Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Sử dụng phương pháp kiểm tra đánh giá theo năng lực đối với các môn khoa học Mác-Lênin ở khoa Lí luận chính trị, trường đại học Hà Tĩnh

Tác giả: Th.S Nguyễn Thị Hồng Ninh - Đăng ngày: .

 

Đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá là một tất yểu khách quan gắn liền với đổi mới phương pháp dạy và học. Trên cơ sở phân tích thực tế công tác kiểm tra đánh giá kết quả học tập các môn khoa học Mác-Lê nin ở khoa Lý luận chính trị Trường Đại học Hà Tĩnh thời gian qua, nghiên cứu lý luận về phương pháp kiểm tra đánh giá theo năng lực, chúng tôi đề ra một số giải pháp nhằm đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học đối với các môn khoa học Mác-Lênin ở khoa Lý luận chính trị, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của khoa cũng như của Trường Đại học Hà Tĩnh.

1. Vai trò của kiểm tra đánh giá và thực trạng công tác kiểm tra đánh giá kết quả học tập các môn khoa học Mác-Lênin ở Khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Hà Tĩnh

Kiểm tra đánh giá là khâu then chốt của qúa trình dạy học. Đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá là một tất yểu khách quan gắn liền với đổi mới phương pháp dạy và học. Nghị quyết Hội nghị trung ương 8 khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh: “Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan. Việc thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo cần từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng thế giới tin cậy và công nhận. Phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của người học; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình, xã hội”[1]

Kiểm tra đánh giá cho thấy được hiệu quả công tác dạy và học. Đây cũng là khâu quan trọng tác động lớn đến quá trình nâng cao chất lượng đào tạo. Đặc biệt trong đào tào theo học chế tín chỉ, việc tự học tự nghiên cứu của sinh viên chiếm một khối lượng lớn cả về thời gian và kiến thức, tăng cường công tác kiểm tra đánh giá sẽ giúp giảng viên nắm rõ hoạt động tự học, tự nghiên cúa của sinh viên, thực hiện chuyển quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo.

Kiểm tra đánh giá khách quan, nghiêm túc, đúng cách, đúng hướng sẽ là động lực mạnh mẽ khích lệ sự vươn lên trong học tập của sinh viên, thúc đẩy sự tìm tòi sáng tạo không ngừng của sinh viên.

Kiểm tra là tra xét, xem xét, là rà soát lại công việc thực tế. Kiểm tra là để cung cấp những dữ kiện, thông tin, làm cơ sở cho việc đánh giá.

Đánh giá là quá trình hình thành những nhận định, phán đoán về kết quả công việc dựa vào những thông tin thu được, đối chiếu với mục tiêu, tiêu chuẩn đề ra nhằm đề xuất những quyết định thích hợp để điều chỉnh nâng cao chất lượng công việc. Trong giáo dục và đào tạo, để có sự đánh giá đúng đắn trước hết người đánh giá phải có sự thu thập thập thông tin và xử lý kịp thời, có hệ thống thông tin về hiện tượng và hiệu quả giáo dục nhằm xác định mức độ đạt đến của mục tiêu giáo dục. Đánh giá có thể thực hiện bằng phương pháp định lượng và định tính.

Kiểm tra là cơ sở của đánh giá. Đánh giá phải dựa trên những dữ liệu thông tin mà kiểm tra thu thập được. Muốn đánh giá chính xác thì công tác kiểm tra phải được tiến hành thường xuyên với nhiều hình thức phong phú đa dạng, phản ánh được mọi khía cạnh học tập để có thể đánh giá đúng kết quả học tập và năng lực của người học. Kiểm tra như "ngọn đèn pha”, soi rõ việc học tập của sinh viên. Hồ Chí Minh từng nói: "...Kiểm soát khéo, bao nhiêu khuyết điểm lòi ra hết, hơn nữa kiểm tra khéo về sau khuyết điểm nhất định bớt đi”.[3]

