh viên Việt Nam đi học sướng hơn nhiều so với sinh viên các nước phương Tây và nhiều nước khác trên thế giới. Điều đó dẫn đến tình trạng rất nhiều sinh viên Việt Nam hiện nay không có trách nhiệm đối với bố mẹ, thậm chí làm khổ bố mẹ; ăn bám, làm phiền bố mẹ ngay cả khi ra trường. Vậy sẵn sằng sống tự lập khi bắt đầu bước vào cổng trường đại học là bạn phải xác định rằng bạn đang vay tiền bố mẹ đi học.

 

Điều đó đặt ra yêu cầu: bạn phải học tốt, có chuyên môn tốt, phát triển bản thân tốt và nhất định ra trường phải tìm được việc làm để giúp đỡ bố mẹ. Việc trả tiền vay bố mẹ đi học như tôi đề cập không cần phải sòng phẳng như ở phương Tây mà là việc bạn phải có trách nhiệm gánh vác phần tài chính cho bố mẹ trong việc nuôi em ăn học, trong các công việc lớn của gia đình như mua đất, làm nhà, cưới hỏi, ma chay, làm mộ v.v...; là bạn phải luôn ý thức được đạo làm con, chữ Hiếu để đỡ đần, chăm sóc, phụng dưỡng bố mẹ khi về già...

 

Càng tự lập bạn càng thấy giá trị của nó. Bởi bạn sẽ ngày càng trưởng thành khi rèn luyện cho mình ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn thử thách; biết làm chủ bản thân, làm chủ cuộc đời và vận mệnh của mình, đồng thời có trách nhiệm với gia đình và xã hội.

 

Tinh thần tự lập cao còn giúp bạn hình thành một trong những tố chất quan trọng của người lãnh đạo, quản lý đó là nghiêm khắc với bản thân, có trách nhiệm trước công việc trước tập thể; độc lập tự chủ trong tư duy và giải quyết vấn đề, đưa ra quyết định  nhanh chóng, kịp thời nhưng phù hợp trong mọi tình huống.

                                                                                   

Khoa Chính trị - Luật: Chào đón các bạn trẻ tới kiến tạo tương lai

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Bích Hằng - Phó trưởng Khoa - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Giới thiệu

 

Chọn ngành, chọn trường đào tạo là định hướng bước đầu quan trọng cho tương lai của các bạn trẻ. Khi chọn ngành, chọn trường các bạn tin tưởng rằng mình đang chọn phương thức đầu tư đúng đắn, hợp lý để kiến tạo cuộc sống tương lai của mình.

Trường Đại học Hà Tĩnh là địa chỉ tin cậy để các bạn gửi gắm niềm tin và chắc chắn niềm tin đó sẽ thành hiện thực.


Hãy đến với Trường Đại học Hà Tĩnh!  Hãy đến với Khoa Chính trị- Luật để kiến tạo Tương lai !

                                                                 

  • Với bề dày hơn 60 năm đào tạo các ngành sư phạm, Trường Đại học Hà Tĩnh là một trong những Trung tâm Giáo dục Đào tạo chất lượng, uy tín vào hàng đầu ở Khu vực Bắc miền Trung của Việt Nam. Đặc biệt, Trường Đại học Hà Tĩnh còn là địa chỉ tin cậy cho rất nhiều bạn trẻ nước bạn Lào sang học tập để về xây dựng quê hương đất nước.
  • Với gần 20 Ngành học thiết yếu, đủ mọi lĩnh vực đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước; Với đội ngũ giảng viên đầy kinh nghiệm; Với chương trình học tiên tiến, chuẩn quốc tế CDIO; Với cơ sở học tập hiện đại, khang trang, ký túc xá chuẩn quốc gia; Với chính sách rộng rãi về học bổng, khen thưởng động viên sinh viên giỏi và hỗ trợ sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Trường Đại học Hà Tĩnh hiện nay có tới hàng ngàn sinh viên học tập, trong đó có gần 1000 sinh viên nước bạn Lào. Đó là những con số minh chứng về Chất và Lượng của Trường Đại học Hà Tĩnh.

 

  • Khoa Khoa Chính trị - Luật đào tạo ba ngành quan trọng cho xã hội phát triển, đó là: Chính trị học, Giáo dục chính trịLuật học. Trên thế giới, không một Quốc gia nào, không một thể chế Chính trị nào là không có những ngành này. Với Việt Nam, đây là những ngành đặc biệt cần thiết trong thời kỳ xây dựng phát triển đất nước hiện nay.

 

  • Khoa Chính trị - Luật có đội ngũ giảng viên tận tâm, giàu kinh nghiệm về học vấn và thực tiễn, với 06 Tiến sĩ và 16 Thạc sĩ giảng  dạy cho gần hàng ngàn sinh viên trong mỗi khóa học.

