Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Quan điểm về khái niệm người tiêu dùng theo cách tiếp cận của một số hệ thống pháp luật trên thế giới

Tác giả: Ths. Dương Thị Cẩm Hằng - Đăng ngày: .

           Trong bất kỳ nền kinh tế nào, người tiêu dùng (NTD) cũng luôn là một lực lượng đông đảo, là động lực phát triển của quá trình sản xuất, kinh doanh. Với nhu cầu và thị hiếu của mình, họ có tác động vô cùng to lớn đối với quá trình dẫn dắt, vận hành của thị trường. Trong tuyên bố được đưa ra trước Thượng viện Mỹ ngày 15/3/1962, cựu Tổng thống Mỹ John Kennedy đã từng nhấn mạnh: NTD theo định nghĩa, bao gồm tất cả chúng ta. Họ là nhóm kinh tế lớn nhất gây ảnh hưởng và chịu ảnh hưởng bởi hầu hết các quyết định kinh tế nhà nước và tư nhân…” để chứng tỏ rằng NTD là lực lượng rất quan trọng đối với nền kinh tế.


Trong kinh tế học, thuật ngữ NTD được sử dụng để chỉ những chủ thể tiêu thụ của cải được tạo ra bởi nền kinh tế [1, tr.7]. Còn trong khoa học pháp lý, NTD là chủ thể của quan hệ pháp luật khi lĩnh vực pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD ra đời. Liên quan đến việc xác định khái niệm NTD, hiện nay, trên thế giới hầu hết các quốc gia thường nhận diện NTD dựa trên việc đánh giá 03 tiêu chí đó là (i) NTD là cá nhân; (ii) đối tượng của giao dịch là hàng hóa, dịch vụ;(iii) việc tham gia vào quan hệ không nhằm mục đích kinh doanh.

Thứ nhất, đối với việc đánh giá tiêu chí về bản chất chủ thể của NTD, hiện nay, theo thông lệ, hầu hết các quốc gia trên thế giới đều cho rằng NTD chỉ bao gồm cá nhân chứ không bao gồm các tổ chức.

Theo quan niệm của Liên minh Châu Âu về khái niệm NTD tại Chỉ thị số 1999/44/EC ngày 25/05/1999 về việc mua bán hàng hóa tiêu dùng và các bảo đảm có liên quan (Directive 1999/44/EC of the European Parliament and of the Council of 25 May 1999 on certain aspects of the sale of consumer goods and associated guarantees) thì “NTD là bất cứ tự nhiên nhân nào tham gia vào các hợp đồng điều chỉnh trong Chỉ thị này… vì mục đích không liên quan đến hoạt động kinh doanh hoặc nghề nghiệp của mình”.

Quan điểm này của Liên minh Châu Âu tương đối đồng nhất với quan điểm của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Đức, Nhật Bản, Trung Quốc…

Theo Điều 13, Bộ luật dân sự của Đức năm 2002 định nghĩa: “NTD là bất cứ tự nhiên nhân nào tham gia giao dịch không thuộc phạm vi hoạt động kinh doanh, thương mại hoặc nghề nghiệp của người này”.

Điều 2-1, Luật về Hợp đồng tiêu dùng của Nhật Bản năm 2000 định nghĩa: “NTD theo quy định của luật này là cá nhân nhưng không bao gồm trường hợp cá nhân tham gia quan hệ hợp đồng với mục đích kinh doanh.”

Có thể thấy, các quốc gia nói trên đều có chung một cách tiếp cận đó là chỉ coi NTD bao gồm cá nhân. Quan điểm này xuất phát từ mục đích của việc bảo vệ NTD với tư cách là bên yếu thế trong quan hệ với bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ do sự mất cân xứng về trình độ hiểu biết, khả năng tiếp cận thông tin cũng như điều kiện kinh tế của một cá nhân so với một tổ chức hoạt động kinh doanh chuyên nghiệp.

Thứ hai, đối tượng của giao dịch là những hàng hóa, dịch vụ được phép lưu thông và đáp ứng được các nhu cầu của con người.

