Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Bàn về luận điểm “Tri thức có tính chất lấy không bao giờ hết” của A.Toffler trong tác phẩm Thăng trầm quyền lực

Tác giả: ThS. Đậu Thị Hồng - Đăng ngày: .

Hiện nay nhân loại đang bước vào giai đoạn phát triển với những bước nhảy vọt chưa từng thấy về khoa học và công nghệ, làm cho lực lượng sản xuất phát triển một cách nhanh chóng vượt khỏi trí tưởng tượng của con người. Loài người đang tạo ra những biến đổi về chất chưa từng có trong lực lượng sản xuất, đưa nhân loại từng bước quá độ sang một nền văn minh mới - văn minh trí tuệ.


Trước tình hình đó, vấn đề vai trò của tri thức con người được đề cao hơn bao giờ hết. Trong tác phẩm Thăng trầm quyền lực, A.Toffler đã đề cập đến nền kinh tế tri thức và đề cao vai trò của tri thức như một thứ quyền lực của tương lai; ông nhận xét: “Tri thức có tính chất lấy không bao giờ hết”.

Có thể nói rằng tư tưởng về sức mạnh của tri thức không còn là vấn đề mới mẻ. Phranxi Bêcơn – người sáng lập ra chủ nghĩa duy vật kinh nghiệm Anh đồng thời là cha đẻ của khoa học thực nghiệm hiện đại đã đưa ra tuyên bố: “Tri thức là sức mạnh”. Quan niệm này ngày càng được bổ sung và phân tích với những khía cạnh mới của nó. Nhà kinh tế học người Anh – Aflred Marshall cho rằng, tri thức là động cơ sản xuất mạnh nhất của chúng ta, nó tạo điều kiện cho chúng ta chinh phục thiên nhiên và thỏa mãn những ham muốn của chúng ta.

Năm 1994, trong báo cáo về “Khoa học của thế giới” của Liên Hợp Quốc ghi rõ: “Khoa học mãi mãi là nguồn của cải, khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo ngày nay là khoảng cách nắm được nhiều hay ít tri thức. Nếu không chuyển giao, khoa học và công nghệ sẽ không phát triển lâu dài”. Năm 1998, Ngân hàng Thế giới công bố Báo cáo thường niên “Tri thức cho phát triển” với ba nội dung chính: “Tầm quan trọng của tri thức và khả năng thu hẹp khoảng cách về tri thức trong quá trình phát triển; Các biện pháp xử lý các vấn đề thông tin, đặc biệt là thông tin về tài chính và môi trường; Khuyến khích các giải pháp mà các thể chế quốc tế và chính phủ có thể áp dụng để giải quyết những vấn đề liên quan đến tri thức và thông tin”. Năm 2000, Hội nghị quốc tế về “Tri thức toàn cầu” đã trở thành sự kiện bước ngoặt đối với các nước đang phát triển trong việc thu hút họ vào quá trình sử dụng tri thức cho phát triển bền vững.

Khi so sánh tính chất khác biệt của tri thức với tiền của và bạo lực, A.Toffler chứng minh rằng, nếu tôi đang dùng một cây súng thì không thể cùng lúc anh cũng dùng chính cây súng ấy; cũng như vậy, nếu tôi đang dùng một số tiền thì không thể cùng lúc anh cũng dùng số tiền giống như vậy. Nhưng chúng ta lại có thể cùng một lúc dùng một tri thức như nhau để duy trì hay đã kích đối phương; thậm chí có thể khích động xuất phát nhiều tri thức mới. Ông đi đến kết luận: “Tri thức có tính chất lấy không bao giờ hết”.

Qua việc làm rõ những luận điểm của A.Toffler về tri thức, quyền lực, chủ thể quyền lực và kết hợp với những phân tích tư tưởng của ông về phẩm chất của các loại quyền lực trong truyền thống từ quyền lực của bạo lực, tới quyền lực của của cải cho đến quyền lực của tương lai (quyền lực của tri thức), có thể nhận thấy A.Toffler đã phân tích một cách rất thành công, có cơ sở khoa học đáng tin cậy về sự lên ngôi của sức mạnh tri thức, sự trỗi dậy một quyền lực mới trên quy mô toàn cầu mang tên tri thức – nguồn gốc của một phương thức sáng tạo của cải mới làm thay đổi lịch sử nền văn minh vật chất, văn minh tinh thần của nhân loại trong thời đại ngày nay và tương lai.

Bằng những luận cứ, luận chứng cụ thể, sinh động và rất sâu sắc A.Toffler đã chứng minh rằng, với tư cách là quyền lực, tri thức còn có một ưu thế vượt trội so với bạo lực và của cải. Tri thức là quyền lực có tính chất dân chủ hơn cả, nó là thứ tài sản vô hình, không phải của riêng một người, một nhóm người, của người giàu, kẻ mạnh có thể chiếm hữu, mà về nguyên tắc thì người yếu và nghèo đều có thể chiếm đoạt được.

Mặc dầu đã có những nhận xét rất chính xác về vai trò cuả tri thức nhưng trong khi thể hiện tư tưởng của mình A.Toffler cố gắng thực hiện sự phản biện chủ nghĩa Mác, thể hiện một thế giới quan đối lập và muốn vượt ra ngoài sự ảnh hưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin. Tuy nhiên, như đã phân tích, A.Toffler chỉ lý giải đời sống xã hội từ góc độ văn minh kỹ thuật, từ thành tựu của khoa học công nghệ được ứng dụng vào các hoạt động của đời sống – xã hội đặc biệt là “ca ngợi” quyền lực của tri thức khoa học.

Cũng có thể nhận định, ông mô tả, phân tích bước chuyển của quyền lực và quyền lực của tri thức với xuất phát điểm là lực lượng sản xuất nhưng cố gắng tách nó ra khỏi những quan hệ sản xuất. Song, chính từ xuất phát điểm như vậy, mà một số dự báo của ông về xã hội tương lai có nhiều điểm phù hợp với quan điểm của chủ nghĩa Mác, làm phong phú và bổ sung những nhận định của Mác về vai trò của tri thức khoa học – tri thức đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp.

A.Toffler trở thành một trong số những nhà tương lai học đầu tiêu của thời kỳ hiện đại bàn đến quyền lực tri thức. Vấn đề quyền lực tri thức, vì thế, trở thành một trong những vấn đề rất được quan tâm và A.Toffler là một trong những nhà tư tưởng có quan điểm đáng chú ý nhất hiện nay về vấn đề này.

Quan điểm của A.Toffler về quyền lực tri thức - hay sự lên ngôi của sức mạnh tri thức là một trong những quan điểm được nhiều nhà khoa học, kinh tế, chính trị, xã hội học… thừa nhận. Quan điểm này như một tuyên ngôn của thời đại mới - thời đại kinh tế tri thức. Chính vì vậy, tư tưởng của A.Toffler về quyền lực tri thức thu hút sự quan tâm của nhiều giới nghiên cứu hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Alvin Toffler (2002), Thăng Trầm quyền lực, NXB Thanh Niên

2. Hồ Sỹ Quý (1998), "Lăng kính văn hóa", Tạp chí Cộng sản, (số 13)