Sinh viên trước những thách thức về việc làm đối với nguồn nhân lực Việt Nam có trình độ đại học, cao đẳng trong môi trường AEC
Sự ra đời của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đã đánh dấu sự hòa nhập toàn diện của các nền kinh tế Đông Nam Á. Sự thỏa thuận giữa các nước AEC trong việc công nhận giá trị tương đương của các chứng chỉ đào tạo có chất lượng thuộc 8 ngành và sự cho phép lao động tự do di chuyển trong phạm vi các nước trong cộng đồng kinh tế này không chỉ tác động mạnh mẽ đến lao động Việt Nam mà còn đến các cơ sở đào tạo, trong đó đặc biệt là các trường đại học, cao đẳng. Đối với lao động có trình độ đại học, cao đẳng ở nước ta, thách thức lớn nhất là cơ hội việc làm bị cạnh tranh bởi lao động nước ngoài sẽ di chuyển đến Việt Nam làm việc trong tương lai. Điều đó lại đặt ra yêu cầu các trường đại học, cao đẳng cùng sinh viên theo học phải sớm có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về AEC và thực hiện các giải pháp có hiệu quả thiết thực để sản phẩm đào tạo đáp ứng được các tiêu chuẩn về nguồn nhân lực hội nhập quốc tế, trước hết là hội nhập trong AEC.
1. AEC và thách thức đối với nguồn nhân lực Việt Nam có trình độ đại học, cao đẳng
1.2. Thách thức từ AEC
“Đến nay, AEC đã đạt được các Thỏa thuận về Công nhận tay nghề tương đương (Matual Recognition Arrangements - MRAs) đối với 8 nhóm ngành nghề là: Kế toán, Kĩ sư, Khảo sát, Kiến trúc, Điều dưỡng, Dịch vụ y tế, Dịch vụ nha khoa, Du lịch. Đây là những ngành thuộc nhóm lao động có chất lượng. Ngoài ra, các chuyên gia và thợ lành nghề, là những người được đào tạo từ đại học trở lên, thành thạo ngoại ngữ (đặc biệt là tiếng Anh) được di chuyển tự do hơn trong AEC”[1]. Đây là cơ hội cho lao động Việt Nam trong 8 lĩnh vực trên có thể sang các nước trong AEC làm việc. Người lao động trong nước ta có thêm cơ hội tìm được việc làm hợp pháp cho mình, không chỉ ở trong nước mà mở rộng phạm vi ra cả 9 nước ASEAN khác, ngoài thị trường truyền thống như Malaysia, Singapore còn có Philippine, Thái Lan, Brunei…
Tuy nhiên, thách thức cũng rất lớn vì cơ hội đó không chỉ dành cho lao động Việt Nam mà chia đều cho 10 nước trong AEC tạo nên sự cạnh tranh giữa các nước. Điều đó đặt ra thách thức lớn cho sinh viên trong việc tìm kiếm việc làm sau khi ra trường bởi theo các thỏa thuận, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia thợ bậc cao, trong đó nhân lực đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh) sẽ được di chuyển tự do hơn trong các nước thuộc AEC. Trong thị trường lao động chung của 10 quốc gia ASEAN, lao động Việt Nam sẽ đối mặt với sự cạnh tranh lớn hơn từ lao động nước sở tại và các nước khác có nhu cầu tìm việc trên cùng thị trường. Mỗi nước trong khu vực sẽ thiết lập hàng rào kỹ thuật riêng để hạn chế dòng lao động nước ngoài không đủ điều kiện và bảo hộ lao động trong nước nên không dễ dàng để lao động Việt Nam tự do di chuyển. Sự không tương ứng về kỹ năng của người lao động trong các ngành nghề đỏi hỏi kỹ năng cao giữa các nước thuộc AEC cũng là một thách thức lớn không chỉ đối với lao động Việt Nam nhưng thách thức này đối với lao động Việt Nam có trình độ đại học, cao đẳng là lớn hơn bởi thực tế cho thấy lao động có trình độ đại học, cao đẳng Việt Nam chưa tương thích với lao động có trình độ tương đương ở nhiều nước khác trong AEC về kiến thức, kỹ năng tay nghề, kỹ năng mềm và thái độ làm việc. Bên cạnh đó, hiện nay, lao động có tay nghề và kỹ năng cao thường di chuyển đến các nước như Malaysia, Singgpore, Thái Lan, lao động có trình độ, kỹ năng thấp di chuyển trong phạm vi các nước ASEAN còn lại.
