Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Lê Hữu Trác – Người thầy thuốc vĩ đại, nhà tư tưởng tiến bộ của lịch sử tư tưởng Việt Nam

Tác giả: Th.S Đậu Thị Hồng - Đăng ngày: .

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720-1791) là một nhà y học kiệt xuất, một nhà tư tưởng lớn trong lịch sử Việt Nam. Ông sống trong một thời đại đầy rấy những biến động của lịch sử Việt Nam. Trên nền biến động ấy lại là sự phát triển nở rộ của tư tưởng và học thuật với nhiều học giả lớn và khuynh hướng khác nhau. Trong dòng chảy ấy phức tạp ấy Lê Hữu Trác đã lựa chọn cho mình một con đường đi riêng: con đường y thuật. Là một nhà y học kiệt xuất của dân tộc, đồng thời ông cũng là nhà tư tưởng có nhiều đóng góp cho lịch sử tư tưởng Việt Nam.

      Lê Hữu Trác sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý (tức ngày 11 tháng 12 năm 1720). Nguyên quán ở thôn Văn Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Liêu Xá, huyện Mỹ Văn, tỉnh Hưng Yên). Quê mẹ ở xứ Bầu Thượng, xã Tình Diệm (nay là xã Sơn Quang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh). Hiệu  "Hải Thượng" của ông ghép từ chữ"Hải" của tên tỉnh Hải Dương và chữ "Thượng" của tên phủ Thượng Hồng, bạn của xứ Bàu Thượng. Tên"Lãn Ông" có nghĩa là ông già lười, người không ham danh lợi.

      Hải Thượng Lãn Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Ông nội là Lê Hữu Mưu, đậu Nhị giáp Tiến sĩ, làm quan đến chức Thượng thư dưới triều Lê Dụ Tông, được tặng phong tước Bá. Bác là Lê Hữu Hỷ, làm giám sát ngự sử, cũng tước Bá. Chú là tiến sĩ Lê Hữu Kiều, làm Thượng thư Bộ Lễ, tước Quận công. Cha là Lê Hưu Mưu, đỗ Tam giáp Tiến sĩ, làm Thị lang bộ Công, gia phong chức Ngự sử, tước Bá. Mẹ là Bùi Thị Thường, con gái tướng công Bùi Đăng Diệm. Anh trai của ông là Lê Hữu Kiển và em con chú là Lê Hữu Dung cũng đều đậu tiến sĩ và làm quan trong trong triều.

Lê Hữu Trác sinh ra trong một thời đại lịch sử có nhiều biến động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đất nước bị phân cắt ra thành Đàng Ngoài và Đàng Trong, Đàng Ngoài có vua Lê-chúa Trịnh, Đàng Trong từ đèo Ngang trở vào do các chúa Nguyễn cai quản. Chiến tranh Trịnh-Nguyễn kéo dài liên miên. Phong trào nông dân nổ ra ở nhiều nơi mà tiêu biểu nhất là phong trào Tây Sơn. Kinh tế sa sút, nạn trộm cướp cường hào hỗn loạn . Xã hội lâm vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc và trầm trọng.

Trước tình hình trên, tư tưởng sĩ phu nhiều người hoang mang. Một số thì tiếp tục lý tưởng trung quân truyền thống trong Nho giáo, cũng có những người thức thời, hiểu khái niệm "trung quân"  theo nghĩa tiến bộ như Ngô Thì Nhậm..., một số người thì chọn cho mình con đường từ quan về ở ẩn. Đứng trước sự phân hoá trong hàng ngũ các nhà nho, Lê Hữu Trác đã tìm cho mình một hướng đi riêng đi theo con đường y thuật chữa bệnh cứu người mà trong Y huấn ông viết: "...cái chí bon chen trong trường danh lợi mình đã vứt bỏ từ lâu...Nghề y thiết thực ích lợi cho minhf, giúp đỡ được mọi người...". Hướng đi ấy có tính chất lí tưởng hoá bản tính và  chỉ đạo toàn bộ hoạt động của ông từ đó về sau.

