Một số khó khăn trong đào tạo theo học chế tín chỉ ở các trường đại học hiện nay
Đào tạo theo học chế tín chỉ là một trong 7 bước đi quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục đại học của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020. Về cơ bản, các trường Đại học ở nước ta đã và đang áp dụng đào tạo theo học chế tín chỉ song cách thức thực hiện khác nhau theo từng vùng miền, từng trường cụ thể và đều gặp nhiều khó khăn nhất định. Công tác tổ chức, quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; vai trò của giáo viên cố vấn; người dạy và người học; công tác đánh giá sinh viên;...- Đó là những góc nhìn chính của tác giả bài viết với vai trò Cán bộ giảng dạy, giáo viên cố vấn và tư cách quản lý trong quá trình thực hiện học chế tín chỉ tại trường đại học hiện nay.
Cụm từ “đào tạo tín chỉ nửa vời” vẫn thường được nhắc đến bởi chúng ta vẫn còn nhập nhằng giữa đào tạo theo niên chế và tín chỉ, hầu hết thầy cô cũng như sinh viên vẫn chưa thích ứng hoàn toàn được nên việc học tập tốt hơn rất khó. Học tín chỉ thì mối quan hệ giữa sinh viên và Khoa, giữa sinh viên và sinh viên trong cùng một Khoa cũng ít đi, không được chặt chẽ nhiều nữa. Vai trò của các giáo viên cố vấn cũng chưa thực sự dành được nhiều thời gian để tham gia vào hầu hết các hoạt động của lớp, gắn kết của sinh viên qua các hoạt động học tập và hoạt động phong trào hạn chế hơn so với đào tạo theo hệ niên chế... Nhiều môn học chưa hấp dẫn sinh viên, thời lượng giảng dạy của giáo viên cũng như giờ lên lớp của sinh viên bị rút ngắn lại, học theo kiếu “vừa học vừa chạy”. Ý thức tự học của nhiều bạn vẫn chưa cao, các bạn ít đọc tài liệu, ít chuẩn bị bài ở nhà, còn thụ động trong học tập, còn phụ thuộc nhiều vào thầy cô. Tài liệu, giáo trình cho ngành học còn hạn chế, một số cơ sở vật chất phục vụ cho học tập còn thiếu và chưa đảm bảo. Thậm chí, nhiều bạn không biết cách đăng ký học phần dẫn đến tình trạng nợ rất nhiều tín chỉ và không hoàn thành số tín chỉ cần thiết – đã có một số trường hợp bị đuổi học do không hoàn thành số tín chỉ vì đơn giản sinh viên chưa nắm vững quy chế đào tạo, nghĩ rằng sẽ học vào kỳ sau!! Những khó khăn trong đào tạo tín chỉ là điều không thể tránh khỏi, để nâng cao hiệu quả đào tạp tín chỉ chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận ở một số khía cạnh sau:
Thứ nhất: Cách lựa chọn học phần và phương pháp học
Mỗi người cần tự lên cho mình một bảng thời gian học và quan trọng hơn là phải tự nghiên cứu kỹ xem mình cần bao nhiêu tín chỉ ngành bắt buộc, ngành tự chọn để đăng ký học phần cho hợp lý, phù hợp với khung chương trình đào tạo của ngành. Hoạch định kế hoạch học tập chung, bổ sung những kiến thức cần thiết, những kỹ năng mềm, ngoại ngữ, tin học liên quan chuyên nghành học. Đặc biệt, sinh viên cần hiểu rõ cách dạy của các thầy cô của mình để có thể có phương pháp tiếp thu tốt nhất kiến thức mà thầy cô truyền đạt. Trong học tín chỉ chúng ta sẽ làm quen với việc làm việc theo nhóm. Mỗi người phải tích cực học nhóm để cùng hỗ trợ nghiên cứu và đào sâu các vấn đề trong học tập, mỗi người phải làm việc và không được ỷ lại, không thể có ý nghĩ theo kiểu “vắng cô thì chợ vẫn đông”, bởi đó sẽ là thiệt thòi cho chính chúng ta. Để trau dồi thêm vốn kiến thức của mình, sinh viên nên tham gia vào các khoá học, các câu lạc bộ giúp bạn nâng cao chuyên môn, các kĩ năng mà đôi khi bạn không thể học được ở trường như các buổi hội thảo kỹ năng mềm do Đoàn trường tổ chức.
Thứ hai: Đánh giá cách chấm điểm rèn luyện
Mỗi sinh viên căn cứ vào kết quả rèn luyện, tự đánh giá theo mức điểm chi tiết do trường đưa ra. Bảng đánh giá xếp loại rèn luyện do bản thân mỗi người tự đánh giá trước rồi mới nộp lên lớp, lên Khoa nên đa số các bạn đều cho mình điểm tối đa trong các mức điểm của các tiêu chí xếp loại đưa ra, vì thế nên kết quả rèn luyện thường rất cao, đa số là Tốt. Sinh viên trong lớp thường toàn tự đánh giá 80, 90 điểm trở lên. Bạn bè trong lớp lại có xu hướng bênh vực, bao che cho nhau. Chẳng ai quan tâm đến phiếu đánh giá của người kháchết – Đó là thực tế chúng ta cần thừa nhận. Có những mục về ý thức học tập thì khi làm bảng đánh giá kết quả thi học kỳ chưa có nên trong một số mục nhỏ như “không thi lại môn nào” thì làm sao biết được khi sinh viên chưa thi xong mà có thể đánh giá, vì thế thường mục này các bạn điểm tối đa. Một số mục như ý thức tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, chính trị xã hội nhiều và thang điểm quá cao. Trong khi việc tham gia này phụ thuộc vào nhiều điều kiện khách quan và chủ quan, tùy thuộc vào năng lực và sở thích của mỗi người.