Chính vì vậy, việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của sinh viên phải diễn ra thường xuyên và suốt trong thời gian học tập. Kiểm tra, đánh giá kịp thời sẽ động viên cổ vũ tinh thần học tập của sinh viên, đồng thời kịp phát hiện uốn nắn những sai sót của sinh viên trong quá trình học và tự học. Càng kiểm tra chặt chẽ càng nắm được cụ thể quá trình học tập của sinh viên. Giảng viên có thể tiến hành kiểm tra định kỳ, có thể kiểm tra thường xuyên bằng nhiều cách. Có thể kiểm tra miệng bằng các câu hỏi nêu trên lớp; có thể kiểm tra vở soạn bài hay sổ học tập; yêu cầu học sinh làm bài tập hay báo cáo kết quả tìm hiểu, nghiên cứu của mình trước lớp. Kiểm tra gắn liền với đánh giá.Việc đánh giá phải công bằng, phải khuyến khích được tinh thần học tập của sinh viên.

Hiện nay phương pháp, hình thức kiểm tra đánh giá kết quả học tập môn học của các giảng viên Khoa Lý luận chính trị - Trường Đại học Hà Tĩnh được thực hiện theo quy định của nhà trường gồm có: kiểm tra đánh giá thường xuyên, kiểm tra đánh giá định kỳ và thi hết môn. Kiểm tra đánh giá bao gồm các mặt về nội dung kiến thức, về nhận thức thái độ, về chuyên cần. Kết quả kiểm tra được thể hiện bằng điểm số. Điểm chuyên cần được tính: sinh viên không vắng giờ học nào thì được 10 điểm, nếu vắng học 2% tổng số tiết trừ 1 điểm, tính theo thang điểm 10; nếu vắng quá 20% tổng số tiết không được dự thi kết thúc học phần.

 Để có điểm nhận thức thái độ nhiều giảng viên thực hiện chấm vở soạn bài. Việc chấm vở soạn bài cho phép giảng viên vừa kiểm tra được mức độ nhận thức và tinh thần thái độ học tập cũng như sự say mê nghiên cứu của sinh viên vừa kiểm tra được quá trình tự học tự nghiên cứu của sinh viên. Tuy nhiên với hình thức này nếu giảng viên không có sự kiểm soát chặt chẽ thì sinh viên có thể mượn vở của bạn để được chấm mà giảng viên không biết được. Hoặc sinh viên chỉ dừng lại ở việc chép lại giáo trình một cách đối phó mà không hiểu được bản chất và ý chính của bài, chính vì vậy chất lương bài soạn chưa cao.

Với điểm kiểm tra thường xuyên và kiểm tra giữa kỳ, giảng viên chủ yếu  ra đề cho sinh viên làm bài trên lớp, số lượng bài kiểm tra tùy theo số lượng tín chỉ và được thể hiện trong đề cương môn học. Bài kiểm tra thường xuyên có hệ số 1 và bài kiểm tra giữa kỳ có hệ số 3 được nộp và lưu trữ ở khoa. Việc kiểm tra kết quả học tập của  sinh viên được thực hiện thông qua làm bài kiểm tra trên lớp. Hình thức kiểm tra này có ưu điểm lớn là sinh viên thể hiện được mức độ nhận thức của mình bằng cách tái hiện lại kiến thức đó trong bài viết, giảng viên có cơ sở rõ ràng để cho điểm đánh giá. Tuy nhiên hình thức kiểm tra này có hạn chế là trong một khoảng thời gian hạn hẹp trên giảng đường sinh viên có thể sẽ không thể hiện hết được năng lực của mình. Mặt khác, phạm vi thi và kiểm tra có thể chưa bao quát hết nội dung chương trình. Vẫn còn tình trạng một số môn học được giới hạn phạm vi quá hẹp trên một diện rất rộng kiến thức sinh viên được học, do đó dẫn tới tình trạng sinh viên học tủ, học lệch, học đối phó. Nhiều câu hỏi chủ yếu là tái hiện kiến thức lý thuyết, thậm chí ra đúng như đề mục trong bài, vì vậy nhiều sinh viên bỏ tiết không đi học nhưng vẫn thi được là nhờ học thuộc lòng (học vẹt, không cần hiểu) hoặc quay cóp. Chính vì vậy, giảng viên phải tăng cường kiểm tra giám sát để ngăn cấm tình trạng quay cóp khi làm bài của sinh viên.