Việt Nam là một thị trường đầy tiềm năng với dân số đông, nhu cầu tiêu thụ hàng tiêu dùng và dịch vụ rất lớn. Các nước phát triển hơn trong ASEAN đã nhận thấy điều đó nên đã có chiến lược đầu tư mạnh mẽ vào Việt Nam để không chỉ di chuyển hàng hóa, dịch vụ, vốn, kỹ thuật sang Việt Nam mà cả nguồn lao động chất lượng cao, trong đó đặc biệt là các kỹ sư, kỹ thuật viên, chuyên gia, nhà khoa học sáng chế và nhà quản lý giỏi. Điều này sẽ biến chúng ta từ người chủ trở thành người làm thuê ngay trên mảnh đất của mình. Và hơn thế nữa, trong tương lai không xa, khi Hiệp định TPP có hiệu lực vào năm 2018, không chỉ các tập đoàn kinh tế Thái Lan và các nước trong ASEAN mà nhiều tập đoàn thuộc các nước Châu Á - Thái Bình Dương sẽ thâu tóm thị trường Việt Nam và di chuyển nhân sự sang làm việc. Lúc đó vị trí làm thuê của lao động bản địa Việt Nam trong đó đặc biệt là lao động có trình độ đã qua đào tạo cũng sẽ bị cạnh tranh khốc liệt.
1.2. Thách thức từ bên trong nguồn lao động Việt Nam có trình độ đại học, cao đẳng
Việt Nam có lợi thế về nguồn lao động trẻ đông đảo, năng động, khéo tay, chăm chỉ có thể cạnh tranh với các nước trong khu vực về lao động phổ thông. Tuy nhiên, trên thực tế, chất lượng nguồn nhân lực nói chung và chất lượng nguồn nhân lực đã qua đào tạo nói riêng vẫn còn thấp và có khoảng cách khá lớn so với các nước trong khu vực. “Nếu lấy thang điểm 10 để đo chất lượng nguồn nhân lực thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm, xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của Ngân hàng thế giới (WB), trong khi đó, Thái Lan, Malaysia lần lượt đạt 4,94 điểm và 5,59 điểm; (Hàn Quốc đạt 6. 91 điểm, Ấn Độ đạt 5,76 điểm)”
Đó cũng là lý do chính khiến năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á - Thái Bình Dương (thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật Bản 11 lần và thấp hơn Hàn Quốc 10 lần). So với các nước trong AEC thì năng suất lao động của Việt Nam cũng rất thua kém: bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.
Bên cạnh đó, cơ cấu trình độ nhân lực của lao động Việt Nam có nguy cơ gia tăng bất cập, khi tỷ lệ lao động gián tiếp (tốt nghiệp đại học trở lên) lại cao hơn nhiều so với những người lao động trực tiếp (trình độ sơ cấp, trung cấp). Cơ cấu trình độ nhân lực lao động Việt Nam hiện này (Quý II/ 2015) là 01 đại học trở lên - 0,35 cao đẳng - 0,65 trung cấp - 0,4 sơ cấp. Trong khi đó, theo quy luật, những người lao động trực tiếp có trình độ trung cấp, sơ cấp phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp. Đó chính là hiện tượng thừa thầy thiếu thợ đang diễn ra phổ biến trên thực tế ở nước ta trong nhiều năm lại nay.
