Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Những khó khăn, thách thức và triển vọng xây dựng cộng đồng văn hóa-xã hội Asean (ASSC)

Tác giả: Th.S Đường Thế Anh - Đăng ngày: .

Ngày 22/11/2015 tại Kua-la Lum-pơ (Ma-lai-xia), lãnh đạo Cấp cao ASEAN phê duyệt  kế hoạch tổng thể Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (ASCC) 2025 với mục tiêu xây dựng một cộng đồng các dân tộc ASEAN hài hòa, đoàn kết, đùm bọc và chia sẻ, hướng tới người dân, chăm lo cho thể chất, phúc lợi, môi trường sống ngày càng tốt hơn của người dân và tạo dựng một bản sắc chung của khu vực.

Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN (ASCC) tiếp tục khẳng định: “trọng tâm của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN là cam kết nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thông qua các hoạt động hợp tác hướng vào người dân, thân thiện với môi trường và hướng tới thúc đẩy phát triển bền vững”. Sau một năm thực hiện đã phần nào đáp ứng được nguyện vọng của người dân các nước ASEAN đem đến một tương lai tươi sáng để giúp ASEAN phát triển ngày càng bền vững.

Xây dựng bản sắc ASEAN và nâng cao ý thức cộng đồng, ASEAN chú trọng gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của khu vực, thúc đẩy trao đổi văn hóa, giao lưu nhân dân, đề cao nguyên tắc thống nhất trong đa dạng, tăng cường sự hiểu biết và chia sẻ giữa người dân về văn hóa, lịch sử, tôn giáo. Cộng đồng văn hóa – xã hội (ASCC) có vai trò đặc biệt quan trọng. Ngoài những thuận lợi thì việc xây dựng ASCC cũng gặp rất nhiều khóa khăn, thách thức. Ở bài viết này chúng tôi chỉ đề cập đến những khó khăn, thách thức, các nhóm sáng kiến mà Việt Nam thực hiện và triển vọng hợp tác ASCC trong tương lai gần.

1.1. Những khó khăn,  thách thức

Ngoài những thuận lợi thì quá trình xây dựng ASCC đang gặp phải nhiều khó khăn và thách thức không nhỏ đòi hỏi sự nổ lực rất lớn của các quốc gia ASEAN.

Thứ nhất, sự khác biệt về chế độ chính trị và hệ tư tưởng giữa các nước ASEAN là một trở ngại không dễ gì vượt qua. Điều này có thể tạo ra phân cực chính trị hay duy trì tình trạng lỏng lẻo trong liên kết các xã hội ASEAN.

Thứ hai, sự tồn tại nhiều cấp độ dân chủ và sự quá đa dạng về tôn giáo, sắc tộc sẽ ít nhiều cản trở liên kết văn hóa - xã hội trong ASEAN.

Thứ ba, các chương trình hợp tác và liên kết đã tạo điều kiện để các quốc gia thành viên hiểu biết sâu sắc hơn về bản sắc và truyền thống văn hóa của các dân tộc, đó là thuận lợi căn bản cho việc xây dựng liên kết văn hóa - xã hội ASEAN.

 Thứ tư, ASEAN đã có các cơ chế thúc đẩy hợp tác và không ngừng được hoàn thiện. Hiến chương ASEAN đã ra đời, các hội đồng Cộng đồng đã được thành lập, và các Kế hoạch tổng thể và Đề cương cụ thể xây dựng  ASCC đang được triển khai, đó là những nền tảng cơ bản cho niềm tin vào hiện thực.

Thứ năm, Sự tác động của các nước lớn ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các nước ASEAN  

Thứ sáu, Sự kiện Brexit thử thách tinh thần đoàn kết và sự chia sẽ về lợi ích đối với Cộng đồng ASEAN.

Các thách thức này không thể giải quyết bằng nỗ lực của mỗi quốc gia riêng lẻ mà đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế. Để tiến tới được Cộng đồng ASEAN là khó khăn, nhưng với quyết tâm, ASEAN hiểu rõ rằng không có sự lựa chọn nào khác là phải gắn kết, dùng sức mạnh tập thể đối trọng lại các sức ép bên ngoài. Bên cạnh những khó khăn, thách thức, ASEAN cũng có nhiều điểm thuận lợi để thực hiện ước mơ tiến tới Cộng đồng. Để tạo nên sự đồng thuận và nhất trí cao cần phát huy “sức mạnh mềm” đó chính là xây dựng Cộng đồng văn hóa xã hội ASSC.