Việc tổ chức thi hết môn được thực hiện theo kế hoạch chung của nhà trường. Hình thức thi chủ yếu là tự luận. Trong các môn khoa học Mác Lê nin, chỉ có một môn thi vấn đáp là môn Kinh tế chính trị Mác-Lênin. Thông thường việc tổ chức thi hết học phần được tổ chức vào cuối các  kỳ. Một số môn thi theo ngân hàng đề thi mà giảng viên đã biên soạn từ trước, còn phần lớn là sử dụng các đề lẻ, thường là mỗi môn 5 đề, mỗi đề gồm có 3 câu. Việc tổ chức thi hết học phần được thực hiện một cách quy củ, nề nếp, phản ánh được đúng trình độ của sinh viên. Tuy nhiên với số lượng đề thi ít sẽ không phản ánh hết được năng lực học tập và sự nhận thức nói chung của sinh viên về môn học đó.

Tóm lại, hiện nay hoạt động kiểm tra đánh giá kết quả môn học của ở Khoa Lý luận chính trị còn sử dụng nhiều những hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá truyền thống. Sử dụng phương pháp đánh giá truyền thống, sinh viên lệ thuộc quá nhiều vào việc tái hiện những kiến thức đã được học và ít có cơ hội để trình diễn những gì họ học được bằng nhiều cách khác nhau. Hơn nữa, nội dung các môn khoa học Mác Lênin là những vấn đề có tính lý luận, khái quát hóa, trừu tượng hóa cao, nếu chỉ có tái hiện kiến thức mà không có trải nghiệm bằng xử lý tình huống thì sinh viên rất khó nắm bắt và hiểu biết được nội dung bản chất của vấn đề. Chính vì vây cần phải đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo năng lực để có thể đánh giá toàn diện năng lực học tập của sinh viên.

2. Đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực đối với các môn khoa học Mác-Lênin ở khoa Lý luận chính trị, Trường Đại học Hà Tĩnh

            Đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá là khâu tất yếu gắn liền với đổi mới phương pháp dạy và học, chính vì vậy nội dung của nó sẽ được hiểu là tăng cường các hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá năng lực, khắc phục những hạn chế của hình thức phương pháp kiểm tra đánh giá truyền thống.

            Theo quan điểm phát triển năng lực, đánh giá kết quả học tập không lấy việc kiểm tra khả năng tái hiện lại kiến thức đã học làm trung tâm, mà đánh giá chú trọng khả năng vận dụng sáng tạo tri thức trong các tình huống ứng dụng khác nhau. Có thể nói, “đánh giá theo năng lực là đánh giá kiến thức, kỹ năng và thái độ trong bối cảnh có ý nghĩa”  [4]

Đánh giá theo năng lực là bước phát triển cao hơn so với đánh giá kiến thức, kỹ năng. Nếu như ở mức độ đánh giá kiến thức, kỹ năng, sinh viên thể hiện được những nội dung kiến thức, kỹ năng mà họ lĩnh hội và hình thành được trong quá trình học tập, thì trong đánh giá theo  năng lực, người học, để thể hiện khả năng của mình, phải vận dụng kiến thức, kỹ năng đã được học trong nhà trường, kết hợp với kinh nghiệm của bản thân để xử lý tình huống. Thông qua việc xử lý tình huống của sinh viên, giảng viên đồng thời đánh giá được kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hiện và những giá trị, cũng như năng lực phẩm chất của người học. Như vây có thể nói: đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo năng lực không những giúp đánh giá toàn diện năng lực học tập của sinh viên, mà còn là nguyên tắc trong giảng dạy các môn lý luận Mác Lê nin, nguyên tắc gắn lý luận với thực tiễn.