Theo Báo cáo đánh giá của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2014, Việt Nam rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Phần lớn người sử dụng lao động cho biết, tuyển dụng lao động là một công việc khó khăn vì các ứng cử viên không có kỹ năng phù hợp.
Sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ, tâm lý và cả ngoại ngữ để sẵn dàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam cũng chưa đầy đủ và chưa đạt yêu cầu. Kể cả những lao động đã làm việc cho các công ty Việt Nam đóng ở trong nước đã có kinh nghiệm khi di chuyển sang làm việc cho các công ty của các nước ASEAN cũng chưa thích ứng được với môi trường làm việc ở nước ngoài. Về ngoại ngữ, trình độ tiếng Anh của lao động có trình độ Việt Nam còn yếu kém, mặc dù đã được đào tạo qua 3 - 5 năm cao đẳng, đại học; có rất ít người lao động học các ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia… trong quá trình học ở bậc phổ thông và ở bậc cao đẳng, đại học.
2. Giải pháp về phía sinh viên nhằm góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo thời kỳ hội nhập
Một là, sinh viên ngay từ năm học đầu tiên phải tự trang bị cho mình kiến thức về hội nhập nói chung, về hội nhập trong AEC nói riêng. Điều này giúp sinh viên hiểu rõ những cơ hội và thách thức về việc làm của mình sau này và từ đó có tư duy hội nhập, có tâm thế sẵn sàng hội nhập, sẵn sàng cạnh tranh với lao động nước ngoài có trình độ đào tạo tương đương với mình và sẵn sàng di chuyển đến các nước khác trong AEC cũng như các nước châu Á và ngoài châu Á để tìm kiếm cơ hội việc làm khi đã trang bị đầy đủ về kiến thức, tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ và văn hóa sống. Sau khi đã có kiến thức về hội nhập, sinh viên phải thay đổi cách nghĩ, từ tiêu cực sang tích cực rằng mình là lao động đã qua đào tạo, có trình độ cao thì cơ hội của mình sẽ lớn hơn nhiều lao động chưa qua đào tạo; đồng thời ý thức được rằng bên cạnh thách thức về cạnh tranh việc làm đến từ lao động các nước AEC muốn di chuyển đến Việt Nam thì đây lại là cơ hội việc làm lớn của “thị trường lao động mở”. Hơn thế nữa, sinh viên phải thấy được cơ hội tốt từ hội nhập AEC đó là việc nguồn nhân lực nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam hoặc nhân lực Việt Nam ra nước ngoài (trong đó sẽ có mình) sẽ là một trong những điều kiện tốt cho mình nâng cao kỹ năng và tác phong lao động phù hợp với yêu cầu mới của xã hội và hội nhập quốc tế. Từ đó sinh viên mới xác định đúng đắn mục tiêu học tập, mục tiêu nghề nghiệp của mình trong tương lai; không ngừng tự học, tự rèn luyện, tự trang bị cho mình những kiến thức, khả năng, năng lực, kỹ năng cần thiết của nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với tiêu chuẩn chung của AEC. Bên cạnh đó, việc “tìm hiểu đẩy đủ về văn hóa, con người các nước Đông Nam Á cũng sẽ giúp các bạn sinh viên sau khi ra trường đi xin việc ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng và dễ dàng hòa nhập trong môi trường làm việc mới”.
Hai là, sinh viên phải có ý thức trách nhiệm cao về cuộc đời và nghề nghiệp của bản thân trong tương lai ngay từ khi lựa chọn học tại các trường đại học, cao đẳng. Sinh viên, những lao động trẻ có trí tuệ và trình độ chuyên môn cao trong tương lai ngay từ trong quá trình được nhà trường đào tạo phải tự mình đầu tư cho mình về thời gian, sức khỏe, trí lực và tâm huyết để không ngừng nâng cao kiến thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, kỹ năng, ngoại ngữ, tin học. Muốn thành công trong môi trường cạnh tranh, sinh viên phải có có ý thức mở rộng kiến thức nghề nghiệp, nâng cao năng lực tuy duy khoa học độc lập, lao động sáng tạo, phát huy sáng kiến, áp dụng công nghệ mới, bổ sung thêm những kiến thức, kỹ năng làm việc ngoài chuyên môn đào tạo… để trở thành nhân lực có tri thức, có bản lĩnh, vững vàng hội nhập.