 

  • Sinh viên Khoa Chính trị - Luật được tiếp cận với những  kiến thức mới hiện đại và thực tiễn của ngành Chính trị học , Giáo dục chính trị và ngành Luật học; Được tham gia Nghiên cứu Khoa học; Ngoại khóa về Kỹ năng sống, Kỹ năng giao tiếp; Thực tập, thực hành tìm hiểu và trải nghiệm thực tiễn cơ sở tại các cơ quan Dân chính, Đảng các cấp, các doanh nghiệp địa phương, khu kinh tế, khu đô thị,… Thực tập, thực hành tại cơ quan thực thi pháp luật; cơ quan bảo vệ pháp luật địa phương.

 

Cơ hội việc làm của sinh viên Khoa Chính trị - Luật

 

        >> Một cơ hội rộng mở cho sinh viên Khoa Chính trị- Luật trên con đường kiến tạo tương lai. Con số minh chứng là 95% sinh viên Khoa Chính trị- Luật có việc làm sau khi tốt nghiệp được nhận công việc phù hợp đúng ngành học.

 

Sinh viên ngành Chính trị học

  • Làm việc tại các cơ quan chính quyền các cấp là: Chuyên viên văn phòng UBND, Hội đồng Nhân dân xã, huyện, tỉnh…
  • Làm việc tại các cơ quan của Đảng các cấp là: Chuyên viên văn phòng Đảng ủy xã, Văn phòng Huyện ủy, Văn phòng tỉnh ủy…
  • Làm việc tại các Đoàn thể, Tổ chức Xã hội là: Tổ chức Đoàn Thanh niên, Phụ nữ các cấp ở địa phương hoặc ở các Doanh nghiêp, Cơ sở sản xuất…
  • Giảng dạy Chính trị học tại các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp; các Trung tâm chính trị; Giáo dục công dân tại các trường THPT.

 

Sinh viên ngành Giáo dục Chính trị

  • Giảng dạy chính trị ở các trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông các trường trung cấp Cao đẳng, Đại học trong hệ thống giáo dục và đào tạo; các trường dạy nghề,…
  • Làm việc tại các cơ quan của Đảng, Nhà nước, cũng như cơ quan các tổ chính trị xã hội khác.

 

Sinh viên ngành Luật  học

  • Làm việc tại các cơ quan tư pháp các cấp là: Tòa án Nhân dân, Viện Kiểm sát Nhân dân; Sở Tư pháp…
  • Làm việc tại các cơ quan hành pháp các cấp là: Sở Nội vụ, Cơ quan hành chính, Tổ chức Chính quyền…
  • Làm việc tại các Văn phòng Luật sư, Tư vấn Luật và tiếp tục nâng cao trở thành Luật sư…
  • Là chuyên viên Tư vấn Luật cho các Doanh nghiệp, Cơ sở sản xuất tư nhân…
  • Giảng dạy Pháp luật tại các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và Giáo dục công dân tại các trường THPT.

 

  • Hãy đến với Trường Đại học Hà Tĩnh các bạn sẽ được lựa chọn chương trình học tập phù hợp với quỹ thời gian và khả năng tài chính của mình. Trường Đại học Hà Tĩnh không chỉ sở hữu sức hút vô tận bởi đội ngũ giảng viên tài năng, luôn thấu hiểu sinh viên mà Trường còn cung cấp nhiều phương án học tập với các chuyên ngành khác nhau./.

 

 

  

 

Tâm thế sẵn sàng học đại học - sự cần thiết đối với học sinh dự tuyển đại học và tân sinh viên

Tác giả: GVC.ThS. Trần Nguyên Hào - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Giới thiệu

 

Trước khi bước vào giảng đường dại học hay trong quá trình học đại học, đã bao giờ các bạn tân sinh viên tự hỏi các câu hỏi: Học đại học để cho ai và học đại học để làm gì ?Mình đã sẵn sàng học đại học chưa ? Bạn nào chưa tự hỏi những câu hỏi trên và bạn nào đã hỏi nhưng vẫn muốn trốn tránh trả lời chúng một cách thật nghiêm túc và thật lòng mình ? Chắc chắn là khi đọc những dòng này nhiều bạn đang là sinh viên kỳ cựu đã giật mình và tự nhận: Thì ra là mình vẫn chưa thật sự nghiêm túc với những câu hỏi thật bình thường này. 


Vậy có thật sự bạn là người đã lựa chọn con đường vào đại học hay là bố mẹ bạn, người thân của bạn ? Tôi biết nhiều bạn rất chán học dù đã là năm thứ hai, thứ ba bởi các bạn đó vào đại học là do bố mẹ muốn thế để bạn gánh giùm giấc mơ đại học giang dở ngày xưa của họ hay là bố mẹ muốn bạn là cử nhân, là kỹ sư để gia đình bạn được nở mày nở mặt với hàng xóm láng giềng và dòng họ.