Kiểm tra đánh giá theo năng lực không phải là một hoạt động được thực hiện một lần vào cuối kỳ hay định kỳ, mà là một quá trình. Giảng viên xác định mục đích chủ yếu của đánh giá kết quả học tập là so sánh năng lực người học với mức độ yêu cầu của nội dung môn học. Để thực hiện điều đó, giảng viên tiến hành đánh giá kết quả học tập với ba công đoạn: thu thập thông tin, phân tích và xử lý thông tin, xác nhận kết quả học tập. Thông tin mà giảng viên thu thập không chỉ đơn thuần từ bài kiểm tra viết như trong kiểm tra đánh giá theo kiểu truyền thống, mà phải từ nhiều nguồn với nhiều hình thức và phương pháp khác nhau, như: từ sự quan sát trên lớp, từ sản phẩm học tập, từ sự tự đánh giá hay đánh giá lẫn nhau của sinh viên…Thông tin càng đa dạng phong phú thì giảng viên càng có nhiều cơ sở dữ liệu để phân tích, xử lý. Dựa trên sự phân tích và xử lý thông tin chính xác, giảng viên xác nhận kết quả học tập của sinh viên một cách cụ thể với sự phân tích và giải thích rõ ràng cả mặt tiến bộ hay hạn chế. Đó chính là cơ sở để giảng viên quyết định điều chỉnh hoạt động dạy và học cho phù hợp. Qua những lần đánh giá, phản hồi và điều chỉnh đó, sinh viên và giảng viên sẽ có cái nhìn theo chiều dọc của sự đánh giá, theo từng bước phát triển tiến bộ của người học.

Qua sự phân tích trên, chúng ta thấy rằng kiểm tra đánh giá theo năng lực như những nấc thang trong quá trình phát triển toàn diện năng lực người học. Kiểm tra, đánh giá theo hướng phát triển năng lực không chỉ cho thấy kết quả kết quả học tập của sinh viên mà còn là cơ sở để định hướng cho người dạy tiếp tục dạy như thế nào và người học sẽ học những gì. Kiểm tra đánh giá theo năng lực không chỉ đơn thuần có chức năng ghi nhận mà còn có chức năng định hướng.          

Kiểm tra, đánh giá theo năng lực phản ánh phương pháp và cách thức kiểm tra, đánh giá. Sự phát triển năng lực của người học là một quá trình. Kiểm tra, đánh giá người học cũng phải là một quá trình. Năng lực là toàn bộ các thuộc tính tâm lý độc đáo của cá nhân có thể để đáp ứng những yêu cầu của công việc hay cuộc sống. Năng lực của người học gồm nhiều mặt. Xét từng khía cạnh, năng lực có:  năng lực tư duy, năng lực diễn đạt, năng lực vận dụng, năng lực khéo léo, năng lực tự đảm nhiệm, năng lực thể chất…Năng lực của mỗi người là không giống nhau. Chính vì vậy, kiểm tra đánh giá theo năng lực là kiểm tra, đánh giá theo sự phát triển mọi mặt của năng lực và sát với đối tượng.

Sử dụng phương pháp đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học là tất yếu khách quan ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, đúng với tinh thần đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội của giáo dục đại học.

Để đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học, giảng viên giảng dạy các môn khoa học Mác Lê nin cần thực hiện các giải pháp sau:

- Quán triệt quan điểm đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực người học đối với các môn khoa học Mác-Lênin

Mục đích của giáo dục đại học là cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học phải có khả năng đảm nhận một vị trí công việc nhất định. Kiểm tra đánh giá theo năng lực không những giúp sinh viên nắm nội dung kiến thức mà còn giúp sinh viên bồi dưỡng, rèn luyện những năng lực cần có của cuộc sống. Chính vì vậy, trong công tác kiểm tra đánh giá các môn khoa học Mác Lê nin đòi hỏi giảng viên phải khắc phục tâm lý khi kiểm tra đánh giá chỉ nặng về lý thuyết, vì sợ sinh viên không nắm được nội dung bài học; khắc phục nhận thức cho rằng đánh giá kết quả học tập phải có cơ sở rõ ràng, được thể hiện bằng giấy giấy trắng mực đen mới đảm bảo khách quan; khắc phục phương pháp kiểm tra nghèo nàn, thiếu năng động sáng tạo, kiểm tra đánh giá chú trọng mục tiêu dạy chữ, nặng về lý luận. 

