Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Sự cần thiết của việc nâng cao ý thức văn hóa chính trị cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay

Tác giả: ThS. Đào Thị Thúy - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Giới thiệu

Sinh viên là nguồn lực quan trọng của đất nước bổ sung vào nguồn nhân lực chất lượng cao cho nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội trong tương lai, là một trong những nhân tố quyết định đến sự thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.


Việc nâng cao ý thức văn hóa chính trị cho sinh viên theo những chuẩn mực phù hợp với mục tiêu chung của giáo dục, đang đặt ra yêu cầu cấp thiết trong việc phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Văn kiện Đại hội XII của Đảng đã nhấn mạnh: “Xây dựng văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện hướng đến chân – thiện mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

  1. Khái niệm văn hóa chính trị

Văn hóa chính trị rất cần thiết và có ảnh hưởng to lớn đối với hoạt động chính trị của mỗi người, của chủ thể cầm quyền cũng như đông đảo quần chúng trong xã hội. Trong công cuộc đổi mới và xây dựng chủ nghĩa xã hội hiện nay, muốn cho văn hóa thực sự phát huy vai trò là động lực và mục tiêu của sự phát triển xã hội thì văn hóa chính trị phải trở thành một bộ phận trọng yếu trong chiến lược văn hóa. Như vậy “Văn hóa chính trị là một loại hình văn hóa, là một phương diện hợp thành của văn hóa trong xã hội có giai cấp và nhà nước. Văn hóa chính trị nói lên phẩm chất đạo đức, lối sống và nhân cách của con người trong hoạt động và ứng xử chính trị” [5]

 

  1. Ý thức văn hóa chính trị của sinh viên

“Sinh viên là bộ phận đặc thù trong cơ cấu - giai cấp xã hội, có đặc điểm về tâm lý xã hội riêng biệt, nên ý thức văn hóa chính trị của sinh viên cũng có đặc trưng riêng, nhưng nó không tách rời ý thức văn hóa chính trị chung của giai cấp, dân tộc. Nó phản ánh đời sống chính trị - xã hội Việt Nam hiện nay” [3]

 

 Có thể khẳng định, ý thức văn hóa chính trị của sinh viên là sự hiểu biết về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. Đó là lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, thái độ quan tâm đến chính trị, các hoạt động chính trị, sự hiểu biết về nhu cầu, lợi ích chính trị trên cơ sở đó biến thành niềm tin, tình cảm và trách nhiệm của bản thân đối với sự nghiệp đổi mới đất nước.

 

  1. Các yếu tố tác động đến ý thức văn hóa chính trị của sinh viên

Trong tình hình thế giới hiện nay, các thế lực thù địch luôn tìm cách phá hoại thành quả cách mạng của Đảng và nhân dân trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực văn hóa tư tưởng, nhằm mục đích làm xói mòn niềm tin của nhân dân đối với Đảng, làm băng hoại các giá trị đạo đức, lối sống của nhân dân. Đối tượng trực tiếp là thế hệ thanh niên, trong đó có sinh viên – những chủ nhân tương lai của đất nước. Có một bộ phận nhỏ thanh niên, sinh viên có biểu hiện lối sống thực dụng, buông thả bản thân, thiếu lý tưởng, niềm tin, ít quan tâm đến tình hình chính trị của đất nước; không chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định của pháp luật; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội; tiếp thu thiếu chọn lọc văn hóa từ bên ngoài.

 

Trước những diễn biến chính trị tư tưởng và những vấn đề tiêu cực đó trong thanh niên, sinh viên đã gây nên sự lo lắng cho gia đình và xã hội. Do vậy, việc nâng cao ý thức văn hóa chính trị cho sinh viên là yêu cầu cấp thiết, góp phần hình thành lớp thanh niên, sinh viên vừa “hồng” vừa “chuyên” có bản lĩnh chính trị vững vàng để đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 

Đánh giá về công tác giáo dục chính trị tư tưởng, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII chỉ rõ: “Công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng dạy và học tập nghị quyết của Đảng chưa được coi trọng đúng mức, kém hiệu quả, nội dung và phương pháp giáo dục, truyền đạt chậm đổi mới; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nhận thức về tình trạng suy thoái, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và những hậu quả gây ra” [2].