Ba là, sinh viên cần tập trung hình thành và phát triển các tiêu chuẩn chất lượng của một sinh viên trong thời kỳ hội nhập. Trong quá trình được đào tạo tại các trường cao đẳng, đại học, ngoài việc học có kết quả từ khá trở lên các môn học và rèn luyện tốt về đạo đức, thể chất thì sinh viên cần thiết phải hướng quá trình học, nghiên cứu và tự học, tự nghiên cứu vào việc hình thành các tiêu chuẩn chất lượng của nguồn nhân lực có trình độ cao đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp sau khi ra trường. Những tiêu chuẩn chất lượng đó là: 1. Kiến thức chuyên môn, kiến thức tổng hợp, 2. Kỹ năng thực hành chuyên môn; 3. Kỹ năng mềm (đặc biệt là kỹ năng giao tiếp và kỹ năng làm việc nhóm); 4. Kỹ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động; 5. Năng lực ứng dụng tin học và sử dung tốt 01 ngoại ngữ; 6. Hiểu biết cụ thể về thị trường lao động và pháp luật lao động.
Sinh viên phải thể hiện được tinh thần dấn thân, tự tin chứ không nên tự kiêu về trình độ, bằng cấp, không nên tự ti nhưng cũng không nên quá mơ mộng vượt xa khả năng của mình và xa thực tế. Sinh viên cần phải tập trung học tập và rèn luyện nghề nghiệp theo định hướng đáp ứng yêu cầu của xã hội và phù hợp với năng lực cũng như sở thích của bản thân
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN
[1]. Tô Ngọc Hằng (2016), Tác động của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đối với giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt, tháng 3/2016
[2]. Lê Văn Luận (2016), Đào tạo gắn với hội nhập, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc gia “Đổi mới công tác đào tạo ở các trường cao đẳng, đại học trong thời kỳ hội nhập quốc tế”, Trường CĐSP Thừa Thiên Huế, tháng 6/2016
[1] Tô Ngọc Hằng (2016), Tác động của cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) đối với giáo dục nghề nghiệp Việt Nam, Tạp chí Giáo dục, số đặc biệt,trang 188, tháng 3/2016
Tin mới
- Vận dụng nghị quyết đại hội XII của Đảng vào giảng dạy chương V: Đường lối xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, môn Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam - 14/03/2017 09:19
- Những khó khăn, thách thức và triển vọng xây dựng cộng đồng văn hóa-xã hội Asean (ASSC) - 15/02/2017 08:11
- Bức thư tình của Nhà triết học - 15/02/2017 07:54
- Ý nghĩa của hoạt động mua bán doanh nghiệp đối với thị trường Việt Nam - 21/01/2017 12:25
- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục phẩm chất đạo đức cách mạng và truyền thống lịch sử dân tộc Việt Nam cho sinh viên trường Đại học Hà Tĩnh - 11/01/2017 01:17
Các tin khác
- “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong công tác giáo dục lý luận chính trị cho sinh viên - 25/12/2016 14:10
- Một số khó khăn trong đào tạo theo học chế tín chỉ ở các trường đại học hiện nay - 25/12/2016 13:57
- Chủ tịch Hồ Chí Minh với việc xây dựng tính kỷ luật trong quân đội - 02/12/2016 09:56
- Chức năng, giá trị của pháp luật nhìn dưới góc độ xã hội - 22/11/2016 15:22
- Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên - 07/11/2016 08:49