1.2. Sáng kiến của Việt Nam trong việc giải quyết những khó khăn, thách thức hình thành Cộng đồng văn hóa ASCC

 

Trải qua hai thập kỷ gia nhập ASEAN, Việt Nam đã và đang thực hiện đầy đủ, có trách nhiệm nghĩa vụ của mình, góp phần quan trọng vào sự phát triển và thành công của ASEAN. Điều đó được thể hiện ở việc tham gia sâu, rộng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực hợp tác của ASEAN, trong đó, các hoạt động hợp tác trong trụ cột Cộng đồng - Văn hoá Xã hội nói chung, trong lĩnh vực lao động và xã hội nói riêng đã đạt được kết quả, thành công đáng kể và hứa hẹn những triển vọng tốt đẹp trong tương lai. Nhận thức rõ các thách thức và khó khăn trong việc xây dựng một Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN, các nước ASEAN trong đó có Việt Nam đã đưa ra các nhóm sáng kiến ưu tiên, đó là:

 Nhóm sáng kiến liên quan trực tiếp đến mục đích vượt qua các thách thức, làm cho mỗi nước thành viên đều có thể hưởng lợi từ hội nhập kinh tế và giảm thiểu các tác động tiêu cực trong quá trình hội nhập kinh tế;

 Nhóm sáng kiến nhằm xây dựng các cộng đồng biết quan tâm, chia sẻ và chăm sóc lẫn nhau thông qua các mục tiêu như xoá đói, giảm nghèo; chăm sóc y tế, giáo dục, quan tâm chăm sóc các nhóm xã hội thiệt thòi như người già, trẻ em, những người ở vùng sâu, vùng xa và những người dễ bị tổn thương trong xã hội;

Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN sẽ thực hiện các biện pháp nhằm củng cố và tăng cường các cơ sở của Cộng đồng ASEAN thông qua các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về ASEAN, củng cố tinh thần đoàn kết và xây dựng bản sắc. Chủ đề chính của Cộng đồng Văn hoá- Xã hội ASEAN là chăm sóc nguồn vốn con người, nguồn vốn văn hoá và nguồn vốn tự nhiên vì sự phát triển bền vững trong một thế giới đầy cạnh tranh.

Để hướng tới Cộng đồng Văn hoá - Xã hội ASEAN, Việt Nam đã tham gia vào các chiến lược nhằm xây dựng bản sắc ASEAN, cụ thể trong 01 năm quan hệ  Việt Nam với  ASEAN và ASEAN-Việt Nam được thực hiện hết sức sôi động:

- Tổ chức các hoạt động trưng bày, triển lãm mỹ thuật, mỹ nghệ và nghệ thuật biểu diễn nhằm thúc đẩy giao lưu, hiểu biết giữa các nghệ sỹ và giữa nhân dân với nghệ thuật và nghệ sỹ.

 - Xây dựng các chương trình biểu diễn, nghệ thuật chung.

- Tổ chức các Trại thanh niên ASEAN và các hoạt động lôi kéo sự tham gia của thanh thiếu niên.

 - Tăng cường chia sẻ các giá trị chung.

- Bảo tồn và phát huy di sản văn hoá ASEAN, trong đó có việc triển khai thực hiện Tuyên bố ASEAN về di sản văn hoá.

- Khuyến khích các cuộc đối thoại giữa các nước thành viên nhằm tăng cường hiểu biết về văn hoá, văn minh và tôn giáo khu vực.

- Tiếp tục tăng cường vị thế của Việt Nam cũng như của ASEAN trong cộng đồng quốc tế thông qua sự tham gia tích cực của Việt Nam và ASEAN vào các vấn đề quốc tế và tăng cường các cơ chế thông tin và truyền thông.

Trong thời gian tới, Việt Nam đang và sẽ tham gia một số dự án hợp tác văn hoá với các nước ASEAN như : sẽ đẩy mạnh thực hiện dự án về Trao đổi công tác đào tạo nguồn nhân lực, trong dự án này mỗi nước ASEAN. Ngoài ra, Việt Nam đang xúc tiến thực hiện một số dự án về thông tin, truyền thông nhằm xây dựng hình ảnh ASEAN trong khu vực ngày càng phát triển và giàu bản sắc dân tộc.

