Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Một vài suy nghĩ về cải cách giáo dục Nhật Bản trong thời kỳ Minh Trị

Tác giả: Th.S Đường Thế Anh - Đăng ngày: .

Ngay trong năm đầu tiên (1868), Minh Trị lên ngôi, một trong những chính sách  được Thiên hoàng Minh Trị quan tâm đó là coi giáo dục là yếu tố cải cách quan trọng hàng đầu để phát triển Nhật Bản. Theo ông, công cuộc duy tân muốn thành công thì trước hết phải nâng cao trình độ hiểu biết của người dân để họ hiểu và tham gia tích cực vào sự phát triển của đất nước, đáp ứng được những đòi hỏi của hoàn cảnh mới. Bên cạnh những yếu tố tích cực của nền giáo dục truyền thống, Minh Trị kiên quyết loại bỏ những hạn chế, sai lầm không phù hợp với xu thế phát triển kìm hãm sự tiến bộ của nước Nhật. Vì vậy Minh Trị đã mạnh mẽ thực hiện các quyết sách quan trọng trong lĩnh vực giáo dục.

 

Năm 1869 Thiên hoàng Minh Trị cho thành lập văn phòng điều tra học đường tại các phủ, huyện để nắm rõ tình hình xã hội trước khi thiết lập các trường tiểu học tại địa phương. Năm 1871, Bộ giáo dục được thành lập phụ trách, quản lý, quyết định chương trình giáo dục toàn quốc. .. Mùa Thu năm 1872, Bộ giáo dục soạn thảo quyển sách chỉ nam : “Chế độ giáo dục học đường quốc gia”. Trong đó đưa ra những chính sách giáo dục cũng như chương trình học cho hợp với thời đại và được áp dụng cho toàn quốc đưa nền giáo dục phát triển sang một giai đoạn mới. Chính sách cưỡng bức giáo dục được thực hiện mạnh mẽ, đặc biệt là giáo dục sơ cấp dành cho trẻ em  từ 6-14 tuổi. Mọi chi phí cho cấp học này đều được nhà nước chi trả.

 

Ngay sau khi bản Hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản được ban hành (tháng 2 năm 1889), Minh Trị thiên hoàng đã đích thân ban bố  sắc lệnh giáo dục được ban hành, đề ra mục đích và phương hướng giáo dục mới là đem lại những giá trị tinh thần tiến bộ; đề cao các giá trị truyền thống của người Nhật và kết hợp học tập văn hóa phương Tây. Hoạt động giáo dục được mở rộng cho mọi tầng lớp nhân dân, kể cả phụ nữ. Minh Trị đã cho cử một số lượng lớn học sinh Nhật đi du học nước ngoài để khi trở về, những người ưu tú nhất sẽ là lực lượng đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

 

 Trong công cuộc cải cách giáo dục của Nhật Bản thời Minh Trị, việc đào tạo đội ngũ giáo viên được đặc biệt chú trọng. Ngay từ khi ban hành Học chế (1872), trường sư phạm đầu tiên đã được thành lập ở Tokyo. Năm 1886 ra Sắc lệnh về trường sư phạm  và Sắc lệnh về giáo dục sư phạm (1890) đã khẳng định việc đào tạo giáo viên mang ý nghĩa sống còn đối với việc cải cách giáo dục. Theo đạo luật năm 1878, mỗi tỉnh ở Nhật Bản ít nhất phải có 1 trường sư phạm. Chính quyền Minh Trị coi việc đào tạo đội ngũ giáo viên là yếu tố tiên quyết cho một nền giáo dục có chất lượng cao, gián tiếp phục vụ cho công cuộc cải cách trên các lĩnh vực khác nhau.

 

Thiên hoàng Minh Trị đã sớm nhận thức được rằng, muốn xây dựng một nước Nhật mới không thể bắt đầu với số đông quần chúng mù chữ, xem giáo dục tiểu học là cái gốc của nền giáo dục và sự phát triển. Chính quyền Nhật Bản đã tổ chức nhiều loại trường tiểu học khác nhau, phù hợp với hoàn cảnh của mỗi địa phương: thành thị, nông thôn, miền núi... Ở mỗi khu vực lại có những quy định về bố trí thời gian đến trường cho phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của học sinh. Bằng cách đó, chính phủ muốn lôi kéo trẻ em đến độ tuổi đi học đến trường càng nhiều càng tốt, một cách tự nguyện và có ý thức.

