Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Rèn luyện một số kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông

Tác giả: ThS. Đào Thị Thúy - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Giới thiệu

Để hoạt động rèn luyện kỹ năng sư phạm (KNSP) cho sinh viên theo đúng Thông tư số 30/2009/TT – BGDĐT ngày 20 tháng 10 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về chuẩn nghề nghiệp của người giáo viên Trung học, trong các năm học thứ ba và thứ tư sinh viên phải đến các trường THPT để tiến hành thực tập sư phạm, đây là công tác được tiến hành đều đặn theo kế hoạch đã định sẵn.

1.Rèn luyện kỹ năng thực hành sư phạm theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên Trung học

Thứ nhất, cơ sở đào tạo phải phối hợp chặt chẽ với cơ sở thực tập (trường phổ thông) để xây dựng nội dung, chương trình, kế hoạch thực tập sư phạm đáp ứng với tiêu chuẩn của một người giáo viên mà thực tiễn đòi hỏi, chính việc gắn kết này sẽ giúp sinh viên có điều kiện trải nghiệm thực tế trong giảng dạy và giáo dục ở trường phổ thông. Về công tác giảng dạy: sinh viên phải đọc kỹ nội dung trong sách giáo khoa, tập soạn giáo án khi đi dự giờ của giáo viên THPT. Sau khi dự giờ phải tiến hành tổ chức rút kinh nghiệm theo nhóm. Mỗi sinh viên dự giờ ít nhất là 10 tiết, trong đó dự giờ từ 2 đến 3 tiết dạy mẫu của giáo viên dạy giỏi. Soạn 5 giáo án và tập giảng dưới sự chỉ đạo của giáo viên hướng dẫn, sau mỗi giờ tập giảng có rút kinh nghiệm. Lên lớp dạy 2 tiết trong số 5 tiết đã tập giảng và được giáo viên hướng dẫn phê duyệt. Về công tác giáo dục, sinh viên lập kế hoạch công tác chủ nhiệm, với các công việc như: nhận bàn giao lớp chủ nhiệm, tìm hiểu đối tượng học sinh, có ít nhất 1 buổi đi thăm gia đình phụ huynh học sinh nhất là những em có hoàn cảnh đặc biệt. Giúp đỡ học sinh trên lớp, ở nhà, vui chơi, rèn luyện sức khỏe, hoạt động xã hội. Hướng dẫn chi đoàn sinh hoạt tập thể, tham quan, cắm trại, thực hiện tuyên truyền kỷ niệm về các ngày lế lớn có ý nghĩa như: ngày thành lập Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, ngày Quốc tế phụ nữ.

 

Thứ hai, cơ sở thực tập, tiếp nhận, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho sinh viên đến thực tập, bố trí giáo viên có năng lực và kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và giáo dục để hướng dẫn sinh viên, giúp các em được trải nghiệm thực tế về công tác rèn luyện KNNN có hiệu quả. Trong thời gian thực tập, sinh viên không chỉ dự giờ của giáo viên hướng dẫn mình mà phải dự giờ các giáo viên khác cùng bộ môn để có thêm kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong công tác giảng dạy và giáo dục học sinh THPT.

 

Thứ ba, giữa giảng viên Đại học và giáo viên THPT cần có những phương thức hợp tác với nhau để cùng thực hiện nhiệm vụ chung trong công tác tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra và đánh giá kết quả thực tập của giáo sinh. Giáo viên trường THPT có thể tham gia giảng dạy một số nội dung trong học phần Phương pháp dạy học bộ môn như: kỹ năng nắm bắt chương trình và lập kế hoạch dạy học và một số yêu cầu cơ bản khi thực hiện hình thức lên lớp; thực hiện các hoạt động khác như báo cáo chuyên đề, giới thiệu về chương trình phổ thông theo môn phụ trách. Giảng viên Đại học (nhất là giảng viên Bộ môn Tâm lí giáo dục và giảng viên phụ trách môn phương pháp giảng dạy) cần nghiên cứu kỹ bối cảnh dạy học ở trường phổ thông hiện nay, giúp sinh viên triển khai nghiên cứu, phân tích chương trình, sách giáo khoa môn học phụ trách hiện hành; tăng cường thực hành các kỹ năng như: kỹ năng tổ chức, quản lí dạy học, kỹ năng của một giờ lên lớp, kỹ năng lựa chọn ngôn ngữ, đặt câu hỏi, đưa ra các tình huống điển hình trong thực tiễn phổ thông vào bải giảng, kỹ năng giáo dục tích hợp trong các giờ lý thuyết, gắn lý thuyết với thực hành.