 

  1. Giải pháp góp phần nâng cao ý thức văn hóa chính trị cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay

Đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng bằng việc chú trọng đổi mới phương pháp dạy học các môn khoa học Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

 

Tăng cường công tác rèn luyện chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống cho sinh viên qua “Tuần sinh hoạt công dân - HSSV”

 

Tăng cường vai trò hoạt động của Đoàn Thanh niên, phòng Công tác học sinh- sinh viên và các tổ chức chính trị, xã hội trong nhà trường

 

Nâng cao ý thức văn hóa chính trị cho sinh viên bằng việc yêu cầu thực hiện nghiêm túc bộ quy tắc ứng xử về văn hóa học đường

 

Tóm lại: Việc nâng cao ý thức văn hóa chính trị cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, các trường Đại học cần phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm hàng đầu trong quá trình đào tạo sinh viên. Vì vậy, ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn vững chắc, thì việc giáo dục để nâng cao ý thức văn hóa chính trị và khắc phục những hạn chế của ý thức văn hóa chính trị cho sinh viên là yếu tố không thể thiếu trong công tác đào tạo và rèn luyện. Tuy nhiên để nâng cao ý thức văn hóa chính trị cho sinh viên có hiệu quả, nhà trường cần có những quy định, chính sách và kế hoạch cụ thể, đồng thời phải thực hiện đồng bộ các giải pháp về đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức và lối sống cho sinh viên trong tình hình mới./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2].https://www.moha.gov.vn/nghi-quyet-tw4/van-ban-chi-dao/toan-van-nghi-quyet-trung-uong-4-khoa-xii-38020.html

[3]. Kỷ yếu kỷ niệm 35 năm thành lập trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (1982-2017).

[4]. Huỳnh Khánh Vinh (chủ biên) (2001), Một số vấn đề về lối sống, đạo đức, chuẩn
giá trị xã hội, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[5]. PGS, TS Nguyễn Văn Vĩnh (chủ biên) và tập thể tác giả (2011), Tập bài giảng Chính trị học, Nxb Chính trị - Hành chính, Hà Nội.

 

Đại hội Chi bộ Khoa Chính trị - Luật diễn ra thành công tốt đẹp

Tác giả: Khoa Chính trị - Luật - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Giới thiệu

Chiều ngày 10/3, tại phòng họp số 1, cơ sở Đại Nài, Đại hội Chi bộ Khoa Chính trị - Luật lần thứ V, nhiệm kỳ 2020 – 2022 đã diễn ra theo đúng hoạch.

 

Đến dự Đai hội có đồng chí Nguyễn Sỹ Minh, đại diện Ban Thường vụ Đảng ủy Trường cùng toàn thể 15 đảng viên trong Chi bộ Khoa Chính trị - Luật.

 

Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Nhàn thay mặt BCH khóa IV, nhiệm kỳ 2017 – 2020 trình bày dự thảo báo cáo chính trị Đại hội Chi bộ Khoa Chính trị - Luật nhiệm kỳ 2020 – 2022. Dự thảo báo cáo đã tổng kết những hoạt động của Chi bộ trong nhiệm kỳ vừa qua, đồng thời nhấn mạnh những kết quả đã đạt được. Bên cạnh đó, dự thảo báo cáo cũng chỉ ra những khuyết điểm, hạn chế cần phải khắc phục trong nhiệm kỳ tới. Bên cạnh đó, đồng chí Nhàn còn trình bày báo cáo kiểm điểm của BCH khóa IV, nhiệm kỳ 2017 – 2020.