 Hơn 30 năm làm nghề y, ông đã đúc kết kinh nghiệm,  khảo cứu sách vở viết ra bộ" Y tông tâm lĩnh" gồm 28 tập, 66 quyển để lại cho đời sau.  "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh" là một tác phẩm y học đồ sộ. Tác phẩm còn chứa đựng một hệ thống những tư tưởng triết học hết sức sâu sắc. Do những tư tưởng triết học trong bộ sách này là rất rộng và rất sâu nên trong đó tiêu biểu là những tư tưởng triết học trong" Phụ đạo xán nhiên"- một tập trong "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh". "Phụ đạo xán nhiên" gồm 2 quyển nhỏ bàn về cách chữa các chứng bệnh của phụ nữ.

Điều đặc biệt trước hết là từ cách tiếp cận đối tượng trong tác phẩm, "Phụ đạo xán nhiên" lấy đối tượng trung tâm là người phụ nữ. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam có một cuốn sách được viết ra dành riêng cho phụ nữ. Trong quan niệm truyền thống Nho giáo, vai trò của người phụ nữ không được đề cao, thậm chí là bị coi rẻ. Họ không có vai trò gì trong đời sống xã hội vì vậy, việc xuất hiện của "Phụ đạo xán nhiên" là một hiện tượng chưa từng có trong lịch sự phát triển lâu dài của tư tưởng nước nhà. Tuy trong tác phẩm này, Lê Hữu Trác không trực tiếp bộc lộ quan niệm về vai trò, vị trí của người phụ nữ, nhưng để viết ra một tác phẩm dành riêng cho phụ nữ - đó là một cố gắng tuyệt vời, là một nỗ lực phi thường, thể hiện sự trăn trở trước những vấn đề nhân sinh của một trái tim lớn. Mặt khác, "Phụ đạo xán nhiên" là một tác phẩm chuyên bàn về các chứng bệnh của phụ nữ. Đây là một điều mà ngay trong thời điểm hiện nay, vấn đề này vẫn còn chưa được quan tâm đến một cách đúng mức, thì đặt trong bối cảnh xã hội đương thời của Lê Hữu Trác, khi mà nhân sinh quan Nho giáo thống trị, chi phối những chuẩn mực đạo đức xã hội - có thể nói đây là một việc làm không phải là hiếm có mà là chưa từng có. Chính Lê Hữu Trác đã từng bày tỏ trong lời Tiểu dẫn của "Phụ đạo xán nhiên":"...Do đó mới có thuyết, chữa bệnh 10 người đàn ông không khó bằng cứu chữa 1 người đàn bà, cho nên người chữa bệnh không dám coi thường  mà cũng chữa như những bệnh khác, người soạn sách cũng không ngại phiền lời  mà viết thành một khoa chuyên môn...".

      Trong thời đại ngày nay, khi những vấn đề về bình đẳng giới và sức khoẻ của người phụ nữ vẫn đang nhận được sự quan tâm của xã hội, việc tìm hiểu những tư tưởng trong "Phụ đạo xán nhiên" - tác phẩm đầu tiên trong lịch sử Việt Nam lấy đối tượng trung tâm là người phụ nữ sẽ cung cấp cho chúng ta những bài học để giải quyết những vấn đề của ngày hôm nay.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Đức Sự (1977), "Cơ sở triết học của bộ "Lãn Ông Tâm lĩnh" và hiện thực lịch sử nước ta hồi thế kỉ 18", Tạp chí Triết học (4), 89-108.

2. Nguyễn Tài Thư chủ biên (1993), Lịch sử tư tưởng Việt Nam tập 1, NXBKHXH, Hà Nội.

3. Lê Hữu Trác(1993), Hải Thượng Y tông tâm lĩnh tập2, NXB Y học, Hà Nội.