 

Có phải bạn vào đại học là vì sau khi tốt nghiệp phổ thông, bạn chưa có con đường nào khác để lập nghiệp nên tạm thời làm sinh viên ? Hay bạn muốn trở thành sinh viên cho có vị thế ngang bằng với bạn bè của mình để tự hào rằng ít ra mình cũng đậu đại học - mốc thành công đầu tiên sau 12 năm đèn sách ở trường phổ thông, còn tương lai sau 4 đến 5 năm nữa sẽ tính tiếp ? Nếu như vậy thì bạn học là vì bạn bè chứ không phải vì bản thân. Bạn sẽ không thành công với tâm lý như vậy bởi bạn đang có một tầm nhìn hạn hẹp và thiếu bản lĩnh để khẳng định mình.

 

Vậy điều đầu tiên khi lựa chọn học học đại học là bạn xác định rõ: học cho bản thân bạn, cho mục tiêu cuộc đời của bạn. Tất nhiên trong đích đến cuối cùng của cuộc đời con người là thành công và hạnh phúc thì mục tiêu trước hết mà người trẻ nào cũng mong muốn đạt đến là nghề nghiệp, là có thu nhập càng cao, càng nhanh càng tốt và sau đó là tình yêu và hạnh phúc gia đình... Lựa chọn học đại học cũng hướng tới tới mục tiêu trên nhưng không thể đạt được chúng nhanh chóng được. Đó là cách đi chậm nhưng bền vững không chỉ sau 4 đến 5 năm mà có thể là sau 6 đến 7 năm kể từ khi bạn chính thức là tân sinh viên.

 

Lựa chọn con đường vào giảng đường đại học trước khi ra đời tìm kiếm việc làm hay khởi nghiệp tức là bạn đang lựa chọn con đường học thuật với nguồn tri thức phong phú, có giá trị và môi trường đào tạo chuyên nghiệp giúp bạn thực hành kỹ năng nghề nghiệp có tính chuyên môn cao cùng với cơ hội phát triển lối tư duy hiệu quả và rèn luyện các kỹ năng mềm cần thiết. Vì thế để có cơ hội việc làm tiến tới thành công trong sự nghiệp của mình sau khi ra trường thì các bạn phải mất 4 đến 5 năm học tập, rèn luyện trong môi trường đại học. Nếu bạn chưa được ai tư vấn nghề nghiệp trong thời phổ thông thì bạn hãy nên nhớ kỹ điều này trước khi quyết định làm thủ tục nhập học vào một trường đại học.

 

Bạn nào đang là sinh viên năm thứ nhất, thứ hai mà vẫn không thích hoc, chán học trong khi có cơ hội khác ngoài học đại học để thay đổi cuộc đời theo hướng phù hợp hơn với mong muốn của bản thân và thành công hơn thì nên thống nhất với bố mẹ để xin ngừng học. Không nên lãng phí 4 đến 5 năm trong môi trường đại học nhưng ra trường lại thất nghiệp lâu dài và phải mất thêm vài năm nữa với nhiều chi phí để học nghề, để tu nghiệp mới có thể đi làm kiếm thu nhập mà không sử dụng những kiến thức, kỹ năng mình đã được học và trang bị, thực hành trong trong quãng đời sinh viên. Đồng thời thực tế cho thấy hầu hết người trẻ đều khó thành công trong bất cứ môi trường công việc nào nếu như họ không đam mê hoặc không có động lực để tìm hiểu, học tập, thực hành về nó.

 

Tâm thế sẵn sàng học đại học cũng đi liền với tâm thế sẵn sàng học ngành học mà mình đã đăng ký lựa chọn. Nhiều bạn trước khi đăng ký làm hồ sơ thi hoặc dự tuyển đại học đã không phân tích kỹ các ngành học, cơ hội nghề nghiệp của mình sau khi ra trường nếu học ngành A hay B, C và sự phù hợp về sở thích, sở trường, khả năng của mình đối với ngành học mà mình lựa chọn. Tất nhiên là ngày nay tương lai rất bất định và khó đoán trước được các xu thế thay đổi, phát triển của các nghề nghiệp trong tương lai hoặc đã có một số người thành công sau khi ra trường ở một lĩnh vực, một môi trường không liên quan đến ngành nghề mình đã được đào tạo ở bậc đại học nhưng việc tìm hiểu kỹ càng và lựa chọn ngành học một cách nghiêm túc là là hết sức cần thiết.

 

Tâm thế sẵn sàng học đại học, nhất là học ngành mình đã lựa chọn sẽ cho bạn một nguồn sức mạnh tinh thần hết sức to lớn đó là sự tự tin, là niềm tự hào, là niềm đam mê khám phá và sáng tạo trong quá trình được đào tạo.

T.N.H