Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Sự phát triển tư duy của Đảng về công nghiệp hóa từ sau đổi mới đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng

Tác giả: Th.S Lê Thị Thái - Đăng ngày: .

Công hiệp hóa thường được xem như một giai đoạn nhất định trong lịch sử phát triển kinh tế của mỗi quốc gia, nghĩa là có khởi đầu và có kết thúc. Mức độ ngắn, dài của quá trình công nghiệp hóa ở các nước không giống nhau, do phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cả khách quan lẫn chủ quan.

Ở Việt Nam, đường lối công nhiệp hóa đã được đề ra từ Đại hội III của Đảng (9-1960), đến nay đã trải qua hơn 55 năm. Trong hơn 25 năm trước đổi mới, quá trình công nghiệp hóa diễn ra trong khuôn khổ của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, bao cấp; trong đó có 15 năm (1960-1975) tiến hành trong điều kiện đất nước có chiến tranh. Từ Đại hội VI của Đảng (12-1986) đến nay, quá trình công nghiệp hóa được tiến hành trong bối cảnh chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Đại hội VI của Đảng đã cụ thể hóa nội dung chính của công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa trong chặng đường đầu tiên là thực hiện cho bằng được 3 chương trình lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu trong những năm còn lại của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ.

Hội nghị Trung ương lần thứ bảy khóa VII (tháng 1-1994), đã có bước đột phá mới trong nhận thức của Đảng về khái niệm công nghiệp hóa, hiện đại hóa: “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, dựa trên sự phát triển công nghiệp và tiến bộ khoa học – công nghệ, tạo ra năng suất lao động xã hội cao”

 Đại hội Đảng VIII (tháng 6-1996) nhìn lại đất nước sau mười năm đổi mới đã có nhận định quan trọng: nước ta đã thoát khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhiệm vụ đề ra cho chặng đường đầu của thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành cho phép nước ta chuyển sang thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đại hội đã điều chỉnh chính sách công nghiệp hóa theo hướng lấy nông nghiệp làm khâu đột phá, coi nông nghiệp kết hợp với công nghiệp chế biến là mặt trận hàng đầu. Tiếp tục thực hiện rộng rãi hơn chính sách mở cửa, phát triển kinh tế nhiều thành phần, nâng cao quyền  tự chủ sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp. Gắn công nghiệp hóa với hiện đại hóa, lấy khoa học – công nghệ làm động lực, lấy nguồn lực con người làm yếu tố trung tâm của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đại hội IX (tháng 4-2001), Đại hội X (tháng 4-2006) và Đại hội XI (tháng 1-2011) Đảng tiếp tục bổ sung và nhấn mạnh một số điểm mới trong tư duy về công nghiệp hóa: Con đường công nghiệp hóa ở nước ta cần và có thể rút ngắn thời gian so với các nước đi trước. Cần thực hiện các yêu cầu như: Phát triển kinh tế và công nghệ phải vừa có những bước tuần tự, vừa có bước nhảy vọt; phát huy những lợi thế của đất nước, gắn công nghiệp hóa với hiện đại hóa, từng bước phát triển kinh tế tri thức; phát huy nguồn lực trí tuệ và tinh thần của con người Việt Nam, đặc biệt coi trọng phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, xem đây là nền tảng và động lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đại hội XII (tháng 1-2016) của Đảng nhận định, nước ta “đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”(4), tuy nhiên “thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, chưa gắn với phát triển kinh tế tri thức”(4), xác định nhiệm vụ “đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”(4), “Công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện mô hình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế gắn với phát triển kinh tế tri thức, lấy khoa học, công nghệ, tri thức và nguồn nhân lực chất lượng cao làm động lực chủ yếu; huy động và phân bổ có hiệu quả mọi nguồn lực phát triển. Xây dựng cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động hợp lý, phát huy lợi thế so sánh, có năng suất lao động và năng lực cạnh tranh cao, tham gia sâu rộng vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu; có văn minh công nghiệp chiếm ưu thế trong sản xuất và đời sống xã hội; phát triển nhanh và bền vững phù hợp với điều kiện của từng giai đoạn”(4).

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo: Giáo trình Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2012.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.

3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011.

 

4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2016.