 

Có thể nói, rèn luyện KNNN cho sinh viên sư phạm được phát huy hiệu quả nhất là khi sinh viên được thực hành, được vận dụng lí thuyết vào trong thực tiễn, được tạo điều kiện tốt nhất trong sự phối hợp của cơ sở đào tạo và cơ sở thực tập, của giảng viên đại học với giáo viên phổ thông, để các em sớm bộc lộ được khả năng của mình về mọi mặt từ phẩm chất đạo đức, tri thức chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp, là con đường dẫn tới sự thành công trong sự nghiệp dạy học bộ môn và đáp ứng đúng Chuẩn nghề nghiệp của người giáo viên Trung học.

 

2.Rèn luyện kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo yêu cầu môn học

 

  Hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa là sự tiếp nối và thống nhất hữu cơ với hoạt động dạy học trong giờ chính khóa, hình thức này được tiến hành ngoài phòng học và giờ học nhưng vẫn thuộc vào chương trình môn học. Đặc trưng cơ bản của hình thức dạy học này là giúp sinh viên thâm nhập thực tế cuộc sống bằng việc quan sát thực tiễn để rút ra những bài học cần thiết, củng cố tri thức, tăng thêm niềm tin vào kiến thức khoa học của bộ môn. Ngoài ra hình thức dạy học này còn giúp sinh viên biết rèn luyện các phẩm chất tư duy quan sát, tìm tòi, phân tích, so sánh, tổng hợp các dữ kiện và rút ra kết luận từ sự khái quát thực tế. Bởi sự hỗ trợ với hình thức ngoài giờ chính khóa sẽ giúp người học thấy được môn học phong phú, sinh động, hấp dẫn, từ đó quá trình dạy học bộ môn có thêm cơ hội để đáp ứng và hoàn thành được mục tiêu đào tạo.

 

Chẳng hạn, với hình thức hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khoá trong dạy học bộ môn GDCD ở trường THPT cần được thực hiện thông qua các nội dung như: tham quan, học tập, nghiên cứu thực tế xã hội; tập hợp, sưu tầm, triển lãm và đánh giá những tư liệu dạy học; thi tìm hiểu về các vấn đề mà xã hội đang quan tâm như: bảo vệ môi trường, chính sách dân số, việc làm, các văn bản pháp luật; tìm hiểu về các tệ nạn xã hội; vấn đề chấp hành pháp luật an toàn giao thông; tham gia diễn đàn, buổi hội nghị, buổi nói chuyện thời sự, chuyên đề có nội dung phù hợp với môn học.

 

Khi thực hiện hình thức hoạt động ngoài giờ chính khóa cho người học với chủ đề tìm hiểu về vấn đề bảo vệ môi trường. Giáo viên cần tiến hành theo trình tự các bước sau:

Đưa ra chủ đề ngoại khóa

 

Chỉ ra mục tiêu về kiến thức, kỹ năng, thái độ của chủ đề ngoại khóa

 

Nội dung tiến hành ngoại khóa: Giáo viên cho người học tìm hiểu sơ lược về chủ đề ngoại khóa, với các nội dung: Khái quát chung về tình hình tài nguyên, môi trường; chỉ rõ tác hại về các nguy cơ của việc khai thác, sử dụng không hợp lí tài nguyên, môi trường; phân tích nguyên nhân, hậu quả; trên cơ sở đó đề xuất biện pháp khắc phục và đề xuất hướng giải quyết có hiệu quả nhất.  Yêu cầu người học làm bản báo cáo thu hoạch. Kết thúc thời gian ngoại khóa, giáo viên yêu cầu người học thuyết trình bài báo cáo trước tập thể lớp học, các thành viên trong nhóm, lớp phản biện, bổ sung, đóng góp ý kiến vào bản thuyết trình. Giáo viên nhận xét, đánh giá và công bố kết quả sản phẩm của người học.

 

Như vậy, hoạt động ngoài giờ chính khóa được tổ chức không chỉ đơn thuần để hỗ trợ nội dung chương trình chính khóa mà còn nhằm mục đích rèn luyện các kỹ năng cơ bản, quan trọng giúp SV tự tin trong thuyết trình, làm việc theo nhóm, quản lí, xử lí tình huống, giải quyết vấn đề, giao tiếp và tạo ra các mối quan hệ tương tác khác. Qua đó sinh viên sẽ trưởng thành hơn, biết vận dụng có hiệu quả hơn các kỹ năng vào trong học tập, cuộc sống và công việc tương lai.

