Uninature PT - шаблон joomla Скрипты

Đổi mới quy trình giảng dạy nhằm phát triển năng lực người học tại Trường Đại học Hà Tĩnh

Tác giả: ThS. GVC Trần Nguyên Hào - Đăng ngày: .

 

 

Sau hơn 6 năm Trường Đại học Hà Tĩnh chính thức triển khai đào tạo theo học chế tín chỉ và 2 năm áp dụng hình thức đào tạo theo chuẩn CDIO, có thể nói việc dạy và học đã có bước chuyển biến tích cực và bước đầu đã đạt được những kết quả nhất định.


Giảng viên và đã thay đổi ý thức, thái độ, thói quen và từng bước hình thành những kỹ năng mới; nhiều giảng viên đã có những sáng tạo rất có hiệu quả trong quá trình giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và tạo hứng thú học tập cho sinh viên.

Tuy nhiên, việc phối hợp giữa Phòng Đào tạo, các khoa và giảng viên trong triển khai đào tạo nhiều hoc phần vẫn chưa thực hiện thật tốt những mục tiêu đề ra. Điều đó đòi hỏi phải đổi mới căn bản, toàn diện hơn nữa quy trình giảng dạy để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của xã hội về nguồn nhân lực trong giai đoạn hiện nay. Trước hết, theo chúng tôi cần thực hiện tốt các giải pháp sau:

 

1. Triển khai hiệu quả việc xây dựng và thực hiện đề cương môn học

Đề cương môn học là cơ sở pháp lý quan trọng nhất đối với giảng viên để tiến hành giảng dạy các môn học; là yếu tố đóng vai trò quan trọng quyết định chất lượng giảng dạy theo học chế tín chỉ. Vì vậy, đề cương môn học phải phát huy được trí tuệ, kinh nghiệm và tâm huyết nghề nghiệp của tập thể giáo viên bộ môn và phải được thẩm định một cách nghiêm túc bởi hội đồng khoa học khoa và bởi nhà trường.

Việc xây dựng đề cương môn học cần được tiến hành theo trình tự sau: Các giảng viên cùng bộ môn thảo luận với nhau và phân công biên soạn đề cương sau đó thẩm định ở tổ và sau đó là thẩm định bởi Hội đồng khoa học khoa, trước khi đưa lên Hội đồng thẩm định của nhà trường. Trong quá trình giảng dạy những năm qua, các giảng viên đã bám sát đề cương môn học để soạn bài giảng, giáo án và đã thực hiện đúng nội dung, yêu cầu của đề cương môn học.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại sau: Một số giảng viên chưa thực hiện đúng lịch trình tổ chức dạy học cụ thể trong đề cương môn học, nhất là về thực hiện giờ giảng và giờ thảo luận, giờ kiểm tra; cung cấp đề cương môn học cho sinh viên muộn sau khi đã giảng dạy được một số tiết.

Để bảo đảm yêu cầu về nội dung cũng như hình thức của đề cương môn học và để triển khai có hiệu quả đề cương môn học, cần thực hiện tốt các vấn đề sau:

- Tiếp tục thực hiện đúng quy trình xây dựng đề cương môn học đối với những môn học mới.

Các khoa tránh chủ quan cho rằng đã có kinh nghiệm trong việc viết đề cương môn học nên thẩm định chưa thật sự chặt chẽ hay triển khai quá nhanh. Đối với những môn đã đưa vào giảng dạy, các khoa cần rà soát lại, nếu cần thiết thì điều chỉnh lại chương trình, đề cương môn học cho phù hợp.

- Trước khi bắt đầu học tiết đầu tiên của học phần, sinh viên phải được cung cấp Đề cương môn học bởi Phòng đạo tạo và khoa chủ quản.

Thực tế những năm qua ở Trường Đại học Hà Tĩnh cho thấy việc này chỉ mới được thực hiện bởi giảng viên. Có nhiều giảng viên chưa cung cấp cho sinh viên ngay.

Vì vậy, trong nhiều tiết học, sinh viên vẫn chưa có đề cương môn học. Khi sinh viên đã có đề cương môn học, giảng viên phải phát huy vai trò của mình trong việc nhắc nhở sinh viên tìm đọc các tài liệu có liên quan đã được đưa ra trong Đề cương môn học và cung cấp thêm một số tài liệu khác để sinh viên nghiên cứu.

2. Đổi mới quá trình lên lớp, đánh giá, cho điểm

Trong đào tạo theo học chế tín chỉ, yêu cầu đối với sinh viên rất cao đó là sinh viên phải tích cực, chủ động giành nhiều thời gian tự học, tự nghiên cứu, soạn bài, chuẩn bị bài thảo luận… Nhưng thực tế cho thấy rất nhiều sinh viên những khóa gần đây rất lười đọc tài liệu, không soạn bài, chuẩn bị câu hỏi thảo luận trước khi lên lớp hoặc soạn bài không đầy đủ, mang tính đối phó.