 

Bên cạnh việc thiết lập hệ thống các trường tiểu học, Nhật Bản cũng chú trọng phát triển các trường Đại học trực thuộc nhà vua (Đại học hoàng gia) và các trường đào tạo giáo viên, cùng với đó là quy định về trường dạy nghề (được thông qua năm 1899) và sự ra đời của các trường đại học: Đại học Tokyo được thành lập năm 1877, Đại học Keio... Tất cả đã thúc đẩy việc hoàn thiện hệ thống trường lớp ở Nhật Bản và góp phần đào tạo tầng lớp lãnh đạo cho đất nước. Đặc biệt, sự ra đời của Đại học Tokyo (trường dạy về tri thức và văn hoá phương Tây) đã đánh dấu sự ra đời của nền giáo dục đại học ở Nhật Bản, năm 1886 trường này đổi tên thành Đại học Đế quốc là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực cốt cán cho sự nghiệp Duy tân “trở thành đòn bẩy không thể thiếu của quốc gia”.

 

Chương trình giáo dục cũng được xác lập theo mô hình của phương Tây rất phong phú và đa dạng trên cơ sở thống nhất về sách giáo khoa. Các môn học ở trường tiểu học cấp dưới (giáo dục tiểu học gồm 8 năm, 4 năm đầu gọi là giáo dục tiểu học cấp dưới, 4 năm sau gọi là giáo dục tiểu học bậc cao) bao gồm: học đánh vần, chữ, từ vựng, đọc hội thoại, đọc, đạo đức, viết thư, ngữ pháp, số học, giáo dục thể chất, địa lý và vật lý. Ở tiểu học bậc cao, học sinh được học lịch sử, hình học, vẽ, lịch sử tự nhiên, hoá học và sinh học. Chương trình học này được mô phỏng theo chương trình của các nước phương Tây.

 

Những chính sách đó đã biến nước Nhật thành một xã hội học tập với quyết sách của Minh Trị và sự đồng thuận của người dân Nhật với mục tiêu là “học tập phương Tây, đuổi kịp phương Tây, vượt phương Tây”. Chương trình cải cách trong giáo dục của thời Minh Trị đã đem lại những hiệu quả hết sức tốt đẹp, mang tính đại chúng cao được toàn dân hưởng ứng mạnh mẽ. Giáo dục của nước Nhật vừa mang những giá trị truyền thống, vừa mạng tính hiện đại, đáp ứng được những đòi hỏi của sự phát triển của sự nước Nhật trong giai đoạn đầu của sự chuyển biến. Có thể khẳng định rằng, tư tưởng của Minh Trị về xây dựng và phát triển nền giáo dục Nhật Bản trở thành nền tảng tinh thần và vật chất vững chắc cho sự phát triển của xã hội Nhật đã làm tiền đề cho nước Nhật phát triển.  Thành quả giáo dục đã thể hiện rất rõ trong quá trình hiện đại hóa đất nước. Ở các khu đô thi lớn như: Tokyo, Yokohama...đã xuất hiện: tàu hơi nước, đường ra xe lửa, đường điện, dịch vụ bưu chính, nhà máy công nghiệp...

 

Thành công của việc cải cách giáo dục Thiên hoàng Minh Trị đã góp phần tạo nên bước ngoặt thần kỳ của Nhật Bản thời Cận đại. Dù lịch sử có những thăng trầm và đổi thay,  nhưng có một nền giáo dục vững chắc, tiên tiến đã giúp nước Nhật vượt qua mọi khó khăn trở thành một quốc gia thịnh vượng của thế giới.

 

TÀI  LIỆU THAM KHẢO

 

[1]  Lê Thị Anh Đào (2004), “Vấn đề cải cách giáo dục, đào tạo nhân tài ở hai phong trào Duy Tân châu Á (Nhật Bản, Trung Quốc) thời Cận đại”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 49, trang 51- 55.

 

[2]  Trần Phương Hoa (2006), “Giáo dục Pháp - Việt ở Việt Nam giai đoạn 1906 – 1945 và cải cách giáo dục ở Nhật Bản thời Minh Trị”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 64, trang 41 - 47.

 

[3]  Nguyễn Kim Lai - Đặng Thị Tuyết Dung (2004), “Vai trò của giáo dục đối với quá trình hiện đại hoá trong thời kỳ Minh Trị ở Nhật Bản”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 51, trang 57 - 62.

 

[4]  Ngô Hương Lan (2005), “Giáo dục bậc Đại học và trên Đại học ở Nhật Bản: những chặng đường đổi mới”, Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 60, trang 52 - 58.

 

[5]  Phan Ngọc Liên (chủ biên) (1997), Lịch sử Nhật Bản, Nhà Xuất Bản Văn hoá, Hà Nội.

 

[6]  Trần Thị Tâm (2009): Cải cách giáo dục Nhật Bản trong thời kỳ Minh trị và vai trò của nó  Tạp chí Nghiên cứu Nhật Bản và Đông Bắc Á, số 7

 

[7]  R.H.P Mason – J.G. Caiger (2003), Lịch sử Nhật Bản, Nhà Xuất Bản Lao Động, Hà Nội.

 

[8]  Edwin O. Reischauer (1998), Nhật Bản câu chuyện về một quốc gia, Nhà Xuất Bản Thống Kê, Hà Nội.