 

3. Kết luận

Rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên sư phạm là một nội dung vô cùng quan trọng trong công tác đào tạo giáo viên của các trường Đại học hiện nay. Nhờ rèn luyện KNNN sinh viên sẽ được tiếp thu kiến thức một cách trọn vẹn (cả lí thuyết lẫn thực hành) nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Qua đó, sinh viên sẽ ý thức được nghề mình đã chọn và có quyết tâm không ngừng tự hoàn thiện bản thân để trở thành người giáo viên giỏi. Với sự nỗ lực học nghề của sinh viên, sự tích cực hướng dẫn rèn nghề của giáo viên, sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với cơ sở thực hành giáo dục phổ thông - là những giải pháp hữu hiệu nhất, giúp tất cả sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường không chỉ giỏi về tri thức chuyên môn mà còn thành thạo trong thực hành KNNN, thích ứng được mọi hoàn cảnh về khả năng làm việc ngày càng cao và đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông trong giai đoạn hiện nay./.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Vũ Đình Bảy, Đặng Xuân Điều, Nguyễn Thành Minh, Phương pháp dạy học môn GDCD ở trường trung học phổ thông, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2010.

 [2]. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hướng dẫn áp dụng chuẩn nghề nghiệp GV Trung học vào đánh giá GV, NXB Đại học sư phạm, 2009.

[3] Bộ Giáo dục và Đào tạo, Thông tư ban hành quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa (Ban hành kèm theo Thông tư số 04/2014/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo).

 [4]. Bộ GD& ĐT, Kỷ yếu hội thảo khoa học, Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các trường, khoa sư phạm với các trường Phổ thông và Mầm non trong công tác đào tạo, bối dưỡng giáo viên chuẩn bị triển khai chương trình giáo dục sau năm 2015. Thái nguyên, 2013.

 [5] Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Kỷ yếu hội thảo quốc tế, Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên phổ thông, cán bộ quản lí cơ sở giáo dục phổ thông và giảng viên sư phạm, Nxb Đại học sư phạm TP Hồ Chí Minh, 2017.

 

 

 

Suy nghĩ về từ "Đoàn kết" được lặp lại nhiều lần trong Di chúc của Bác

Tác giả: TS. Nguyễn Thị Bích Hằng - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Giới thiệu

 Trường Đại học Hà Tĩnh cùng với các trường đại học trong cả nước hồ hởi, phấn khởi bước vào năm học mới (2019- 2020). Một năm nhiều triển vọng song, cũng nhiều thách thức đối với thầy trò trường ta. Cùng thời gian này, toàn Đảng, toàn dân ta đang long trọng kỷ niệm 50 năm Di chúc của Bác (1969-2019).


Di chúc của Bác, tài sản vô cùng quý báu của Đảng ta, dân tộc ta có ý nghĩa lịch sử và giá trị lý luận, giá trị thực tiễn sâu sắc, không chỉ trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ mà cả trong thời kỳ đổi mới hiện nay. Có rất nhiều tư tưởng mang tính chỉ đạo trong Di chúc của Bác đang là kim chỉ nam cho hoạt động của Đảng ta. Nếu chỉ xem xét riêng tư tưởng chỉ đạo của Bác về vấn đề đoàn kết cũng thấy quan điểm chỉ đạo này đúng đắn và có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong thời đại ngày nay. Bài viết bộc bạch những suy nghĩ về từ “đoàn kết” được lặp lại nhiều lần trong Di chúc của Bác.

 

1.Từ đoàn kết được lặp lại nhiều lần trong Di chúc của Bác

 

Đoàn kết là tư tưởng lớn, xuyên suốt trong cuộc đời cách mạng của Bác Hồ. Lời giáo huấn nổi tiếng của Bác: Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết -Thành công, thành công, đại thành công đã trở thành phương châm hành động của toàn Đảng, toàn dân ta và thực sự đã phát huy cao nhất sức mạnh đại đoàn kết dân tộc để giành thắng lợi trong mọi thời kỳ lịch sử. Theo tư tưởng của Bác, đoàn kết là sức mạnh, là cội nguồn của mọi chiến thắng, của mọi thành công. Trước khi vĩnh biệt thế giới này để về cõi vĩnh hằng, trong bản Di chúc thiêng liêng để lại cho Đảng ta, dân ta và cho hậu thế muôn đời, Bác căn dặn nhiều điều, trong đó Người đặc biệt nhấn mạnh tới vấn đề đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân và đoàn kết quốc tế.

