Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Những cống hiến to lớn của đồng chí Lê Duẩn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta (theo Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 07/4/1907 – 07/4/2017)

Tác giả: Th.S Đào Thị Thúy - Đăng ngày: .

Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tích cực triển khai Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Chỉ thị 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh  học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Nghị quyết Hội nghị BCHTW lần thứ tư (khóa XII) về Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “ tự chuyển hóa” trong nội. Đây là dịp để chúng ta ôn lại và tôn vinh công lao to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta.

1.      Đồng chí Lê Duẩn, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà lãnh đạo kiệt xuất của cách mạng Việt Nam

      Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, say mê với lý tưởng cách mạng, đồng chí Lê Duẩn sớm trở thành một chiến sĩ thuộc lớp cận vệ đầu tiên của Đảng. Vừa hoạt động cách mạng, vừa học tập, đồng chí rất say mê đọc “Đường kách mệnh” của lãnh tụ Nguyễn ái Quốc, báo Thanh niên, các tác phẩm của Mác, Ăngghen, Lênin… từng bước bồi đắp cho mình những tri thức mới, nâng cao thêm tinh thần yêu nước và ý chí cách mạng. Do được hoạt động, gần gũi với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí nhận được sự dìu dắt và chỉ đạo trực tiếp của Người. Đó là điều kiện thuận lợi để đồng chí tiếp thu và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh  trong các lĩnh vực công tác do tổ chức phân công. Quan điểm và phương pháp của đồng chí Lê Duẩn chính là thể hiện sự trung thành và phát triển sáng tạo tư tưởng, phương pháp cách mạng Hồ Chí Minh. Trải qua quá trình hoạt động cách mạng kiên cường, phong phú của mình, đồng chí đã nêu một tấm gương tiêu biểu về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh.

     Là một người giản dị, khiêm tốn, giàu lòng nhân ái, hết lòng vì Đảng, vì dân, đồng chí Lê Duẩn đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của nhân dân và cho lý tưởng cộng sản. Cuộc đời hoạt động gần 60 năm của đồng chí gắn liền với quá trình cách mạng của nước ta từ những năm 20 đến những năm 80 của thế kỷ XX. Đồng chí đã tham gia hoạt động ở cả ba miền: Bắc, Trung, Nam, từng trải mọi thử thách, gian nan, luôn luôn gần gũi cán bộ, chiến sĩ và nhân dân lao động. Từ cuối những năm 30 cho tới khi qua đời, đồng chí là một nhà lãnh đạo quan trọng của Đảng; và từ năm 1960, với cương vị là Bí thư thứ nhất, rồi Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã có những đóng góp quan trọng vào sự lãnh đạo của Đảng, đưa sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Lý tưởng và hoài bão suốt đời của đồng chí là Tổ quốc độc lập và thống nhất, dân dân có quyền làm chủ đất nước, làm chủ xã hội và làm chủ cuộc sống của mình. Vai trò lãnh đạo của đồng chí thể hiện nổi bật ở những giai đoạn cách mạng sau:

   - Năm 1939 khi được giao trọng trách Uỷ viên Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã cùng đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư của Đảng, chủ trì Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng tháng 11/1939. Hội nghị đã mở ra thời kỳ mới cho cách mạng Việt Nam: từ đấu tranh đòi quyền dân chủ, dân sinh chuyển sang đấu tranh nhằm mục tiêu trực tiếp đánh đổ chính quyền đế quốc, thực dân và phong kiến tay sai, chuẩn bị những điều kiện cần thiết tiến tới giành chính quyền về tay nhân dân. Nghị quyết hội nghị đã khẳng định những tư tưởng chiến lược của cách mạng Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định từ Hội nghị thành lập Đảng (1930). Đây là bước mở đầu của một cao trào cách mạng mới, tiến tới thắng lợi của Cách mạng tháng Tám 1945.