Luật bảo vệ quyền lợi NTD Việt Nam hiện nay không quy định về hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Tuy vậy, có thể hiểu được rằng, đó là những gì được phép lưu thông và được người ta mua về để sử dụng cho các mục đích sinh hoạt, tiêu dùng cho cá nhân hay gia đình.

Thứ ba, việc tham gia giao dịch của NTD không nhằm mục đích kinh doanh, thương mại.

Xét trên tiêu chí này, NTD là người mua hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích phục vụ sinh hoạt cho cá nhân, hộ gia đình chứ không sử dụng hàng hóa, dịch vụ vào mục đích cung cấp lại để tìm kiếm lợi nhuận. Quan hệ tiêu dùng được xác lập dựa trên cơ sở hợp đồng mua bán, cung ứng dịch vụ hoặc trên cơ sở sử dụng hàng hóa, dịch vụ.

Điều kiện này cũng được thể hiện rất tường minh, rõ ràng trong khái niệm NTD đã được trích dẫn ở trên của Liên minh Châu Âu, Đức hay Nhật Bản. Với cách tiếp cận tương tự, tại Điều 2, Luật bảo vệ quyền lợi NTD năm 1993 của Trung Quốc, tuy không trực tiếp đưa ra định nghĩa về NTD nhưng thông qua việc quy định: “Trường hợp NTD, vì nhu cầu cuộc sống, mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ thì các quyền và lợi ích hợp pháp của họ sẽ được bảo vệ theo quy định của Luật này và trường hợp Luật này không quy định thì sẽ được bảo vệ theo các quy định pháp luật khác có liên quan”, các nhà làm luật Trung Quốc cũng đã xác định NTD là các cá nhân mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ vì nhu cầu sinh hoạt của mình chứ không phải vì mục đích kinh doanh hoặc hoạt động nghề nghiệp.

Tại Việt Nam, khái niệm NTD lần đầu tiên được ghi nhận chính thức tại Điều 1 Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi NTD năm 1999. Theo đó, NTD là người mua, sử dụng hàng hoá, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng sinh hoạt của cá nhân, gia đình và tổ chức”. Cho đến năm 2010, khi Luật bảo vệ quyền lợi NTD được ban hành thay thế cho Pháp lệnh nói trên thì khái niệm này lại tiếp tục được ghi nhận tại Khoản 1 Điều 3 của Luật này và nội dung không có sự thay đổi. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, NTD bao gồm các đối tượng không chỉ là cá nhân tiêu dùng riêng lẻ mà còn là các tổ chức (như doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội…) tiến hành mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình hoặc tổ chức đó [2,tr.11].

Tuy vậy, nếu xuất phát từ mục đích ra đời của pháp luật bảo vệ NTD là để nhằm bảo vệ quyền lợi cho bên yếu thế bằng cách trao cho NTD những ưu tiên đặc biệt thì cách tiếp cận này lại không hợp lý và bên cạnh đó cũng không phù hợp với thông lệ của quốc tế. Bởi nếu như thừa nhận các tổ chức cũng có thể trở thành NTD thì rất có thể những chủ thể này sẽ lợi dụng vị trí được ưu tiên để giành những lợi thế bất hợp lý đối với bên kia, trong khi đó, bản thân những chủ thể này không phải là bên bị hạn chế về khả năng tiếp cận thông tin và khả năng tài chính so với bên kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Như vậy, có thể thấy, quan niệm của pháp luật Việt Nam về NTD khá đồng nhất với quan niệm hiện nay của các nước trên thế giới. Theo đó, NTD được hiểu chỉ bao gồm cá nhân tham gia vào các giao dịch dân sự không nhằm mục đích thương mại. Cách tiếp cận như trên là hợp lý và đảm bảo được sự thống nhất cũng như ý nghĩa của pháp luật bảo vệ quyền lợi NTD.

Tài liệu tham khảo:

1. Đại học Luật Hà Nội (2014), Giáo trình Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Nhà xuất bản Công an nhân dân, Hà Nội.

2. Cục quản lý cạnh tranh - Bộ Công thương (2016), Tài liệu Hỏi đáp về pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, NXB Hồng Đức, Hà Nội.