Đa số sinh viên chưa có thói quen, ý thức tự học, tự nghiên cứu, tự tìm tòi, sáng tạo; chủ yếu sử dụng học liệu cơ bản nhất là giáo trình làm tài liệu học tập, nghiên cứu. Về phía giảng viên có tình trạng một số giảng viên vẫn thực hiện quá trình giảng dạy, phương pháp giảng dạy như đào tạo theo niên chế hoặc chỉ thực hiện vai trò của người dạy, không kiểm tra quá trình thực hiện của sinh viên theo quy định của đề cương môn học.

Việc đánh giá, cho điểm sinh viên của đa số giảng viên còn chưa chặt chẽ và chưa linh hoat. Để khắc phục những tồn tại này, theo chúng tôi cần thực hiện tốt các khâu then chốt sau:

Một là, Giảng viên phải theo dõi và kiểm tra việc thực hiện Đề cương môn học của sinh viên một cách thường xuyên và nghiêm túc.

Để có các giờ giảng theo học chế tín chỉ có chất lượng, trước hết giảng viên phải quy định sinh viên có vở soạn riêng để hoàn thành những nội dung yêu cầu trong đề cương môn học đã quy định, bao gồm đọc tài liệu, soạn bài, làm bài thảo luận, các bài tập…Đồng thời giảng viên phải thường xuyên kiểm tra vở soạn của sinh viên.

Để sinh viên chuẩn bị bài tốt, giảng viên cần phải giới thiệu kết cấu nội dung từng bài, nêu rõ những nội dung giáo viên sẽ giảng trên lớp và những nội dung sinh viên phải tự học ở từng chương trong giờ tự học ngoài giờ trên lớp. Những nội dung thuộc phần tự học, giáo viên phải hướng dẫn sinh viên một cách cụ thể những tài liệu cần đọc, những câu hỏi, vấn đề cần trả lời hoặc giải quyết sau khi tự nghiên cứu tài liệu; đồng thời giành thời gian trên lớp cho sinh viên trình bày để kiểm tra khả năng đọc hiểu, khả năng khái quát kiến thức cũng như khả năng trình bày của sinh viên.

Hai là, đổi mới phương pháp giảng dạy

Giờ giảng theo học chế tín chỉ vừa phải bảm đảm được tiến độ, quy trình như đã thể hiện Đề cương môn học, vừa phải phát huy được tư duy tích cực, sáng tạo của sinh viên và góp phần phát triển các kỹ năng mềm, kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên - những năng lực thực tiễn cần thiết của người lao động trí thức tương lai. Muốn vậy, giảng viên phải luôn tạo không khí thoải mái, sôi nổi, hào hứng nhưng nghiêm túc trong giờ học để sinh viên được trình bày quan điểm, nhận thức của mình về các vấn đề liên quan đến kiến thức bài giảng.

Hiện nay Trường Đại học Hà Tĩnh đã xây dựng lại chương trình theo hướng CDIO với cách tiếp cận hướng tới đào tạo sinh viên phát triển toàn diện cả kiến thức, kỹ năng (cả kỹ năng cứng lẫn kỹ năng mềm), thái độ, năng lực thực tiễn và có ý thức trách nhiệm với xã hội gắn với nhu cầu của người tuyển dụng, giúp người học thích ứng được với môi trường làm việc thay đổi.

Vì vậy, giảng viên phải tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy vai trò sinh viên dưới sự thiết kế bài giảng và quá trình lên lớp của mình. Giảng viên cần triệt để khai thác những tiện ích về đào tạo trực tuyến trên Internet Google Class để đưa các bài giảng word, slide, video và bài tập lên ứng dụng này, tạo điều kiện cho sinh viên củng cố kiến thức và làm bài tập, bài kiểm tra, các bài thảo luận về nhà.

Ba là, đổi mới phương thức đánh giá, cho điểm

Trong đánh giá, cho điểm để cuối cùng là tổng kết điểm trung bình chung cho sinh viên, giảng viên cần kết hợp linh hoạt nhiều kênh như ý thức soạn bài, ý thức tham gia xây dựng bài, ý thức chuẩn bị bài thảo luận, việc trình bày bài thảo luận, điểm kiểm tra để đánh giá cho điểm kiểm tra thường xuyên, điểm ý thức, thái độ học tập. Nên cho điểm sinh viên từ việc gọi hỏi bài, phát vấn, thảo luận hay chấm vở soạn thay cho một số điểm kiểm tra thường xuyên (hệ số 1).