    - Trong thời kỳ chống thực dân Pháp, trên cương vị là Phó bí thư rồi Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ và từ sau Đại hội II của Đảng (1951) là Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương cục miền Nam, đồng chí đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao phó là trực tiếp chỉ đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ở Nam Bộ. Đồng chí Lê Duẩn đã vận dụng sáng tạo đường lối, phương châm kháng chiến do Trung ương Đảng đề ra, cùng với Xứ uỷ Nam Bộ, Trung ương Cục miền Nam, giải quyết một loạt vấn đề quan trọng: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, thống nhất các lực lượng vũ trang, chia ruộng đất cho nông dân nghèo, củng cố liên minh công nông, phát huy sức mạnh to lớn của Mặt trận dân tộc thống nhất, động viên mọi tầng lớp nhân dân đứng lên chống giặc cứu nước. Quân và dân Nam Bộ đã anh dũng kháng chiến, làm thất bại hoàn toàn mục đích đánh chiếm Nam Bộ, tách Nam Bộ khỏi Việt Nam, lấy đó làm bàn đạp để thôn tính cả nước ta. Từ thành công của kháng chiến ở Nam Bộ, Đảng ta đã rút ra những bài học kinh nghiệm quý báu cho cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

   - Trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, trên cương vị Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng ở vào một thời điểm lịch sử đầy thử thách cam go và nặng nề, cùng một lúc phải thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược của dân tộc là xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, đương đầu với một đế quốc có tiềm lực quân sự và bộ máy chiến tranh khổng lồ, đồng chí Lê Duẩn là người chịu trách nhiệm chủ yếu trước Đảng về phong trào cách mạng miền Nam. Đồng chí cùng với tập thể Bộ Chính trị và BCH Trung ương Đảng hoạch định, phát triển và từng bước hoàn chỉnh đường lối chiến lược, phương pháp cách mạng và phương thức tiến hành chiến tranh cách mạng. Bằng kinh nghiệm thực tiễn nhiều năm bám sát cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam, đồng chí đã soạn thảo văn kiện nổi tiếng: Đề cương cách mạng miền Nam. Đề cương ra đời đã góp phần hướng dẫn cán bộ, nhân dân tìm ra phương thức đấu tranh chống lại kẻ thù tàn bạo, làm dấy lên một không khí tràn đầy tin tưởng, phấn chấn, tạo ra phong trào Đồng khởi mạnh mẽ của nhân dân miền Nam. Những tư tưởng đúng đắn và sáng tạo mà  Đề cương cách mạng miền Nam  nêu lên là cơ sở để Đảng ta ra Nghị quyết Trung ương 15 (khoá II), tiếp đó là nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III, góp phần hoạch định chiến lược cách mạng hai miền Nam – Bắc trong suốt thời kì chống Mỹ cứu nước.

   Đất nước thống nhất cả nước đi lên CNXH, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thưa IV (1976), lần thứ V (1982) của Đảng và nhiều Hội nghị Trung ương, đồng chí Lê Duẩn đã cùng với BCHTW từng bước xây dựng một hệ thống quan điểm về chiến lược xây dựng và bảo vệ tổ quốc XHCN, với những thành tựu quan trọng đó là việc xây dựng cơ sở vật chất -  kỹ thuật ban đầu của CNXH; là sự đảm bảo vững chắc về chính trị và an ninh quốc phòng của tổ quốc; là những thành tựu về văn hóa đạo đức cùng những quan hệ tốt đẹp giữa người với người do chế độ XHCN mang lại.

2.      Đồng chí Lê Duẩn, nhà lý luận xuất sắc, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Việt Nam

Có mặt trong đội ngũ những người cộng sản ngay từ khi Đảng  mới ra đời, với gần 60 năm hoạt động cách mạng, trong đó có 26 năm trên cương vị Bí thư thứ nhất và Tổng Bí thư của Đảng, đồng chí Lê Duẩn  đã trải qua cuộc đời trường chinh đầy thử thách cho đến khi hoàn thành trọn vẹn công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước tiến lên CNXH. Đồng chí đã thể hiện rõ là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhà lý luận lớn có tầm cỡ chiến lược của cách mạng Việt Nam.

   Trưởng thành trong thực tiễn cách mạng, dày dạn kinh nghiệm đấu tranh, đồng chí Lê Duẩn rất coi trọng nghiên cứu lý luận, học tập lý luận, rèn luyện tư duy lý luận, trăn trở suy nghĩ nhằm tìm ra và giải quyết các vấn  đề lý luận của cách mạng Việt Nam. Vận dụng sang tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đồng chí dã góp phần quan trọng cùng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và Ban chấp hành Trung ương hoạch định đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, trong các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc cũng như trong việc tìm tòi con đường đưa nước ta từ một nền sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN. Đồng chí đã để lại cho chúng ta di sản tư tưởng lý luận phong phú trên nhiều lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao, xây dựng Đảng…, mà nổi bật là tư duy lý luận về các vấn đề sau:

      Về xây dựng Đảng

      Gắn bó suốt đời với công tác Đảng, đồng chí Lê Duẩn đã dành nhiều công sức cho xây dựng đường lối chính trị đúng đắn, kết hợp công tác tư tưởng với công tác tổ chức, nâng cao sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo của Đảng ngang tầm yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Đồng chí chỉ rõ: Phải đặc biệt chú trọng tới chất lượng đảng viên, tổ chức cơ sở của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ và sự đoàn kết trong Đảng, giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa Đảng - chính quyền - đoàn thể, mối quan hệ giữa Đảng - Nhà nước với nhân dân. Không ngừng nâng cao tính tiên phong gương mẫu của đảng viên, sức chiến đấu của Đảng, chăm lo củng cố khối đoàn kết dân tộc và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động bằng cách đem lại lợi ích thiết thân hằng ngày cho họ, thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của họ, thuyết phục và thúc đẩy họ bằng việc làm, bằng hành động thực tế, lời nói đi đôi với việc làm, tất cả vì hạnh phúc của nhân dân. Muốn vậy phải kiến quyết đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, xa dân, vi phạm quyền làm chủ của dân, ra sức học tập và thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư theo gương sáng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

     Về chiến tranh nhân dân Việt Nam:

     Kế thừa di sản chiến tranh nhân dân của dân tộc ta, kết hợp với vận dụng khoa học quân sự Mác - Lênin cùng với những kinh nghiệm cách mạng và chiến tranh cách mạng của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là từ thực tiễn của cách mạng miền Nam, đồng chí đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề về đường lối chiến lược và phương pháp cách mạng, về đường lối kháng chiến và phương thức tiến hành chiến tranh trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân. Đồng chí Lê Duẩn đã đúc kết rằng, chiến tranh nhân dân Việt Nam bao gồm 2 lực lượng: lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị, đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị, kết hợp tiến công quân sự với nổi dậy của quần chúng giành chính quyền, làm chủ ngay trong chiến tranh. Đường lối chính trị của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân là dựa vào sức mạnh đoàn kết rộng rãi toàn dân tộc, lấy công - nông liên minh làm nền tảng, dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân. Những quan điểm đó được đồng chí đúc rút và vận dụng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí đã có những cống hiến quan trọng vào quá trình chỉ đạo cách mạng và chiến tranh cách mạng, nổi bật lên một số tư duy chiến lược như: tư tưởng dám đánh, dám thắng đế quốc Mỹ xâm lược;  nắm vững tư tưởng chiến lược tiến công và nghệ thuật đánh thắng từng bước; sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị và vũ trang, với hai hình thức đấu tranh cơ bản chính trị và quân sự; đánh địch và thắng địch bằng sức mạnh tổng hợp.

Đối với đất nước ta, phải đương đầu với kẻ thù được trang bị hiện đại bậc nhất thế giới, áp dụng chiến tranh nhân dân với những tư duy chiến lược trên là hoàn toàn đúng đắn, sáng tạo. Một đặc trưng nổi bật trong tư duy chiến lược của đồng chí Lê Duẩn là tinh thần độc lập, tự chủ. Đồng chí thường nhắc nhở: ta đúng vì ta độc lập, tự chủ và có độc lập, tự chủ thì mới có sáng tạo. Trước những tác động khách quan của tình hình quốc tế, Đảng ta vẫn giữ vững đường lối, cách làm của mình đồng thời thực hiện chính sách đoàn kết quốc tế đúng đắn. Do đó cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên CHXH.

       Về cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam

       Đồng chí Lê Duẩn dã có những đóng góp quan trọng trong việc tìm ra con đường phù hợp để đưa nước ta từ nông nghiệp lạc hậu tiến lên CNXH.

Trong tác phẩm “Dưới lá cờ vẻ  vang của Đảng, vì độc lập tự do, vì chủ nghĩa xã hội, tiến lên giành những thắng lợi mới”, viết năm 1970, đồng chí Lê Duẩn đã tổng kết những bài học mang tính lý luận về giai đoạn cách mạng đã qua, chỉ ra phương hướng, nhiệm vụ của giai đoạn mới, vừa tiến hành cách mạng XHCN trên miền Bắc, xây dựng hậu phương vững mạnh của cả nước, vừa tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc, làm tròn nghĩa vụ quốc tế.

