Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Ý nghĩa của hoạt động mua bán doanh nghiệp đối với thị trường Việt Nam

Tác giả: Dương Thị Cẩm Hằng - Đăng ngày: .

Ngày nay, trên thế giới, hoạt động sáp nhập, mua bán doanh nghiệp đang ngày càng trở nên phổ biến. Xu hướng này không chỉ phát triển ở các nước có có nền kinh tế năng động như Anh, Mĩ, Pháp mà còn nhanh chóng lan rộng ra phạm vi toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.

Bởi những tác động của tiến trình hội nhập, thời gian qua, trên thị trường Việt Nam, hoạt động mua bán doanh nghiệp đã được diễn ra dưới nhiều hình thức đa dạng, với nhiều thương vụ lớn; đem lại những lợi ích to lớn cho bản thân các chủ thể kinh doanh và tác động tích cực đến sự vận hành của thị trường.

            Trước hết, mua bán doanh nghiệp được hiểu là một giao dịch thương mại mà qua đó bên mua lại sẽ giành được quyền quản lý, điều hành hoạt động cũng như quyền sở hữu các sản nghiệp thương mại của doanh nghiệp bị mua lại. Việc mua lại doanh nghiệp có thể được tiến hành đối với một phần hoặc toàn bộ tài sản của doanh nghiệp bị mua loại, tuy nhiên quá trình này phải đủ để tạo ra khả năng để bên mua kiểm soát, chi phối toàn bộ hoặc một lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp bị mua lại.

Việc mua bán doanh nghiệp khác với việc mua bán tài sản thông thường ở chỗ, quá trình mua bán này không chỉ nhằm mục đích chuyển giao quyền sở hữu các sản nghiệp thương mại mà còn chuyển giao cả uy tín, thị phần của doanh nghiệp bị mua lại. Sau khi mua lại doanh nghiệp, bên mua có quyền tiếp tục sử dụng sản nghiệp cũng như uy tín được chuyển giao từ bên bán còn bên bán sẽ phải chấm dứt quyền sở hữu của mình đối với các đối tượng này.

Theo thông tin tại hội thảo “Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá” được Báo Đầu tư tổ chức năm 2013 thì hoạt động M&A tại Việt Nam đã tăng trưởng gấp 5 lần kể từ năm 2009, từ con số 1,08 tỷ USD lên 5,1 tỷ USD vào năm 2012 - mức tăng trưởng kỷ lục. Điều này chứng tỏ, các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đã rất quan tâm đến hoạt động mua bán doanh nghiệp và đây được coi là một trong những hoạt động đầu tư mang lại lợi nhuận cao, thúc đẩy sự phát triển sôi động của thị trường. Việc mua lại một doanh nghiệp khác sẽ giúp bên mua tiết kiệm được thời gian, công sức, tài sản để gia nhập thị trường, xây dựng thương hiệu, mở rộng thị phần cũng như xây dựng hạ tầng để phục vụ cho hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, mua bán doanh nghiệp còn thúc đẩy quá trình tái cơ cấu lại những doanh nghiệp làm ăn kém hiệu quả, tránh dẫn đến tình trạng phá sản, gây mất ổn định thị trường, tạo điều kiện để giải quyết việc làm cho người lao động. Việc chấm dứt hoạt động của một doanh nghiệp không chỉ làm ảnh hưởng đến người chủ doanh nghiệp mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến người lao động và gia đình của họ. Do đó, việc mua lại doanh nghiệp sẽ tạo cơ hội để tái tổ chức, khắc phục những hạn chế của doanh nghiệp hoạt động yếu kém, đảm bảo sự ổn định cho thị trường thương mại và thị trường lao động.

Ngoài những lợi ích nêu trên, hoạt động mua bán doanh nghiệp còn góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của các chủ thể kinh doanh; giúp doanh nghiệp mở rộng phạm vi kinh doanh từ sản phẩm, ngành nghề cho đến thị trường... 

Ở tầm vĩ mô, mua bán doanh nghiệp còn đem lại nhiều khả năng thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế nội địa. Để đầu tư vào Việt Nam, các doanh nghiệp nước ngoài thay vì phải đăng ký thành lập một doanh nghiệp mới thì hoàn toàn có thể mua lại một doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh trong nước. Cách thức này tạo ra điều kiện thuân lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài gia nhập thị trường Việt Nam một cách nhanh chóng, hiệu quả nhất; đây cũng chính là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Có thể thấy, mua bán doanh nghiệp là một trong những cách thức hiệu quả nhất để các doanh nghiệp tham gia hoặc mở rộng thị trường kinh doanh. Hoạt động này không chỉ hỗ trợ cho từng doanh nghiệp đơn lẻ mà ở tâm vĩ mô, nó còn góp phần ổn định nền kinh tế và trật tự xã hội; đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Trên thực tế, từ khi Luật Doanh nghiệp năm 1999 được ban hành, mua bán doanh nghiệp đã ngày càng trở nên phổ biến trên thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, mặc dù chúng ta đã xây dựng một hành lang pháp lý rộng mở cho hoạt động này từ Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư cho đến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khác, nhưng thực tiễn đã chỉ ra rằng, hoạt động này cũng tiềm ẩn những rủi ro đối với các doanh nghiệp cũng như môi trường cạnh tranh lành mạnh. Do đó, khi tiến hành thực hiện một thương vụ mua bán doanh nghiệp, các bên cần cân nhắc kỹ đến quyền và nghĩa vụ của mình; đồng thời, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần phải quản lý sát sao hoạt động mua bán doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp có thị phần lớn để đảm bảo rằng hoạt động này sẽ thực sự đem lại những hiệu quả thiết thực nhất cho các chủ thể tham gia cũng như cho toàn thị trường và người tiêu dùng ./.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Luật Doanh nghiệp năm 1999

[2]. Luật Doanh nghiệp năm 2014

[3]. http://maf.vn/

[4]. http://muabandoanhnghiep.info/