Điều này vừa có tác dụng khuyến khích nhưng sinh viên tích cực học tập, có tư duy tốt vừa đánh giá sinh viên chính xác hơn vì việc kiểm tra viết đối với sinh viên không thể nghiêm túc được do lớp quá đông sinh viên. Mặt khác, cần phải đổi mới hình thức đánh giá đối với thi giữa học phần. Điểm thi giữa học phần chiếm trọng số rất cao trong điểm trung bình chung (hệ số 3) nhưng việc thực hiện thi giữa học phần là thi kiểm tra viết trên lớp trong thời gian 1 giờ tín chỉ và do giảng viên ra đề, coi thi với số lượng sinh viên có thể trên 100 (do ghép lớp) nên kết quả sẽ không phản ánh đúng học lực của sinh viên.

Theo chúng tôi, cần thay thế hình thức thi viết bằng hình thức thi trắc nghiệm hoặc làm bài tập lớn theo nhóm để đánh giá học lực của sinh viên khách quan hơn, chính xác hơn. Để làm được điều này, các giảng viên bộ môn cần thảo luận với nhau về hình thức thi, câu hỏi, đề tài… và đề nghị khoa, nhà trường cho tiến hành thực hiện.

3. Đổi mới quy trình tổ chức thảo luận

Thảo luận là một hoạt động chiếm nhiều thời lượng và giữ vai trò quan trọng đối với chất lượng giảng dạy theo học chế tín chỉ. Nếu hoạt động thảo luận chỉ mang tính hình thức, không có hiệu quả, việc giảng dạy theo hệ thống tín chỉ sẽ đơn thuần là việc cắt giảm thời lượng các môn học so với giảng dạy theo niên chế.

Nhưng trong thực hiện giảng dạy theo học chế tín chỉ những năm qua, một số giảng viên chưa chú trọng đúng mức đến việc triển khai giờ thảo luận về nội dung và hình thức và cả thời lượng theo quy định. Vì vậy, nhiều giờ thảo luận chưa hiệu quả và chưa có cơ sở đầy đủ để đánh giá, cho điểm sinh viên một cách chính xác theo yêu cầu đào tạo theo học chế tín chỉ.

Để nâng cao chất lượng giờ thảo luận trong thời gian tới, giảng viên cần thực hiện tốt các nhiệm vụ cơ bản sau:

Thứ nhất, xây dựng hệ thống chủ đề thảo luận

Để tổ chức hoạt động thảo luận, trước hết cần phải xây dựng hệ thống chủ đề thảo luận thống nhất đối với từng môn học. Trên cơ sở chương trình chi tiết, giáo viên giảng dạy phải xây dựng hệ thống chủ đề thảo luận của môn học để áp dụng thống nhất trong bộ môn.

Chủ đề thảo luận có thể được xác định theo từng chương hoặc theo nhóm các chương phù hợp với lôgic nội dung. Hệ thống chủ đề thảo luận phải bám sát mục tiêu, yêu cầu của môn học và có trọng tâm, trọng điểm theo hướng liên hệ hoặc vận dụng những kiến thức đã học vào việc giải quyết các vấn đề thực tiễn. Chủ đề thảo luận cần được đưa vào trong Đề cương môn học tương ứng với lịch trình cụ thể cho từng chương.

Thứ hai, giao nhiệm vụ cho sinh viên

Giảng viên phải giao nhiệm vụ chuẩn bị thảo luận cho sinh viên trước khi tiến hành tổ chức thảo luận. Đây là một công việc quan trọng để hoạt động thảo luận đạt kết quả đề ra. Hiện nay, đối với các môn lý luận chính trị, chủ đề thảo luận đã được đưa vào đề cương môn học theo đúng phân bố thời gian, thời lượng.

Tuy nhiên, sau khi kết thức một chương, trước khi bước vào tiết thảo luận một tuần, giảng viên cần phải nhắc nhở sinh viên soạn bài thảo luận theo chủ đề đã đưa ra trong đề cương môn học hoặc theo chủ đề khác mà giảng viên thay thế. Giảng viên cần hướng dẫn sinh viên đọc các tài liệu, chuẩn bị nội dung đề cương, giao nhiệm vụ cho các nhóm, giao nhiệm vụ chủ trì cho cá nhân sinh viên...

Thứ ba,lựa chọn hình thức và phương pháp tổ chức hội thảo

Để tiến hành giờ thảo luận, giảng viên có thể tổ chức theo các hình thức sau:

- Một vài sinh viên trình bày vấn đề đã chuẩn bị, cả lớp nhận xét góp ý, đóng góp ý kiến và đánh giá.