Thứ ba: Vai trò của giáo viên cố vấn
Giáo viên chủ nhiệm hay Giáo viên cố vấn lớp nên thường xuyên quan tâm đến lớp hơn. Nên mỗi tháng lên lớp 1 lần (nếu không có tiết dạy tại lớp) để quan tâm, đánh quả học tập và rèn luyện của lớp trong thời gian qua, đồng thời đưa ra các phương pháp học tập và rèn luyện tốt hơn trong thời gian tiếp theo. Giáo viên chủ nhiệm có vai trò rất mờ nhạt, rất ít khi lên lớp, trừ trường hợp có tiết dạy mới lên, mặt khác còn không thuộc hết tên sinh viên trong lớp nên việc nắm rõ kết quả rèn luyện của từng người để nhận xét vào phiếu đánh giá cuối kỳ là rất khó và không khách quan. Việc kết hợp giữa điểm rèn luyện và kết quả học tập để xếp loại học lực hay xét học bổng còn mang tính chủ quan và không nhận được sự đồng tình từ sinh viên.
Cuối cùng: Công tác tổ chức, quản lý, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học.
Để chuyển đổi sang phương thức dạy theo tín chỉ cần phải xây dựng lại chương trình khung, chương trình chi tiết, điều này tốn nhiều thời gian, công sức. Cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo theo tín chỉ cần hiện đại, đặc biệt là hệ thống thư viện, các phòng học lớn, phòng nghỉ cho sinh viên…chúng ta vẫn chưa đảm bảo điều kiện đó. Với sự phức tạp của công tác quản lý trong phương thức đào tạo theo học chế tín chỉ, đòi hỏi nhà trường phải có phần mềm quản lý. Thực tế, phần mềm quản lý gặp một số vấn đề nên ít nhiều còn ảnh hưởng đến cả quá trình đào tạo tín chỉ hiện nay. Có trường hợp giáo viên đến lớp thì không có sinh viên đến học vì sinh viên không đăng ký học phần hoặc gặp trục trặc về kỹ thuật nên sinh viên không thấy thông báo về lịch học trên mạng. Đến khi, môn học khác, sinh viên đến lớp chờ đợi nhưng không thấy giáo viên đến mà cũng không biết lý do vì sao… Về trang thiết bị dạy học vẫn còn nhiều hạn chế. Ở một số trường có điều kiện về cơ sở vật chất đã có trang bị máy chiếu và máy tính tại lớp học nên tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên nhưng cũng không tránh khỏi những sự cố về kỹ thuật. Chính gặp khó khăn về trang thiết bị cơ sở vật chất nên bản thân người dạy đã sáng tạo về cách dạy sao cho không có đủ “đồ nghề” nhưng vẫn hoàn thành nội dung bài giảng…
Như vậy, thiết nghĩ trong các trường học nói chung luôn cần có những hội thảo khoa học hoặc những buổi trao đổi chuyên môn đề đánh giá đúng những tồn tại trong đào tạo theo hình thức tín chỉ để từ đó có hướng nhìn nhận đúng đắn, giúp cho quá trình dạy và học đạt kết quả tối ưu. Đó chính là diễn đàn trao đổi thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học, các cán bộ giảng viên và sinh viên để chúng ta cùng nhìn nhận nhằm đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực từ những khó khăn nêu trên, để cùng đề ra những cách thức mới hoạt động phù hợp để thực hiện đào tạo theo học chế tín chỉ đạt hiệu quả cao hơn, tốt hơn.
Tin mới
- Bức thư tình của Nhà triết học - 15/02/2017 07:54
- Ý nghĩa của hoạt động mua bán doanh nghiệp đối với thị trường Việt Nam - 21/01/2017 12:25
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng và truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam cho sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh - 11/01/2017 01:17
- Sinh viên trước những thách thức về việc làm đối với nguồn nhân lực Việt Nam có trình độ đại học, cao đẳng trong môi trường AEC - 09/01/2017 08:38
- “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên - 25/12/2016 14:10
Các tin khác
- Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng tính kỷ luật trong quân đội - 02/12/2016 09:56
- Chức năng, giá trị của pháp luật nhìn dưới góc độ xã hội - 22/11/2016 15:22
- Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên - 07/11/2016 08:49
- Tôn sư trọng đạo – một truyền thống giáo dục tốt đẹp của dân tộc Việt Nam - 31/10/2016 03:14
- Thay đổi phương pháp dạy học trong thời kỳ bùng nổ mạng Internet - 24/10/2016 05:23