 

Đại hội cũng đã giành nhiều thời gian để thảo luận, góp ý cho dự thảo văn kiện Đại hội các cấp. Ngoài ra, đảng viên trong Chi bộ còn trình bày thêm một số tham luận về các vấn đề như: kỹ năng đạo đức, lối sống cho sinh viên, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đổi mới chương trình đào tạo.

 

Đến dự Đại hội, đồng chí Nguyễn Sỹ Minh đã có những phát biểu, góp ý sâu sắc. Những phát biểu của đồng chí Minh là những gợi mở, định hướng cho nhiệm vụ cần phải thực hiện của Chi bộ Khoa Chính trị - Luật trong thời gian tới.

 

Trong không khí dân chủ, thông qua bỏ phiếu kín, Đại hội đã bầu ra BCH khóa mới. Đồng chí Nguyễn Thị Thanh Nhàn được toàn thể Đại hội tín nhiệm bầu giữ chức Bí thư Chi bộ, đồng chí Nguyễn Thị Bích Hằng giữ chức Phó Bí thư Chi bộ.

 

Đại hội Chi bộ Khoa Chính trị - Luật đã diễn ra thành công tốt đẹp, tạo đà ổn định để có bước phát triển mới trong thời gian tới.

Chị em nữ giảng viên Trường ĐH Hà Tĩnh suy nghĩ và hướng về giải thưởng Kovalevskaia

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Bích Hằng - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Giới thiệu

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 8/3, chị em nữ giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh chúng ta suy nghĩ và hướng về một giải thưởng danh giá mà chị em nữ ở các Trường Đại học, các Viện Nghiên cứu khác luôn phấn đấu để đạt được. Đó là, giải thưởng Kovalevskaia (còn được gọi là giải KOVA).


       Lịch sử ra đời của giải thường này được ghi nhận như sau [3]: Vào đầu những năm 1970, tại Trường Đại học Princeton bang New Jersey - một Trường Đại học có tiếng của nước Mỹ, diễn ra một cuộc biểu tình lớn của sinh viên chặn đường vào một viện nghiên cứu quốc phòng để phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam. Hai trăm sinh viên đã bị bắt, trong đó 30 người nhất quyết không nộp tiền phạt mà chấp nhận ngồi tù để phản đối chính phủ. Trong số các sinh viên đó có anh Neal Koblitz và chị Ann Hibner - những người sau này trở thành Tiến sĩ toán học, Tiến sĩ sử học, là đôi vợ chồng đã sáng lập ra quỹ giải thưởng Kovalevskaia.

 

        Gặp gỡ các nhà toán học Việt Nam ở các hội nghị khoa học ở nước ngoài, đặc biệt sau chuyến thăm Việt Nam năm 1978 và ba lần sau đó, anh chị Koblitz đã quyết định thành lập một quỹ giải thưởng dành cho các nhà nữ khoa học Việt Nam trong lĩnh vực tự nhiên. Quỹ mang tên nhà nữ toán học lừng danh của Nga vào thế kỷ XIX là Sophia Vacilievna Kovalevskaia. Bà là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử hiện đại đạt học vị Tiến sĩ toán học, Giáo sư Trường Đại học và Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Nga. Cuộc đời của Bà là chủ đề Luận án tiến sĩ lịch sử của chị Ann Koblitz. Cuốn luận án đã được xuất bản thành sách và Quỹ Kovalevskaia được thành lập từ số tiền bản quyền ít ỏi vài nghìn đô la đó. Sau này, quỹ tiếp tục được bổ sung nguồn từ tiền bản quyền các ấn phẩm khoa học của hai anh chị và sự đóng góp của một số nhà khoa học Mỹ tiến bộ.