- Chia nhóm thảo luận trực tiếp và các nhóm trình bày và nhận xét, góp ý, phản biện cho nhau.

- Một số nhóm trình bày và nhóm còn lại nhận xét, đánh giá, phản biện.

Lựa chọn hình thức thảo luận phù hợp là vấn đề gặp nhiều khó khăn nhất trong giảng dạy theo học chế tín chỉ hiện nay. Do số lượng sinh viên của lớp ghép là quá đông nên rất khó sử dụng hình thức chia nhóm như đối với lớp đơn. Với lớp ghép, chỉ có thể tổ chức thống nhất ý kiến theo từng dãy bàn hoặc theo hai dãy bàn gần nhau, sau đó cử đại diện trình bày bài thảo luận đã chuẩn bị hoặc quan điểm về vấn đề đang được đặt ra trước lớp.

Về phương pháp, có thể kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như sử dụng máy chiếu, bảng, bìa các tông để ghi quan điểm của sinh viên về chủ đề thảo với vai trò điều hành, hướng dẫn của giáo viên vai trò chủ trì của sinh viên được giao nhiệm vụ. Trong việc tổ chức hoạt động thảo luận, giáo viên cần phải xác định rõ vai trò và trách nhiệm của mình mới có thể thu hút cả lớp tham gia thảo luận, đồng thời phát huy được tính tích cực, sáng tạo của sinh viên, tạo ra không khí sôi nổi, hào hứng cho giờ#7901; thảo luận.

Thứ tư, tổng kết, đánh giá hoạt động thảo luận

Nhận xét, đánh giá của giảng viên sau các giờ thảo luận là rất quan trọng không kém việc chuẩn bị và triển khai thảo luận. Vì vậy, giảng viên phải thực hiện một cách nghiêm túc và khách quan, công bằng. Giảng viên phải bắt đầu từ việc nhận xét đánh giá tổng quan về giờ thảo luận đến nhận xét, đánh giá đối với từng nhóm sinh viên hoặc cá nhân sinh viên.

Đối với các nhóm sinh viên hoặc cá nhân sinh viên tham gia trình bày bài thảo luận hoặc trình bày các quan điểm, ý kiến cho chủ đề thảo luận, phải nhận xét, đánh giá cả về sự chuẩn bị đến nội dung trình bày và cách trình bày, thuyết trình, tranh luận. Với mỗi quan điểm, phải chỉ rõ điểm đúng, sai, phù hợp, chưa phù hợp và những yêu cầu sửa đổi, bổ sung nếu có.

Bên cạnh đó, giảng viên cần nhận xét, đánh giá cách thức trình bày, diễn đạt, kỹ năng thuyết trình, diễn giải, lập luận; cách thức đặt câu hỏi, trả lời câu hỏi của sinh viên. Sau đó, giàng viên phải đưa ra ý kiến kết luận về chủ đề thảo luận và cho điểm đối với tất cả những câu trả lời, bài trình bày, kể cả đạt yêu cầu và chưa đạt yêu cầu. Việc đánh giá bằng điểm sẽ khuyến khích sinh viên tích cực tham gia thảo luận hơn đồng thời bắt buộc sinh viên phải chuẩn bị soạn bài thảo luận ở nhà.

Trên đây là một giải pháp đổi mới quá trình giảng dạy nhằm phát huy tốt hơn vai trò người học và phát triển năng lực người học. Để thực hiện có hiệu quả các giải pháp trên tại Trường Đại học Hà Tĩnh, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà trường, Phòng Đào tạo, các khoa cùng các giảng viên và sinh viên. Đồng thời giảng viên cần nâng cao hơn nữa kiến thức chuyên môn và đổi mới hơn nữa phương pháp, kỹ năng giảng dạy; ứng dụng rộng rãi và có hiệu quả hơn nữa các công nghệ hiện đại về giáo dục đào tạo vào quá trình giảng dạy.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ giáo dục và đào tạo (2013), Báo cáo Nghiên cứu thực trạng đào tạo theo hệ thống tín chỉ trong các trường đại học cao đẳng Việt Nam.

2. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007), Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ban hành kèm theo Quyết định số 43/QĐ/BGD-ĐT ngày 15/08/2007.

3. ThS. Trần Thị Trà Giang (2012), Tổ chức thảo luận trong giảng dạy học phần Tư tưởng Hồ Chí Minh theo học chế tín chỉ, Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Đổi mới phương pháp giảng dạy theo học chế tín chỉ”, Trường ĐH Hà Tĩnh.

4. Trường Đại học Hà Tĩnh (2015), Đánh giá chương trình đào tạo theo học chế tín chỉ sau một chu kỳ đào tạo, Kỷ yếu Hội thảo khoa học.