Sự cần thiết của việc sửa đổi Luật đất đai 2013
Luật Đất đai năm 2013 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành ngày 01/7/2014. Luật quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Qua hơn 6 năm triển khai thực hiện, Luật đã khắc phục, giải quyết nhiều tồn tại, hạn chế phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đất đai năm 2003 và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác quản lý đất đai. Tuy nhiên, bên cạnh một số kết quả đạt được, Luật đất đai 2013 vẫn còn tồn tại một số bất cập, hạn chế; một số nội dung không còn phù hợp với thực tiễn và có những nội dung phát sinh mới mà pháp luật chưa có quy định điều chỉnh nên đã gây khó khăn, lúng túng cho công tác quản lý, sử dụng đất cần được sửa đổi.
Sự cần thiết phải sửa đổi Luật đất đai năm 2013 được đặt ra dựa trên những tồn tại, hạn chế cơ bản sau đây:
Thứ nhất, nhiều quy định trong Luật đất đai 2013 chưa phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và một số luật có liên quan, nhất là các luật về tài sản gắn liền với đất (như Luật đầu tư năm 2014, Luật quy hoạch, Luật nhà ở năm 2014, Luật kinh doanh bất động sản năm 2014, Luật bảo vệ và phát triển rừng, Luật quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017). Chính sách đất đai chưa đồng bộ, còn mâu thuẫn, chồng chéo. Ví dụ, Luật Đất đai năm 2013 quy định việc thu hồi đất trước thời hạn 90 ngày hoặc 180 ngày nhưng không đề cập việc chi trả bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các trường hợp đồng thuận và bàn giao mặt bằng trước thời hạn. Luật đất đai 2013 cũng chưa có quy định về việc Nhà nước thu hồi đất đối với trường hợp chủ đầu tư đã thỏa thuận được 80 - 90% diện tích bị thu hồi mà không thể thỏa thuận được đối với người sử dụng đất đối với 10% diện tích đất còn lại… Ngoài ra, trong thực tế, luật quy định điều kiện để tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất là đất đã giải phóng mặt bằng, nhưng trên thực tế, nhiều dự án kinh phí giải phóng mặt bằng lớn (điển hình là các dự án bất động sản), Nhà nước không đủ kinh phí thực hiện, nên phần lớn các địa phương đều kêu gọi nhà đầu tư thực hiện giải phóng mặt bằng và tiến hành giao đất.
Thứ hai, nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác, phát huy đầy đủ và bền vững để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; việc sử dụng đất ở nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra.
Thứ ba, hệ thống tài chính đất đai gồm định giá đất và thuế đất vẫn chưa đạt được trạng thái cần thiết của chuẩn mực quản lý phù hợp. Quyết định giá đất của cơ quan hành chính còn thiếu độc lập và khách quan. Mặt khác, khi đấu giá quyền sử dụng đất, thì theo khung giá Nhà nước ban hành, nhưng thực tế có nhiều cách thức, con đường hình thành giá đất. Hệ thống thuế về đất đai còn lạc hậu, làm cho nguồn thu từ đất nhỏ hơn rất nhiều so với nhu cầu bảo vệ lợi ích toàn dân về đất đai.
Thứ tư, tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra còn phổ biến. Nhiều địa phương, đơn vị do lãnh đạo thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý đã để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, tự ý chuyển mục đích sử dụng, không đăng ký biến động với cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không thực hiện nghiêm các nghĩa vụ tài chính theo quy định. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ lớn (70%), là nguy cơ gây ra những bất ổn trong xã hội.
Thứ năm, Hiện nay, Luật đất đai 2013 chưa quy định cơ chế, hình thức tích tụ đất đai, nên làm hạn chế giấc mơ về cánh đồng mẫu lớn, về ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất. Quá trình tích tụ, tập trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp nói chung, cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn nói riêng; đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Về thời hạn sử dụng đất, nên chăng Luật chỉ cần ghi là có thời hạn hay không có thời hạn, rồi sau này có điều chỉnh thì Quốc hội có các nghị quyết. Luật cần chi tiết ở hướng dẫn thực hiện, vận hành, chứ không cần chi tiết ở các thời hạn trong Luật.
Sau hơn 6 năm đi vào cuộc sống, với sự thay từ thực tiễn, Luật Đất đai năm 2013 đã cho thấy một số hạn chế cần phải sửa đổi. Với không ít hạn chế, tồn tại nêu trên, việc sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai đang là yêu cầu quan trọng được đặt ra.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Quốc hội (2013) Luật đất đai năm 2013
[2] Nhiều chính sách về đất có thể thay đổi từ năm 2019 (https://vnexpress.net/nhieu-chinh-sach-ve-dat-co-the-thay-doi-tu-nam-2019-3684062.html)
Tin mới
- Một số giải pháp nâng cao hiệu quả dạy - học môn GDCD bậc trung học phổ thông bằng phương pháp thảo luận nhóm - 06/09/2020 07:55
- Khoa học xã hội nhân văn Việt Nam trong quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế - 09/07/2020 03:45
- Trách nhiệm của các chủ thể liên quan trong việc đảm bảo bí mật thông tin cá nhân của người tiêu dùng - 15/06/2020 14:56
- Gương đạo đức cách mạng cố tổng bí thư Trần Phú với việc giáo dục đạo đức cách mạng cho sinh viên - 15/05/2020 14:59
- Rèn luyện động cơ học tập theo phong cách Hồ Chí Minh cho sinh viên Lào ở Trường Đại học Hà Tĩnh - 15/05/2020 14:17
Các tin khác
- Tìm hiểu lịch sử các đại dịch trên thế giới - 14/04/2020 02:00
- Luận về tính tương quan giữa kinh tế tri thức và chủ nghĩa xã hội - 18/02/2020 02:54
- Một số yêu cầu cơ bản khi sử dụng phương pháp thuyết trình trong dạy học môn Giáo dục công dân - 14/02/2020 04:01
- Sự đồng thuận trong công tác bảo vệ môi trường nông thôn ở Trung Quốc - 21/01/2020 02:05
- Một số thay đổi nội dung giảng dạy môn chủ nghĩa xã hội khoa học dành cho sinh viên các ngành không chuyên - 20/11/2019 13:19