Văn hoá đã, đang và sẽ đóng vai trò quan trọng đề cao hình ảnh của ASEAN. Không thể xây dựng một Cộng đồng ASEAN trong tương lai mà không gắn với việc giữ gìn và làm phong phú hơn những đặc trưng của văn hoá các dân tộc ASEAN, của con người ASEAN. Văn hoá giúp tạo dựng tinh thần ASEAN, từ đó khiến cho nếp nghĩ và hành động của mỗi người dân trong từng quốc gia có tính khu vực hơn. Dấu ấn quê hương của mỗi cá nhân được tạo ra trong môi trường văn hoá thấm đẫm bao bọc xung quanh từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành. Bằng sự trao đổi thường xuyên những nét đặc sắc của từng nền văn hoá, cụ thể là sự trao đổi hợp tác văn hoá đa phương ASEAN - Việt Nam và ASEAN với các nước đối thoại như Australia, Ấn Độ, New Zealand, thế hệ trẻ của các nước ASEAN không những có điều kiện được mở rộng hiểu biết, mà dần dần tạo dựng được ý thức là một thành viên của một Cộng đồng ASEAN.

1.3. Con đường phía trước xây dựng ASCC

Ngày 25/01/2016, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 161/QĐ-TTg phê duyệt Đề án xây dựng và triển khai Kế hoạch thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN đến năm 2025. Đề án được thực hiện trên cả nước với mục tiêu thúc đẩy việc thực hiện có hiệu quả ở cấp quốc gia các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa – Xã hội ASEAN đến năm 2025 nhằm đạt được các mục tiêu khu vực về xây dựng một cộng đồng ASEAN hướng vào người dân, lấy người dân làm trung tâm và có trách nhiệm xã hội.

            Việc xây dựng Cộng đồng văn hóa ASEAN (ASCC) đã được chính phủ Việt Nam thông qua. Điều quan trọng là ý chí thực hiện của mọi cấp, ngành để Cộng đồng ASEAN ngày càng vững mạnh, ASEAN cần sự đồng thuận và nỗ lực của tất cả các nước thành viên, từng bước đưa Tầm nhìn vào chương trình hành động cụ thể. Việc xây dựng Cộng đồng đánh dấu giai đoạn phát triển mới của hợp tác trong ASEAN. Hiệp hội đã sẵn sàng xây dựng Cộng đồng sẽ giúp ASEAN có nội lực mạnh mẽ để mở rộng hội nhập và liên kết với ngoài ASEAN, giúp ASEAN có tiếng nói và tự tin hơn trong đối thoại và hợp tác với các nước đối tác, trở thành một nhân tố không chỉ hấp dẫn mà còn quan trọng, không chỉ ở khu vực Đông Nam Á mà cả khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, xây dựng Cộng đồng ASEAN chưa phải là bước tiến cao nhất và chưa phải là điểm dừng của liên kết ASEAN.

Một năm nhìn lại mặc dù đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhưng so với yêu cầu của một Cộng đồng và trong giai đoạn phát triển mới, ASEAN vẫn còn nhiều hạn chế. Mức độ liên kết khu vực của ASEAN còn thấp, hiệu quả hợp tác chưa cao. Đồng thời, việc xây dựng Cộng đồng ASEAN phải là một tiến trình phát triển, liên tục và lâu dài. Do vậy, các quốc gia thành viên ASEAN đã nhất trí xây dựng Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN sau 2015 (giai đoạn 2016 - 2025). Trong Tuyên bố Kuala Lumpur  về “ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước”, các nhà lãnh đạo ASEAN đã khẳng định sẽ đẩy mạnh hơn nữa tiến trình liên kết khu vực cũng như đề ra những mục tiêu cần hoàn thành vào năm 2025.

Chúng ta có thể lạc quan khi nhìn về tương lai của Cộng đồng văn hóa- xã hội (ASCC), vì ASEAN đang đứng trước nhiều vận hội mới và có nhiều thuận lợi trong việc thực hiện các mục tiêu xây dựng Cộng đồng văn hóa-xã hội (ASCC).