- Đa dạng hóa phương pháp kiểm tra, đánh giá các môn khoa học Mác- Lênin

Chỉ một bài thi hay bài kiểm tra trên lớp không thể đánh giá toàn diện năng lực người học. Chính vì vậy giảng viên trong quá trình đánh giá cần mạnh dạn áp dụng nhiều nhiều hình thức phương pháp đánh giá khác nhau. Giảng viên có thể sử dụng phương pháp đặt câu hỏi hiệu quả. Thông qua hệ thống câu hỏi, giảng viên có thể định hướng nội dung kiến thức và nắm bắt được lượng kiến thức mà sinh viên nắm được. Giảng viên cũng có thể sử dụng phương pháp đối thoại trên lớp để sinh viên có thể phát triển tư duy học hỏi lẫn nhau. Giảng viên có thể nêu lên các tình huống để sinh viên vận dụng kiến thức đã học để xử lý. Ví dụ: Khi giảng dạy khối sinh viên ngành sư phạm, giảng viên có thể nêu vấn đề: Vận dụng những nguyên lý của Triết học Mác-Lênin để giải thích vì sao phải có sự kết hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục phổ thông? vv…Càng sử dụng nhiều hình thức kiểm tra, đánh giá, giảng viên càng thu thập được nhiều chứng cứ về sự am hiểu kiến thức, kỹ năng cũng như thái độ, sở thích và hứng thú, niềm say mê chuyên môn của người học.

Hơn nữa, không phải chỉ đến kỳ thi hay kỳ kiểm tra sinh viên mới được kiểm tra, đánh giá, mà hoạt động kiểm tra đánh giá có thể được thực hiện trong suốt cả quá trình học tập, với nhiều hình thức và phương pháp đánh giá khác nhau. Điều đó giúp giảng viên đánh giá mức độ nhận thức và khả năng vận dụng kiến thức của sinh viên một cách chính xác.

- Đa dạng hóa đối tượng tham gia hoạt động đánh giá kết quả học tập

Kiểm tra đánh giá không được gây căng thẳng áp lực cho sinh viên mà phải tạo điều kiện cho sinh viên phát huy hết khả năng của mình. Giảng viên có thể đa dạng hóa đối tượng tham gia kiểm tra đánh giá như cho sinh viên tự đánh giá kết quả học tập của mình. Sinh viên có thể tự trả lời câu hỏi “học cái gì?” “học như thế nào?” và “cần tập trung vào những gì tiếp theo?”. Phương pháp này giúp sinh viên thảo luận về việc học tập của mình, chia sẻ sự hiểu biết và nhìn thấy các cơ hội cũng như các sai lầm trong học tập. Hoặc giảng viên cũng có thể sử dụng phương pháp làm nhóm để làm phương pháp đánh giá. Cụ thể, giảng viên có thể chia lớp học thành các nhóm, giao nhiệm vụ nghên cứu và cử đại diện các nhóm lên trình bày. Các nhóm còn lại sẽ nhận xét, đánh giá, bổ sung ý kiến. Trong quá trình thảo luận, tranh luận tập thể, ý kiến cá nhân được bộc lộ, được khẳng định hay bác bỏ và qua đó người học nâng cao mình lên một trình độ mới. Giảng viên sẽ có nhiệm vụ nhận xét, bổ sung hay chỉnh sửa nội dung trình bày của sinh viên. Đồng thời, giảng viên phải quan sát tất cả sinh viên trong lớp về thái độ học tập, ghi lại, cuối tiết học sẽ đưa ra ý kiến về những trường hợp có thái độ học tập chưa tốt, để lần sau họ hoàn thiện hơn. Giáo viên cũng có thể chấm điểm trực tiếp phần trình bày của cá nhân và sự chuẩn bị bài của cả nhóm. Tham gia nhận xét đánh giá theo nhóm, sinh viên sẽ được nâng cao năng lực học tập và các kỹ năng khác như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng trình bày, nhận xét đánh giá. Hoạt động này không những giúp sinh viên chủ động, sáng tạo, nghiêm túc trong quá trình học tập, chuẩn bị bài mà còn làm hoạt động kiểm tra đánh giá sẽ nhẹ nhàng hơn.