 

Trong quá tình dẫn dắt Cách mạng Việt Nam, Bác đã dùng rất nhiều lần từ đoàn kết trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh, mọi giai đoạn cách mạng để nhắc nhở mọi người dân, mọi Đảng viên. Trong lời dặn dò cuối đời với Đảng và dân, Bác đã nhắc lại nhiều lần từ đoàn kết. Thống kê trong Bản Di chúc, Bác đã nhắc đi nhắc lại từ đoàn kết tới 8 lần, một tần suất từ được lặp lại nhiều nhất trong các từ lặp lại của Bản Di chúc ngắn gọn, súc tích của Bác. Điều đó nói lên rằng, Bác đã quan tâm và coi trọng  giá trị lớn lao của đoàn kết tới nhường nào.

 

Trong Di chúc, có ba đối tượng được Bác dặn dò trong 8 từ đoàn kết là toàn Đàng, toàn  dân và  quốc tế.  Đó là, những đối tượng chủ lực có tính chất quyết định cho thắng lợi của cuộc cách mạng trước đây và cả sau này.

 

Về đoàn kết trong Đảng

 

Chỉ trong 10 dòng nói về Đảng, Bác đã nhắc đi nhắc lại tới 5 lần từ đoàn kết để nhấn mạnh sự đoàn kết trong Đảng: “Nhờ đoàn kết (1) chặt chẽ, một lòng một dạ phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết (2), tổ chức và lãnh đạo nhân dân ta hǎng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác… Đoàn kết (3) là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết (4) nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình… Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết (5) và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau” [4 ].

 

Về đoàn kết toàn dân

Chốt lại toàn bộ ước nguyện của Bác ở cuối bản Di chúc, Bác dùng 1 từ đoàn kết nhưng bao hàm rất nhiều ý tứ sâu sắc: “ Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết (6) phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới” [4].

 

Về đoàn kết quốc tế

 

Bác rất đau lòng về sự bất hòa và những suy thoái của phong trào Cộng sản quốc tế vào thời đó. Bác dặn dò Đảng ta phải ra sức góp phần khôi phục lại khối đoàn kết quốc tế và Bác tin tưởng về sự đoàn kết của phong trào Cộng sản quốc tế. Bác dùng 2 từ đoàn kết trong câu: “Tôi mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết (7) giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình. Tôi tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết (8) lại” [4].


 2. Suy nghĩ về tư tưởng của từ đoàn kết  trong di chúc của Bác   

       

Về đoàn kết trong Đảng

 

Tư tưởng đoàn kết trong Đảng của Bác phải được hiểu là sự đoàn kết nhất trí, thống nhất trong Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức của Đảng. Đoàn kết nhất trí trong Đảng phải được xây dựng, bồi đắp trên nền tảng chủ nghĩa Marx-Lênin. Đồng thời, đoàn kết trong Đảng phải dựa trên cơ sở đường lối, chính sách  theo đúng những nguyên tắc của Đảng. Muốn có sự đoàn kết, nhất trí vững chắc, trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi; Đảng viên phải nêu cao kỷ luật tự giác, phải thực hiện tự phê bình và phê bình. Trong đó, tự phê bình và phê bình là nguyên tắc sống còn trong hoạt động lãnh đạo của Đảng. Theo tư tưởng của Bác, phê bình và tự phê bình cần có lý, có tình; phê bình một cách chân thành, thẳng thắn, trung thực, phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau, giúp nhau cùng tiến bộ, trên cơ sở cùng phấn đấu cho sự nghiệp cách mạng chung của Đảng và dân tộc.

 

Về đoàn kết toàn dân

 

Theo tư tưởng của Bác, đoàn kết toàn dân là sức mạnh, là cội nguồn của chiến thắng, của thành công. Tư tưởng của Bác đã thể hiện thành hành động cụ thể trong đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta, nhằm phát huy cao độ mọi nguồn lực, mọi tiềm năng của nhân dân, tăng cường sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Cụ thể, chúng ta đã giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên, các tầng lớp trong xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả của cách mạng trước đây và công cuộc hội nhập ngày nay.

 

Về đoàn kết quốc tế

 

Tư tưởng của Bác về đoàn kết quốc tế là định hướng quan trọng cho quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta, để Việt Nam luôn đóng góp xứng đáng vào nền hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực và thế giới. Đoàn kết quốc tế trở thành một chân lý, một phương châm hành động tất yếu, phù hợp với quy luật và sự phát triển của cách mạng. Nhân dân Việt Nam có nghĩa vụ đóng góp vào sự nghiệp đấu tranh của nhân dân thế giới. Thành quả của cách mạng trước đây và công cuộc hội nhập ngày nay là tổng hợp sức mạnh nội lực của toàn Đảng, toàn dân ta và ngoại lực là  sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế.