 

      Bước đầu quỹ giải thưởng chỉ có ở Việt Nam, sau đó phát triển sang Nicaragua, El Salvador, Peru và Nam Phi. Mỗi năm qũy của Việt Nam xét trao giải thưởng cho hai nhà nữ khoa học xuất sắc, từ năm 1993 chuyển thành một giải cá nhân và một giải cho tập thể các nhà nữ khoa học.

 

       Mặc dù quỹ giải thưởng không lớn (mỗi giải cá nhân được nhận 1.500 đô la Mỹ bằng sách hoặc thiết bị và giải tập thể 2.500 đô la Mỹ trao bằng tiền dùng chi phí cho một đề tài khoa học), nhưng giải thưởng có ý nghĩa và là sự công nhận lớn lao đối với các nhà khoa học nữ Việt Nam. Giải thưởng Kovalevskaia đã trở thành một giải uy tín lớn trong giới khoa học Việt Nam, động viên phụ nữ Việt Nam phấn đấu vươn lên, đạt thành tích trong nghiên cứu và ứng dụng khoa học trong hoàn cảnh đất nước còn khó khăn và bất bình đẳng giới vẫn còn là thách thức lớn.

 

       Trong gần 2 thập kỷ qua, quỹ đã lựa chọn và trao giải thưởng cho 25 cá nhân và 08 tập thể. Cứ hai năm một lần, Uỷ ban giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam do Hội LHPNVN chủ trì lại tổ chức gặp mặt nữ sinh viên xuất sắc của các trường Đại học trong cả nước với các tập thể và cá nhân đã nhận giải thưởng Kovalevskaia, qua đó truyền cho các em thêm nhiều kinh nghiệm và niềm say mê khoa học của những người phụ nữ đi trước. Ngoài việc trao giải thưởng cho các nhà nữ khoa học, Quỹ Kovalevskaia còn hỗ trợ nhiều hoạt động khác cho phụ nữ Việt Nam như học bổng cho các tài năng trẻ trong khoa học; tổ chức các hội thảo Phụ nữ và Khoa học, Phụ nữ và Nông nghiệp; hỗ trợ một số trang thiết bị nghe nhìn, máy khâu cho trung tâm dạy nghề của Hội LHPNVN. 

 

       Trong số đồng nghiệp của chúng ta ở các Trường Đại học được nhận giải thưởng Kovalevskaia gần đây phải kể tới: PGS.TS. Trần Thị Luyến, Phó hiệu Trưởng Trường Đại học Thủy sản Nha Trang (2005); PGS.TS Phan Thị Tươi, nguyên Hiệu Trưởng Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh; PGS.TS. Lê Thị Thanh Nhàn,  Phó Hiệu Trưởng Đại học Khoa học, Đại học Thái Nguyên... [2]

 

          Đội ngũ nữ giảng viên Trường Đại học Hà Tĩnh chúng ta rất đông đảo với nhiều cán bộ khoa học, có nhiều nữ tiến sỹ, nhiều nữ nghiên cứu sinh và hàng chục nữ giảng viên có học vị, Tiến sĩ, Thạc sỹ rất có năng lực. Các cán bộ khoa học nữ của trường ta đã đóng góp rất nhiều trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học và công tác đào tạo khác[1]. Học tập các nữ đồng nghiệp ở các Trường Đại học khác, chúng ta phấn đấu và có quyền hy vọng rằng, trong thời gian không xa Trường Đại học Hà Tĩnh sẽ có cá nhân hoặc tập thể nữ giảng viên được vinh dự nhận giải thưởng Kovalevskaia danh giá.

 

                                       TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Cổng Thông tin của Trường Đại học Hà Tĩnh về công tác đào tạo.

[2]. Giải thưởng Kovalevskaia tôn vinh các nhà khoa học nữ,

   http//moet, gov.vn/ su kien khcn/ trao giai thuong kovalevskaia.

[3]. Sự ra đời của giải thưởng Kovalevskaia Việt Nam, Thông cáo báo chí của Ban Quan hệ Quốc tế Hội LHPN Việt Nam, ngày 3/2/2012.