Sau khi đất nước thống nhất, cả nước cùng tiến lên CNXH, đồng chí đã góp phần làm sáng tỏ nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn nhằm xác định và hoàn chỉnh đường lối cách mạng XHCN ở nước ta. Đường lối ấy thể hiện những tư tưởng lớn của đồng chí về giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và CHXH, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại; về nắm vững chuyên chính vô sản và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân lao động; về tiến hành đồng thời 3 cuộc cách mạng, trong đó cách mạng khoa học - kỹ thuật là then chốt, coi công nghiệp hóa là nhiệm vụ trung tâm của cả thời kỳ quá độ; về nền văn hóa mới và con người mới XHCN; về cơ chế Đảng lãnh đạo, nhân dân làm chủ, Nhà nước quản lý…

Là một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một tư duy sáng tạo lớn của cách mạng Viêt Nam, nhiều vấn đề đã được đồng chí Lê Duẩn làm sáng tỏ về mặt lí luận, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn và sáng tạo, qua hàng loạt những tác phẩm tiêu biểu như: Đề cương cách mạng miền Nam, Thư vào Nam, Cách mạng XHCN, Dưới lá cờ vẻ vang của Đảng..

       Công lao, cống hiến của đồng chí Lê Duẩn đối với cách mạng Việt Nam, đặc biệt những sáng tạo của đồng chí về lý luận và đường lối cách mạng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đã nâng trình độ tư duy lí luận của Đảng ta, dân tộc ta lên một tầm cao mới, góp phần làm phong phú kho tàng lý luận của cách mạng Việt Nam.

3.      Đồng chí Lê Duẩn, tấm gương người chiến sĩ cộng sản kiên cường, suốt đời phấn đấu vì lý tưởng cao đẹp của dân tộc và thời đại; người chiến sĩ quốc tế trong sáng được kính trọng trong phong trào cộng sản quốc tế và trên thế giới

        Lịch sử  nước ta mãi mãi khẳng định công lao to lớn và cống hiến xuất sắc của đồng chí Lê Duẩn. Cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường và phong phú của đồng chí là tấm gương sáng đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân ta. Đó là lòng trung thành vô hạn đối với lợi ích tối cao của Tổ quốc và nhân dân, với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa cao cả. Phẩm chất cách mạng cao quý của đồng chí được thể hiện ở tinh thần cách mạng tiến công không ngừng. Bất chấp mọi thử thách của nhà tù đế quốc, của cuộc sống gian khổ kéo dài ở các chiến khu cũng như những năm tháng hoạt động trong vùng địch tạm kiểm soát, đồng chí luôn luôn nêu cao nghị lực kiên cường, sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngay trong những năm tháng bị tù đày, xiềng xích, trong những lúc cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, đồng chí vẫn giữ vững chí khí cách mạng, kiên quyết đấu tranh, tìm mọi cách để đưa phong trào cách mạng tiến lên. Đồng chí sống trung thực và giản dị, luôn luôn gần gũi đồng bào với tình thương yêu tha thiết và chân thành đối với mọi người, quan tâm đến ý kiến và nguyện vọng của nhân dân. Với đồng chí, bạn bè, đồng chí Lê Duẩn luôn son sắt thuỷ chung và  được tin yêu, kính trọng. Đồng chí đặc biệt coi trọng việc tổng kết kinh nghiệm của quần chúng, và xuất phát từ những kinh nghiệm quý báu đó mà đề ra chủ trương, chính sách.

     Đồng chí Lê Duẩn vừa là một nhà yêu nước lớn, vừa là một người quốc tế chủ nghĩa trong sáng, suốt đời noi gương Bác Hồ chăm lo góp phần củng cố và tăng cường đoàn kết quốc tế giữa các lực lượng cách mạng và tiến bộ trên thế giới trong cuộc đấu tranh chung vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Đi theo con đường của Lênin vĩ đại, con đường của cách mạng tháng Mười Nga, đồng chí luôn luôn quan tâm vun đắp và tăng cường tình hữu nghị với các nước trong phe XHCN trước đây, các nước và nhân dân yêu chuộng hoà bình thế giới, đặc biệt giữa Việt Nam với Lào và Campuchia. Đồng chí thường xuyên chú ý nghiên cứu kinh nghiệm cách mạng quốc tế và theo dõi những diễn biến của tình hình thế giới để chỉ đạo cách mạng Việt Nam.

     

 

Tài liệu tham khảo

 

(theo Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Lê Duẩn 07/4/1907 – 07/4/2017) https://vnu.edu.vn/btdhqghn/?C1654/N3139/Ky-niem-100-nam-ngay-sinh-co-Tong-Bi-thu-Le-Duan-(7-4-1907---7-4-2007):-<br>dong-chi-Le-Duan---nguoi-chien-si-cong-san-kien-cuong,-nha-ly-luan.