 

Tóm lại, tư tưởng lớn về sức mạnh đoàn kết, trong đó có đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân đoàn kết quốc tế trong Di chúc của Bác là kim chỉ nam cho mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta. Thấm nhuần và thực hiện đúng theo tư tưởng chỉ đạo này, cuộc chống xâm lược trước đây của chúng ta đã thắng lợi vẻ vang thì, trong công cuộc xây dựng phát triển kinh tế thời kỳ hội nhập chắc chắn chúng ta sẽ đạt được những thành quả vĩ đại.

                                            Tài liệu tham khảo

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[2]. Émile Durkheim (2012), Các quy tắc của phương pháp xã hội học, Tủ sách Tinh Hoa, Nxb Tri thức, Hà Nội.

[3]. Hồ Chí Minh (1969), Hồ Chí Minh tuyển tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

[4]. Hồ Chí Minh (1969), Bản Di chúc. Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.

Giảng viên Khoa LLCT tham gia tập huấn giảng dạy các môn Lý luận Chính trị theo chương trình mới

Tác giả: GVC.ThS. Nguyễn Thị Hồng Ninh - Đăng ngày: . - Đăng trong mục: Giới thiệu

Thực hiện công văn số 3283/BGDĐT- GDĐH ngày 31 tháng 7 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tập huấn giảng dạy các môn Lí luận chính trị, các giảng viên Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Hà Tĩnh đã tham gia Hội nghị tập huấn tại Đà Nẵng từ ngày 16/8 đến ngày 19/8 năm 2019.


Nội dung đợt tập huấn nhằm thực hiện kế hoạch số 525/KH-BGD ĐT ngày 19/6/2019 của Bộ Giáo dục và Đào tạo Triển khai Kết luận số 94-KL/TW ngày 28/3/22014 của Ban Bí thư về việc tiếp tục đổi mới học tập các môn Lý luận chính trị trong hệ thống giáo dục quốc dân.

 

Tham dự lớp tập huấn, các giảng viên các cơ sở giáo dục đại học được tập huấn chương trình, giáo trình mới và phương pháp dạy học các môn khoa học Mác Lê nin cả hệ chuyên và không chuyên lý luận chính trị, trình độ đại học. Chương trình, giáo trình các môn lý luận chính trị trong đào tạo đại học có sự thay đổi căn bản như sau:

 


Thứ nhất, học phần Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin nay đã chuyển thành 3 học phần, đó là Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học. Trong đó môn Triết học Mác - Lênin có thời lượng là 3 tín chỉ; môn Kinh tế hính trị Mác - Lênin có thời lượng 2 tín chỉ; môn Chủ nghĩa xã hội khoa học có thời lượng là 2 tín chỉ.

 

Thứ hai, học phần Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam chuyển thành Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam với thời lượng là 2 tín chỉ.

 


Thứ ba, học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh vẫn giữa nguyên tên gọi và số tín chỉ là 2 tín chỉ.


Cùng với sự thay đổi chương trình, giáo trình, các giảng viên Lý luận chính trị cũng được tiếp thu tinh thần đổi mới phương pháp dạy và học các môn lý luận chính trị theo hướng hiện đại, chú trọng rèn luyện kỹ năng, phát triển năng lực người học, làm cho các môn lý luận chính trị Mác Lê nin gần gũi hơn với đời sống hiện thực, tạo sự hứng thú cho người học khi học các môn khoa học Mác – Lênin.

 


Trong quá trình tham gia tập huấn các giảng viên Khoa Lý luận chính trị đã tích cực thảo luận và có nhiều ý kiến đóng góp cho ban chỉ đạo xây dựng chương trình và giáo trình.

 


Sau những đợt tập huấn, các giảng viên lý luận chính trị đã có bài thu hoạch thể hiện rõ kết quả của việc nghiên cứu, chương trình giáo trình mới . Bản thu hoạch thể hiện tính nghiêm túc, trách nhiệm của cá nhân các giảng viên với công tác chuyên môn và nghề nghiệp.

 


Với tinh thần tập huấn nghiêm túc và hiệu quả, sau khi kết thúc đợt tập huấn, các giảng viên Khoa Lí luận chính trị của Trường Đại học Hà Tĩnh sẽ báo cáo nội dung chương trình tập huấn đến Ban Giám hiệu nhà trường, tới từng giảng viên của khoa, nhanh chóng xây dựng đề cương môn học, soạn giáo án, đề cương bài giảng triển khai áp dụng giảng dạy các môn Lí luận chính trị theo chương trình và giáo trình mới trong năm học 2019 - 2020.