Thứ nhất, tất cả các quốc gia thành viên đều có quyền lợi gắn liền với việc xây dựng thành công một Cộng đồng ASEAN mạnh, đoàn kết và có tiếng nói quan trọng trong các vấn đề khu vực và quốc tế lấy ASCC làm một trụ cột quan trọng.

Thứ hai, các nước ASEAN có tiềm lực kinh tế nhất định, có các nền kinh tế phát triển vào loại năng động nhất thế giới, có tài nguyên thiên nhiên phong phú, nguồn nhân lực trẻ dồi dào và vị trí địa-chiến lược quan trọng trên thế giới, vì vậy việc xây dựng cộng đồng văn hóa là xây dựng cho thế hệ tương lai của các nước ASEAN.

Thứ ba, vị thế của ASEAN với các cường quốc trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc ngày càng được nâng cao. Các nước trên thế giới đều ủng hộ việc xây dựng Cộng đồng văn hóa ASEAN mạnh mẽ và năng động.

Thứ tư, ASEAN là tổ chức duy nhất trên thế giới có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với tất cả các nền kinh tế lớn và trung bình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, ASEAN đang khẳng định vai trò trung tâm của mình trong chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, từ đó thúc đẩy giao lưu văn hóa mạnh mẽ.

Thứ năm, trước những xu hướng khó lường của thế giới đã làm cho các nước ASEAN xích lại gần nhau hơn vì lợi ích của mỗi nước.

Thứ sáu, Cộng đồng văn hóa ASCC trở thành sức mạnh mềm để cho các quốc gia hiểu biết và gần gủi nhau hơn.

Từ khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã thể hiện vai trò là thành viên có trách nhiệm, góp phần vào việc xây dựng và tăng cường sức mạnh của ASEAN. Khi hội nhập vào ASEAN thì trụ cột cộng đồng văn hóa xã hội (ASCC) được xác định là một trong những mục tiêu trọng tâm, Việt Nam chia sẻ những thành công của Hiệp hội trong chặng đường phát triển vừa qua và tiếp tục cùng ASEAN vượt qua khó khăn vì hòa bình, sự thịnh vượng cho nhân dân Việt Nam và cả khu vực. 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1] Vũ Thị Hải Anh (CB), ASEAN 40 năm nhìn lại và hướng tới, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội

[2] Trần Khánh (2008)- Tác động của tính “thống nhất trong đa dạng” đối với xây dựng cộng đồng ASEAN, Nghiên cứu Đông Nam Á (số 8)

 [3] Phạm Nguyên Long (chủ biên 1993) – Đông Nam Á trên đường phát triển, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội

 [4] Đinh Xuân Lý (2001), Tiến trình hội nhập Việt Nam – ASEAN, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội

 [5] Nguyễn Thu Mỹ (1998)- ASEAN hôm nay và triển vọng phát triển trong thế kỷ 21, Nxb Chính trị QG, Hà Nội

 [6] Vũ Dương Ninh (1997)- Hành trình hội nhập Việt Nam- ASEAN, Hội thảo quốc tế “ASEAN hôm nay và ngày mai”, Hà Nội

 [7] Vũ Dương Ninh (chủ trì 1998), Đề cương về ASEAN và quan hệ Việt Nam – ASEAN; HN

[8] Vũ Dương Ninh (chủ trì 2000), Báo cáo tình hình thực hiện và kết quả đề tài "Quan hệ Việt Nam - ASEAN"; HN

 [9] Nguyến Thị Quế, Nguyến Hoàng Giáp (chủ biên 2012), Việt Nam gia nhập ASEAN từ 1995 đến nay, thành tựu, vấn đề và triển vọng, Nxb Chính trị Quốc giasự thật Hà Nội

[10] Nguyễn Xuân Sơn (chủ biên 1996)- Một số vấn đề tổ chức ASEAN, Nxb Chính trị QG, Hà Nội

 [11] Phạm Đức Thành, Trần Khánh (chủ biên 2006), Việt Nam trong ASEAN: nhìn lại và hướng tới, Nxb Khoa học Xã hội

Các trang Wedsite.

[1].http://www.mofahcm.gov.vn/

[2].http://asean.mofa.gov.vn/

[3].http://baochinhphu.vn/

[4].http://baoquocte.vn/

 

[5].http://vienasean.ac.vn/