- Thiết kế bài giảng theo hướng thu hút sinh viên tham gia vào quá trình dạy học và cùng đánh giá

Để thực hiện linh hoạt các hình thức và phương pháp kiểm tra đánh giá, giảng viên phải đổi mới thiết kế bài giảng theo hướng gợi mở, thu hút sinh viên cùng tham gia giải quyết vấn đề. Thay vì cung cấp kiến thức lý luận theo kiểu chương mục, giảng viên có thể bắt đầu bài học bằng cách đưa ra những tình huống thực tế có tính chất gợi mở, để ngỏ cho sinh viên tự tìm tòi giải quyết và tự rút ra nội dung kiến thức bài học.  Thông qua các hoạt động đó, năng lực nhận thức, vận dụng, năng lực diễn đạt, năng lực thể hiện của sinh viên được bộc lộ. Giảng viên  sẽ có cơ sở cho việc đánh cũng như định hướng phát triển năng lực cho người học. Việc đổi mới thiết kế bài giảng không những tạo điều kiện cho sinh viên tham gia tích cực vào quá trình dạy học mà còn làm cho tiết giảng các môn khoa học Mác Lê nin thêm sinh động, gắn lý luận với thực tiễn, tạo hứng thú cho sinh viên trong quá trình học tập.

Đánh giá là một khoa học, đòi hỏi giảng viên phải có kỹ năng, kiến thức, làm chủ được quá trình đánh giá và phải sử dụng nhiều công cụ, nhiều phương pháp, nhiều hình thức đánh giá khác nhau để đánh giá. Phương pháp đánh giá càng đa dạng thì mức độ chính xác trong đánh giá càng cao vì phản ánh khách quan tốt hơn. Chính vì vậy để nâng cao năng lực đánh giá cho giảng viên, các tổ Bộ môn, các Khoa cũng như nhà trường cần tổ chức các cuộc hội thảo, tăng cường trao đổi, thường xuyên cập nhật lý luận về kiểm tra đánh giá, cũng như học tập kinh nghiệm của đồng nghiệp trong thực tế kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên nói chung.

Tóm lại, đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá là việc làm cần thiết hiện nay ở Khoa Lý luận chính trị. Quá trình đó cần phải được thực hiện một cách đồng bộ và lâu dài từ nhận thức đến tổ chức thực hiện, nhằm quán triệt đường lối đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tào tạo của đơn vị và của nhà trường.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

[1]. Đảng Cộng sản Việt Nam -  Văn kiện hội nghị BCH TW lần thứ 8 Khóa XI. VPTW Đảng. HN.2013.Tr.130

[2]. Trần Thị Kim Hiền – Nguyễn Thị Hồng Ninh “Nâng cao chất lượng tự học của sinh viên trong đào tạo theo học chế tín chỉ” – Đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường . Trường Đại học Hà Tinh. 2010.

[3]. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 5. Nxb CTQG. HN. 1995. Tr.287

[4]. Tài liệu tập huân “ Đổi mới phương pháp giảng dạy và kiểm tra đánh giá môn Giáo dục chính trị THCN” năm 2014.tr.24

[5]. www.ntn.edu.vn. Nguyễn Thị Diệu Phương “Phương pháp kiểm tra đánh giá quá trình”

[6]. www.ntn.edu.vn. Nguyễn Thái Vũ. “ Thực trạng hệ thống đánh giá kết quả học tập và biện pháp nâng cao chất lượng kiểm tra đánh giá kết quả học tập của sinh viên”